“Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã “đẻ” ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn”. Đó là những lời tâm sự chân thành của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông đang trên giường bệnh chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
Đề bài: Phân tích hình ảnh người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật
Những năm tháng chiến tranh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người lính ấy, để rồi ngân thành những cung bậc cảm xúc, những giai điệu hào hùng, trẻ tráng và hồn nhiên. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những khúc ca hay nhất, mang đậm âm hưởng của những ngày tháng gian khó mà tràn đầy hùng tâm tráng trí của những người lính trên tuyến dường Trường Sơn những năm chống Mĩ.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã “ghi lại những nét ngang tàng, dũng cảm và lạc quan của người chiến sĩ lái xe trong binh đoàn vận tải quân sự, qua đó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời chống Mĩ”. Ấn tượng đầu tiên của người đọc về những người lính lái xe Trường Sơn ấy là tư thế ung dung, hiên ngang :
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Ta tưởng như đó là dáng ngồi khoan thai, thong thả của những con người nhàn nhã trong cuộc sống đời thường chứ đâu phải là của người lính trên tuyến đường Trường Sơn mưa bom bão đạn ! Tính từ “ung dung” được đảo lên đầu câu thơ, cũng là từ đầu tiên Phạm Tiến Duật dùng để nói về người lính, như một sự khắc sâu vào tâm trí người đọc tâm thế của những con người anh dũng ấy. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất về họ không phải là tư thế ngồi “ung dung” mà chính là cái nhìn – cái nhìn khoáng đạt, dũng mãnh, chứa đựng cả tinh thần sẩn sàng hi sinh và lòng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Nó cho ta thấy một tư thế hùng dũng, hiên ngang.
Hình ảnh tiểu đội xe không có kính được Phạm Tiến Duật xây dựng thật sâu sắc, họ dám nhìn thẳng vào gian khổ, vào hi sinh mất mát, cũng chính là nhìn thẳng vào bản thân ; không hề run sợ, né tránh. Đó là thái độ của những trái tim dũng cảm, những con người chân chính. Hai chữ “ta ngồi” kết hợp với điệp từ “nhìn” được láy lại ba lần cùng giọng thơ đĩnh đạc đã giúp Phạm Tiến Duật dựng nên thành công tư thế của những người lính lái xe : hiên ngang, kiên định, bất khuất. Nhịp thơ 2/2/2 gợi cho người đọc hình ảnh chiếc xe đang lăn bánh, nhẹ nhàng, thanh thản trước tay lái tự tin của người lính. Chính tâm thế ấy giúp họ bình tĩnh đối diện với những khó khăn, gian khổ của chiến trường:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thắng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như lìa vào buồng lủi.
Đoạn thơ mang đến cho ta cảm giác như một thước phim quay chậm theo ánh nhìn của người chiến sĩ. “Gió”, được nhân hoá qua biện pháp chuyển đổi cảm giác đầy ấn tượng : “xoa mắt đắng”. Hiện thực khó khăn khốc liệt của chiến tranh không làm mất đi nét trẻ trung, lãng mạn trong tâm hồn của người lính. Hình ảnh “Con đường chạy thẳng vào tim” phải chăng là một lời nhắn nhủ của các chiến sĩ : con đường chiến đấu, con đường đến với miền Nam ruột thịt là con đường của trái tim, được sự chỉ dẫn của trái tim. Những từ “nhìn”, “thấy”, “sa”, “ùa” có tác dụng đặc tả tốc độ phi thường của những chiếc xe đang lướt nhanh, băng mình qua mưa bom bão đạn.
Trên con đường ấy, đồng hành với gió là bụi:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Không cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lâm cười ha ha.
Gió bụi tượng trưng cho những gian khổ, thử thách mà các chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn phải trải qua. Tiếng “ừ” vang lên như là sự chấp nhận, nhưng là sự chấp nhận một cách chủ động của người chiến sĩ. Độc đáo và dí dỏm biết bao là hình ảnh so sánh : “Bụi phun tóc trắng như người già”. Hiện thực khó khăn, gian khổ đã được những tâm hồn trẻ trung, lạc quan của người lính nhìn nhận một cách hóm hỉnh, bình thản. Đó là cái bình thản của những người coi thường khó khăn, gian khổ. Với họ, những trở ngại trên con đường chiến đấu là không đáng kể. Vì thế mà : “Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc – Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.
