Hạnh phúc và chiến tranh, chiến tranh và bi kịch mãi là vấn đề muôn thuở không thể hóa giải trong lịch sử và đời sống con người. Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra quyết liệt. Truyện viết về tình cha con trong cảnh ngộ éo le sinh li tử biệt đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm và xúc động sâu xa.
» Hệ thống câu hỏi ôn tập Làng của Kim Lân – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long – có đáp án gợi ý
Câu hỏi 1. Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà.
– Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông tham gia bộ đội, hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Từ năm 1954, tập kết ra Bắc, ông bắt đầu viết văn. Những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, ông lại trở về Nam Bộ tiếp tục kháng chiến và sáng tác.
– Nguyễn Quang Sáng viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim và hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.
– Các tác phẩm chính:
+ Truyện ngắn: Con chim vàng anh (1957), Người quê hương (1958), Chiếc lược ngà (1968), Bông cẩm thạch (1969)…
+ Tiểu thuyết: Nhật kí người ở lại (1962), Đất lửa (1963), Mùa gió chướng (1975), Dòng sông thơ ấu (1975),…
+ Kịch bản phim: Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (1978), Mùa nước nổi (1986), Giữa dòng (1995),…
– Hoàn cảnh sáng tác: Chiếc lược ngà được viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, được đưa vào tập truyện cùng tên. Truyện nói về tình cha con sâu nặng của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh chiến tranh.
Câu hỏi 2. Tóm tắt ngắn gọn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng khoảng 8 – 10 câu.
Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến lúc bé Thu chưa đầy một tuổi. Hòa bình, ông Sáu có dịp về thăm nhà. Bé Thu không nhận ra cha vì vết thẹo trên má không giống người cha chụp cùng má trong ảnh. Bé đối xử với cha như người xa lạ. Được bà ngoại giải thích, em nhận ra cha thì cũng là ngày cha phải lên đường. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm yêu thương đứa con bé bỏng của mình vào việc làm chiếc lược bằng ngà voi để tặng cho con. Nhưng đáng tiếc, trong một trận càn, ông Sáu đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt, ông đã kịp trao lại chiếc lược cho người bạn chiến đấu, nhờ bạn thay mình làm tròn lời hứa với con.
Câu hỏi 3. Chi tiết Chiếc lược ngà được lấy làm nhan đề cho truyện, chi tiết có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong tác phẩm?
Chi tiết chiếc lược ngà được lấy làm tên truyện vì chi tiết đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm. Chiếc lược ngà không chỉ là một lời hứa với con mà quan trọng nó là cầu nối tình cha con trong sự xa cách. Nó mang chứa tình thương yêu sâu nặng của ông Sáu đối với Thu – đứa con bé bỏng, là kỉ vật thiêng liêng duy nhất của tình cha để lại cho con trước lúc hi sinh, là chi tiết nòng cốt bộc lộ chủ đề tác phẩm: tình cha con sâu nặng trong cảnh ngộ chiến tranh. Chiếc lược chưa chải được mái tóc của con nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của người cha. Nó là biểu tượng của tình cha con bất tử.
Câu hỏi 4. Những tình huống nào trong truyện Chiếc lược ngà đã bộc lộ sâu sắc và xúc động tình cha con ông Sáu và bé Thu? Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật xây dựng tình huống của tác giả
– Truyện xây dựng hai tình huống:
+ Thứ nhất: Cuộc gặp gỡ của hai cha con ông Sáu sau tám năm xa cách, nhưng thật trớ trêu bé Thu không nhận cha. Và cũng thật bất ngờ khi em nhận cha thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi.
+ Thứ hai: Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả nỗi nhớ, tình yêu thương đứa con bé bỏng vào việc làm một chiếc lược ngà đẻ tặng cho con, nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho con.
Tình huống thứ nhất là tình huống cơ bản, tạo ra sự bất ngờ, trớ trêu đối với người cha. Qua tình huống ấy thái độ, tình cảm, diễn biến tâm lí của nhân vật bé Thu cũng được bộc lộ một cách quyết liệt và đi đến một kết thúc đầy cảm động.
