Bình Ngô đại cáo (chữ Hán: 平吳大誥) là bài cáo viết bằng văn ngôn do Nguyễn Trãi soạn thảo vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài Nam quốc sơn hà. Bình Ngô đại cáo là tác phẩm văn học với chức năng hành chính quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và là tác phẩm có chất lượng văn học tốt đẹp.
Tác giả Nguyễn Trãi
“ | Ngày mười bốn tháng tư, Nhà-vua lên ngôi Hoàng-đế, lấy niên hiệu là Thuận-thiên. Bèn sai Nguyễn-Trãi làm bài “Bình Ngô Đại Cáo | ” |
— Lam Sơn thực lục, Nhà xuất bản Tân việt, 1956 |
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“ | Sau khi dẹp yên giặc Ngô, vua ban bố Đại cáo khắp thiên hạ. Toàn văn bài Đại cáo như sau | ” |
— Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, chương X |
Kết thúc bài cáo, sách có lời chua rằng (Bản Đại cáo này do văn thần Nguyễn Trãi soạn)
Theo sách Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận, soạn giả Lê Tung khi bình về vua Lê Thái Tổ, Lê Tung viết rằng: Bình Ngô Đại Cáo không câu nào không là lời nhân nghĩa, trung tín; Lam Sơn Thực Lục không chỗ nào không là đạo tu tề trị bình.
Bối cảnh Bình Ngô Đại Cáo
Năm 1427, quân khởi nghĩa Lam Sơn đánh tan 2 đạo viện binh của quân Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Lê Thái Tổ sai người mang viên tướng bị bắt sống Hoàng Phúc, hai cái hổ phù, hai dấu đài ngân của quan Chinh Lỗ Phó Tướng Quân về thành Đông Quan cho Vương Thông biết. Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan biết viện binh đã bị thua, hoảng sợ viết thư xin hòa.
Lê Thái Tổ chấp thuận, sai sứ mang tờ biểu và vật phẩm sang nhà Minh, vua Minh sai quan Lễ Bộ Thị Lang là Lý Kỳ đưa chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương, bỏ tòa Bố Chính và triệt quân về Tàu. Tháng chạp năm Đinh Mùi, Vương Thông theo lời ước với Bình Định Vương Lê Lợi, đem bộ binh qua sông Nhị Hà, còn thủy quân theo sau. Vì quân Minh tàn bạo, có người khuyên Lê Lợi đem quân mà giết hết đi, Lê Lợi không chấp thuận, cấp lương thảo và vật dụng cho quân Minh trở về. Năm 1428, Lê Lợi dẹp yên quân Minh, liền sai Nguyễn Trãi thay lời ngài làm tờ báo cáo cho thiên hạ biết.
Tờ cáo là một thông báo cho người dân trong nước về việc đánh bại nhà Minh và sự khẳng định sự độc lập của Đại Việt. Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo không chỉ tuyên bố độc lập, mà còn khẳng định sự bình đẳng của Đại Việt với Trung Quốc trong lịch sử từ trước đến nay và thể hiện nhiều ý tưởng về sự công bằng, vai trò của người dân trong lịch sử và cách giành chiến thắng của quân khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài ra, Nguyễn Trãi sử dụng Bình Ngô đại cáo để chứng minh tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và trả lời câu hỏi tại sao quân khởi nghĩa Lam Sơn có thể chiến thắng quân đội nhà Minh đó là chính sách dựa vào nhân dân.
Nội dung
Bình Ngô đại cáo là thông báo bằng văn bản và được viết theo thể văn biền ngẫu. Nguyên tác được viết bằng chữ Hán, và được các học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim dịch sang tiếng Việt. Kết cấu bài cáo gổm 5 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu… đến Chứng cứ còn ghi. : Khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lý về chủ quyền độc lập của quốc gia Đại Việt.
- Đoạn 2: Từ Vừa rồi… đến Trời đất chẳng dung tha. : Tố cáo và kết án tội ác tày trời của giặc Minh.
- Đoạn 3: Từ Ta đây… đến Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ: Hình ảnh của vị lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn và những khó khăn trong buổi đầu dấy nghiệp.
- Đoạn 4: Từ Rốt cuộc: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,… đến Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy: Quá trình mười năm kháng chiến và thắng lợi vẻ vang.
