Nguyễn Du không chỉ là người có năng khiếu bẩm sinh, ham học, có vốn hiểu biết sâu rộng, từng trải mà quan trọng trong ông có một trái tim nhân hậu, giàu yêu thương, nặng tình đời, tình người. Điều đó đã được thể hiện trong các sáng tác của ông, đặc biệt là Truyện Kiều.
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Chị em Thuý Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
Câu 1. Những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến sáng tác và làm nên một thiên tài Nguyễn Du?
Có ba yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du và làm nên một đại thi hào dân tộc, một danh nhân văn hóa:
– Gia đình: Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn hóa, nhiều người học cao, đỗ đạt và làm quan to. Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận văn hóa ở nhiều vùng quê khác nhau (đó là một tiền đề thuận lợi hun đúc nên một thiên tài dân tộc).
– Thời đại: Nguyễn Du sinh ra trong thời đại có nhiều biến động dữ dội. Xã hội phong kiến Việt Nam đã đi đến hồi kết của sự khủng hoảng. Phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra liên miên, đỉnh cao là cuộc khời nghĩa Tây Sơn “Một phen thay đổi sơn hà”. Sau đó, phong trào Tây Sơn thất bại, chế độ phong kiến triều Nguyễn được thiết lập. Những thay đổi kinh thiên động địa ấy khiến cuộc đời Nguyễn Du cũng chao đảo “thậptải phong trần” (mười năm gió bụi) đó đây. Cuộc sống phiêu bạt đã đem lại cho ông vốn sống thức tế phong phú, thôi thúc ông suy ngẫm nhiều về xã hội, về thân phận con người, hướng ngòi bút của ông vào hiện thực: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, tạo tiền đề quan trọng cho sự hình thành tài năng và bản lĩnh sáng tác văn chương sau này. Những năm tháng lăn lộn cùng nhân dân, ông còn có dịp học hỏi, thu nhặt được nhiều vốn ngôn ngữ nghệ thuật dân gian, đây là tri thức quý báu để tạo nên phong cách ngôn ngữ Truyện Kiều.
– Cuộc đời: Bản thân Nguyễn Du có năng khiếu và yêu văn học. Thời thơ ấu và niên thiếu sống tại Thăng Long trong gia đình phong kiến quý tộc (Nguyễn Du mồ côi cha mẹ sớm, sống cùng anh trai là Nguyễn Khản – cùng cha khác mẹ, giữ một chức quan to trong triều). Thời gian này, Nguyễn Du có điều kiện dùi mài kinh sử và tiếp xúc với cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc. Khi trưởng thành, đất nước biến động, ông lưu lạc đó đây; khi làm quan cho nhà Nguyễn ông được cử đi xứ sang Trung Quốc. Cuộc đời đã cho ông nhiều kinh nghiệm để nâng cao tầm nhìn, tầm khái quát tư tưởng xã hội và thân phận con người trong sáng tác.
Nguyễn Du không chỉ là người có năng khiếu bẩm sinh, ham học, có vốn hiểu biết sâu rộng, từng trải mà quan trọng trong ông có một trái tim nhân hậu, giàu yêu thương, nặng tình đời, tình người. Điều đó đã được thể hiện trong các sáng tác của ông, đặc biệt là Truyện Kiều. Đoạn kết cho tác phẩm, ông đã bày tỏ quan điểm và cách nhìn của mình về cuộc đời: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa/ Thiện căn ở lại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng bai chữ tài”. Mộng Liên Đường chủ nhân trong lời tựa Truyện Kiều thấu hiểu tấc lòng ấy của thi nhân mà viết: “Lời văn tả ra như hình máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột. Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh cũng hệt, đàm tình đã thiết. Nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. Lời đánh giá thật xác đáng, khái quát toàn bộ giá trị nhân văn của Truyện Kiều và một trái tim lớn luôn hướng vào con người, cuộc đời, khóc thương cho những số phận cùng khổ.
=> Đó chính là những yếu tố đã ảnh hưởng, đã hun đúc nên một thiên tài của dân tộc.
