Dehoctot.edu.vn xin giới thiệu tới các em học sinh và quý thầy cô giáo tổng hợp một số dàn ý, văn mẫu đặc sắc giúp các em rèn luyện kĩ năng và phương pháp làm văn dạng đề liên hệ sao cho mạch lạc, hấp dẫn. Đề bài: Phân tích các bình diện thi pháp của tác phẩm “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam).
Phân tích các bình diện thi pháp của tác phẩm Hai đứa trẻ – Thạch Lam
Truyện ngắn Hai đứa trẻ là tác phẩm đặc sắc của nhà văn Thạch Lam. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm cần ôn tập trong chương trình Ngữ văn 11.
Mở bài: giới thiệu Thạch Lam và tác phẩm Hai đứa trẻ
Về tác giả Thạch Lam
– Thạch Lam (1910-1942) là thành viên của “Tự lực văn đoàn“.
– Ông thành công về truyện ngắn và bút kí qua các tác phẩm như: “Nắng trong vườn”,”Gió đầu mùa”, “Hà Nội 36 phố phường”, …
– Tác phẩm của Thạch Lam có “cốt cách và phẩm chất văn học”, để lại “các dư vị và cái nhã thú” cho người đọc. Đó là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân trong “Lời bạt” Tuyển tập Thạch Lam.
Về tác phẩm ”Hai đứa trẻ”
– Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” in trong tập “Nắng trong vườn” (1938).
– Truyện ngắn này có những nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam.
Thân bài: phân tích thời gian và không gian nghệ thuật, thi pháp ngôn ngữ trong tác phẩm Hai đứa trẻ
– Thạch Lam có quan điểm về văn chương rất lành mạnh và tiến bộ “Văn chương không phải là sự thoát li hay lãng quên,văn chương là vũ khí thanh cao và đắc lực mà chúng ta có.Nó làm thay đổi xã hội giã dối và tàn ác.Nó làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn”
Khi đến với tác phẩm “Hai đứa trẻ”,mỗi người có những hướng tiếp cận riêng. Ở đây người viết chọn cho mình cách tiếp cận về không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, cốt truyện, nhân vật và thi pháp ngôn ngữ.
Không gian nghệ thuật của tác phẩm hai đứa trẻ
– Không gian cụ thể trong tác phẩm là làng quê nông thôn, phố huyện nghèo nàn xơ xác, tối tâm “ Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều”, “Trời đã bắt đầu đêm, môt đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”.
– Không gian đó được nhìn dưới con mắt của Liên – Chị của An. Với cái nhìn của người trong cuộc làm cho bức tranh của phố huyện nghèo hiện lên càng chân thật hơn, bộc lộ được chiều sâu tâm trạng của nhân vật hơn, giúp cho người đọc càng thấm thía hơn với cuộc sống ở làng quê tiêu điều xơ xác và qua đó bộc lộ được những khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn của những đứa trẻ – tương lai còn đó với biết bao hi vọng và tươi đẹp.
– Tính chất của không gian đó là hẹp, tĩnh lặng mặc dù còn đó những sự sống. Không gian nghệ thuật còn là hình tượng con tàu, ánh sáng con tàu. Con tàu trong tác phẩm mang một ý nghĩa biểu tượng đối với nhân vật Liên. Đối với những đứa trẻ khác cùng những con người trong khu phố nghèo, họ mong con tàu đến để có thể bán được một ít hàng, hay để nhìn thấy được ánh sáng của ngọn đèn điện.
Còn đối với Liên, con tàu và ánh sáng của nó mang lai một thế giới khác hẳn nó như ngôi sao băng vút qua bầu trời, sáng cả không gian và tâm hồn con người. Ánh sáng cháy rực trong tiềm thức Liên, đó là ánh sáng của ước mơ, là quá khứ tốt đẹp của Liên “mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc”, con tàu đi qua làm liên sống lại những ngày tháng sống hạnh phúc với gia đình ở Hà Nội, Liên nhớ về tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc như bao đứa trẻ khác mỗi lần được nhìn thấy con tàu mang ánh sáng, mang cuộc sống từ Hà Nội về “ Liên nhớ lại khi ở Hà Nội chị được hưởng những thức quà ngon, lạ – bấy giờ mẹ Liên nhiều tiền – được đi chơi Bờ Hồ,…”.