Tình huống thứ hai: ông Sáu bị hi sinh trước khi chưa làm trọn lời hứa với con. Tình huống này tuy không gay cấn, dồn bức như ba ngày ông về phép nhưng nó lại được dồn nén tình cha con trong suốt chiều dài chiến dịch. Ông miệt mài dồn tình yêu nhớ của mình vào từng chiếc răng lược, mài giũa sao cho bóng đẹp để chải mái tóc dài cho đứa con yêu. Tình huống thứ hai không chỉ nói lên tình cha con sâu nặng mà còn hàm ẩn lời tố cáo, lên án chiến tranh. Chiến tranh đã gây ra cảnh cha xa con, vợ xa chồng, người còn, kẻ mất, khổ đau, bất hạnh.
Câu hỏi 5. Phân tích diễn biến tâm lí và tình cảm của bé Thu trong lần cha về thăm nhà qua đoạn trích Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng
– Về kiến thức: Bám sát văn bản truyện, tìm những chi tiết thể hiện diễn biến tấm lí của bé Thu trước và sau khi nhận ra cha. Phân tích để thấy được những hành động, thái độ ương bướng, khác thường và sự thay đổi đột ngột trong tình cảm của bé trước lúc phải từ biệt cha.
– Về kĩ năng: Rèn kĩ năng mở bài, viết các đoạn văn phần thân bài và kết bài, kĩ năng dùng từ, viết câu và diễn đạt trôi chảy.
a. Mở bài
Câu chuyện được kể “vào một đêm trời sáng trăng suông, trong một ngôi nhà nhỏ giữa Tháp Mười mà xung quanh nước đã lên đầy…”. Người kể chuyện cho anh em nghe là “một đồng chí già” – ông Ba, chiến sĩ lão thành từng trải trong cuộc kháng chiến. Ông nói: “Trong cuộc đời kháng chiến của tôi, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc chia tay, nhưng tôi chưa bao giờ xúc động như lần ấy”. Lần ấy, chính là lần ông đã cùng ông Sáu về thăm nhà để tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới. Ông đã chứng kiến cuộc gặp gỡ và chia tay đầy xúc động của hai cha con (ông Sáu và bé Thu) trong ba ngày nghỉ phép. Diễn biến tâm trạng của bé Thu dường như khó hiểu nhưng đó lại là tình cảm yêu thương tha thiết mà bé dành cho người cha thân yêu của mình.
b. Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
– Bé Thu đang chơi nhà chòi dưới bòng cây xoài trước sân nhà thì nghe tiếng gọi: “Thu! Con”. Thu giật mình, tròn mắt nhìn vào chiếc thẹo nơi má của người đàn ông vừa gọi mình đang giần giật đỏ ửng lên mà sợ hãi. Nghe ông kêu: “Ba đây con!”, mặt Thu bỗng tái đi, rồi vụt chạy và thét lên: “Má! Má!” khiến ông Sáu đứng sững lại, ngỡ ngàng. Nỗi đau đớn hiện ra mặt ông trông thật đáng thương, hai tay buông thõng xuống như bị gãy.
– Ba ngày về phép ngắn ngủi, cha càng vồ vập, vỗ về thì Thu lại cảng lảng tránh, xa cách, lạnh nhạt. Bé Thu không hiểu được nỗi khát khao cháy lòng của cha sau tám năm xa cách biết bao mong mỏi được trở về, được nghe con gọi một tiếng cha – bình dị mà thiêng liêng nhất trong cuộc đời này. Mẹ nói Thu gọi cha vào ăn cơm thì Thu nói trống không, Thu gọi cha là “người ta”. Sự xa lánh, ương ngạnh của bé Thu như gáo nước lạnh dội xuống ngọn lửa nồng nàn trong lòng cha. Có lúc tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa, đó kà khi một mình Thu đối diện với nồi cơm to đang sôi trào, tưởng chừng nó phải cuống lên, xuống nước, đàu hàng, gọi một tiếng ba nhờ sự giúp đỡ. Nhưng không! Thu kiên quyết lấy chiếc vá múc từng vá nước bỏ đi, quyết không chịu cất lên một tiếng ba mà người cha mong đợi. Bướng bỉnh, bất cần, không chịu nhượng bộ, không chịu thua cuộc, điều đó khiến người cha càng thêm đau lòng và cũng không hiểu vì sao Thu lại cự nự, chối bỏ tình cha như vậy?