Câu 2. Nêu khái quát sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn, cả chữ Hán và chữ Nôm.
– Chữ Hán, có ba tập thơ với tổng số 243 bài, thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhân cách của Nguyễn Du.
+ Thanh Hiên thi tập
+ Nam trung tạp ngâm
+ Bắc hàng tạp lục
– Chữ Nôm:
+ Đoạn trường tân thanh, nhân dân gọi là Truyện Kiều bởi đây là câu chuyện về nàng Vương Thúy Kiều. Truyện Kiều được Nguyễn Du dựa vào cốt truyện Kim VânKiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Tuy nhiên, tác giả không sao chép, mô phỏng mà sáng tác (Việt hóa), phản ánh đời sống xã hội và tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam. Chính vì thế, Truyện Kiều trở thành kiệt tác, cuốn sách gối đầu giường của người Việt.
+ Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh), văn tế mười loại người được viết bằng thể thơ song thất lục bát. Bài văn tế thể hiện một phương diện quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du.
Câu 3. Nêu tóm tắc giá trị nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều.
Giá trị nội dung
– Giá trị hiện thực: Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về xã hội bất công tàn bạo, là lời tố cáo xã hội phong kiến chà đạp quyền sống con người, đặc biệt là những người tài hoa, người phụ nữ.
+ Truyện Kiều tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến từ bọn thống trị: sai nha, quan xử kiện cho đến “họ Hoạn danh giá”, quan Tổng đốc trọng thần; từ tên tiểu tốt vô danh “thằng bán tơ” đến bọn ma cô chủ chứa,… đều ích kỉ, tham lam, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người.
+ Truyện Kiều còn cho thấy sức mạnh ma quái của đồng tiền đã làm tha hóa con người, đảo điên xã hội: “Trong tay có sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Đồng tiền thao túng xã hội, xóa mờ lương tâm và công lí “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, vì tiền mà thân phận người con gái tài sắc đã trở thành món hàng mua bán.
– Giá trị nhân đạo
+ Truyện Kiều là tiếng khóc thương cho số phận bi kịch của con người. Nguyễn Du khóc thương cho nàng Kiều tài sắc, hiếu hạnh, tiêu biểu cho tinh hoa của loài người. Nàng phải chịu những bất hạnh đau đớn nhất của con người: Tình yêu tan vỡ, tình cốt nhục chia lìa, nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị đọa đày,…
+ Truyện Kiều đề cao, trân trọng vẻ đep hình thức, phẩm chất, tài năng, ước mơ, khát vọng của con người. Xây dựng nhân vật Thúy Kiều tài sắc, hiếu hạnh vẹn toàn bị xã hội chà xéo, dày đạp, nhà văn muốn lên án và đề cao những giá trị cao quý ấy của con người; xây dựng mối tình Kim – Kiều, Kiều – Từ Hải là nhằm ngợi ca tình yêu tự do, trong sáng, thủy chung, chống lại lễ giáo phong kiến hà khắc; xây dựng nhân vật Từ Hải – một anh hùng xuất chúng, đội trời đạp đất là ước mơ, công lí, muốn đạp bằng xã hội bất công, tàn bạo, xây dựng một cuộc sống công bằng, tốt đẹp.
Giá trị nghệ thuật
Truyện Kiều là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật dân tộc trên tất cả những phương diện ngôn ngữ và thể loại:
– Ngôn ngữ: Truyện Kiều đã đạt tới trình độ tài hoa, uyên bác, kết hợp tài tình giữa ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ dân gian.
– Thể thơ: Sử dụng thể thơ lục bát uyển chuyển, điêu luyện, kết hợp nhuần nhuyễn hai phương thức tự sự – trữ tình, khiến cho Truyện Kiều trở thành cuốn sách của mọi nhà bởi dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.
– Nghệ thuật tự sự hấp dẫn kết hợp với nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên (tả cảnh ngụ tình), tả con người (từ ngoại hình đến nội tâm, tính cách, diễn biến tâm lí nhân vật), tất cả đều rất thành công. Truyện Kiều không chỉ là một kiệt tác – cuốn sách quý của người Việt Nam mà còn được dịch ra tiếng nước ngoài, giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới.