– Truyện được tạo dựng chủ yếu xuất phát từ điểm nhìn về mình của nhà văn, do vậy không gian nghệ thuật trong truyện ngắn của ông cũng tuân theo điểm nhìn chủ quan, với những ẩn ức trong bản thân.Vì vậy, không gian nghệ thuật xuất hiện trong các truyện là không gian tâm tưởng, với chiều sâu dồn nén tâm lí. Để tạo lập không gian tâm tưởng, Thạch Lam chú trọng vào các tình thế trọng yếu gợi khoảng lặng nội tâm nhân vật, tạo nên những co giãn không gian giữa hai chiều: Không gian thực( Cái gợi ký ức) vào không gian chiều sâu tâm lý ( những giấc mơ: Giấc mơ thức và giấc mơ ngủ) tạo nên sự day dứt giữa hiện thực và tâm trạng con người.
Không gian về một Hà Nội tráng lệ trong Hai đứa trẻ vẫn gợi lại những ẩn ức đứt quãng, chỉ còn là những hình ảnh mơ hồ chồng lớp hiện về trong tưởng tượng ( giấc mơ thức): Một “ Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo” được gửi về phố huyện trên con tàu đêm, để rồi khi con tàu đi qua không gian hiện thực trở lại với những cảm nhận mơ hồ nửa tỉnh nửa mê ( sự dai dẳng của Hà nội) trong hiện tại: “ An và Liên lặng ngước mắt lên nhìn các vì sao để tìm sông Ngân Hà và con vịt theo sau ông Thần Nông. Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ đầy bí mật, xa lạ và làm mỏi trí nghĩ, nên chỉ một lát hai chị em lại cúi về mặt đất, về quãng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng chị Tý”.
– Với việc xây dựng một không gian như vậy là nhà văn đã đưa lại cho chúng ta những ký ức về một không gian tươi sáng nơi Hà Thành đã ám ảnh, lùi sâu vào vô thức bọn trẻ, khiến đôi mắt buồn trũng muốn yên giấc nhưng vẫn không sao dập tắt cái khao khát được chứng kiến con tàu đêm của An. Bởi lẽ chỉ có chứng kiến con tàu đêm, với ánh sáng điện mới khỏa lấp những mong muốn đang trỗi dậy trong sâu thẳm tâm trí An và nó đòi hỏi phải được giải tỏa. Vì vậy mặc dù rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ nhưng An vẫn cố mở to đôi mắt trước khi chìm sâu vào vô thức của giấc mộng mà với dặn Liên: “ Tàu đến chị đánh thức em dạy nhé”. Không gian tâm tưởng trong truyện được Thạch Lam đặt cạnh không gian thực tại, gợi cảm giác hoài cổ về một nơi trong dĩ vãng .
– Ngoài ra trong tác phẩm có một không gian đặc biệt nữa xuất hiện nữa là không gian bóng tối, không gian bóng tối có một giá trị rất lớn trong việc tạo ấn tượng cho người đọc. Hình ảnh cuộc sống và con người cứ chìm dần, khuất hẳn trong bóng tối. Nó gợi sự xót xa và thương cảm của người đọc dành cho những con người, những cuộc đời, những không gian như thế. Bóng tối càng dày đặc, cảnh sống của con người càng thê lương theo cấp số cộng của cảnh đó thì lòng nhân đạo của nhà văn nhìn từ cảnh và người ấy cũng theo cấp số nhân mà phát triển lên. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp không gian của ánh sáng. Bảy lần nhà văn nhắc đến ánh sáng của các ngọn đèn “ Các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách.” Nhưng ở đây không phải là ánh sáng xua tan đi bóng tối, mà đó là ánh sáng lẻ loi, đơn độc. Ánh sáng xuất hiện với mục đích là để làm nền cho bóng tối, làm cho bóng tối xuất hiện càng dày đặc hơn, bao trùm cả đất trời. Điều này càng giúp cho người đọc hình dung, cảm nhận được số phận đáng thương của người dân trong phố nghèo khổ, bế tắc, không có tương lai., càng giúp ta thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn đối với cuộc sống bất hạnh của con người.