– Song cái điều đáng trách, đáng ghét ấy của Thu lại là điều vô cùng đáng quý của đứa con bé bỏng đối với cha. Thái độ ngang ngạnh, quyết liệt ấy có lí do riêng của trẻ mà chưa ai hiểu được và chưa ai tháo gỡ cho nó, mặc dù cả người bạn của cha, người mẹ và tất cả mọi người đều xác nhận đó là cha của bé. Cái mầm sâu kín thắc mắc trong lòng bởi người cha trong ảnh trẻ, đẹp, không có vết thẹo ghê sợ trên má kia. Bé kiên quyết giữ vững lập trường để bảo vệ người cha thân yêu của mình. Sự việc sẽ không được giải tỏa nếu như Thu không hất cái trứng cá ra khỏi bát cơm và bị cha la đánh. Thu bỏ ăn chèo thuyền sang bà ngoại. Nhà văn cởi nút thật khéo léo, tự nhiên, hợp lí, nỗi khúc mắc trong lòng bé Thu đã được bà ngoại tháo gỡ: chiến tranh, thời gian, sự xa cách đã khiến ba già và xấu xí như thế. Khi đã vỡ lẽ rồi thì lòng yêu cha của bé Thu càng nhân lên gấp bội nhưng quá muộn, đúng lúc cha phải từ giã gia đình, bà con lên đường.
– Khi cha phải lo tiếp khách, Thu cảm giác như bị bỏ rơi, lúc bé đứng vào góc nhà, lúc tựa của nhìn mọi người. Vẻ mặt không còn cau có mà sẫm lại buồn rầu. Đôi mắt mở to vẻ nghĩ ngời sâu xa. Chia tay Thu là người cuối cùng, đôi mắt mênh mông của nó nhìn cha bỗng xôn xao. Tình cha con đột ngột trỗi dậy. Tiếng ba vỡ òa từ sâu thẳm đáy lòng bao năm chờ đợi, nay buột thốt bất ngờ. Và cái tiếng ba suốt chín năm, ba ngày đằng đẵng người cha mong mỏi giờ mới được nghe. Đột ngột, sung sướng, yêu thương và cả những éo le… trào cả dậy, không ai có thể ngờ tới:
“Ba… Ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng ba mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng ba như vỡ tung ra từ đáy lòng nó […]. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
– Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!
Ba bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nữa” như muốn chuộc lỗi với ba. Xúc động biết bao Thu hôn lên cả vết thẹo dài mà suốt mấy ngày bé đã nghi kị, ghét bỏ. Đối với người cha ấy, đó là tiếng gọi ba đầu tiên và cũng là tiếng cuối cùng ông nghe được từ con. Xúc động quá nặng tràn, ông Sáu không kìm nổi nước mắt, vừa ôm con, vừa lau nước mắt, rồi hôn lên mái tóc con:
“- Ba đi rồi ba về với con.
– Không! – Con bé hét lên, hai tay nó xiết chặt lấy cổ […], nó dang cả hai chân câu chặt lấy ba nó, và đôi vai của nó run run”.
Nhìn ảnh ấy, ai cũng nghẹn lòng làm sao cầm nổi nước mắt. Còn nhân vật tôi “bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim”. Lần cuối bé Thu được ôm cha, nó mếu máo và dặn cha trong tiếng nấc : “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!”. Một ước muốn nhỏ bé, giản dị mà hàm chứa ý nghĩa sâu xa.
Cây lược ngà! Phải mười năm sau khi Thu đã trở thành cô giao liên rắn rỏi, kiên cường mới được nhận, lúc đó người cha thân yêu cũng không còn nữa.
c. Kết bài
Nhà văn không nhiều lời, chỉ qua một vài chi tiết, đủ cho người đọc xúc động trước nỗi niềm, tâm trạng của nhân vật bé Thu. Đó là tình cảm thật trong trẻo, sâu sắc, mạnh mẽ những cũng thật dứt khoát, rạch ròi. Cứng cỏi, ương ngạnh, yêu – ghét đều thống nhất và hồn nhiên trong tâm trạng một đứa trẻ ngây thơ, chứng tỏ nhà văn rất am hiểu tâm lí trẻ em và diễn tả thật sinh động diẽn biến tấm lí với cả tấm lòng yêu thương và trân trọng.