Câu 4. Tóm tắt Truyện Kiều.
– Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, được sinh ra từ một gia đình trung lưu, nền nếp, gia phong.
– Trong buổi du xuân nhân tiết thanh minh, Thúy Kiều gặp chàng Kim Trọng, hai người chớm nở tình yêu.
– Kim Trọng đến trọ học gần nhà Thúy Kiều, nhân một ngày gia đình Thúy Kiều sang chơi bên ngoại, Thúy Kiều đã cùng chàng Kim gảy đàn, quạt ước, thề nguyền (đính ước).
– Trong khi Kim Trọng về chịu tang chú, gia đình Kiều mắc oan, Kiều bán mình chuộc cha và nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng.
– Cuộc đời Thúy Kiều bị dìm vào bước trầm luân lưu lạc “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” (hai lần bị bọn buôn thịt bán người Mã Giám, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Hà, Bạc Hạnh đẩy vào lầu xanh; hai lần Thúy Kiều phải thay áo nương nhờ cửa phật).
– Vào lầu xanh lần hai, Thúy Kiều gặp Từ Hải. Người anh hùng chuộc cứu Thúy Kiều ra làm vợ, tưởng rằng “phu quý phụ vinh”, nhưng hạnh phúc không được bao lâu, Từ Hải ra đi làm nghiệp lớn, bị mắc mưu Hồ Tôn Hiến, uất ức mà chết đứng.
– Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến lợi dụng rồi ép gả cho một viên thổ quan, nàng nảy xuống sông tự vẫn và được sư Giác Duyên cứu.
– Suốt mười lăm năm, dù đã kết duyên với Thúy Vân nhưng Kim Trọng vẫn chẳng hề nguôi ngoai mối tình đầu say đắm. Chàng “Rắp tâm treo ấn từ quan”, lặn lội tìm Kiều. Gặp được sư Giác Duyên, Kim Trọng đón Kiều về gia đình đoàn tụ.
Câu 5. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Em hiểu thế nào về “chữ tâm” và “chữ tài” của nhà thơ trong tác phẩm này?
– Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, được sinh ra từ một gia đình trung lưu, nền nếp, gia phong.
– Trong buổi du xuân nhân tiết thanh minh, Thúy Kiều gặp chàng Kim Trọng, hai người chớm nở tình yêu.
– Kim Trọng đến trọ học gần nhà Thúy Kiều, nhân một ngày gia đình Thúy Kiều sang chơi bên ngoại, Thúy Kiều đã cùng chàng Kim gảy đàn, quạt ước, thề nguyền (đính ước).
– Trong khi Kim Trọng về chịu tang chú, gia đình Kiều mắc oan, Kiều bán mình chuộc cha và nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng.
– Cuộc đời Thúy Kiều bị dìm vào bước trầm luân lưu lạc “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” (hai lần bị bọn buôn thịt bán người Mã Giám, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Hà, Bạc Hạnh đẩy vào lầu xanh; hai lần Thúy Kiều phải thay áo nương nhờ cửa phật).
– Vào lầu xanh lần hai, Thúy Kiều gặp Từ Hải. Người anh hùng chuộc cứu Thúy Kiều ra làm vợ, tưởng rằng “phu quý phụ vinh”, nhưng hạnh phúc không được bao lâu, Từ Hải ra đi làm nghiệp lớn, bị mắc mưu Hồ Tôn Hiến, uất ức mà chết đứng.
– Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến lợi dụng rồi ép gả cho một viên thổ quan, nàng nảy xuống sông tự vẫn và được sư Giác Duyên cứu.
– Suốt mười lăm năm, dù đã kết duyên với Thúy Vân nhưng Kim Trọng vẫn chẳng hề nguôi ngoai mối tình đầu say đắm. Chàng “Rắp tâm treo ấn từ quan”, lặn lội tìm Kiều. Gặp được sư Giác Duyên, Kim Trọng đón Kiều về gia đình đoàn tụ.