Thời gian nghệ thuật của tác phẩm hai đứa trẻ
Thời gian trong truyện ngắn Hai đứa trẻ là một cảnh chiều tàn nơi phố huyện nghèo trôi đi rất chậm chạp, báo hiệu cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu của những con người nơi đây. Cấu trúc không gian lồng vào thời gian, dùng không gian để đo thời gian là một trong những thành công nghệ thuật đặc sắc của Thạch Lam, thể hiện tài năng của tác giả trong việc cảm nhận tinh tế từng bước chuyển của thời gian trong tác phẩm. Có thể dễ dàng nhận thấy nhịp điệu thời gian trong tác phẩm diễn ra khá chậm: tác giả đã sử dụng thời gian văn bản trải dài trong 10 trang giấy để nói về thời gian cốt truyện trong mấy tiếng đồng hồ ( khoảng 6, 7 giờ). Thời gian trong Hai đứa trẻ được đo và cảm nhận bằng rất nhiều phương tiện khác nhau cả âm thanh, hình ảnh, không gian. Ngay câu mở đầu tác phẩm thời gian buổi chiều tàn đã được cảm nhận bằng âm thanh của tiếng trống thu không “Tiếng trống thu không trên cái chợ của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều”. Vậy là thời gian được đánh dấu bởi âm thanh của tiếng trống thu không “gọi” buổi chiều về.
Và bước chuyển từ buổi chiều tà đến lúc chập choạng tối được báo hiệu bằng âm thanh quen thuộc của tiếng côn trùng kêu nơi phố huyện nghèo “văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng”, tiếng vo ve của muỗi trước thời khắc của ngày tàn. Thời khắc đó cũng được đo bằng những hình ảnh của “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, và được lồng vào không gian “ phương tây đỏ rực như lửa cháy”, “Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời”. Thời gian từ lúc hoàng hôn đến lúc sẩm tối và đêm khuya được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, xuất hiện xuyên suốt toàn bộ tác phẩm và được thể hiện nhiều nhất qua hình ảnh của ánh sáng và bóng tối.
Thạch Lam đã khéo léo sử dụng hình ảnh ánh sáng phát ra từ những ánh đèn leo lét nơi phố huyện trong nhà bác phở Mĩ, đèn dây sáng xanh trong các hiệu khách, đèn từ gánh hàng của mẹ con chị Tí… làm phương tiện để thông báo thời gian. Đối lập với ánh sáng là hình ảnh đêm tối giăng khắp toàn bộ tác phẩm. Chính hình ảnh bóng tối cũng được coi là một công cụ hữu dụng được nhà văn sử dụng khéo léo trong việc thể hiện thời gian trong tác phẩm. Như vậy có thể nhận thấy rằng thời gian cốt truyện của Hai đứa trẻ chỉ diễn ra trong vòng mấy tiếng đồng hồ từ lúc chiều tà đến khoảng 9 giờ tối nhưng Thạch Lam đã rất có ý thức trong việc sử dụng rất nhiều các phương tiện khác nhau để thể hiện khoảng thời gian ngắn đó.
Thời gian nơi phố huyện nghèo dường như ngưng đọng vì sự trôi đi hết sức chậm chạp của những âm thanh nơi vùng quê nghèo, âm thanh của tiếng trống thu không gọi buổi chiều về, âm thanh xao xác xa xôi của cảnh chợ tàn… tất cả những thứ đó khiến ta cảm nhận thời gian trong tác phẩm giống như một sinh thể già cỗi, đánh giấu sự tàn lụi, già nua. Khi mặt trời sắp tắt, đó là cái giờ khắc của ngày tàn. Khi chợ vãn, tức là lúc sự hoạt động của con người đã hết, cũng là khi đêm đã khuya. Ngay trong thế giới con người, âm thanh cũng ít ỏi chẳng kém gì. Khi chợ vãn thì những tiếng ồn ào cũng mất theo bước chân của con người. Lúc trời nhá nhem tối, tiếng ồn ào nơi chợ búa cũng mất. Người ta trao đổi với nhau, nhưng có lời ma không có tiếng. Có chăng là tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi, một bà già hơi điên. Cảnh đêm nơi phố huyện tái hiện chân thực bức tranh cuộc sống nghèo nàn, đơn điệu, tẻ nhạt của những con người nơi đây. Bên cạnh đó, khoảng thời gian của ngày tàn cũng được thể hiện rõ nét qua không gian ngập tràn bóng tối. Trong cái không gian chứa đầy bóng tối ấy, sự hiện diện của ánh sáng càng làm bóng tối sẫm đen hơn và cuộc sống con người càng trở lên đơn điệu, tẻ nhạt.
