Thành ngữ, tục ngữ trong văn học dân gian vốn đã được hình thành từ rất lâu đời, có lẽ là từ khi con người bắt đầu có ý thức về ngôn ngữ và hành vi lao động của mình. Chỉ khi con người bắt đầu có chữ viết thì lúc đó văn học viết mới bắt đầu khởi mình trở thành loại hình văn học chủ yếu. Thế nhưng, văn học dân gian luôn luôn song song tồn tại và bổ trợ cho văn học viết bằng bề dày cả về nội dung lẫn lịch sử của mình.
Vấn đề vận dung văn học dân gian nói chung hay tục ngữ, thành ngữ nói riêng trong văn học viết đương nhiên chẳng phải là chuyện hiếm. Văn học dân gian bao giờ cũng là nguồn cảm hứng, ý tưởng và là nghệ thuật để tạo nên những áng văn thơ siêu việt.
Những tác giả có khả năng vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong văn thơ một cách tinh tế và sâu sắc nhất có lẽ phải kể đến Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.
Trong truyện Kiều của Nguyễn Du, có lẽ chẳng hiếm để ta tìm được một vài câu thành ngữ, tục ngữ như:
Nàng rằng: non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm
(Vận dụng câu thành ngữ: trong ấm ngoài êm)
Tẻ vui bởi tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai
(Vận dung câu thành ngữ: khổ tận cam lai)
Những là e ấp dùng dằng
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi
(Vận dụng câu thành ngữ: rút dây động rừng)
Một nhà xum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bê, càng dài tình sông
(vận dụng câu thành ngữ: tình sông nghĩa bể)
…
Có thể nói thành ngữ, tục ngữ đã đi vào thơ Nguyễn Du, chan hòa, tan biến theo phong cách của đại thi hào.
Còn trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, ta có thể kể đến một vài ví dụ nổi tiếng như
- “Bảy nổi ba chìm với nước non” (Bánh trôi nước) – vận dụng câu “ba chìm bảy nổi”.
- “Đừng xanh như lá bạc như vôi” (Mời trầu) – vận dụng câu “bạc như vôi”.
- “Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm” (Làm lẽ) – vận dụng câu “cố đấm ăn xôi”.
Không chỉ thế, ở thơ Hồ Xuân Hương bà còn bẻ vụn và đan cài thành ngữ, tục ngữ vào trong thơ như:
- “Đỏ như son” trong Bánh trôi nước.
- “Xanh như tàu lá”, “Phải duyên phải kiếp” trong bài Mời trầu.
- “Có tiếng không có miếng”, “Gặp chăng hay chớ”, “Làm mướn không công” như trong bài Làm lẽ.
…
Nhờ việc vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác Hồ Xuân Hương đã nêu bật, nhấn mạnh rõ hơn ý nghĩa của những từ cần biểu đạt trong các câu thơ bảy chữ và làm cho ngôn ngữ trong các bài thơ Nôm Đường luật thêm đa dạng, biến hóa, sinh động, hấp dẫn.