Phạm Tiến Duật đã đưa vào câu thơ chất hiện thực ngồn ngộn, tựa như một câu chuyện của đời sống, tự nó đã mang trong mình chất thơ và người nghệ sĩ chỉ làm công việc của người chấp bút. Chính nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng tâm sự : “lúc đó, việc sáng tác thơ không còn theo vần điệu, cú pháp cổ điển nữa mà lấy vần nhịp của cuộc sống thay cho vần nhịp chữ nghĩa”. Nhịp chiến đấu sôi động của những người lính đã phổ nhạc vào câu chữ, làm nên khúc ca hào hùng về chính cuộc sống của họ. Đó là một cuộc đời bi tráng, đậm chất lính.
Không chỉ có gió bụi chiến trường, những người lính còn phải trải qua những cơn mưa rừng dữ dội :
Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Ta nhận ra ở đây sự lặp lại cấu trúc của câu thơ đầu khổ thơ thứ hai. Đó là sự lặp lại có tính chất liệt kê những gian khổ, qua đó thể hiện tinh thần không nao núng trước những khó khăn của người lính. Họ thản nhiên coi việc mưa giội vào xe là điều tất yếu. Tác giả lại sử dụng một loạt những động từ mạnh để chỉ sự dữ dội của mưa “tuôn”, “xối”, càng nhấn mạnh thêm những gian khổ mà người lính phải trải qua. Nhưng họ chấp nhận một cách ngang tàng, lạc quan :
Không cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
Đó là thái độ của những người lính mang trong mình tâm thế bất khuất, coi thường gian khổ, hi sinh, luôn sẵn sàng tiến về phía trước để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tinh thần ấy được tính bằng con số cụ thể : “trăm cây số“. Cụ thể nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là biểu tượng cho quãng đường mưa bom bão đạn, hi sinh, mất mát. Đọc những câu thơ này ta càng thêm thấm thìa rằng con đường Trường Sơn huyền thoại đã thấm bao mồ hôi, xương máu của chiến sĩ ta.
Thơ Phạm Tiến Duật được dệt nên từ chất liệu của cuộc đời chiến đấu vừa khốc liệt, vừa lãng mạn mà chính ông đã từng trải nghiệm. Vì thế, nó gần gũi lắm, thân thiết lắm. Nó khiến ta có thể cảm nhận được hơi thở của chiến trường, nhịp sống của những người lính. Những con người tràn đẩy tinh thần lạc quan ấy đã biến khó khăn thành cơ hội để thể hiện tình đồng đội sâu sắc :
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi
Đây là cái bắt tay thân tình của những con người cùng chung chí hướng, cái bắt tay truyền lửa – ngọn lửa soi sáng những chặng đường khốc liệt được thắp lên từ triệu trái tim chiến sĩ tràn đầy nhiệt tình cách mạng. Những con người vốn “xa lạ”, gặp nhau nơi chiến trường, đồng điệu nhau ở tình yêu Tổ quốc và trở thành đồng đội, “đồng chí‘. Họ kề vai, sát cánh bên nhau không chỉ trong những giờ phút khốc liệt băng qua mưa bom bão đạn, đối mặt với kẻ thù, cận kề cái chết mà cả trong những phút giây ấm áp, thân tình :
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.
Một định nghĩa về gia đình thật mới mẻ, giản dị và thiết thân biết bao. Những lần nghỉ ngơi vội vã, những bữa cơm đạm bạc chan chứa tình thân đã mang lại không khí gia đình đầm ấm, giúp người lính vơi đi nỗi nhớ quê hương, người thân. Nó như một nguồn sức mạnh nâng bước các chiến sĩ :
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Lắng nghe những vần thơ này ta mới càng thấm thìa hơn nhận định : Phạm Tiến Duật là nhà thơ của Trường Sơn. Hình ảnh “bếp Hoàng Cầm”, “võng mắc chông chênh” là hiện thực của cuộc sống chiến trường được đưa vào thơ tự nhiên như hơi thở núi rừng. Hồn thơ cứ tự nó được khởi nguồn từ chính những hiện thực bình dị ấy. Nhưng nhịp điệu thơ lại được tạo nên bởi nhịp võng đưa, bởi nhịp bánh xe quay đểu. Từ láy “chông chênh” không chỉ mang lại vần điệu cho câu thơ mà còn có ý nghĩa gợi hình sâu sắc. Đó là hình ảnh thực của con đường xe chạy hay là những khó khăn trở ngại, những hiểm nguy mà người lính phải đối mặt trong chiến tranh ? Nhưng khí phách, ý chí chiến đấu của những người lính ấy vẫn luôn vững vàng, kiên định.
