Là một bộ phận không nhỏ của thơ ca dân gian, ca dao tình yêu đã để lại trong tâm hồn người đọc những ấn tượng đậm đà sâu sắc. Đó là tiếng tơ đàn muôn điệu chắt lọc từ trái tim yêu của nam nữ thanh niên nông thôn vừa mộc mạc hồn hậu, vừa tinh tế thanh cao. Tình yêu ấy được bộc lộ bằng nhiều cách khác nhau, song cách thông qua các vật dụng thông dùng của cá nhân thu hút sự chú ý hơn cả … Trong số đó chúng tôi nhận thấy chiếc dải yếm được nhắc lại nhiều lần như một môtíp, một ám ảnh nghệ thuật, một tín hiệu thẩm mĩ độc đáo mà có lẽ hiếm có sự vật khác nào có được.
Dải yếm – biểu tượng vẻ đẹp người con gái
So với nhiều vật dụng đi vào ca dao như áo khăn, gương lược, bát đũa, chiếu giường, dải yếm thường gắn liền với vẻ đẹp người con gái hơn cả. Nó không chỉ là trang phục có chức năng bảo vệ, che chắn mà còn tôn thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ. Nhắc đến dải yếm là nhắc đến người con gái xinh đẹp được khẳng định và nâng niu dưới ánh mắt của người nam tử: Tấm yếm đào sao em khéo giữ màu/ Răng đen nhưng nhức, mái tóc đầu em hãy còn xanh/ Sao em ở vậy cho đành?
Đẹp như tiên giáng trần – đó là cách ví von quen thuộc của người bình dân khi nói về một người con gái đẹp. Dẫu cô tiên chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi nhưng hình ảnh về cô tiên vẫn không thể thiếu đôi dải yếm tươi tắn điểm tô: Mỗi tranh vẽ một cô tiên/ Cô đàn cô sáo, cô gõ sênh tiền đẹp sao/ Cô nào yếm cũng lòng đào/ Cô nào mắt cũng như sao trên trời. Thế đấy, người phụ nữ đẹp đâu chỉ nhờ môi thơm mắt sáng, quần lĩnh áo the mà còn nhờ em đeo dải yếm đào nữa.
Tạo hóa đã sinh ra người phụ nữ với “vóc dáng thiên thần” để mang lại sắc hương cho cuộc đời. Không phải không có lí khi tác giả dân gian viết: Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu. Con người ai cũng yêu cái đẹp. Nên dẫu có tếu và có phần hơi quá nhưng người đọc vẫn cảm nhận được “cô yếm thắm” kia có sức thu hút như một thỏi nam châm.
Người con gái có lẽ đẹp nhất ở độ xuân thì với những dấu hiệu môi đỏ má hồng, yếm thắm khăn nhung. Dễ hiểu khi thấy vẻ đẹp ở người con gái “hao hụt” đi rất nhiều vì không còn mang yếm thắm: Chưa chồng yếm thắm đeo hoa/ Chồng rồi hai vú bỏ ra tày gành. Câu ca dao miêu tả sự đối lập giữa hai chân dung – hai hoàn cảnh – hai quãng đời khác nhau để từ đó khẳng định vai trò của dải yếm trong việc làm đẹp thêm cho người con gái. Nhờ nó mà vẻ đẹp của họ được tôn lên rất nhiều.
Trong ca dao tình yêu, dải yếm đã trở thành vật dụng trang sức gần gũi thân thiết vừa che chắn bảo vệ vừa làm đẹp làm duyên cho người con gái. So với áo khăn gương lược, dải yếm có vẻ gần gũi với thịt da – nơi thể hiện rất rõ vẻ đẹp của người phụ nữ – mang hơi ấm mùi hương gợi sức quyến rũ nhiều hơn cả. Cho nên dải yếm chính là biểu tượng cho vẻ đẹp của người con gái đẹp. Họ mặc yếm đâu chỉ làm đẹp cho mình mà còn để đẹp mắt bạn tình, vì thế dải yếm trong ca dao còn là cái cớ để gặp gỡ, giao duyên, tình tự trăm năm.
