Sáng ngày 07/06/2018, những “chú dê vàng” đã bắt đầu kỳ thi quan trọng bậc nhất với môn thi đầu tiên: Ngữ văn. Kỳ thi diễn ra thuận lợi, thành công. Theo những đánh giá của thầy cô giáo giảng dạy và nghiên cứu bộ môn Ngữ văn THCS tại Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào THPT năm 2018 – 2019 khó và hay. Điểm 8 – 9 chỉ giành cho học sinh thực sự khá, giỏi và có tư duy tốt.
dehoctot.edu.vn mời các thầy cô và sĩ tử cùng tham khảo đáp án gợi ý đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2018 – 2019 môn Ngữ văn tại Hà Nội!
Phần I (6 điểm)
- Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác bởi nhà thơ Huy Cận vào năm 1958.
Các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên trong hai câu thơ đó là: gió, trăng, mây, biển.
Biện pháp nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ thực chất tả cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển bao la hùng vĩ đồng thời cho thấy tầm vóc lớn lao của những người lao động. Không gian trong hai câu thơ mở ra ba tầng, con người trong tư thế làm chủ, sánh ngang cùng vũ trụ, hình ảnh con thuyền trở nên mênh mông rộng lớn và khoáng đạt trong đêm trăng sáng; con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la giờ đã trở thanh một con thuyền đặc biệt có gió là là cầm lái, trăng là cánh buồm.
- Bài thơ Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Nguyên tiêu – Hồ Chí Minh:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
Rằm tháng giêng – Hồ Chí Minh:
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
- Bài viết cần đảm bảo những ý sau:
- Ý chủ đề: Vẻ đẹp khoẻ khoắn của những con người lao động đang được làm chủ cuộc đời mới
Nội dung:
Thời điểm “sao mờ” , trời sáng, mặt trời đang lên. Đó là dấu hiệu báo một ngày mới bắt đầu.
+ Chữ “kịp” trong câu thơ thể hiện tinh thần khẩn trương, hối hả của ngư dân lúc kéo lưới
- Câu thơ thứ hai có hai hình ảnh rất gợi cảm.
Hình ảnh thứ nhất: “Ta kéo xoăn tay”. Chữ “xoăn tay” gợi tả những cánh tay rắn chắc, dẻo dai của những chàng trai làng chài như xoắn lại, như căng lên lúc kéo lưới. Một vẻ đẹp trẻ tráng trong lao động rất đáng yêu.
Hình ảnh thứ hai: “chùm cá nặng” là một hình ảnh rất sáng tạo. Cá mắc vào lưới rất nhiều, treo lủng lẳng như những chùm trái cây trĩu cành, phải kéo rất “nặng” tay.
Câu thơ “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng” là một câu thơ hay và đẹp: hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo ca ngợi vẻ đẹp khoe mạnh trẻ tráng trong lao động. Huy Cận hay sử dụng từ “chùm” để tả thế giới sinh vật, như gà, cá tạo nên hình tượng thơ ngộ nghĩnh, đầy ấn tượng
- Nếu khổ thơ thứ tư, tác giả tả đàn cá biển đẹp như một bức tranh sơn mài lộng lẫy trong đó có những con cá song “lấp lánh đuốc đen hồng cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe”, thì ở khổ thơ thứ sáu này, những con cá biển tươi ngon mắc vào lưới cũng vô cùng rực rỡ “Vẩy bạc, đuôi vàng lóe rạng đông”.
+ Câu thơ thứ ba là một bức tranh cá có đường nét, màu sắc tráng lệ. Cá chất đầy khoang thuyền, cá tươi roi rói. “Vảy bạc đuôi vàng” của cá “lóe” lên dưới ánh hồng rạng đông. Nghệ thuật phối sắc của Huy Cận thật tài ba thần tình. Ông đã viết nên câu thơ có hình ảnh đẹp đầy ánh sáng.
