Bài thơ “Từ ấy” nằm trong tập thơ cùng tên, được Tố Hữu sáng tác vào năm 1938 là một trong những tác phẩm tiêu biểu đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa lớn trong cuộc đời người thanh niên cách mạng, đánh dấu sự trưởng thành, lớn lên về tâm hồn cũng như lý tưởng cách mạng.
Bài thơ Từ ấy – Tố hữu
Ngâm thơ “Từ ấy” | Giọng đọc Hướng Dương
Từ ấy
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Tháng 7-1938
Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu là một bài thơ vừa có tính triết lý sâu sắc, vừa rất gần gũi, bình dị, thân thuộc. Bằng sự kết hợp tinh tế giữa các bút pháp nghệ thuật giàu hình ảnh, những vần thơ đó đã trở thành một tuyên ngôn, một bài ca bất hủ về lẽ sống của chiến sĩ cách mạng sống mãi với thời gian.
Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Ngữ văn 11 từ 2007.
Nguồn:
1. Thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 2003
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004