- Đoạn 5: Phẩn còn lại: Khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và lời tuyên bố hoà bình
Hiểu về từ Bình Ngô
Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra nhà Minh là người Hào Châu, xưa thuộc đất Ngô, đó là đất tổ của nhà Minh. Năm 1356, Chu Nguyên Chương xưng Ngô Quốc Công, 8 năm sau ông cải xưng Ngô Vương. Bởi vậy Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Chương, vừa là nguồn gốc, quê cha đất tổ của Chu Nguyên Chương. Bình Ngô là bình tận gốc gác, giống nòi của giống họ Chu- Thái Tổ nhà Minh.
Hiểu về từ Đại cáo
Theo sách giáo khoa Văn học 10: Bình Ngô đại cáo dịch cho sát nghĩa là: tuyên cáo rộng rãi về việc dẹp yên giặc Ngô; rồi bổ sung thêm: bài này viết theo thể cáo.
Theo sách giáo khoa Văn học 9: Bình Ngô đại cáo là bài cáo có quy mô lớn, nói việc dẹp yên giặc Ngô.
Theo Nguyễn Đăng Na trong bài viết Bình Ngô đại cáo, một số vấn đề về chữ nghĩa:
- Hán ngữ đại từ điển giải thích: đại cáo [大誥] là tên một thiên trong sách Thượng Thư. Lời tựa thiên Đại cáo có đoạn: Vũ vương mất, Tam Giám cùng Hoài di làm phản. Chu Công giúp Thành Vương trừ bỏ nhà Ân, viết Đại cáo. Khổng truyện rằng, Trình bày đại đạo [大道] để cáo [誥] với thiên hạ(trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ), nên lấy làm tên thiên, sau dùng để phiếm xưng những bài văn có tính chất điển cáo [典誥]. Như vậy, ban đầu, đại cáo [大誥] do hai chữ mang ý nghĩa quan trọng nhất trong mệnh đề trần đại đạo dĩ cáo thiên hạ ghép lại, dùng để gọi tên một thiên trong Kinh Thư, rồi thành từ cố định chỉ loại đặc biệt của thể cáo. Đấy là nghĩa thứ nhất gắn với thời Tây Chu của Trung Hoa cổ đại.
Theo ý này, Nguyễn Trãi nhân dịp chiến thắng quân Minh bày tỏ cho thiên hạ thấy cái đại đạo– đạo lý lớn nhất của Việt Nam là đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài Bình ngô đại cáo; vừa là mục đích mà thiên Đại cáo ở sách Thượng thư hằng dương cao. Khi đi đánh Vũ Canh, Chu Thành Vương truyền Đại cáo, bình xong quân Minh, Lê Thái Tổ cũng tuyên đại cáo, tác giả muốn so sánh Lê Thái Tổ với Chu Thành Vương và muốn bài bình Ngô của thời đại vua Lê Thái Tổ mang ý nghĩa ngang tầm với thiên Đại cáo đánh Vũ Canh thời Tây Chu của Trung hoa cổ đại.
- Đại cáo còn có nghĩa thứ hai gắn với đương đại thời Minh. Nghĩa này cũng không kém phần quan trọng: Văn kiện pháp luật ban bố năm Hồng Vũ thứ 18 thời Minh gọi là Đại cáo. Hồng Vũ [洪武] là niên hiệu Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương [朱元璋] – người khai sáng ra nhà Minh, làm hoàng đế Trung Hoa những năm 1368 – 1398.
Nguyễn Trãi muốn thiên hạ thấy rằng, bài cáo là một văn kiện mang tính pháp luật, có ý nghĩa trọng đại, ngang với văn kiện pháp luật mà Minh Thái Tổ ban bố. Văn kiện của Chu Nguyên Chương tượng trưng cho uy quyền và công cụ bảo vệ nhà Minh, ở Việt Nam, Nguyễn Trãi thay lời vua Lê Thái Tổ dùng Đại cáo để tuyên bố bình Ngô thắng lợi và khẳng định sự độc lập của Đại Việt.
Ý nghĩa
Bình Ngô đại cáo là tác phẩm văn học chức năng hành chính quan trọng không chỉ đối với lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển văn học sử Việt Nam. Trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp một cách uyển chuyển giữa tính chân xác lịch sử với chất sử thi anh hùng ca qua lối văn biền ngẫu mẫu mực của một ngọn bút tài hoa uyên thâm Hán học. Chính vì thế, Bình Ngô đại cáo đã trở thành tác phẩm cổ điển sớm đi vào sách Giáo khoa từ Phổ thông cơ sở đến Phổ thông trung học và được giảng dạy ở tất cả các trường Cao đẳng, Đại học ngành khoa học xã hội – nhân văn ở Việt Nam.