Câu hỏi 6. Phân tích nhân vật ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng (trong SGK Ngữ văn 9, tập một) để thấy được tình cảm cha con trong chiến tranh.
a. Mở bài
Hạnh phúc và chiến tranh, chiến tranh và bi kịch mãi là vấn đề muôn thuở không thể hóa giải trong lịch sử và đời sống con người. Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc đang diễn ra quyết liệt (1966). Truyện viết về tình cha con trong cảnh ngộ éo le sinh li tử biệt đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm và xúc động sâu xa.
b. Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
– Ở thời nào cũng vậy, chiến tranh không đem lại lợi ích cho con người mà ngược lại, nó là tội ác, là nguyên nhân gây ra bao mất mát đau thương: cha lìa con, vợ lìa chồng, tuổi trẻ – hạnh phúc, sự bình yên bị phá hoại. Sau chín năm kháng chiến chống Pháp trường kì của dân tộc, tiếng súng tạm ngừng, ông Sáu về thăm gia đình, vợ con ít ngày để rồi lại ra đi, bước tiếp vào cuộc chiến tranh chống Mĩ xâm lược. Cuộc chiến tranh ác liệt đã để lại di chứng vết thẹo dài trên gương mặt trai trẻ của ông. Nỗi đau không chỉ về thể xác mà còn hằn sâu trong tinh thần, tâm hồn ông. Chính nó là nguyên nhân trong suốt ba ngày ngắn ngủi con không nhận ra cha. Cha càng gần gũi, vồ vập – con càng lạnh nhạt, xa lánh. Cha càng chiều thương – con càng cự nự. Đứa con không thể hiểu nỗi đau do chiến tranh mang lại, không thể hiểu nỗi khao khát trong suốt tám năm xa cách cha mong được gặp con, được hạnh phúc khi nghe con kêu một tiếng ba giản dị mà thiêng liêng nhất cuộc đời. Để rồi mãi đến phút cuối chia tay, ông Sáu mới được hưởng chút hạn phúc mọn mằn trong tình cha con. Tiếng ba buột thốt từ đáy lòng con mà như xé lòng ông, xé lòng mọi người. Cha ôm con, con ôm cha ttrào tuôn nước mắt – khổ đau mà hạnh phúc.
– Chẳng ngờ chút hạnh phúc nhỏ nhoi, ngắn ngủi ấy lại là lần sinh li tửu biệt, vĩnh viễn cha lìa con. Ông Sáu ngã xuống trong một trần càn của giặc, thầm lặng trong một lời trăng trối, không nấm mồ, không bia mộ… Vì những ngày đen tối ấy, sống – chết đều phải bí mật. Sống và hi sinh, khổ đau và lặng lẽ. Song người cha – người chiến sĩ ngoan cường, trung thành với cách mạng, gắn bó với quê hương, đồng chí, đồng đội ấy không bao giờ chết. Vì ông là người rất mực thương con. Ông mang lời hứa với con gái vào chiến trường: “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Đó là mong ước đơn sơ của đứa con gái bé bỏng và cũng là lời hứa đầu tiên và duy nhất của cha dành cho con.
– Cây lược và nỗi nhớ cứ neo đậu trong ông suốt cuộc hành trình đầy khói lửa chiến tranh. Nó cứ thôi thúc, khôn nguôi trong lòng, làm sao để kiếm được cây lược cho con? Ông ngồi bật dậy, lóe lên trong đầu một sáng kiến: tự tay làm cho con chiếc lược bằng ngà voi, nó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều khi tìm mua cho con một cây lược giữa rừng rú chiến khu này. Hơn nữa, ngà voi là thứ quý hiếm, chiếc lược dành cho con phải được làm bằng thứ quý hiếm ấy, nó mới xứng với tình sâu nặng của cha dành cho con.
