Sang thu không chỉ là khoảnh khắc chuyển mình của thiên nhiên: hương quả, ngọn gió, dòng sông, bầy chim, đám mây, bầu trời, nắng, mưa, sấm chớp, bão dông, cây cối sang thu mà cả hồn người cùng một nhịp sang thu. Vừa lưu luyến, bồi hồi, vừa trang nghiêm chững chạc, vừa sâu lắng lại vừa mở rộng bâng khuâng, vừa khiêm nhường nhưng cũng tự hào kiêu hãnh khi con người đã đi qua những cuộc chiến ác liệt, nay được sống trong bình yên, hạnh phúc, mới càng thấy trân trọng và yêu cuộc sống tha thiết nhường nào!
» Hệ thống câu hỏi ôn tập Làng của Kim Lân – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu – có đáp án gợi ý
Câu hỏi 1. Giới thiệu những nét chính về tác giả Hữu Thỉnh và bài thơ Sang thu.
– Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh) sinh năm 1942, quê Vĩnh Phúc. Ông là nhà thơ trưởng thành trong quân đội. Từ một cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và sáng tác thơ, ông đã làm Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng biên tập báo Văn Nghệ,… Từ năm 2000, ông là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.
– Các tác phẩm chính: Âm vang chiến hào (in chung, 1975); Khi bé Hoa ra đời (in chung); Thư mùa đông (1984), Từ chiến hào tới thành phố (1985),… và hai trường ca: Đường tới thành phố (1979), Trường ca biển (1984).
Hữu Thỉnh là nhà thơ viết nhiều, viết hay về con người, cuộc sống ở nông thôn về mùa thu.
– Hoàn cảnh sáng tác: Sang thu được sáng tác vào gần cuối năm 1979, in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau in lại nhiều lần trong các tập thơ.
Bài thơ là những cảm nhận tinh tế, những rung động bất chợt của nhà thơ về sự biến đổi của đất trời tử cuối hạ sang thu.
Câu hỏi 2. Em hãy nêu mạch cảm xúc của bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.
Sang thu là bức thông điệp lúc giao mùa. Mùa thu đang tới xâm lấn dần mùa hạ, khoảnh khắc ấy được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, sâu sắc về những biến đổi trong không gian, thiên nhiên lúc sang thu: bắt đầu từ hương ổi qua vận động của gió, sương, dòng sông, cánh chim, đám mây, nắng, mưa, tiếng sấm, hàng cây. Từ cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu, nhà thơ suy ngẫm về đời người khi đứng tuổi (tuổi trung niên).
Câu hỏi 3. Cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài thơ Sang thu trước sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu.
a. Mở bài
– Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời. Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, mùa thu được thi sĩ thiên vị hơn cả và ngược lại, mùa thu cũng ban tặng cho thi ca nhiều tứ thơ đẹp nhất, bởi mùa thu là mùa đẹp nhất.
– Mùa thu đi qua các triều đại thi ca, người đọc không thể quên những áng thơ thu tuyệt đẹp trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu,… và Hữu Thỉnh, nhà thơ đã góp vào dòng thơ thu một nét Sang thu của thiên nhiên, đất trời thật tinh tế và sâu sắc.
b. Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
– Nếu chùm thơ thucủa Nguyễn Khuyến (Thu vịnh, Thu ẩm, Thu điếu) còn mang đậm chất Đường thi cổ điển của thu thiên, thu thủy, thu điệp, ngư ông,… thì Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới lại cảm nhận mùa thu về có khi yểu điệu như thục nữ:
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.
