Đề bài 1: Phân tích tâm trạng của nhân vật trữ tình “em” trong bài thơ Sóng để làm sáng tỏ nhận định sau: “Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc và có sắc thái rất riêng, đậm nữ tính của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương”.
Tình yêu là một trong những đề tài muôn thuở của thơ ca. Từ xưa đến nay thơ yêu phụ nữ thì nhiều nhưng thơ phụ nữ yêu thì quả là ít ỏi. Xuân Quỳnh là một trong số trường hợp ít ỏi đó. Tình yêu trong thơ chị thường đặt ra nhiều trăn trở, suy tư. Những suy nghĩ của nhà thơ tưởng chừng như tản mạn không theo một lôgíc cụ thể nào. Thế nhưng, nó lại thực sự khêu gợi trí tưởng tượng, tạo ra những bất ngờ thú vị. “Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc và có sắc thái rất riêng, đậm nữ tính của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương”. Bài thơ Sóng là một minh chứng cho điều đó.
Tứ thơ toàn bài xoay quanh một hình tượng sáng tạo có giá trị thẩm mĩ – hình tượng sóng. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại chọn Sóng để giãi bày tình cảm của mình mà chắc chắn phải có nguyên do của nó. Chính bản thân Sóng đã mang nét gợi cảm và quyến rũ muôn đời đối vơi những tâm hồn lãng mạn luôn say đắm cảnh đẹp thiên nhiên. Chính vì thế mà các thi nhân thường mượn sóng để diễn tả cảm xúc của mình:
“Sóng không phải là roi mà vách đá phải mòn. Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím. Sóng có nghĩa gì đâu nếu chiều nay em chẳng đến. Vì sóng đã làm anh nghiêng ngả vì em....” (Hữu Thỉnh)
Hay Xuân Diệu lại ước mơ :
“Anh xin làm sóng biếc.
Hôn bãi cát vàng em.
Hôn thật khẽ thật êm.
Hôn êm đềm mãi mãi..”
Xuân Quỳnh cũng không ngoại lệ. Chị cũng mượn sóng để gửi niềm tâm sự. “Và gió thổi và mây bay về núi / Lời thương nhớ ngàn lần em muốn nói / nhưng bây giờ chỉ có sóng và em.”
Nhưng nét hấp dẫn riêng của “Sóng” chính là ở việc xây dựng hình tượng. Trong bài thơ, sóng không chỉ là hình ảnh ẩn dụ nữa mà có lúc cả sóng và em đã hòa thành một; sóng chính là em mà em cũng chính là sóng.
Thi phẩm hấp dẫn người đọc bởi âm điệu của thể thơ năm chữ với các khổ thơ không đều nhau. Lúc mạnh mẽ, dâng trào, khi nhẹ nhàng da diết. Âm điệu ấy phù hợp với việc diễn tả những con sóng vỗ miên man, đồng thời cũng diễn tả những con sóng lòng đang cuộn dâng mãnh liệt.
Nhịp sóng vỗ cồn cào ngoài đại dương kia phải chăng chính là nhịp đập thổn thức của trái tim yêu ?
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ.
Bằng nghệ thuật đối lập rất chỉnh : Dữ dội>< dịu êm ,Ồn ào >< lặng lẽ, tác giả đã diễn tả hai trạng thái trái ngược nhau muôn đời của sóng biển. Hai đối cực ấy hoàn thiện vẻ đẹp của sóng lúc mạnh mẽ cuộn dâng, khi dịu nhẹ, êm đềm. Nó cũng tương đồng với tâm hồn, tính khí bí ẩn của người phụ nữ khi yêu. Đó là những biến đổi trong sâu thẳm tâm hồn người con gái; khi dịu dàng say đắm, lúc mạnh mẽ giận hờn .