– Khi kiếm được khúc ngà, mặt ông “hớn hở như một đứa trẻ được quà”. Vậy đấy, khi người lớn hóa thành trẻ con cũng là lúc bộc lộ tinh cảm cao quý nhất của người cha đối với con. Rồi ông miệt mài “ngồi cưa từng chiếc răng lược, tỉ mỉ, thận trọng, khổ công như một người thợ bạc”. Tâm huyết, tình yêu thương được dồn vào từng chiếc răng lược, cứ thế mỗi ngày, cho đến khi chiếc lược được hoàn thành, ông lại gò lưng, tie mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược nhỏ xinh chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào nỗi buồn day dứt, ân hận khi ông đã lỡ đánh con lúc nóng giận. Nó như hình bóng của con, như vật kỉ thiêng liêng vô giá, an ủi, động viên, nuôi dưỡng trong ông tình cha con và sức mạnh chiến đấu. Hằng đêm, ông vẫn nhìn ngắn chiếc lược cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Ông mài lên tóc mình cho chiếc lược thêm bóng đẹp. Chiếc lược ngà là cầu nối, là biểu tượng bất diệt của tình cha con trong chiến tranh, là kết tinh tình phụ tử mộc mạc, đơn sơ nhưng đằm thắm, diệu kì.
– Thật trớ trêu, chiếc lược ngà luôn được người cha nâng niu, trân trọng ấy, chính ông lại không thể trao tận tay cho con gái. Chiến tranh là thế, còn mất mong manh. Ông đã hi sinh, dù không trăng trối được lời nào nhưng ánh mắt của ông nhìn người bạn chiến đấu và cử chỉ cuối cùng trao cho người bạn chiếc lược ngà như đã chuyển giao sự sống, chuyển giao nghĩa vụ làm cha, hãy gìn giữa, tiếp nối tình cha con ruột thịt. Đúng như ông Ba – người kể chuyện nói: “Chỉ có tình cha con là không thể chết được!”. Nó sẽ sống và tiếp nối trong tình yêu thương của người đồng chí già, nhất định ước nguyện của tình phụ tử sẽ được thực hiện. Ánh mắt và cử chỉ của người sắp ra đi còn thiêng liêng hơn cả bản di chúc bằng lời.
c. Kết bài
Gấp lại trang sách, câu chuyện về Chiếc lược ngà còn âm vang mãi trong lòng người đọc. Nó không chỉ gây xúc động mạnh mẽ về tình phụ tử thắm thiết, sâu nặng mà con gợi cho người đọc suy ngẫm về một quá khứ đau thương của dân tộc. Căm ghét chiến tranh và thấm thía nỗi đau thương, mất mát, éo le do chiến tranh gây ra, biết bao gia đình, biết bao con người phải chịu cảnh đau thương chia lìa như thế. Song đó cũng là niềm tự hào và vinh quang của một dân tộc anh hùng. Nhà văn khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc, nó càng cao đẹp trong cảnh ngộ khó khăn.
Câu hỏi 7. Phân tích và so sánh nhân vật người cha trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao và Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
– Hai văn bản: Lão Hạc của Nam Cao và Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
– Nắm được cuộc đời, số phận và phẩm chất cao đẹp của lão Hạc dành cho con, cũng như tình cảnh éo le của ông Sáu: chiến tranh đã làm cho cha con xa cách, và chính vì lẽ đó mà tình cha con càng thêm cao đẹp, sâu nặng.
– So sánh sự giống và khác nhau của hai nhân vật trong hai tác phẩm.
– Rút ra nhận xét, đánh giá chung về phẩm chất của những người cha đối với con.
Sau đây là một gợi ý:
a. Mở bài
Trong văn học Việt Nam và thế giới, các nhà văn, nhà thơ đã dành không ít bút lực để ca ngợi người mẹ – tình mẹ. Song trong thực tế, nếu “Tình mẹ bao la như biển Thái Bình” thì “Tình cha ấm áp như vầng thái dương”. Tình yêu thương của cha đối với con cũng không kém phần người mẹ. Hình tượng lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao và hình tượng ông Sáu – người cha – người chiến sĩ cách mạng trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về tình cha.
b. Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
* Tình cảnh bi thương và phẩm chất của lão Hạc
– Lão Hạc là người nông dân nghèo, tình cảnh của lão Hạc thật bi thương. Vợ lão chết sớm, vì quá nghèo lão không có tiền cưới vợ cho con. Con lão phẫn chí bỏ đi làm đồn điền cao su, bỏ lại lão bơ vơ cùng con chó vàng ở nhà. Lão bị ốm nặng, làng mất vé sợi, cơn bão đi qua phá hoại hết hoa màu, tuổi già sức yếu chẳng ai muốn thuê lão làm việc nữa. Lão đành bán con chó yêu quý của lão rồi ăn củ khoai, củ ráy, rau má, bữa trai bữa ốc cho qua ngày, tới khi không còn cái gì ăn nữa thì lão ăn bả chó tự tử. Cái chết của lão thật đau đớn thê thảm.