Dải yếm – cầu nối để gặp gỡ, tình tự, giao duyên
Trầu thường xuất hiện trong mảng ca dao cổ truyền viết về tình yêu nam nữ. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mời trầu còn để bày tỏ tình yêu: Trầu xanh cau đắng chày vàng, Cơi trầu bịt bạc, thiếp mời chàng ăn chung. Nhận trầu đồng nghĩa với nhận tình yêu – nhận lời trăm năm: Em đi ăn miếng trầu anh, Đi ra không dám vui cười với ai… Đó là quan niệm mang tính truyền thống của người dân lao động. Song ta sẽ tìm thấy sự thú vị ở cách mời trầu rất khác, táo bạo mà cũng đầy nữ tính của cô gái trong bài ca dao: Trầu anh trầu đãy, trầu khăn/ Trầu em dải yếm, có ăn em mời. Không mối lái, không cần bâng quơ, không bị động ăn trầu để rồi làm dâu nhà người, “em” rất khéo léo mà cũng rất thật khi hé mở tấm lòng thông qua dải yếm thắm. Chẳng ai tin lời mời khác người thế, nhưng không ai bắt bẻ em. Bởi vì đó là cách nói chân thành cốt để chứa đựng cái “thần” của câu ca dao. Tấm lòng yêu thương của em dành cho người con trai mình đã phải lòng. Dải yếm ở đây đã trở thành miếng trầu đặc biệt.
Một cô gái khác dùng dải yếm để thể hiện khát vọng và tính cách theo cách riêng của mình: Ước gì dải yếm em dài/ Để em buộc lấy những hai anh chàng. Nghịch ngợm nhưng đáng yêu. Sự phóng túng trong điều ước đã bộc lộ trí tưởng tượng phong phú, dồi dào của cô gái ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Nói chỉ để mà nói thế thôi, vì trong tim mỗi người chỉ mong ước lưu giữ một bóng hình. Ao ước của cô gái trong bài ca dao này có lẽ là khát khao yêu thương, khát khao được thể hiện chính mình.
Cũng là điều ước nhưng hay nhất, đẹp nhất, nên thơ và gợi cảm nhất vẫn là: Ước gì sông hẹp một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Con sông vốn là biểu tượng ngăn cách chia lìa, cây cầu lại là biểu tượng của sự đoàn viên, hạnh phúc. Khao khát được gần nhau cho thỏa nhớ mong đã thúc giục ước mơ bắc chiếc cầu dải yếm trong trí tưởng tượng của cô gái. “Người nữ kiến trúc sư thiên tài này” đã thiết kế nên chiếc cầu dải yếm thật độc đáo dành tặng riêng cho chàng sang chơi. Mỗi người đều có quyền mơ ước nhưng có lẽ ước mơ “bắc cầu dải yếm” riêng cho một người mà ta vẫn ngưỡng mộ là trường hợp hi hữu. Chỉ có nghệ thuật dân gian mới có thể sáng tạo ra một cái cầu như thế. Chỉ khi luôn nghĩ đến người yêu, luôn nuôi khát vọng yêu thương cháy bỏng, chân thành, người thiếu nữ mới làm nên điều kì diệu vậy. “Khi yêu cũng như khi say, con người thường thoát li điều kiện thực tế vào suy nghĩ một cách tự do, hồn nhiên theo khát vọng mãnh liệt của trái tim mình” (1). Thiết nghĩ, khát khao bắc chiếc cầu dải yếm qua dòng sông hẹp một gang của cô gái đâu chỉ là mong muốn thu hẹp khoảng cách địa lí thông thường mà còn là khát vọng xoá bỏ ranh giới ngăn cách trong tình yêu, ước mong về một tình yêu đủ đầy, trọn vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn – khát vọng mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc. Nói như một nhà nghiên cứu, khi còn sống, đó là những ước mơ mãnh liệt, những khát khao cháy bỏng của người con gái (Ước gì dải yếm em to, Để em buộc lấy mũi đò kéo lên, Ước gì dải yếm em bền, Để em buộc lấy kéo lên trên bờ) thì đến khi chết ước mơ lại càng kì diệu đẹp đẽ hơn(2)
Kiếp sau đừng hóa ra người
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân
Dải yếm thanh mảnh được đeo để che chắn, bảo vệ vị trí vốn rất gợi cảm của người phụ nữ đâu chỉ thực hiện chức năng thông thường mà còn để làm duyên, để thực hiện cái duyên thầm của mỗi người con gái. Do đó, dải yếm trong ca dao thường là cái cớ để giao duyên:Cái cò lặn lội bờ ao/ Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng? Con cò thường xuất hiện trong ca dao Việt Nam. Theo Vũ Ngọc Phan: “Trong ca dao, người lao động Việt Nam đã mượn đời sống con cò để biểu hiện đời sống của mình, và dùng hình ảnh con cò để gợi hứng, để tỏ sự mong muốn của mình … (3). Ở bài ca dao này, con cò đã thực hiện nhiệm vụ của ông tơ bà nguyệt ướm duyên giữa “chú” và “cô yếm đào”. Cái cò đã nói hộ “chú tôi” niềm mong muốn được xe duyên với “cô yếm đào” xinh xắn hay chàng trai bày tỏ lòng mình với “cô yếm đào” một cách gián tiếp mà kín đáo, thú vị ? Sự ngại ngùng không nói thẳng của người con trai có lẽ đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng cô gái. Biết đâu đó lại là bậc thang đầu tiên cho một mối tình.
Nếu chàng trai ở bài ca dao trên mượn cái cò mai mối thì chàng trai trong bài ca dao này mạnh dạn trong việc bày tỏ ý muốn của mình với “yểu điệu thục nữ” mà chàng “hảo cầu”: Hỡi cô yếm thắm loà xoà/ Lại đây đập đất trồng cà với anh/ Khi nào cà lớn cà xanh/ Anh cho một quả để dành mớm con. Vậy đấy, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chàng trai không phải là giọng nói, tiếng cười, không phải là cái áo, chiếc khăn mà là “yếm thắm loà xoà”. Yếm thắm hẳn là yếm màu đỏ và rất tươi. “Loà xoà” là từ láy tượng hình diễn tả chiếc yếm thắm buông xuống rất tự nhiên. Sự kết hợp của hai từ “yếm thắm” và “loà xoà” đã góp phần khơi gợi trong trí tưởng tượng của người đọc một vẻ đẹp rất ấn tượng, vừa kín đáo, đằm thắm, vừa gợi cảm quyến rũ của cô gái. Qua câu mời gọi “hỡi cô yếm thắm loà xoà” là lời nhờ “lại đây đập đất trồng cà với anh”. Chàng trai không nhờ kín đáo là “cô ấy” (như trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình”) mà nhờ thẳng “cô yếm thắm loà xoà” đang đối diện. Không cần vòng vo tam quốc, chàng trai thổ lộ khát khao được chia ngọt sẻ bùi, cùng lao động với bạn tình để giúp nhau xây dựng cuộc sống gia đình.
Tưởng chừng chỉ yếm thắm mới khiến chàng trai ngỏ ý ướm lời. Nhưng ở một bài ca dao khác, chính sự mộc mạc chân chất và có phần vất vả của cô gái mặc yếm trắng loà xoà kia lại đánh thức tình cảm chân thành của chàng trai: Hỡi cô yếm trắng loà xoà/ Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm/ Ước gì anh được ở gần/ Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh. Nếu yếm thắm với màu đỏ tươi tắn thường được gắn liền với sự sung sướng, hạnh phúc cũng như vẻ đẹp nhan sắc thì yếm trắng trong bài ca dao cho thấy hoàn cảnh cực nhọc, vất vả, neo đơn, không được chăm sóc của cô gái. Có phải chăng vì dãi nắng dầm sương, vì tất tả bộn bề không ai đỡ đần trong công việc nên yếm thắm đã bạc màu thành yếm trắng? Hay yếm trắng chưa được nhuộm thắm màu vì khó khăn vất vả còn nhiều? Điều đặc biệt ở đây là “yếm trắng loà xoà” đã là cái cớ để chàng trai mở lòng mình với cô gái. Một sự ao ước giản dị mà tinh tế : “Ước gì anh được ở gần, để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh”. Ao ước được “ở gần” để giúp em nhuộm thắm màu chiếc yếm. Như vậy, dải yếm ở đây còn là gì khác nếu không phải là “nhịp cầu nối những bờ vui”, là mối lương duyên của ông tơ bà nguyệt run rủi, xe kết để những chàng trai cô gái vốn xa lạ nhau, chú ý đến nhau, quen nhau, và biết đâu còn yêu nhau, xây dựng hạnh phúc lâu dài!