(Thu)
Có khi đang ở độ giao thời (cuối hạ sang thu) mà thi sĩ đã cảm nhận như đã tàn phai, phôi pha nhưng vẫn kiêu sa, đài các như một giai nhân:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
Rồi lại bỗng reo lên vui sướng ngỡ ngàng khi chợt nhận ra mùa thu đã về, khoác trên mình tấm áo mơ phai, lướt nhẹ nhàng như một vũ nữ:
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
(Đây mùa thu tới)
Xuân Diệu cảm nhận độ thu về với những sắc thái tinh vi, mơ hoò giàu sức gợi hình, gợi cảm. Còn Hữu Thỉnh, mùa thu đến với thi sĩ khá đột ngột, bất ngờ, dường như không hẹn trước mà “bỗng nhận ra”. Một buổi sáng chớm vào thu, cảm nhận đầu tiên trong tâm hồn thi sĩ không phải bắt đầu từ trời xanh, mây trắng, hoa cúc vàng mà bắt đầu từ hương ổi. Hương ổi thơm ngào ngạt, phả vào không gian tưởng như đặc sánh trong gió se. Đây là cảm giác rất thực của người lính – thi sĩ vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, lần đầu tiên được hưởng một mùa thu hòa bình, trong không gian yên tĩnh vắng hẳn tiếng súng, bom, trận mạc: “Có lẽ phải là người lính mới khát sống và yêu sự bình yên đến thế” (Lời tác giả). Tâm hồn thi sĩ bỗng trào dâng một tình yêu say đắm cái hạnh phúc đơn sơ – hương ổi – nhưng lại vô cùng lớn lao với người lính mà trong cuộc chiến tranh vừa đi qua, họ không hề có:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
Hương ổi phả vào gió chứ không phải gió bay đưa hương ổi đi, bởi tại gió se, gió mùa thu rất nhẹ, rất khẽ, mới chớm thu mà đã thấy lành lạnh. Cảm giác có lẽ cũng bởi sương thu bảng lảng chùng chình ngoài ngõ. Những dấu hiệu mang đặc trưng của mùa thu đã hiện diện. Cảm nhận rất tinh tế và chính xác rồi sao tác giả còn viết: Hình như thu đã về? Có cái gì đó còn nghi ngờ chăng? Cảnh vật được kiểm nghiệm qua khứu giác (mùi hương ổi), qua xúc giác (hơi gió se), qua thị giác (sương chùng chình qua ngõ), tất cả đều mách bảo thu về mà sao vẫn chưa tin? Phải chăng thu về đột ngột, bất ngờ hay trong chữ hình như còn chất chứa nỗi niềm sang thu của đời người? Bởi thế sương mới chùng chình đi qua ngõ – cái ngõ thực và cái ngõ của thời gian thông giữa hai mùa, cái ngõ của cuộc đời đã bước vào thu có cái gì như tiếc nuối, bâng khuâng, quyến luyến, ngập ngừng chưa muốn dứt để bước hẳn vào thu? Phút giây giao mùa của thiên nhiên nhìn thấy, cảm thấy mà sao vẫn sững sờ, bâng khuâng đến thế!
– Cảm giác thu sang từ một khu vườn (không gian hẹp), thiên nhiên được mở ra ở góc nhìn rộng lớn, nhiều tầng bậc hơn. Bức tranh thu từ những gì vô hình (hương, gió) chuyển sang những hình ảnh cụ thể, hữu hình (sông, chim, mây) với một không gian rộng dài, cao xa vời vợi:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Dường như người đọc lại bắt gặp một bức tranh thu cổ điển, chỉ vài nét chấm phá mà bao quát cả bầu trời mặt đất. Song bức tranh thu của Hữu Thỉnh lại rất hiện đại, cấu trúc đăng đối tự nhiên, chặt chẽ mà tuyệt đẹp. Dòng sông không cuồn cuộn, dữ dội như những ngày mưa nguồn mừa hạ mà êm ả, dềnh dàng, lững lờ trôi như suy tư, như ngẫm nghĩ. Ngược lại với dòng sông, chim lại bắt đầu vội vã bay. Có lẽ hơi thu đã báo trước cho chúng một cuộc “di dân” tránh rét. Phải là người tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự bắt đầu chứ không phải là đang vội vã của những cánh chim.
Dù cánh chim vội vã thì không khí thu vẫn cứ bao trùm, cái thư thái, lắng đọng chậm rãi, lâng lâng được diễn tả qua hình ảnh đám mây mùa hạ thảnh thơi, duyên dáng vắt nửa mình sang thu. Câu thơ đẹp và sống động, chữ vắt vừa gợi hình vừa gợi cảm. Đám mây mềm, mỏng như dải lụa, như tấm khăn voan của thiếu nữ vắt lên bầu trời nửa đang còn mùa hạ, nửa đã nối sang thu, Bầu trời bắt đầu nhuốm sắc thu, đến một lúc nào đó, nó bỗng thấy ngỡ ngàng thu đã xâm lấn từ lúc nào chẳng biết. Không yêu thu sao thi sĩ có những phát hiện và cảm nhận tinh tế đến thế?