– Tình cảnh bi thương nhưng phẩm chất của lão thật cao quý. Lão thương con, lão khóc và day dứt vì không có tiền cưới vợ cho con để nó phải bỏ làng đi làm ăn xa. Lão ở nhà sức tàn lực kiệt nhưng vẫn bòn vườn, ki cóp dành tiền cho con để nó về cưới vợ và có chút vốn làm ăn. Lão chịu đói khổ chứ không tiêu vào số tiền dành dụm, quyết chết để lại mảnh vườn cho con chứ không chịu bán.
Trước khi chết, lão gửi lại ông giáo 30 đồng bạc để lo ma chay cho mình, gửi lại mảnh vườn nhờ ông giáo trông nom cho con kho nó trở về.
=> Lão Hạc là một người cha tốt, người cha rất mực thương con, hi sinh hết lòng vì con. Dù lâm vào cảnh cùng quẫn nhưng lão vẫn giữ mình trong sạch “đói cho sạch, rách cho thơm”, không làm việc xấu xa như Binh Tư đã nghĩ. Phẩm chất của lão thật cao quý, đáng trọng.
* Cảnh ngộ éo le của ông Sáu và gia đình
– Đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, ông Sáu cũng như bao người chiến sĩ cách mạng khác phải lìa xa vợ con, gia đình, quê hương đi chiến đấu, bảo vệ nền hòa bình cho đất nước. Chín năm kháng chiến trường kì và đằng đẵng xa con, ông khổ sở, mong mỏi đến nôn nao cái phút giây được gặp lại con, được ôm con vào lòng cho thỏa niềm thương nhớ. Song thật trớ trêu! Cái giờ khắc nhìn thấy con, ông càng vồ vập, cuống quýt bao nhiêu thì đứa con lại lảng tránh, chối bỏ ông bấy nhiêu1 Nguyễn nhân là do chiến tranh đã để lại di chứng vết thẹo trên gương mặt ông, đã làm cho con ông không nhận ra cha.
– Xót xa khi con nhận ra cha, cất tiếng gọi ba thì cũng là lúc cha con vĩnh viễn xa nhau. Người cha thân yêu ấy đã mang theo vào chiến trường một mong ước của con: “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Ở nơi rừng rú chiến khu này tìm mua đâu cho được cây lược? Ý nghĩa nhất chính là tự tay cha làm cho con một chiếc lược mới có thể phần nào bù đắp được tình cha những lúc vắng xa.
* Ông Sáu – người cha thầm lặng, đau khổ rất mực thương con
– Ở chiến trường, ông quyết dồn tâm huyết để làm cho con một cây lược.. Khi kiếm được khúc ngà, mặt ông “hớn hở như đứa trẻ được quà”, những lúc rỗi, ông “ngồi cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và khổ công như người thợ bạc”. Khi chiếc lược đã hoàn thành, ông tỉ mẩn gò công khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Nâng niu, trận trọng như một vật báu, ông thường xuyên “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng mượt”. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân sáng tạo. Sáng tạo một tác phẩm thiêng liêng, cao quý duy nhất về tình cha con. Vì thế, cây lược ngà đã kết tinh trong nó tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, sâu xa, đơn sơ mà thật kì diệu.
– Đang tiếc, kỉ vật thiêng liêng ấy chưa kịp trao cho con thì ông Sáu đã hi sinh. Tàn lực cuối cùng ông dồn lên đôi mắt và đưa tay vào túi, móc cây lược ra đưa cho người bạn chiến đấu thân thiết nhất, như muốn nói, như muốn chuyển giao sự sống, chuyển giao ước nguyện cuối cùng của người cha cho người đồng chí: hãy tiếp tục làm tròn bổn phận của một người cha, hãy gìn giữ mãi tình cha con ruột thịt. Ông Sáu hi sinh, nhưng tình cha con thì không bao giờ chết được. Chiến tranh, sự khốc liệt có thể cướp đi tính mạng, thể xác, không thể cướp đi tình cha con cao quý, sâu nặng. Nó sẽ sống mãi trong chiếc lược ngà mà ông đã dành cho con.
