Đề Văn nghị luận xã hội trong kỳ thi lớp 10 năm 2019 tại TPHCM đã đưa ra những tình huống ứng xử của một số người trẻ khi người khác nổi bật hơn mình – với cách thể hiện câu chuyện qua những cái cây cực thú vị.
Trong đề thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn tại TP Hồ Chí Minh năm 2019, câu hỏi nghị luận đưa ra hình 4 cái cây. Trước sự tự tin của một cây cao và nổi bật nhất, 3 cây còn lại có những phản ứng, lời nói, thái độ khác nhau.
Cây số 2 nói: “Tớ sẽ có cách cưa bớt cậu làm cho cậu thấp hơn. Và tớ sẽ nổi bật nhất”.
Cây số 3 nói: “Tớ sẽ cố gắng từng ngày để mình cao hơn. Và đến lúc nào đó tớ sẽ nổi bật nhất”.
Cây số 4 nêu quan điểm: “Với tớ thì việc cậu cao hay thấp hơn tớ không quan trọng. Tớ không thích so sánh mình với người khác”.
Từ đó đề yêu cầu: “Có lẽ những cách ứng xử của cây 2,3,4 với cây 1 cũng là những cách ứng xử của một số bạn trẻ đối với ai đó nổi bật hơn mình. Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy) bàn về một trong ba cách ứng xử ấy”.
Ở câu Đọc – hiểu, đề cũng gây ấn tượng với nội dung nói về quá tình tình nguyện của nhiều bạn trẻ, sự vượt qua thách thức bản thân của họ.
Ngoài những yêu cầu về ngữ pháp đề cũng đặt ra câu hỏi về quan điểm, tư duy: “Có phải lúc nào thách thức bản thân cũng giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp không?”.
Đề thi năm 2019 có tính mở, hướng tới cách ứng xử đẹp của mỗi con người
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, Thành phố Hồ Chí Minh có sự cách tân về cách thức ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn theo hướng mở và quan điểm đó tiếp tục được thể hiện ở đề thi năm nay.
Hình thức thể hiện đề thi, cấu trúc và barem điểm vẫn giữ nguyên với 3 câu hỏi được phân bổ điểm theo tỉ lệ 3/3/4. Trong đó, câu hỏi thứ 3 luôn có 2 lựa chọn cho thí sinh. Cụ thể nhận định về từng câu như sau:
Câu I (3,0 điểm): Có cấu trúc tương tự như đề năm 2018 với 4 ý hỏi, trong đó ý 1 và ý 2 ở mức độ tương đối cơ bản.
Ý 3 yêu cầu học sinh phải chỉ ra điểm chung và điểm khác biệt về nội dung nên học sinh phải lưu ý đọc kĩ văn bản mới trả lời được.
Ý thứ 4 mang tính phản đề yêu cấu thí sinh phải có sự định hướng thay đổi theo những chuẩn mực nhất định phù hợp với đạo đức và pháp luật.
Câu II (3 điểm): Là câu nghi luận xã hội, thí sinh được quyền lựa chọn vấn đề nghị luận ở hình 2,3,4. Hình thức câu hỏi là một bài văn ngắn, dung lượng 1 trang giấy.
Học sinh cần đánh giá được ưu và nhược điểm của mỗi cách ứng xử và có lập luận phù hợp, dẫn chứng xác đáng để bảo vệ quan điểm. Trong đó, cách ứng xử ở hình số 3 là mang tính tích cực nhất.
Yêu cầu của vấn đề nghị luận năm nay là hướng đến sự thay đổi đầu tiên là thay đổi về nhận thức, suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân từ đó sẽ làm thay đổi cuộc sống trong cộng đồng, tập thể.
Câu 3 (4,0 điểm):
Đề 1: Dạng thức đề quen thuộc kết hợp giữa Nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Phần nghị luận xã hội hướng về sức mạnh của gia đình nên cách lập luận của thí sinh vẫn phải nhấn mạnh về vai trò của gia đình tác động đến sự phát triển của bản thân mỗi cá nhân.
Đề 2: Đây được coi là một câu hỏi khó, có yếu tố thách thức với thí sinh, đặc biệt là gây được sức hút với những thí sinh có năng lực tốt về môn Ngữ văn.
Câu hỏi thiên về vai trò và chức năng của văn học trong việc hướng con người tới những điều tốt đẹp, những cảm xúc chân thành, cụ thể “văn học có khả năng đánh thức tâm hồn, gõ cửa trái tim” (Cô Đỗ Khánh Phương – Giáo viên Ngữ văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI)
Nhìn chung: Đề thi được đánh giá tương đối hay, ngữ liệu phù hợp, có tính mở, gần gũi với thực tế đặc biệt là hướng tới cách ứng xử đẹp, tích cực của con người trong xã hội, đặc biệt đề thi vẫn có “đất diễn” dành riêng cho những học sinh giỏi môn Văn.
Thấy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Ngữ văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Đề thi tiếp nối mạch đổi mới trong cách biên soạn đề thi như năm 2018.
Đề giảm nhẹ các câu hỏi mang tính lí thuyết, học thuộc, gia tăng các câu hỏi gắn liền với cuộc sống đồng thời vẫn cho phép thí sinh thể hiện được quan điểm cá nhân, năng lực cảm thụ các tác phẩm văn chương.