Đây là một bài tập khó, kiến thức nâng cao, mở rộng cho đối tượng học sinh thi vào các trường chuyên, khối chuyên. HS có thể trình bày theo cách hiểu của mình, song cần có những kiến thức cơ bản sau:
Mở bài. Giới thiệu khái quát về thân thế và sáng tác của Nguyễn Du:
– Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới.
– Khác với các nhà thơ trung đại làm thơ để nói chí, thơ của Nguyễn Du lại đề cao cảm xúc, đề cao tình đời, tình người. Vì thế, phần kết cho Truyện Kiều đại thi hào đã viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ ta.
Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
* Giải thích khái niệm
– Tài: tài năng, trí tuệ, năng lực thực sự của con người trong một hay nhiều phương diện.
– Tâm là tấm lòng, tầm hồn, đạo đức, nhân cách của con người. Tâm được biểu hiện qua hành động, việc làm, thái độ, tình cảm, cách ứng xử giữa người với người.
* Vì sao trong Truyện Kiều, Nguyễn Du lại viết: “Thiện can ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”?
– Tài – tâm (đức) là hai tố chất quan trọng, tinh quý, đáng quý nhất của phẩm chất con người. Vì sao Nguyễn Du lại chỉ đề cao chữ tâm? Ông còn so sánh chữ tâm bằng ba chữ tài?
+ Xã hội trong Truyện Kiều cũng chính là xã hội, thời đại mà Nguyễn Du đang sống. Cái xã hội quằn quại trong bao cơn biến loạn, nó trở thành tồi tệ, thối nát. Mọi giá trị tài năng, đạo đức bị băng hoại, bị chà xéo, giày đạp. Không pahỉ ngẫu nhiên mà trong Truyện Kiều và các sáng tác khác của Nguyễn Du, ông luôn than khóc và suy ngẫm về chữ tài:
Đau đớn thay phận đàn bà
Hại thay mang lấy sắc tài mà chi.
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một phần…
nghĩa là trong cái xã hội ấy, tài năng, trí tuệ, năng lực của con người bì vùi dập. Cái tài không được coi trọng, bằng chứng cho thấy: Thúy Kiều “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”, cầm, kì, thi, họa toàn năng, vậy mà nàng chỉ được coi là một món hàng mua bán, nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị giày xéo? Bản thân nhà thơ thuộc lớp người tài tử, nhưng cuộc đời cũng ba chìm bảy nỗi, long đong lận đận đa cùng?
+ Với cái nhìn thấu suốt thời gian, thấu suốt cuộc đời, câu chữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều luôn hằn lên nghĩ suy về thân phận con người tài sắc mà oan nghiệt. Nguyễn Du nhìn thấy tài – mệnh như trò đùa của con tạo “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Tài – mệnh trong xã hội Truyện Kiều là một quy luật tương đố “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Con người có tài đã tự mang trong mình những điều ngang trái, oan khổ, phi lí:
Cổ kim hận sự thiên nam vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
(Độc Tiểu Thanh kí)
(Những nỗi hận xưa nay khó mà hỏi trời được/ Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Những nỗi oan của kiếp giai nhân, tài tử thật khó nà hỏi trời, vì trời đâu biết, đất đâu hay, mà phải hỏi chính cái xã hội bất công, tàm bạo, vạn ác, vị kỉ, hẹp hòi đã dập vùi, chà đạp lên những giá trị cao quý của con người.