* Sự giống và khác nhau giữa hai người cha
– Lão Hạc thuộc tầng lớp nông dân cố cùng sống trong chế độ thực dân nửa phong kiến. Lão tiêu biểu cho số phận người nông dân khốn cùng trước Cách mạng tháng Tám. Cha con phải xa lìa nhau là do đói nghèo, do xa hội thực dân nửa phong kiến dã man tàn bạo, áp bức, bóc lột khiến cho đời sống của họ lâm vào bước đường cùng. Còn ông Sáu, cha con phải xa lìa nhau, không nhận ra nhau là do chiến tranh. Tội ác của chiến tranh đã gây bao đau thương tang tóc cho mỗi gia đình Việt Nam. Ông Sáu là người chiến sĩ trung thành với cách mạng, gắn bó với quê hương, đồng chí, đồng đội. Thương yêu con nhưng vì nghĩa lớn phải ra đi và bị hi sinh.
– Hai người cha, hai thời đại, hai cảnh ngộ khác nhau nhưng họ có chung một phẩm chất: yêu thương con nhất mực. Lão Hạc quyên sinh để dành lại mảnh vườn cho con. Ông Sáu dồn tình yêu thương vào việc làm chiếc lược ngà. Ở trong cảnh ngộ càng khó khăn thì tình cha con càng được tỏa sáng, thiêng liêng và cao quý.
c. Kết bài
Thành công của hai tác phẩm là xây dựng được hình tượng những người cha mẫu mực. Trong mỗi tình cảnh éo le, tình cha con càng thắm thiết, sâu nặng, để lại trong lòng người đọc những xúc động sâu xa, những giá trị nhân bản đẹp đẽ, cao cả, thiêng liêng biết mấy.
Câu hỏi 8. Phân tíchchi tiết cái chết của ông Sáu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng để làm sáng tỏ nhận xét của ông Ba trong tác phẩm “…hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được”.
HS tham khảo phần cuối của bài tập 6 và 7 để làm bài
Câu hỏi 9. Em hãy viết lại đoạn truyện trong Chiếc lược ngà kể về cuộc chia tay cuối cùng của cha con ông Sáu theo lời hồi tưởng của nhân vật bé Thu – cô giao liên.
Trong truyện, tác giả chọn nhân vật ông Ba – người bạn thân thiết của ông Sáu trong vai kể chuyện. Ông không chỉ là người chứng kiến khách quan và kể lại mà còn bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ với các nhân vật. Bây giờ không phải là ông Ba mà thay vào đó là chính Thu, cô giao liên đã trưởng thành, hồi tưởng lại cuộc chia tay cuối cùng của hai cha con để kể lại. Như vậy truyện được kể theo ngôi thứ nhất – nhân vật tôi. Đọc tham khảo bài viết sau:
NGÀY ẤY BA ĐI
Trong cuộc đời, có những điều ta tưởng như không bao giờ còn hi vọng. Vậy mà, bất chợt nó vẫn đến như mơ. Trong chuyến công tác hôm nay, tôi tình cờ gặp lại bác Ba – người bạn chiến đấu của cha tôi năm xưa. Bác đã trao cho tôi cây lược ngà mà trước khi hi sinh, cha tôi đã kịp gửi lại. Bác nói:
– Ba cháu gửi cho cháu cây lược ngà này. Cây lược do chính tay ba cháu làm. Ba cháu vẫn khỏe, không về được nên gửi qua bác.
Tôi đưa tay đón chiếc lược ngà, nhẵn bóng từ tay bác Ba. Nhìn dòng chữ khắc trên thân lược: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba!”, tim tôi như bị ai bóp lại, trào lên một cảm giác lạnh người. Tôi cố kìm nén nhưng sao nước mắt tối cứ tràn ra, chảy dọc xuống gò má nóng hổi. Tôi biết bác Ba nói dối cha tôi đã chết rồi. Có lẽ bác sợ tôi không trải qua được cơn sốc này chăng? Tôi đâu còn là bé Thu của mười năm về trước bác đã găp. Tôi đã trưởng thành rồi. Tôi xin má đi làm giao liên cho quân giải phóng cũng là căm thù bọn đế quốc, trả thù cho cha. Cầm cây lược trên tay, tôi như được gặp lại cha. Cây lược đưa tôi ngược dòng trở về quá khứ.