Thi pháp ngôn ngữ của tác phẩm hai đứa trẻ
– Hai đứa trẻ được ví như một bài thơ trữ tình đầy xót thương. Chất thơ ấy được bay lên từ một cuộc sống còn lầm than cơ cực của những kiếp người bé nhỏ vô danh trong xã hội cũ (họ sống lầm lũi giống như những cái bóng vật vờ trong không gian phủ đầy bóng tối nơi phố huyện ). Đặc biệt chất thơ ấy còn được toát lên từ chính những câu văn, giọng điệu văn mà tác giả sử dụng. Không chỉ dừng lại ở đó, có thể nhận thấy chính cái cấu tứ của truyện cũng làm nó giống với một bài thơ giàu chất trữ tình. Truyện có kết cấu vòng tròn xoay quanh hình ảnh bóng tối được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt toàn bộ văn bản và được miêu tả từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau với những cách diễn đạt khác nhau: buổi chiều hòn than sắp tàn”, “mặt đen lại”, “chiều, chiều rồi”, “bóng tối ngập đầy”, “bước của buổi chiều”, “ngày tàn”.
– “Hai đứa trẻ” có bao chi tiết nghệ thuật giàu sức gợi sâu xa. Thạch Lam tả cảnh, tả người hay kể chuyện đều chọn lọc, tạo nên ấn tượng, nhiều xao xác và bâng khuâng. Cảnh phố huyện tối dần, ngoài đồng thì ếch nhái kêu ran; trong nhà thì tiếng muỗi vo ve. Liên ngồi yên lặng, đôi mắt bóng tối ngập đầy dần, tâm hồn ngây thơ thấm thía cái buồn của buổi chiều quê. Bà cụ Thi hơi điên, nghiện rượu, tiếng cười “khanh khách”. Tiếng đàn bầu của bác xẩm thì “bần bật”. Mẹ con chị Tí bán nước chè. Thằng cu “khiêng hai cái ghế trên lưng”; mẹ nó “đội cái chõng trên đầu”… Thật là vất vả, cực nhọc và nghèo khổ. Những chi tiết ấy rất sống, rất hiện thực. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn thuộc khuynh hướng lãng mạn. Nhưng truyện của Thạch Lam, đặc biệt truyện “Hai đứa trẻ” thì nội dung hiện thực – nhân đạo hòa quyện đầy ám ảnh và lay động.
– Một nét đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam là tinh tế và sâu sắc trong phân tích thế giới nội tâm nhân vật, gợi tả xúc động những biến thái mơ hồ, mong manh trong lòng người. Những dòng viết về tâm trạng của nhân vật Liên với bao buồn vui lẫn lộn, nhiều xao xác bâng khuâng. Trời tối dần, Liên ngồi nhìn phố huyện, không hiểu sao “chị thấy lòng buồn man mác”. Ngồi đợi tàu trong màn đêm, dưới ngàn sao lấp lánh, và ánh sáng của những con đom đóm nhấp nháy, tâm hồn Liên “yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”.Tàu đến, Liên vội đánh thức em dậy, hai chị em nhìn đoàn xe vút qua, nhìn theo cái chấm nhỏ đèn xanh, xa mãi dần khuất sau rặng tre. Liên cầm tay em, “lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Liên nhớ lại kí ức tuổi thơ và ước vọng. Rồi Liên chìm dần trong giác ngủ yên tĩnh của phố huyện về khuya “tịch mịch và đầy bóng tối”.