Ca dao trữ tình thường chứa đựng quan niệm thẩm mĩ, sự yêu ghét rạch ròi của nhân dân lao động. Bài ca dao “Mười thương” đã hội tụ đầy đủ vẻ đẹp hình thức và tính nết của một cô gái. Trong vẻ đẹp hình thức chúng tôi thấy xuất hiện bóng dáng dải yếm: Năm thương cổ yếm đeo bùa. Phải chăng “bùa” được nói ở đây là bùa yêu vì dải yếm làm toát lên vẻ đẹp kiêu sa, lôi cuốn của hình thức mà không kém phần đằm thắm, duyên dáng, đoan trang của tính cách? Và cũng chính nó đã làm thổn thức trái tim của biết bao chàng trai thầm thương, trộm nhớ đêm ngày.
Quả thật, dải yếm đã trở thành cái cớ để kí thác tâm tư, mời gọi giao duyên, tình tự trăm năm. Có lẽ vì nó luôn gắn liền với người phụ nữ và hơn thế, nó giúp người phụ nữ tôn lên vẻ đẹp vốn có mà tạo hóa đã ban tặng riêng cho họ; vì dải yếm gợi cảm mang hương yêu mùi nhớ, mang hơi ấm và nhịp đập trái tim người con gái, làm dấy lên khát khao hạnh phúc lứa đôi.
Dải yếm – biểu tượng thiêng liêng, kì diệu của tình yêu, son sắt
Tình yêu được ví như trái cây, phải trải bao năm nhung tháng nhớ, qua nắng giận mưa hờn để đến mùa ửng chín ngọt ngào. Nếu dải yếm là biểu tượng cho vẻ đẹp người con gái, vì đó mà trở thành cái cớ để những chàng trai cô gái gặp gỡ, giao duyên thì cố nhiên dải yếm còn là biểu tượng thiêng liêng, kì diệu cho một tình yêu thuỷ chung son sắt. Ơ bài ca dưới đây, dải yếm đã đi vào nỗi nhớ: Mình về có nhớ ta chăng/ Ta như lạt buộc khăng khăng nhớ mình/ Ta về ta cũng nhớ mình/ Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao. Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ. Có nhớ mới có yêu. Chỉ qua cách xưng hô tha thiết, thân mật “mình – ta” đã thể hiện tình yêu sâu đậm. Tình yêu ấy còn hiện hình trong trí nhớ của “ta” mang về. Nỗi nhớ không mông lung xa vời, không ảo ảnh vô định mà cụ thể rõ ràng bởi xuất phát từ một tình yêu có thật : “Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao”. Thật tinh tế, dung dị. Thật thông minh, kín đáo. Chàng trai đã thổ lộ những tín hiệu ngầm chỉ hai người biết. “Yếm mình mặc” có màu sắc gì, mùi hương gì – chỉ có “ta” và “mình” biết, còn “ tình mình trao” cũng chỉ có “ mình” và “ta” mới thấu hiểu. Chỉ có tám chữ mà chàng trai đã nói được rất nhiều điều. Chính sự súc tích ấy đã nâng tầm tình yêu của họ!
Ca dao là hình thức tâm tình của những chàng trai cô gái. Với cô gái, dải yếm nhiều khi đã giúp họ thổ lộ tâm tư: Thương anh chẳng biết để đâu/ Đùm đầy dải yếm lâu lâu lại nhìn. Tình yêu là gì ? Làm sao mà nói được. Chẳng phải ông hoàng của thơ tình đã từng quả quyết: “đố ai định nghĩa được tình yêu”, hay nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thổn thức: “em cũng không biết nữa,khi nào ta yêu nhau” đó sao? Bởi lẽ tình yêu có quá nhiều sắc thái, lắm tầng bậc mà mỗi người đều có cách yêu và biểu hiện tình yêu theo cách của riêng mình. Cô gái trong bài ca dao này thật độc đáo khi bộc lộ niềm thương nỗi nhớ: “thương anh chẳng biết để đâu” nên mới để vào nơi dải yếm – bởi đó là tâm điểm của nỗi nhớ. Dải yếm còn gì khác hơn là biểu tượng cho tình yêu thắm thiết, mãnh liệt vững bền? Nhìn dải yếm là nhìn thấy tình mình trong đó. Hồn nhiên, chân thành song không kém phần đắm say, lãng mạn, nồng nàn của tuổi trẻ. Tình yêu giúp con người ta lớn hơn mình đã lớn, trưởng thành hơn mình đã trưởng thành, và làm được những việc tưởng chừng không thể: Đêm nằm đắp chục chiếc chăn/ Làm sao sánh được ấm bằng yếm em. Cái nghịch lí ở đây là “chục chiếc chăn” mà không ấm bằng chiếc yếm mỏng manh bé nhỏ bởi lẽ câu ca dao chứa đựng cái tình trong đó. Việc lý tưởng hoá vẻ đẹp của người yêu và coi trọng tất cả những gì thuộc về người yêu cũng là điều dễ hiểu. Nên hơi ấm toả ra từ dải yếm em mà chàng trai cảm nhận được hơn cả chục chiếc chăn cũng là điều chấp nhận được.
Táo bạo hơn, mạnh dạn hơn một chàng trai khác đã khẳng định sức mạnh vô song mà dải yếm tình yêu mang lại: Trời mưa, trời gió kìn kìn/ Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông. Mưa gió vốn đã chứa đựng cái ẩm ướt lạnh lẽo, rét mướt, thêm vào đó từ láy tượng hình “kìn kìn” càng làm tăng thêm sự khắc nghiệt của thời tiết mùa đông. Cứ ngỡ trong điều kiện tự nhiên như thế, con người ta không thể chống chọi, không thể vượt qua sự buốt lạnh kèm theo nỗi buồn và cảm giác cô đơn kéo dài. Nhưng kì diệu thay, chính trong thời khắc ấy, chàng trai lại cảm thấy ấm áp vì bên anh đã có đôi dải yếm của người yêu,vì tim anh đã đầy ắp tình yêu và kì vọng vào một tương lai tốt đẹp vững bền : “đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông”. Dẫu biết rằng chàng trai thi vị hóa, lí tưởng hóa, thoát li khỏi hiện thực cuộc sống để tận hưởng sự ấm áp kì lạ từ đôi dải yếm của người yêu song ta cũng thừa nhận rằng tình yêu đã làm cuộc đời anh thăng hoa. Sự đối lập giữa “đôi” với “nghìn”, “dải yếm” với “chăn bông” càng làm tăng gấp bội sức mạnh của một tình yêu đích thực. Phải chăng bài ca dao muốn gửi đến thông điệp: Hãy biết trân trọng đời sống tinh thần. Vì chính sức mạnh tinh thần sẽ “sưởi ấm tâm hồn, xua tan cái cái lạnh lòng đáng sợ” (4) giúp con người vượt lên sự tẹp nhẹp, lo toan và khắc nghiệt của cuộc sống? Đến với bài ca dao khác ta sẽ cảm nhận được sức mạnh mới mà đôi dải yếm mang lại: Thuyền anh mắc cạn lên đây/ Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền. Thật ngộ nghĩnh và dễ mến. Một cái cớ được đặt ra thật lạ mà có lẽ chỉ có trong ca dao, ở lối tư duy đặc biệt của người đang yêu. Chẳng biết thuyền anh đi đâu mà mắc cạn lên đây, sao không mượn gì mà mượn đôi dải yếm? Ai cũng biết dải yếm đâu thể dùng làm dây huống hồ lại làm dây kéo thuyền mắc cạn. Thực ra đây chỉ là ngụy cớ vì nó ngược với logic thông thường. Vậy đằng sau cái cớ tưởng chừng “vớ vẩn” này là gì? Còn gì khác hơn là thừa nhận sự quan trọng của đôi dải yếm? Chỉ có đôi dải yếm em đeo mới giúp được thuyền anh vượt qua khó khăn. Và cũng chỉ nhờ yếm em, thuyền anh mới có thể sinh tồn, trở về nơi sông bể. Yếm em chính là tình em. Thuyền anh, vì thế cũng trở thành thuyền tình khát khao vượt qua sông ngăn cách để cập bến tình duyên. Sự thổ lộ của chàng trai quả thật rất khéo léo. Mượn chuyện dải yếm để khẳng định một chân lí: “sức mạnh của tình yêu là vô địch” (5), chỉ có tình yêu mới mang lại cho cuộc sống ý nghĩa đích thực, đưa con người về với cộng đồng dân tộc, với quê hương xứ sở của mình, chỉ khi ấy con người mới có điều kiện phát huy thế mạnh của mình, và thật là chính mình.
Tình yêu cần thiết cho cuộc sống, nhưng không phải tình yêu nào cũng cập được bến bờ hạnh phúc, “hôm nay yêu mai có thể xa rồi”(Xuân Quỳnh). Dễ thấy đôi lứa yêu nhau thường trao kỉ vật cho nhau và thề nguyền chung thủy vì hi vọng đó là nhân chứng, vật chứng tượng trưng cho sự vĩnh hằng tình yêu của họ. Vậy mà: Dưới mặt đất chói loà yếm đỏ/ Trên bầu trời rạng tỏ mây xanh/ Từ ngày chia rẽ em anh/ Nước trời còn đó, ai đành phụ nhau. Ở đây dải yếm lại xuất hiện như một kỉ vật thiêng liêng sóng đôi với bầu trời mặt đất để chứng giám cho một tình yêu đã nguyện ước. Lời thề nguyền còn đó mà người đã phụ nhau. “Ai đành” chứa đựng nỗi đau của người lỡ làng duyên kiếp. Bài ca dao khép lại với đại từ phiếm chỉ “ai” còn đau đáu lòng người ở lại với lí trí cho biết rằng: ai thật lòng yêu ai đến bây giờ đã biết.
Đến với bài ca dao đối đáp nổi tiếng ta sẽ lí giải cái phi lí trong sự chuyển đổi màu sắc hoa:- Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm cho anh/ – Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi ! Đây là lời đối đáp của đôi nam nữ đã từng có một tình yêu sâu đậm nhưng giờ đây phải nhận lấy những nỗi trái ngang, phũ phàng. Sắc màu của hoa cúc đã trở thành sắc màu của thái độ, của tâm trạng, của ảo giác. Lẽ thường họ cúc vàng phải nở ra hoa cúc vàng, thế mới thuận tình hợp lí. Nhưng ở đây lại hoàn toàn khác. Với cô gái: “hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím”; với chàng trai: “hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh”. Sự biến đổi màu hoa cốt để nói về dải yếm – cũng là tình yêu của họ. Nhắc đến dải yếm là nhắc đến kỉ niệm của một thời yêu nhau, có nhau. Dải yếm ngày nào cùng trân trọng, nâng niu giờ trở thành vật trao qua trả lại: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím/ Em lấy chồng rồi trả yếm cho anh. Với cô gái, tình yêu không còn thì kỉ vật còn đâu ý nghĩa ban đầu của nó. Giữ làm chi cho buồn lòng. Trước khi lấy chồng, cô muốn “xoá hết nợ nần” nhỡ lắm muộn phiền cho ngày sau. Cách duy nhất cô quyết định: “trả yếm lại cho anh” – mong quên được quá khứ. Đây là tâm lí chung của các cô gái khi phải theo chồng. Còn chàng trai thì: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi. Chàng cũng có vui gì khi tình yêu không thành. “Hoa cúc vàng” dưới ánh mắt đầy tâm trạng “nở ra hoa cúc xanh”. Chẳng biết chàng trai trong bài ca dao này có đồng cảm với chàng trai trong bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” khi nhìn thấy màu xanh biếc của nụ tầm xuân hay không ? Chỉ biết rằng chàng trai không muốn kết cục này xảy ra : anh không nhận yếm em trả lại vì cớ “yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi”. Người con trai khẳng định tình yêu ấy là có thật dẫu duyên không thành. Mong dải yếm luôn bên em che chắn, bảo vệ và tô điểm cho em dẫu quãng đời còn lại của em không có anh. Riêng anh không đòi hỏi gì thêm nữa vì “tình đã cho không lấy lại bao giờ” (Xuân Diệu). Một tình yêu chân thành, cao đẹp của người bình dân thuở xưa khiến chúng ta ngày nay không khỏi bùi ngùi, cảm thương, trân trọng.
Như thế, dải yếm thật có lí khi trở thành kỉ vật thiêng liêng cho tình yêu. Đi vào ca dao, nó đã thoát khỏi chức năng trang phục thông thường của người phụ nữ, trở thành tâm điểm của nỗi nhớ, nỗi khát khao nồng nàn trong tình yêu lứa đôi.
2. Cái cớ để bộc lộ tâm tư, cái cách bộc lộ tâm trạng của người chớm yêu, đang yêu và đã yêu thông qua dải yếm mà chúng tôi đã khảo sát và phân tích cho thấy rằng dải yếm có tầm quan trọng đặc biệt trong ca dao tình yêu. Tác giả dân gian đã khéo léo thổi hồn mình vào dải yếm thanh mảnh, biến nó thoát khỏi chức năng thông thường để trở nên sinh động, ẩn chứa tình cảm nỗi niềm khát khao tình yêu, hạnh phúc và óc thông minh hóm hỉnh của mình. Nói như tác giả Trần Thị Trâm: “So với áo, khăn, gương, lược thì cái mảnh dải yếm thắm bé nhỏ có vẻ gần gũi với thịt da hơn, nó chứa đựng sự khát khao thầm kín về sự gắn bó,va chạm tiếp xúc về thân thể… Vì vậy trong dân gian cái dải yếm thường là vật biểu trưng của tình yêu đã đến độ sâu nặng vững bền, một tình yêu trong sáng thuỷ chung…”(6). Nhìn từ góc độ thi pháp, dải yếm – cũng như thuyền, bến, áo, khăn,… – hoàn toàn có thể trở thành một biểu tượng trong ca dao tình yêu – biểu tượng vẻ đẹp của người con gái, của tình yêu thủy chung sâu nặng, son sắt, vững bền…
Mỗi lần thưởng thức thơ ca dân gian là mỗi lần ta lắng lòng và nghe thấy trong đó tiếng tơ đàn muôn điệu của quần chúng nhân dân lao động. Đặc biệt tìm hiểu ý nghĩa của dải yếm trong ca dao tình yêu, ta không chỉ nhận ra rằng tình yêu của những người tưởng chừng chỉ biết mỗi việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy ấy lại rất đẹp và đáng trân trọng biết bao mà còn thấy rất rõ đời sống lao động và đời sống văn hoá tinh thần của họ. Đó là đời sống của những con người quanh năm “cấy cày ruộng sâu, ở trong làng bộ” (thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước). Đó là tập quán ăn trầu, là lối hát giao duyên đối đáp của người bình dân xưa trong những lần lao động, vào những đêm trăng sáng. Đó còn là chất hóm hỉnh mà chân thành, bộc trực mà không kém phần khéo léo, hồn nhiên mộc mạc mà tinh tế sâu sắc. Đó là sự quý trọng tình cảm, lối sống chung thuỷ nghĩa tình, là khát vọng đời sống hạnh phúc gia đình đậm tính nhân bản, nhân văn. Đó còn là sự trân trọng, nâng niu người phụ nữ – thiên tính nữ – của cội nguồn dân tộc (dấu ấn của chế độ mẫu hệ). Do vậy tìm hiểu sự kì diệu của đôi dải yếm sẽ giúp ta hiểu hơn đời sống văn hoá tâm hồn của người bình dân Việt Nam xưa. Điều này sẽ có nhiều thuận lợi khi nghiên cứu ca dao tình yêu nói riêng, văn học dân gian nói chung.
Theo: Thạc sĩ Lê Tấn Thích