Trăm sông cũng về với biển, đó là hành trình những con sóng phải vượt muôn vàn cách trở dể ra biển lớn Sông không hiểu nổi mình /Sóng tìm ra tận bể. Xuân Quỳnh liên tưởng độc đáo đến khát vọng tình yêu của nhân loại. Đó là khát khao chân chính của tình yêu đích thực muốn vượt khỏi không gian chật hẹp, nhỏ bé để vươn tới cái lớn lao, cao cả hơn.
Con sóng không bao giờ ngừng vỗ trong lòng biển khơi cũng giống như khát vọng của “…tình yêu muôn thuở /có bao giờ đứng yên.”
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Và khi yêu, người ta thường hay suy tư trăn trở để truy tìm ngọn nguồn của tình yêu là gì? Xuân Quỳnh cũng vậy, đứng trước biển lớn chị cũng băn khoăn trước bao câu hỏi của lòng mình:
Sóng bắt đầu từ gió.
Gió bắt đầu từ đâu ?
Thế nhưng trái tim có tiếng nói của riêng mình. Đôi khi ta thật khó mà trả lời được nhũng câu hỏi của nó. Nên câu trả lời không phải để giải đáp mà là để thú nhận, một lời thú nhận rất chân thành .
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.
Câu thơ đáng yêu như một cái lắc đầu đầy nũng nịu và rất nữ tính. Đó là một sự bất lực của nhân vật trữ tình ngay trước lòng mình. Bởi lẽ tình yêu vốn không tuân thủ theo một quy luật nhất định nào cả. Nó cũng không cùng như tự nhiên, như sóng như gió vậy thôi.
Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ. Và ở đây, Sóng nhớ bờ – em nhớ anh, một phát hiện rất tinh tế :
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nghĩ đến anh
Cả trong mơ còn thức”.
Những hình ảnh thơ đối lập với nhau : dưới >< trên, ngày >< đêm, lòng sâu >< mặt nước, dường như nỗi nhớ đã choáng ngợp cả không gian, chiếm lĩnh cả thời gian. Thế nhưng nếu sóng nhớ bờ “đến ngày đêm không ngủ” thì Em nhớ anh “Cả trong mơ còn thức”. Nỗi nhớ không chỉ thể hiện ở dạng ý thức mà còn thể hiện ở dạng vô thức.
Giá trị dích thực nhất của tình yêu chính là sự thủy chung và cao hơn cả là niềm tin mãnh liệt vào tình yêu, vào cuộc đời này. “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương.” Cũng như những con sóng đang miệt mài vỗ vào bờ yêu thương. Nhân vật trữ tình tin tưởng chác chắn mình sẽ đến được bến bờ hạnh phúc.
Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghì con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ.
Dù muôn vời cách trở.
Hình tượng sóng – tình yêu mang ý nghĩa thật cao đẹp. Tình yêu gắn liền với cuộc sống, chan hòa với cuộc đời, vĩnh hằng với thời gian.
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ.
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Sóng vỗ triền miên bất tận như tình yêu gắn bó mãi, gắn bó bằng tình yêu và trong tình yêu. Khát vọng mãnh liệt trong tình yêu suy cho cùng cũng chính là khát vọng sống, là khát vọng được chan hòa với cuộc đời, với cả một biển lớn tình yêu.
Sóng là một bài thơ có cái hay ở toàn bài. Cả về cấu tứ cho đến nội dung và lối diễn tả cũng như xây dựng một hình tượng độc đáo, “hình tượng sóng”. Bài thơ là tiếng lòng riêng của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nó vừa là những cung bậc cảm xúc, vừa là những trăn trở, những khát khao bỏng cháy trong tình yêu của chị. Tiếng nói riêng của một người phụ nữ nhưng đã đem đến cho văn học Việt Nam một tư tưởng mới mẻ, hiện đại về tình yêu chân chính. Sóng xứng đáng là những bông “Hoa dọc chiến hào” của những năm tháng chiến tranh 1968. Quả thực : “Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói đầy cảm xúc và có sắc thái rất riêng, đậm nữ tính của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, giàu yêu thương”.