MỘT SỐ BIỆN PHÁP TU TỪ TỪ VỰNG
TT | Các biện pháp tu từ | Khái niệm và tác dụng | Cơ sở nhận biết |
1 | So sánh | So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo ra lối nói hàm súc, giúp người đọc (nghe) dễ nắm bắt tư tưởng, tình cảm của người nói (viết). | Có hai kiểu so sánh: – So sánh ngang bằng (như, là, bằng, tựa). Ví dụ: Công chanhư núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. (Ca dao) – So sánh không ngang bằng (hơn, thua, chẳng bằng…). Ví dụ: Bóng Bác cao lồng lộng/ Ấm hơn ngọn lửa hồng. (Minh Huệ) |
2 | Nhân hóa | Nhân hóa là tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gợi hoặc tả con người, làm cho thế giới loài vật, cây cối, động vật… trở nên sống động, gần gũi với con người, biểu thị được những ý nghĩ, tình cảm của con người. | Các kiểu nhân hóa: – Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật. Ví dụ: Ông trời nổi lửa đằng đông/ Bà Sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay. (Trần Đăng Khoa). – Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tinh chất của vật. Ví dụ: Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã. (Hữu Thỉnh) – Trò truyện xưng hô với vật như đối với người. Ví dụ: Bởi tôi ăn uống điều đồ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. (Tô Hoài) |
3 | Ẩn dụ | Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt, tạo tính hàm súc cho câu thơ, câu văn. | Dựa vào các mối quan hệ tương đồng (về hình thức, về cách thức, về phẩm chất và về cảm giác) để tạo ra các loại ẩn dụ: – Ẩn dụ tượng trưng (biểu tượng). Ví dụ: Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim. (Viễn Phương) – Ẩn dụ nhân hóa. Ví dụ: Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao) – Ẩn dụ vật hóa. Ví dụ: Người nách thước, kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. (Nguyễn Du) – Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Ví dụ: Ngoại thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. (Trần Đăng Khoa) … |
4 | Hoán dụ | Hoán dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt. | Các quan hệ tương cận (gần gũi) là: – Lấy bộ phận chỉ toàn bộ. Ví dụ: Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. (Hoàng Trung Thông) – Lấy vật chưa chỉ vật bị chứa. Ví dụ: Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong bác nỗi mong cha. (Tố Hữu) – Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật. Ví dụ: Áo chàm đưa buổi phân li/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay. (Tố Hữu) – Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng. Ví dụ: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. (Tục ngữ) |
5 | Nói giảm, nói tránh | Nói giảm nói tránh là biện pháp tu từ dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển nhằm tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề hoặc thô tục, thiếu lịch sự. | Dùng trong các trường hợp: – Nói về sự đau đớn, hoạn nạn, mất mát (chuyện đau buồn). Ví dụ: Bác đãđi rồi sao Bác ơi/ Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời. (Tố Hữu) – Để biểu thị thái độ nhã nhặn, lịch sự, tránh thô tục. Ví dụ: Cháu mời bà đi nghỉ ạ! |
6 | Nói quá | Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng và tăng sức biểu cảm. | Nói quá là biện pháp tu từ độc lập nhưng đôi khi sử dụng kết hợp với biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ. Ví dụ: – Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho. (Ca dao) – Cày đồng đang buổi ba trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày. (Ca dao) |
7 | Điệp ngữ | Khi nói hoặc viết, người ta có thể dùng biện pháp lặp lại từ ngữ (hoặc cả câu) để làm nỏi bật ý, gây cảm xúc mạnh. | Có nhiều kiểu điệp: – Điệp nối tiếp. – Điệp cách quãng. – Điệp vòng. – Điệp từ. – Điệp ngữ. Ví dụ: – Làng tôi quanh co, quanh co, quanh co,… (Nguyễn Vĩnh Tiên) – Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa. (Thanh Hải) – Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. (Hồ Chí Minh) |
8 | Chơi chữ | Chơi chữ là lợi dụng các đặc điểm về âm, về nghĩa của từ ngữ để tạo ra sắc thái dí dỏm, hài hước, bất ngờ, thú vị.