– Hai khổ thơ trên rất đẹp trong cách tạo hình, rất tinh trong cảm nhận, có người nói: hai khổ thơ như hai cành biếc của một cây thơ lạ, đến khổ thơ thứ ba (khổ cuối) là gốc của cây thơ, đem đến một vẻ đẹp mới, làm trọn vẹn thêm cái ý sang thu của cây thơ và sang thu của hồn người:
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Nếu hai khổ thơ trên là những cảm nhận trực tiếp từ những biến chuyển hết sức tinh vi của thiên nhiên, đất trời thì khổ này, mùa thu được cảm nhận bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm sâu lắng. Cảnh thu đang đi từ xa vào tâm tưởng, lắng đọng, suy tư.
Vẫn là nắng, mưa, sấm chớp, bão dông như mua hạ nhưng tất cả chỉ còn mức độ. Nắng còn nhiều nhưng không còn gay gắt, chói chang. Mưa đã vơi dần nhưng không còn ào ạt, bất chợt như những cơn mưa đầu mùa. Sấm cũng bớt bất ngờ, đùng đoàng, ầm ĩ, dọa nạt những hàng cây đứng tuổi. Thiên nhiên vào thu và dần đi vào thế ổn định. Thiên nhiên vào thu hay cũng chính là sự từng trải, suy nghĩ chín chắn của con người khi cuộc đời đã bắt đầu sang thu, chẳng thấy còn bất ngờ, sợ hãi, chao đảo trước nắng mưa, sấm sét, dông bão (những biến cố bất thường) của cuộc đời.
Ta càng hiểu sâu sắc hơn hai chữ chùng chình, dềnh dàng ở các đoạn thơ trước, phải chăng đó là tâm trạng của người đã đứng tuổi khi bận mải với việc mà lúc ngẩng đầu lên đã thấy tóc pha sương? Nên có gì như tiếc nuối, dùng dằng, bịn rịn vì sững sờ nhận ra cuộc đời đã sang thu. Ở khổ cuối, hai từ đứng tuổi như một cái chốt đóng lại cái tuổi bồng bột, sôi nổi, ào ạt, trẻ trung để mở sang một chặng khác: sâu sắc, chín chắn, thâm trầm, điềm đạm hơn; mặt khác, cũng phải vội vã như những cánh chim kia để làm được nhiều điều có ích cho cuộc đời: “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm” (Xuân Diệu).
c. Kết bài
Sang thu không chỉ là khoảnh khắc chuyển mình của thiên nhiên: hương quả, ngọn gió, dòng sông, bầy chim, đám mây, bầu trời, nắng, mưa, sấm chớp, bão dông, cây cối sang thu mà cả hồn người cùng một nhịp sang thu. Vừa lưu luyến, bồi hồi, vừa trang nghiêm chững chạc, vừa sâu lắng lại vừa mở rộng bâng khuâng, vừa khiêm nhường nhưng cũng tự hào kiêu hãnh khi con người đã đi qua những cuộc chiến ác liệt, nay được sống trong bình yên, hạnh phúc, mới càng thấy trân trọng và yêu cuộc sống tha thiết nhường nào!
Câu hỏi 4. Phân tích giá trị biểu cảm của hình ảnh thơ trong bài Sang thu:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Đây là một trong những câu thơ đặc sắc, hình ảnh độc đáo, gợi nhiều liên tưởng: đán mây mỏng, nhẹ như dải lụa vắt trên bầu trời xanh bao la: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” (Nguyễn Khuyến), lại vừa đẹp nhẹ như một tấm khăn voan của người thiếu nữ, một nửa còn mùa hạ, một nửa đã sang thu; lại như có hình có hồn (vắt nửa mình) qua phép nhân hóa. Hình ảnh thơ có tính tạo hình trong không gian nhưng lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian – một hình ảnh đẹp, thể hiện nét riêng của thời điểm giao mùa từ hạ sang thu.
Câu hỏi 5. Trình bày hiểu biết của em về hai dòng thơ cuối bài thơ Sang thu :
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
Hai câu thơ cuối mang ý nghĩa triết lí, chiêm nghiệm, nói về hiện tượng tự nhiên để gửi gắm ý nghĩa cuộc đời. Nên hiểu ý thơ theo hai nghĩa: nghĩa thực ( hiện tượng thiên nhiên) và nghĩa hàm ẩn (quy luật cuộc đờ). Đời người cũng vận động theo quy luật của tự nhiên trả qua bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông (tương ứng với sinh lão bệnh tử). Khi đất trời sang thu cũng là khi nó vận động gần hết một vòng quay và con người cũng vậy, khi đứng tuổi như hàng cây lâu năm kia cũng là lúc người ta lên đến đỉnh dốc cuộc đời, chuẩn bị bước sang chặng cuối. Đó là cái tuổi “tri thiên mênh” (tự cuộc đời, số mệnh của mình) nên tinh thần, tư tưởng, cách nhìn, cách nghĩ vững vàng, kiên định hơn trước những tác động bất thường, những vang chấn của ngoại cảnh, cuộc đời. Sẵn sàng vượt qua tất cả: “Thác bao nhiêu thác cũng qua/ Thênh thênh chiếc thuyền ta trên đời” (Tố Hữu).