+ Có thể nói ở những câu thơ tả cá là những câu thơ đẹp nhất, sáng tạo nhất ở cách phối sắc, ở cách sử dụng hình ảnh hoán dụ (váy cá, đuôi cá, mắt cá…)
- Dưới ánh trăng đông “lóe” lên, cá nằm đầy khoang thuyền được phản chiếu càng ánh lên màu “vàng”, màu “bạc” thể hiện một niềm vui tươi trong lao động của các bạn chài. Câu thơ “lưới xếp / buồm lên/ đón nắng hồng” với cách ngắt nhịp 2/2/3, với cách sử dụng liên tiếp ba động từ (xếp, lên, đón) diễn tả mọi công việc trên biến diễn ra tuần tự mà khẩn trương khi trở về.
Yêu cầu Tiếng Việt: Học sinh tự làm và gạch chân (lưu ý gạch chân thành phần phụ chú – không gạch câu có chứa thành phần phụ chú)
Phần II (4 điểm)
- Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương trong hoàn cảnh gặp nhau ở động rùa của Linh Phi. Từ “tiên nhân” được nhắc tới thứ nhất và thứ hai để chỉ những người thuộc thế hệ trước trong gia tộc; từ “tiên nhân” được nhắc đến thứ ba ý chỉ Trương Sinh
Khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương “ứa nước mắt” và quả quyết ” tôi tất phải tìm về có ngày” vì nàng áy náy khi chưa rửa được nỗi oan cho mình, hơn nữa, phải chăng nàng còn có phần ân hận, xót xa cho số phận của mình.
Gợi ý dàn ý:
1) Dẫn dắt: “Gia đình là tế bào của xã hội”, là điểm tựa tinh thần vững chắc trong cuộc đời mỗi con người. Dẫu ta có đi xa, làm gì, ở đâu thì hai tiếng gia đình vẫn vang lên trong tâm khảm, có ý nghĩa thiêng liêng nhất. Đó là bến đợi, bến chờ, bến tình thương. Vì vậy gia đình có vai trò và ý nghĩa thiêng liêng trong sự sống, cuộc đời mỗi chúng ta.
2) Giải thích:
– Gia đình là khái niệm dùng để chỉ những con người cùng chung huyết thống, dòng tộc, gia phả.
– Có nhiều gia đình trong đó gồm nhiều thế hệ sống chung với nhau, “tam đại đồng đường” thậm chí là “tứ đại đồng đường”.
– Ngoài những đặc điểm chung như mọi gia đình trên đất nước Việt Nam thì mỗi gia đình có truyền thống riêng, qui ước riêng về lễ giáo, đạo đức, lối sống, bổn phận, nghĩa vụ.
3) Suy nghĩ về vai trò của gia đình đối với cuộc sống con người:
– Gia đình là cội nguồn sinh dưỡng của con người.
– Là nơi khởi đầu của mọi yêu thương và mơ ước trong ta.
– Là điểm tựa tinh thần vững chắc trong cuộc đời con người.
– Có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình hình thành nhân cách, lẽ sống, lí tưởng.
4) Bàn luận:
– Một đất nước hùng mạnh phải dựa trên nền tảng của gia đình vững chắc.
– Một đất nước suy vong khi nền nếp trong gia đình bị băng hoại.
– Phê phán một bộ phận con người nói chung và giới trẻ nói riêng thiếu ý thức đối với trách nhiệm gia đình.
5) Kết luận:
– Khẳng định vai trò gia đình đối với cuộc sống con người.
– Suy nghĩ của bản thân.
Như vậy, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại Hà Nội có ba phần rõ ràng, phần 1 – đọc hiểu nhưng là câu hỏi tổng hợp nhiều vấn đề. Phần 2 – nghị luận cũng không khó, dễ dàng vận dụng thực tế vào làm bài.
Chúc mừng các sĩ tử đã vượt vũ môn thành công!