| Các lối chơi chữ thường gặp: – Dùng từ ngữ đồng âm, gần âm. Ví dụ: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. (Bà Huyện Thanh Quan) – Dùng lối nói trại âm. Ví dụ: Chữ tài liền với chữ tai một vần. (Nguyễn Du) – Dùng cách điệp âm. Ví dụ: Mênh mông muôn mẫu một màu mưa/ Mỏi mắt miên man mãi mịt mờ. (Tú Mỡ) – Dùng lối nói lái. Ví dụ: Một đống chuột chù (Một chú chuột đồng) – Dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa, trái nghĩa, nhiều nghĩa… Ví dụ: Mời cô mời bác ăn cùng/ Sầu riêng mà hóa vui chung toàn nhà. (Phạm hổ) |
- Lưu ý
Về biện pháp tu từ so sánh
Cần phân biệt so sánh thông thường (co sánh lôgic) với so sánh tu từ. So sánh thông thường chỉ mang lại giá trị nhận thức còn so sánh tu từ có giá trị gợi hình, biểu cảm.
Ví dụ:
- Bình cao bằng Nam (So sánh thông thương)
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan (So sánh tu từ)
(Hồ Chí Minh)
Về phép tu từ ẩn dụ
Ẩn dụ là một phép tu từ vô cùng phong phú về khả năng liên tưởng. Trong phạm vi kiến thức phổ thông, cần nắm được một số đặc điểm như sau:
- Ẩn dụ là kết quả rút gọn của phép so sánh (so sánh ngầm). Nếu như so sánh phải có hai đến bốn yếu tố để tạo nên một so sánh thì ẩn dụ chỉ còn lại một yếu tố (vế B – sự vật, sự việc so sánh). Ví dụ:
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
- Trong lời nói hằng ngày thường dùng những cách nói như: chân bàn, chân trời, miệng bát, đầu sông… Đây là những ẩn dụ cố định, tạo nên hiện tượng từ nhiều nghĩa, không có giá trị tu từ nghệ thuật.
Trong văn chương, thường gặp các ẩn dụ tu từ đem lại cho lời văn sức gợi hình, gợi cảm, hàm súc. Ẩn dụ tu từ mang đậm dấu ấn cá nhân tác giả.
Ví dụ:
Thôn Đoài ngồi nhớ thông Đông
Cau thôn Đoài nớ trâu không thôn nào?
(Nguyễn Bính)
Về phép hoán dụ – sự khác nhau giữa hoán dụ và ẩn dụ
- Cũng nhưu ẩn dụ, trong lời nói hằng ngày, hoán dụ được dùng như một phép chuyển nghĩa cố định, không có sắc thái biểu cảm gọi là hoán dụ thông thường. Chẳng hạn như: bốn miệng ăn, chân sút, trăm hay không bằng tay quen (Tục ngữ). Còn trong văn chương, hoán dụ tu từ có sức gợi hình, gợi cảm.
Ví dụ:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Mùa xuân: một thời đoạn của năm để thay cho đơn vị thời gian tròn một năm, một tuổi – “bảy mươi chín mùa xuân” nghĩa là bảy mươi chín tuổi.
Sự giống và khác nhau giữa hoán dụ và ẩn dụ:
Hoán dụ | Ẩn dụ | |
Giống nhau | Gọi sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác. | |
Khác nhau | Dựa vào mối quan hệ tương cận, cụ thể là: + Bộ phận – tổng thể + Vật chứa đựng – vật bị chưa đựng. + Dấu hiệu của sự vật – sự vật. + Cụ thể – trừa tượng. | Dựa vào mối quan hệ tương đồng, cụ thể là: + Tương đồng về hình thức. + Tương đồng về cách thức, hành động. + Tương đồng về phẩm chất. + Tương đồng về cảm giác. |
Về biện pháp tu từ nói quá
- Nói quá còn có các tên gọi khác như: cường điệu, phóng đại, khoa trương, ngoa dụ, thậm xưng.
Khi phân tích phép nói quá phải hướng tới mục đích là làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn bản chất của đối tượng, gây ấn tượng mạnh, làm tăng sức biểu cảm.
Nói quá không phải là nói dối, nói sai sự thật mà là để làm rõ bản chất của đối tượng.
Nói quá thường kết hợp các phép tu từ so sánh, ẩn dụ.
Ví dụ:
Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng
(Ca dao)
Về phép tu từ điệp ngữ
- Điệp ngữ có tác dụng làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh ở người đọc, người nghe.
Cần phân biệt điệp ngữ tu từ với lỗi lặp (làm cho câu văn rườm rà).