» Tổng ôn kiến thức về bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh
» Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
» Phân tích khổ thơ đầu bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh
» Phân tích khổ thơ thứ hai bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
» Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh
Qua khổ thơ cuối bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả đã cho người đọc thấy những suy ngẫm mang tính triết lý về mùa thu của đời người:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Cuối hạ, thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng ai những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới, sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến, vấn vương một cái gì đó của thời đã qua. Khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Mở đầu khổ thơ vẫn là nắng và mưa của mùa hạ đấy thôi, nhưng chỉ là “vẫn còn” và “vơi dần” – tất cả ngày một nhạt đi, chứ không như cái nắng gay gắt, chói chan cùng cơn mưa ào, xối xả của một mùa hạ sôi động nữa. Dường như vẫn còn luyến tiếc lắm, nhưng cuối cùng hạ vẫn phải chấp nhận rằng: “thu sang” và hạ phải đến một chân trời khác. “Nắng” là hình ảnh cụ thể của mùa hạ. Nắng cuối hạ vẫn còn nồng, còn sáng nhưng đã nhạt dần, yếu dần bởi gió se đã đến chứ không chói chang, dữ dội, gay gắt. “Mưa” cũng đã ít đi, cơn mưa mùa hạ thường bất ngờ chợt đến rồi lại chợt đi. Từ “vơi” có giá trị gợi tả, diễn tả cái thưa dần, ít dần, hết dần những cơn mưa rào ào ạt, bất ngờ của mùa hạ. Nếu hai câu thơ trước là hình ảnh mang nghĩa tả thực, thì hai câu thơ cuối còn là hình ảnh ẩn dụ ấn tượng, giàu ý nghĩa. Về nghĩa tả thực, hình tượng sấm thường xuất hiện bất ngờ đi liền với những cơn mưa rào chỉ có ở mùa hạ. Sấm cuối mùa hạ cũng bớt đi, ít đi lúc sang thu. Về ý nghĩa ẩn dụ: “Sấm” là hình ảnh biểu tượng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” gợi tả những con người từng trải, từng vượt qua những khó khăn, thăng trầm. “Sấm” – đơn thuần là một hiện tượng đặc trưng của mùa hạ khi trước và sau cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” – theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm. Nhưng điều mà Hữu Thỉnh muốn gửi đến chúng ta đâu chỉ là những điều giản đơn đến thế, mà “sấm” ở đây cũng được xem là những thăng trầm, sóng gió của vòng đời luôn thay đổi và qua những gian nan, thử thách ấy, con người cũng sẽ đổi thay một cách mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” – tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống và tất nhiên, khi họ đã trải nghiệm qua những khó khăn đó thì giờ đây sẽ không phải rơi vào tình thế xao động hay lung lay trước những biến cố của vòng xoáy cuộc đời nữa. Nhìn sâu hơn qua hai câu thơ trên, Hữu Thỉnh cũng muốn nói lên sức mạnh của dân tộc Việt Nam thật kiên cường và bất khuất, thật dũng cảm và mạnh mẽ chống lại bọn giặc ngoài xâm để gửi trọn niềm tin yêu đến Tổ quốc, quê hương và bảo vệ bờ cõi nước nhà. Qua đó, tác giả khẳng định bản lĩnh cứng cỏi của con người trước những biến động của cuộc đời. Tóm lại, qua bài thơ, tác giả đã thể hiện những cảm nhận tinh tế của mình về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, đồng thời cũng gửi gắm tới người đọc những triết lí sâu xa mà thấm thía.