Câu hỏi 6. So sánh bài thơ Sang thu và bài thơ Chiều sông Thương của nhà thơ Hữu Thỉnh
Kết thúc bài thơ Chiều sông Thương, nhà thơ Hữu Thỉnh viết:
Nắng thu đang trải đầy
Đã trăng non múi bưởi
Bên cầu con nghé đợi
Cả chiều thu sang đông.
Hình ảnh, cảm xúc ở khổ thơ này có điểm gì gần gũi, tương đồng và khác biệt với hình ảnh, cảm xúc bài thơ Sang thu?
– Điểm giống nhau:
+ Cả hai đều là thể thơ năm chữ nên giọng điệu tha thiết, có khi lắng sâu, diễn tả cảm xúc bồi hồi, bâng khuâng, xao xuyến của cái tôi chữ tình trước vẻ đẹp của tạo vật đang chuyển mình – giao mùa hay đang ở giữa thu.
+ Hình ảnh thơ: cả hai bài đều nói đến nắng thu, sông thu. “Nắng thu đang trải đầy” (Chiều sông Thương), và “Vẫn còn bao nhiêu nắng” (Sang thu). Nắng trong hai bài thơ có lẽ rất vàng và ấm áp bởi đó là nắng thu.
– Điểm khác nhau:
Hai bài thơ được sáng tác ở hai thời điểm khác nhau. Sang thu (1977) sau hai năm người lính bước ra khỏi cuộc chiến, còn Chiều sông Thương (1992) nên nội dung thơ đều gắn với cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ ở mỗi thời điểm đặc biệt.
+ Sang thu: Cảm xúc của cái tôi trữ tình được dồn nén, bâng khuâng trước thời khắc chuyển mình của tạo vật từ hạ sang thu nên bài thơ chỉ có ba khổ. Cảm xúc thơ phát triển từ không gian hẹp (vườn, ngõ) ra không gian rộng, bao quát cả bầu trời, mặt đất và thu vào trong tâm tưởng.
Hình ảnh thơ cũng được chắt lọc, có những hình ảnh đẹp, đặc sắc qua phép nhân hóa: “Sương chùng chình qua ngõ”, “Sông được lúc dềnh dàng”, “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”, “Trên hàng cây đứng tuổi”.
=> Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự biến chuyển này được nhà thơ gợi lên bằng những cảm nhận tinh tế qua hình ảnh giàu sức biểu cảm (vừa có hình vừa có hồn), sống động và hấp dẫn. Song Sang thu còn gửi gắm cả những chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời.
+ Nếu Sang thu là cảm nhận ở thời khắc cuối hạ sang thu trong một buổi sáng khi sương bảng lảng đi qua ngõ thì Chiều sông Thương lại là cảm nhận ở thời khắc chiều thu, khi đất trời đã giữa thu. Cảnh vật được miêu tả rất thực về cánh đồng, dòng sông, bầu trời, con nghé đợi… (Khổ cuối). Hình ảnh thơ đẹp dịu dàng, gợi ra bức tranh thanh bình, ấm áp: nắng thu còn trải rộng khắp nhân gian mà trăng non như múi bưởi đã in trên nền trời xanh nhạt, dưới cầu nước chảy trong veo, bên cầu con nghé đợi… Cả chiều thu sang đông. Cảnh lắng đọng như chính sự tồn tại của nó chứ không sống động, cựa mình chuyển mùa như bài Sang thu. Đó chính là nét đẹp riêng của mỗi bài thơ.
=>Sang thu hay Chiều sông Thương đều là những cảm xúc vừa tinh tế, vừa xốn xang của nhà thơ trước sự chuyển mình của thiên nhiên hay những hoạt động rộn rã của cuộc sống yên bình, những nét thu đẹp và sâu lắng.
-dehoctot.edu.vn-