– Truyện “Hai đứa trẻ” có một giọng điệu rất riêng, giọng điệu tâm tình thủ thỉ. Đó là tiếng nói của một con người, như Nguyễn Tuân nhận xét là “tính tình nhẹ nhàng tinh tế”, “vừa sống vừa lắng nghe chung quanh…” với bao chuyện buồn vui đang xẩy ra. Cái dây xà tích bằng bạc của Liên, Thạch Lam đã phát hiện ra thứ vật dụng mà “chị quý mến và hãnh diện” vì nó tỏ ra chị là người con gái “lớn và đảm đang”. Phở bác Siêu là một thứ quà “xa xỉ, nhiều tiền” mà hai chị em Liên không bao giờ mua được, vì thế hai chị em chỉ biết “ngửi thấy mùi phở thơm”. Liên nhớ về Hà Nội là nhớ những kỉ niệm tuổi thơ, ngày bố còn đi làm, mẹ nhiều tiền, hai chị em được đi chơi bờ Hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ. Phải chăng đó cũng là kí ức tuổi thơ êm đềm của Thạch Lam?
– Thạch Lam sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập để làm nổi bật những cảnh đời lầm than nơi phố huyện. Phố huyện ngập đầy bóng tối. Chỉ có vài ngọn đèn le lói. Riêng ngọn đèn nơi chõng hàng chị Tí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Càng về khuya, phố huyện càng im lìm, tịch mịch. Đêm nào cũng có một chuyến tàu chạy qua phố huyện. Dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng con tàu đã mang đến một thế giới đầy ánh sáng và náo động. Làn khói bừng sáng. Các toa đèn sáng trưng. Đồng và kền lấp lánh. Các cửa kính sáng. Đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Tiếng xe rít. Tiếng hành khách ồn ào, khe khẽ. Tiếng còi tàu rít lên. Đoàn tàu rầm rộ đi tới và vút qua… ánh sáng và bóng tối, ồn ào náo động và tịch mịch, tương phản ấy, đối lập ấy đã làm nổi bật những cảnh ngộ nghịch trái, đồng thời đi sâu vào những tâm tình, tâm trạng, những cảm xúc, cảm giác đầy ám ảnh.
– Một nét đặc sắc nữa về nghệ thuật của Thạch Lam là câu văn dưới ngòi bút của ông thanh nhẹ, trong sáng, giàu hình ảnh và gợi cảm. Ví dụ, cảnh phố huyện lúc chiều tàn: “Phương tây đỏ rực như lửa cháy (…). Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào…”. Đây là cảnh đầu đêm nơi phố huyện: “Trời đã bắt đầu đêm, một mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối…”. Nói về câu văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân, nhận xét: “Bằng sáng tác văn học, Thạch Lam đã làm cho tiếng nói Việt Nam gọn ghẽ đi, co duỗi thêm, mềm mại ra, và tươi đậm hơn”.
Tổng kết các bình diện thi pháp của tác phẩm Hai đứa trẻ
Thạch Lam được đánh giá là một trong những ngôi sao tỏa sáng nhất trên bầu trời văn học Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám, mỗi tác phẩm của ông là sự kết tinh toàn vẹn giữa tài năng nghệ thuật và bút pháp trữ tình. Truyện của Thạch Lam không có cốt truyện đặc biệt, giọng điệu và ngôn ngữ nhiều chất trữ tình: Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình, gợi sự thương xót trước số phận của những con người nhỏ bé bất hạnh. Một giọng văn bình dị mà tinh tế, mềm mại, uyển chuyển, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Truyện ngắn Hai đứa trẻ cũng là một trường hợp như thế.
Thay lời kết luận, Văn học là một dòng sông, nhà văn là con thuyền trên dòng sông ấy. Nước chảy thuyền trôi. Con thuyền đi qua mọi bến bờ của thời gian, không gian và ở một nơi xa nào đó trên một bờ vắng đầy cỏ dại, nó đã cập bến mang theo những khuông hàng chất nặng suy tư. Để rồi mỗi khuông hàng ấy được trao đến tay độc giả những bài học, những cảm thức và những suy nghiệm mà nhà văn lưu giữ nó suốt chặng đường lênh đênh sóng nước. Thạch Lam đã đem sản phẩm tinh thần của mình vượt quá khứ xa xăm, băng qua mọi rào cản xã hội để đến với con người mới thế kỷ XXI, hòa điệu trong những khoảnh khắc đồng hiện của cảm xúc .Và rồi bước ra khỏi thế giới ấy, con người không khỏi ngỡ ngàng ngoái nhìn lại bản thân và hô to lên một tiếng như để tán thưởng cho giây phút thăng hoa.