Thời gian đi qua đã mười năm rồi, lúc ấy tôi mới chín tuổi. Ba chỉ được về nhà có ba ngày. Vậy mà vết thẹo trên mặt ba đã khiến tôi không nhận ra cha. Tôi đâu có ngờ chiến tranh lại độc ác đến thế! Và thời gian xa cách cũng làm ba tôi già đi, xấu đi nhiều. Mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi ân hận và tự dằn vặt, trách cứ mình sao lại đối xử với ba tệ như thế. Nhưng còn may cái phút chót của ngày ba phải ra đi, bà ngoại đã lí hiaỉ cho tôi những khúc mắc trong lòng. Khi ba tạm biệt mọi người, lúc ấy tôi cũng đứng nép trong một góc nhà, lòng tôi buồn lắm. Tôi nghĩ rất nhiều nhưng chẳng còn nhớ trong cái đầu thơ ngây lúc đó, tôi đã nghĩ gì nữa. Chỉ đến khi ba mang chiếc ba lô trên vai rồi tôi mới bật lên được một tiếng ba, được ôm ba, câu chặt lấy ba cho thỏa lòng mong nhớ. Tôi thầm nói với ba: “Cha ơi! Cha có biết không trong lòng con cũng mong nhớ cha, khát tình cha như cha khát tình con và gia đình, quê hương của cha vậy”. Trong giờ khắc chia tay ấy, với tôi nó thiêng liêng đến nhường nào! Tôi thét lên “Ba! Ba…!”. Tiếng thét ấy như xé lòng tôi, xé toang cả sự im lặng giữa cha và con, làm kinh động đến mọi người. tôi cố kìm nén nhưng nó như một vật gì đó nặng lắm, mạnh lắm, bùng phát, vỡ tung ra tự đáy lòng, phun trào như nham thạch núi lửa.
Tôi ôm chặt lấy ba, hôn ba cùng khắp, hôn lên cả vết thẹo mà trước đó tôi kinh hãi, ghê sợ. Tôi ân hận lắm! Tôi muốn nói lời câu xin cha tha lỗi nhưng có lẽ tôi còn con nít, mắc cỡ không thể giãi bày được như người lớn. Tôi khống muốn ba đi nữa. Tôi muốn ba ở nhà mãi với tôi, đã chín năm tuổi thơ tôi sống vắng bóng ba. Lúc đó tôi chỉ muốn có ba ở bên để được yêu thương, che chở.
Ba ôm chặt lấy tôi và rút khăn lau nước mắt. Cả ba, tôi và mọi người đều xúc động. Ba hôn lên tóc tôi, vỗ về: “Ba đi rồi ba về với con”. Tiếng má cũng nói chen vào: “Thu! Để ba đi. Thống nhất rồi ba về với con”. Và tôi dặn ba: “Ba về, ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Kí ức như còn mới hôm qua mà mười năm đã trôi đi rồi. Tôi khôn lớn và chờ đợi. Những trận càn, đốt làng, tố cộng, dồn dân lập ấp của bọn Mĩ – ngụy, ai có thể sống sót để trở về đoàn tụ với nhau? Sống – chết thật mỏng manh, chưa đến ngày thống nhất mà má con tôi đã nhận tin sét đánh. Chiếc lược ngà này, tôi dặn ba mua ngày ba đi cũng không bao giờ còn hi vọng.
Hôm nay chính thức bác Ba ngày ấy về chơi cùng ba đã trao lại cho tôi ây lược – vật kỉ thiêng liêng và duy nhất của ba còn lại. Cầm cây lược trên tay, nó gọi thức trong tôi bao kỉ niệm, trái tim tôi quặn thắt. Tôi bàng hoàng trước hạnh phúc bất ngờ. Bác Ba đã đưa chiếc lược về như đưa chính hình bóng người cha yêu dấu về với tôi. Tôi ôm nó vào lòng như được ôm, được gặp cha ngày nào. Chiếc lược ngà chính là tình thương yêu sâu nặng của ba tôi. Tôi sẽ gìn giữ và mang nó theo suốt cuộc đời.
-dehoctot.edu.vn-