+ Chữ tài trong xã hội Truyện Kiều không được trân trọng còn bởi một nguyên nhân cơ bản khác, đó chính là đồng tiền. Đồng tiền đã thành một sức mạnh tác quái ghê gớm, cơ hồ đã trở thành một thế lực vạn năng. Nguyễn Du thấy cả một loạt hành động gian ác, bất chính đều do đồng tiền chi phối. Quan lại vì tiền mà bất chấp công lí: “Có ba trăm lạng việc này mới xong”, “Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì” (vụ án Vương Ông). Sai nha vì tiền mà tra tấn dã man cha con Vương Ông: “Rường cao rút ngược dây oan/ Dẫu là đá cũng nát gan lọ người”. Vì tiền mà Tú Bà, Mã Giám Sinh, Bạc Bà, Bạc Hạnh làm nghề buôn thịt bán người. Tài hoa, nhan sắc, tình nghĩa, nhân phẩm, công lí đều không có nghĩa lí gì trước thế lực của đồng tiền. Đồng tiền nhảy múa trên lương tâm, thao túng cả xã hội, làm băng hoại đạo đức.
– Là người có tài lại quá trải đời, có lẽ Nguyễn Du chẳng dám đem cái tài của mình ra để khoe, để cậy vì tài mà chi chỉ chuốc thêm tai họa, oan trái nên Nguyễn Du muốn lấy cái tâm (chữ tâm) từ chính trong lòng mình “Thiện căn ở tại lòng ta” để tỏa sáng cho đời, cho người. Vì thế, ông đề cao chữ tâm: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong xã hội rối ren, loạn lạc chỉ biết đem chữ tâm để khóc thương cho số phận con người. Các sáng tác của Nguyễn Du đều toát lên tư tưởng, tình cảm, nhân cách của một con người nặng tình đời, tình người. Đặc biệt Truyện Kiều thấm đẫm tình yêu thương đối với người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Khái quát về thân phận, cuộc đời Thúy Kiều, lời thơ thường mang tính triết lí cao và cảm xúc nhân văn xâu sắc:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Đã cho lấy chữ hồng nhan
Làm cho cho hại cho tàn cho cân
Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Trong con mắt của Nguyễn Du, Thúy Kiều, Đạm Tiên không phải là những con điếm vẫn bị xã hội coi khinh, coi rẻ, chà đạp mà đó là những con người tài sắc được trân trọng, yêu thương, che chở. Lẽ ra họ có quyền sống, quyền tự do và hạnh phúc nhưng chính xã hội vạn ác đã đẩy họ vào nhà chứa, biến học thành ca kĩ, thành hàng hóa mua vui cho khách làng chơi, cuộc đời gió dập mưa vùi. Thế nên, hơn một lần trái tim Nguyễn Du thổn thức: “Đau đớn thay phận đàn bà”… “Hại thay mang lấy sắc tài mà chi” để cuộc đời “Một cung gió thảm mưa sầu”, bông hoa sớm nở tối tàn rồi rơi vào quên lãng.
– Nguyễn Du trở thành nghệ sĩ thiên tài và Truyện Kiều thành kiệt tác bởi ông có một trái tim nhân hậu. Một trái tim luôn thổn thức về nỗi đau của con người. Mộng Liên Đường xưa trong lời tựa Truyện Kiều đã đề cao tấm lòng của Nguyễn Du: “Lời văn tả như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn đến đứt ruột […]. Nếu không phải có con mắt thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khánh Toàn thời nay cũng đánh giá: “Cái thế giới làm cho ông thương cảm xót xa là thế giới của tất cả những con người bị giày xéo đọa đày về thể xác cũng như tình thần”. Trong thế giới tàn bạo, Nguyễn Du muốn đem chữ tâm từ chính trái tim, tâm hồn mình để trang trải với những con người cùng khổ. Đó là giá trị nhân văn cao đẹp trong sáng tác, là tư tưởng tiến bộ của đại thi hào dân tộc.
Kết bài. Khẳng định và nâng cao vấn đề
Văn thơ Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Nguyễn Du là người đầu tiên trong văn học trung đại nêu lên vấn đề người phụ nữ tài sắc bị chà đạp. Đây là vấn đề mới mẻ trong cách nhìn con người và xã hội, đưa ra bức thông điệp về quyền lợi con người. Con người phải được trân trọng và bảo vệ, đề cao các giá trị tinh thần của con người. Với chữ tâm, Nguyễn Du trở thành tác giả tiêu biểu của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.
-dehoctot.edu.vn-