Hình ảnh người lính được khắc hoạ bằng ngọn lửa trái tim và tình đồng chí – tình cảm của những con người trong cùng “gia đình” đã nâng những bước chân lạc quan, phơi phới, ngân lên thành câu hát, băng qua “bom giật bom rung” để “Lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Điệp từ “lại đi” lặp lại hai lần vừa thể hiện nhịp sống, chiến đấu của tiểu đội xe không kính vừa khẳng định tinh thần, ý chí cách mạng kiên định vững vàng không sức mạnh bạo tàn nào có thể ngăn nổi của những người lính. Dường như chính những bước chân ấy đã nhuộm lên màu xanh của bầu trời – màu xanh chứa chan hi vọng gợi lên tâm hồn lạc quan, sức trẻ, khát vọng và niềm tin chiến thắng của người lính Trường Sơn.
Trong khổ thơ cuối cùng, một lần nữa tác giả lại nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến trường đồng thời khẳng định ý chí chiến đấu bất khuất của những người lính. Phạm Tiến Duật tâm sự rằng ông đã “gắn bó với những nẻo đường bom đạn bằng máu”. Những trải nghiệm ấy giúp ông hiểu hơn ai hết sự hi sinh của những người lính, và cũng hơn bất cứ người nào, nhà thơ biết rõ sức mạnh của họ bắt nguồn từ chính nhiệt huyết cách mạng tràn đầy. Nhiệt tâm ấy là ánh sáng dẫn lối chỉ đường cho những chiến sĩ thẳng bước trên đường Trường Sơn trập trùng, gian khó :
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước :
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Một từ “vẫn” giản dị mà có sức nặng khẳng định mạnh mẽ. Nó như lời hứa đinh ninh của những chiến sĩ lái xe sẵn sàng vượt lên trên mọi gian lao, thử thách, tiến về miền Nam. Họ đạp bằng tất cả, “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Từ “chỉ cần” đảo lên đầu câu vừa nhấn mạnh thái độ hiên ngang, vừa khẳng định sức mạnh của “trái tim”. “Trái tim” là hình ảnh hoán dụ chỉ những người chiến sĩ trẻ, tràn đầy lòng yêu nước và ý chí kiên cường. Đó là trái tim sục sôi tình yêu Tổ quốc và lòng căm thù quân xâm lược.
Tác giả mở đầu bài thơ bằng dấu ấn về những cái “không có” : “Không có kính không phải vì xe không có kính”. Nhưng khép lại bài thơ lại là : “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Cái không có là những cơ sở vật chất. Cái có là trái tim, là nhiệt huyết của tuổi thanh xuân dâng hiến cho Tổ quốc. Cái không có đó làm nổi bật cho cái có.
Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét : “Chỗ đặc sắc của thơ Phạm Tiến Duật là lấy cuộc sống để nói tình cảm. Cái sâu sắc của tình cảm trong thơ anh phải tìm trong cuộc sống, không tìm trong chữ nghĩa”. Quả thật, chất thơ trong thơ Phạm Tiến Duật nói chung, trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính nói riêng toát lên từ thực tế cuộc chiến đấu, từ niềm vui sống của thời đại, từ sức trẻ, từ tâm hồn phơi phới của thế hệ chiến sĩ Việt Nam mà nhà thơ đã trải nghiệm. Những vần thơ ấy một thời đã là nguồn sống tiếp sức cho những người lính trên khắp các mặt trận. Cho đến nay, nó vẫn chứng tỏ sức sống của mình.
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước anh dũng của dân tộc, biết bao chiến sĩ đã hoà thân thể cùng núi rừng xanh thẳm. Phạm Tiến Duật sáng tác thơ như một sự hối thúc của con tim, như một nén tâm nhang gửi tới những đồng đội thân yêu. Khi thơ là tiếng nói và điệu hồn dân tộc thì nó sẽ tìm được bến neo đậu vĩnh hằng trong lòng độc giả.
Thơ Phạm Tiến Duật chính là những vần thơ như thế. Tiếng nói của một thế hệ thanh niên thời chống Mĩ đã được nhà thơ tài hoa phổ thành thơ, trở thành khúc tráng ca về những con người giản dị mà kiêu hùng, bất khuất. Hình ảnh những người lính của “tiểu đội xe không kính” ấy sẽ còn sáng mãi trong tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc.