Nét độc đáo trong bài thơ “Tây Tiến”
Đơn vị nhỏ nhưng mãi mãi đi vào lịch sử
Tây Tiến chỉ là một đơn vị nhỏ cỡ Trung đoàn. Trung đoàn 52 Tây Tiến thành lập tháng 2 năm 1947. Trong những ngày bi tráng đơn vị đã có gần 200 chiến sĩ hi sinh chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Nhưng Tây Tiến có nhà thơ và là người chỉ huy Quang Dũng nên Tây Tiến đã đi vào lịch sử và nổi tiếng nhờ bài thơ kiệt tác. Nhà thơ Vân Long cho biết chúng ta đã có cuộc kỉ niệm 60 năm bài thơ Tây Tiến ra đời. Chưa từng có bài thơ nào lại vinh dự được kỉ niệm ngày sinh như vậy. Và điều đặc biệt là đài tưởng niệm Trung đoàn Tây Tiến, 10 câu thơ quan trọng nhất của bài được khắc vào nền bia. Những người chiến sĩ áo lính đã dùng thơ để viết lịch sử của đơn vị mình. Hiện tượng Tây Tiến gợi nhớ câu thơ của Hữu Thỉnh:
Không có sách chúng tôi làm ra sách
Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình.
Quả là một truyền thống độc đáo của những người lính cụ Hồ trong mọi thời chống giặc.
Thay đổi tên nhưng cảm xúc không đổi
Việc đặt tên cho tác phẩm nhiều khi cũng như đặt tên cho con. Có cái tên đặt rồi, sau người đặt không ưng lại đặt lại. Đặt tên lại cho con thì phải có đơn từ, trình báo với công an hộ khẩu. Đặt tên lại cho tác phẩm thì chỉ cần tác giả tự sửa rồi đưa vào tập thơ. Với trường hợp của Quang Dũng, theo tôi biết thì không phải là duy nhất. Hàn Mặc Tử đặt tên đầu tiên cho bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ là Ở đây thôn Vĩ Dạ; Nguyễn Đình Thi viết bài thơ Đất nước lúc đầu đặt tên là bài Sáng mát trong như sáng năm xưa, sau đó viết thêm bài Đêm mít tinh và gộp hai bài thơ lại và viết thêm rồi đổi tên thành bài Đất nước. Quang Dũng viết Nhớ Tây Tiến rồi bỏ chữ “Nhớ” đi chỉ còn lại Tây Tiến. Đành rằng cả bài thơ là một nỗi nhớ lớn về Tây Tiến. Nhưng theo tôi, bỏ chữ “Nhớ” đi, nhan đề gọn hơn. Mặt khác, không chỉ có nỗi nhớ, mà ở đấy còn có sự ngợi ca, sự tôn vinh những chiến sĩ Tây Tiến. Có thêm “Nhớ” hóa ra lại thu hẹp mạch cảm xúc của bài thơ.
Tuy đổi tên, nhưng nỗi nhớ trong bài thơ vẫn là một nét chủ đạo, quán xuyến. Trong bài, có nhiều từ nhớ” là điều tất nhiên. Bởi vậy chúng ta sẽ bắt gặp nhiều trạng thái nhớ. Những biến thái “Nhớ về”, “nhớ chơi vơi”, “nhớ ôi”, “có nhớ” như những nốt nhấn trong một hợp âm, như điệp khúc nhớ trong bản nhạc thể hiện cao trào tình cảm tha thiết của tác giả với đơn vị Tây Tiến của mình. Những nỗi nhớ khác nhau hợp thành nỗi nhớ lớn, như suối nhỏ chảy thành sông dài khiến cho tính chất hoài niệm trở thành dòng cảm xúc chủ đạo của toàn bài.
Điều đáng nói là Quang Dũng đã góp vào thơ ca Việt một “kiểu nhớ” mới: nhớ chơi vơi! Nhớ chơi vơi là một đóng góp mới của Quang Dũng bên cạnh những nhớ bổi hổi bồi hồi, nhớ ngẩn ngơ của ca dao (Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than. Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai); nhớ “day dưa” của thơ hiện đại (Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa- Tế Hanh).
Lãng mạn và hiện thực
Bài thơ Tây Tiến rất thành công nhờ kết hợp hài hòa bút pháp lãng mạn và hiện thực. Nếu chỉ có hiện thực trần trụi, chắc Tây Tiến không thể có sức cuốn hút mạnh mẽ. Nhưng nếu chỉ có toàn chất lãng mạn, thì Tây Tiến cũng khó mà được chấp nhận. (Về sau có nhiều lí do khiến bài thơ này không được phổ biến, mà quan trọng là người ta đã gán cho nó tính chất lãng mạn tiểu tư sản!).
Chính Quang Dũng trong câu chuyện của mình cũng khẳng định những yếu tố hiện thực như “mở rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm Mường Hịch cọp trêu người”; rồi rải rác dọc biên cương những nấm “mồ viễn xứ”… tôi mô tả trong bài thơ Tây Tiến là rất thực…” ( Nhớ về Tây Tiến – trong Nhà văn nói về tác phẩm, Hà Minh Đức biên soạn, nxb Văn học 1998, trang 155). Những hình ảnh lãng mạn như: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Hoặc Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ kìa em xiêm áo tự bao giờ…Đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ vừa oai hùng vừa mộng mơ:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Chất hiện thực và lãng mạn đã làm cho bài thơ có gian khổ, mất mát, hi sinh nhưng cũng tràn đầy niềm lạc quan, khỏe khoắn; giọng thơ vừa chân thành vừa bi tráng, hào hùng, phản ánh hào khí và chất lãng mạn một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc.
» Tổng ôn kiến thức về bài thơ Tây Tiến và nhà thơ Quang Dũng
» Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng – Ngữ văn 12
» Phân tích hình tượng người lính Tây Tiến
Những hình ảnh thơ độc đáo mới mẻ
Hình ảnh dốc núi thì thật hùng vĩ và độc đáo:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Từ khúc khuỷu đặt giữa câu thơ cho ta cảm nhận cái quanh co hiểm trở của dốc. Mà dốc cao lắm cho nên mới thăm thẳm. Câu thơ bảy chữ thì đã có 5 chữ vần trắc như cái sự ngoằn ngoèo gập ghềnh của con dốc.
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Câu thơ cho người đọc hình dung độ cao chót vót đến mức cồn mây heo hút, xa vắng, đơn độc. Đến độ cao ấy thì súng có thể chạm trời, có thể ngửi thấy mùi trời. Với độ cao ngàn thước lên và xuống như vậy, cho nên khi xuống hết ngàn thước thì câu thơ toàn vần bằng như một khoảng mở, như một sự sung sướng thở dài khoan khoái sau khi vượt dốc:
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Câu thơ vang ngân đọc thật thích mà nghe càng thích!
Những hình ảnh thơ đẹp về thiên nhiên và con người Tây Bắc còn thể hiện ở những câu thơ khác. Chẳng hạn:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Có đường nét, có hình ảnh cơm lên khói; có mùi thơm xôi nếp, có hình ảnh người em gái Mai Châu nấu xôi cho chiến sĩ. Xin nói thêm, mùi xôi nếp Tây Bắc vô cùng ấn tượng. Chả thế mà Chế Lan Viên cũng viết : Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch/ Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương ( Tiếng hát con tàu).
Hoặc hình ảnh này:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Sương, lau, độc mộc, nước lũ là những hình ảnh thân quen đặc biệt Tây Bắc, rất Tây Bắc đẹp và thơ.
Người lính Tây Tiến Quang Dũng, người đại đội trưởng Tây Tiến Quang Dũng tài hoa và mơ mộng đã đưa vào thơ những vẻ đẹp Tây Bắc.
Nhà thơ Tố Hữu cũng đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trong khung cảnh đèo dốc núi miền Tây:
Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài in đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo
[Lên Tây Bắc]
Nhưng những hình ảnh ấn tượng nhất trong thơ Tố Hữu là hình ảnh núi rừng Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc. Còn hình ảnh Tây Bắc là sáng tạo độc quyền mang tên Quang Dũng.
Hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất là hình ảnh các chiến sĩ Tây Tiến ( Dù đã trích ở trên, tôi vẫn một lần nữa trích lại) :
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Những chàng trai trong bài Nhớ của Hồng Nguyên hoặc còn chờ độc lập mới lấy vợ, hoặc nhớ người vợ trẻ mòn chân bên cối gạo canh khuya. Còn trong bài Đồng chí của Chính Hữu thì họ nhớ cô thôn nữ bên “ giếng nước, gốc đa” của làng quê. Các chàng trai Tây Tiến có khác. Họ mơ mộng thiếu nữ Hà Nội “ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Những sáng tạo độc đáo trong bài thơ Tây Tiến
Ngoài hình ảnh những chiến sĩ Tây Tiến làm quân thù khiếp sợ, hình ảnh Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, đầy chất thơ, trong bài thơ, tác giả đã dùng những hình ảnh, những cảm giác mới lạ. Đôi chỗ chỉ có thể, cảm, hiểu mà khó cắt nghĩa rạch ròi như nỗi nhớ nhớ chơi vơi, hoặc đêm hơi trong MườngLát hoa về trong đêm hơi; hoặc nữa mùa em thơm nếp xôi trong Mai Châu mùa em thơm nếp xôi; và tiếp nữa là Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Nhà thơ Phan Quế từng bình: “ Câu thơ như một tuyệt bút thiên nhiên về sông Mã. Tôi chưa đọc thấy câu thơ nào viết về con sông này hay hơn thế. Âm vang của câu thơ là khí tiết của con sông chiến trận, quả cảm và dũng mãnh trong độc khúc binh lửa của mình mà tạo nên chất hiệp sĩ của tứ thơ” ( Đài tưởng niệm thơ Tây Tiến). Tôi muốn nói thêm rằng trong cảm xúc của Quang Dũng, dòng sông của đất nước, quê hương như cũng xúc động, gầm lên tiễn đưa những người con vinh quang của tổ quốc hi sinh thiêng liêng, bi tráng!
Tây Tiến bất tử
Cũng nên nhắc lại rằng, một thời gian dài, Tây Tiến bị xem là “còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản” nên bài thơ ít được phổ biến. Nhưng nó vẫn sống trong trái tim trí nhớ của những người yêu thơ.
Mới đây nhất, trên báo mạng đưa tin tại Mai Châu, Hòa Bình đã dựng xong đài tưởng niệm Tây Tiến. Mười câu thơ của bài Tây Tiến được khắc vào bia tưởng niệm. Quang Dũng đã góp phần làm cho Tây Tiến sống mãi trong lòng bạn đọc. Đặc biệt là khi bài thơ được đưa vào chương trình Ngữ văn 12. Tây Tiến sẽ được lớp lớp bạn trẻ nhắc đến trong những giờ học của mình. Kiệt tác Tây Tiến chắc chắn sẽ bất tử.
Hay lắm. Rất cảm ơn ạ