Dù đã qua ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia, nhưng hai môn văn, toán trong ngày thi đầu tiên (25-6) vẫn là chủ đề bàn tán của giới chuyên gia, giáo viên và cả học sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, phải “thần thánh” mới có thể làm được
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, cả hai môn hai văn, toán đều quá sức với học sinh. Quá sức ở chỗ đề thi vừa dài, vừa khó hiểu, nặng nề với thí sinh. Nhiều giáo viên còn thẳng thắn chỉ ra, chỉ những học sinh học chuyên văn, toán mới may ra giải quyết được bài thi một cách tròn trịa.
Ở môn văn, tính lắt léo, đánh đố của đề thi được một giáo viên chỉ ra rằng: Ai học địa lý cũng đều biết: đất, khí hậu, địa hình, khoáng sản, biển, sông ngòi rừng là các thành phần tự nhiên, trong mỗi thành phần tự nhiên lại có các yếu tố tự nhiên. Ví dụ, nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa…là các yếu tố trong thành phần khí hậu.
Như vậy, đề thi yêu cầu kể ra các yếu tố tự nhiên của đất nước trong đoạn trích nhưng đoạn trích không hề có một yếu tố tự nhiên nào ngoài từ “phù sa”.
“Thiết nghĩ, như vậy là tác giả không phân biệt được 2 khái niệm: thành phần tự nhiên và yếu tố tự nhiên. Đối với đề thi quốc gia là nhầm lẫn đáng tiếc. Nếu học sinh không kể được yếu tố nào cũng nên cho nửa số điểm, những học sinh kể được từ “phù sa” phải cho đủ số điểm”, giáo viên này phân tích.
Trên facebook cá nhân, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 – TP HCM chia sẻ: là một giáo viên dạy văn 24 năm, với 3 giai đoạn thay đổi về đề thi đã từng dạy luyện thi ĐH môn văn, vẫn lúng túng khi đọc đề. Giáo viên này phân tích: Thời gian chỉ có 120 phút. Câu đọc hiểu: 20 phút. Nhưng phải đọc đến 2-3 lần đoạn thơ. Trả lời câu 4 bằng 1 đoạn văn ngắn. Rồi bằng cách này hay cách khác, cũng phải có phân tích và so sánh (tương đồng – khác biệt), và bình luận. Như vậy có đến gấp đôi thời gian cũng không đủ cho thí sinh.
Nhiều ý kiến khác cho hay, câu nghị luận văn học như tổng hợp 3 đề gộp lại 1 vậy. “Để 70 phút mà có thể diễn tả được hết thì cũng hết sức “thần thánh”. Thiết nghĩ đề văn nghị luận văn học như này nên nâng lên thành 180 phút và đổi lại thành đề thi cho học sinh chuyên”- một giáo viên nêu quan điểm.
ThS Hồ Hoài Khanh, GV ngữ văn Trường THPT Đông Đô (TP HCM) nhận định đề thi ngữ văn có độ “nặng” hơn hơn đề năm 2017, có hướng đi sâu vào học thuật môn ngữ văn. Với đề thi này, buộc học sinh không chỉ có những đơn vị kiến thức vững vàng mà còn phải vận dụng thật tốt những kĩ năng làm văn thì mới có thể đạt điểm tối ưu được. Đề thi như thế này có thể quá sức với học sinh, đặc biệt khối tự nhiên.
Trong khi đó, ở môn toán nhiều giáo viên cho rằng, đề thi quá dài và làm học sinh bối rối. Những thí sinh tâm lý không vững nhìn vào đề dễ bị choáng và mất bình tĩnh ngay từ đầu.
Thầy Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie – TP HCM nhận xét rằng, đề thi đúng với đề minh họa nhưng vẫn thuần về tính toán quá nhiều, gây nặng nề cho thí sinh.
Quá khó đối với thí sinh trung bình
Thạc sĩ Lê Thị Kim Loan, giáo viên môn ngữ văn Trường phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP HCM) cho rằng đề ngữ văn phù hợp với các thí sinh khá và giỏi, ắt hẳn sẽ tạo sự hứng thú để các em làm bài một cách độc lập hơn. Tuy nhiên, câu hỏi của đề có thể sẽ gây khó khăn đối với các thí sinh trung bình. Trong vòng 200 chữ theo quy định của đề bài, thí sinh buộc phải chọn lựa một luận điểm lớn để thể hiện quan điểm của mình. Nếu không cẩn thận, rất dễ bị sa đà, lạc đề hay xa đề.
Nguồn: Báo người lao động