Kiến thức cơ bản về tác phẩm Con rồng cháu tiên
– Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên có nhiều chi tiết thể hiện tính chất kì lạ, lớn lao, đẹp đẽ về nguồn gốc và hình dạng của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trước hết, cả hai đều thuộc dòng dõi các thần. Lạc Long Quân là con trai thần Long Nữ (thường ở dưới nước), Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông (ở trên núi). Thứ hai, Lạc Long Quân có sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ, thường giúp dân diệt trừ yêu quái, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi; Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần.
– Về việc kết duyên của Lạc Long Quân cùng Âu Cơ và chuyện Âu Cơ sinh nở có nhiều điều kì lạ: Một vị thần sống dưới nước kết duyên cùng một người thuộc dòng họ Thần Nông ở trên núi cao; Âu Cơ không sinh nở theo cách bình thường. Nàng sinh ra một cái bọc một trăm trứng, trăm trứng lại nở ra một trăm người con đẹp đẽ lạ thường. Đàn con không cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi, mặt mũi khôi ngô, khoẻ mạnh như thần. Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con ra làm hai: năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên núi. Chia như vậy là để khi có việc gì thì giúp đỡ lẫn nhau.
– Chi tiết tưởng tượng, kì ảo là những chi tiết không có thật. Đó là những chi tiết có tính chất hoang đường, kì lạ. Trong truyện truyền thuyết, nhân dân sáng tạo ra những chi tiết tưởng tượng, kì ảo nhằm dựng lên những câu chuyện thần kì, giải thích những sự kiện, sự việc chưa thể giải thích theo cách thông thường hoặc là để thần thánh hoá các nhân vật mà nhân dân ngưỡng mộ, tôn sùng.
Trong truyện Con Rồng cháu Tiên, những chi tiết này có vai trò tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ của các nhân vật (Lạc Long Quân và Âu Cơ), đồng thời chứng tỏ người Việt có nguồn gốc khác thường, rất cao quý và đẹp đẽ. Qua việc thần kì hoá, linh thiêng hoá nguồn gốc dân tộc, nhân dân ta muốn nhắn nhủ người đời sau hãy luôn luôn tự hào, tôn kính tổ tiên mình. Các chi tiết tưởng tượng, kì ảo trong truyện vừa phản ánh một trình độ hiểu biết nhất định ở giai đoạn lịch sử sơ khai, vừa là kết quả của óc tưởng tượng phi thường của người Lạc Việt.
– Truyện Con Rồng cháu Tiên tuy có những yếu tố tưởng tượng, kì ảo nhưng về cơ bản đã giải thích, suy tôn nguồn gốc của đất nước ta. Đồng thời truyện cũng thể hiện niềm tự hào dân tộc, ý nguyện đoàn kết, thống nhất từ xa xưa của cộng đồng người Việt: dù ở bất cứ đâu, đồng bằng hay miền núi, trong Nam hay ngoài Bắc, người Việt Nam đều là con cháu các vua Hùng, có chung dòng dõi “con Rồng cháu Tiên”, vì thế phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Ôn tập tác phẩm Con rồng cháu tiên
Trắc nghiệm
Câu 1: Dòng nào không nói về đặc điểm của thể loại truyền thuyết?
- Phản ánh sự thật đời sống
- Có chứa yếu tố tưởng tượng, kì ảo
- Có sử dụng biện pháp khoa trương, phóng đại
- Có liên quan tới lịch sử thời quá khứ
Câu 2: Nhân dân thể gửi gắm điều gì qua truyền thuyết
- Những nhận xét, đánh giá về sự kiện, nhân vật lịch sử được kể.
- Những phê phán về sự kiện, nhân vật lịch sử được kể.
- Những hoài nghi về sự kiện, nhân vật lịch sử được kể.
- Những ước mơ, kì vọng về sự kiện, nhân vật lịch sử được kể.
Câu 3: Truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” phản ánh nội dung gì?
- Nguồn gốc dân tộc
- Quá trình đấu tranh giữ nước
- Quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên
- Tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình
Câu 4: “Con Rồng Cháu Tiên” ra đời trong thời kì nào?
- Thời họ Hồng Bàng
- Thời kì Âu Lạc và Bắc thuộc
- Thời kì phong kiến tự chủ
- Thời kì thực dân phong kiến
Câu 5: Dòng nào nói đúng nhất ý nghĩa của truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”?
- Người Việt Nam thuộc dòng dõi thần tiên
- Người Việt Nam là anh em một nhà
- Người Việt Nam sống ở hai địa hình chủ yếu
- Người Việt Nam có khả năng thích nghi cao
Tự luận
Câu 1: Em hãy tóm tắt ngắn gọn nội dung cơ bản của tác phẩm?
Xưa, ở miền đất Lạc Việt có một vị thần thuộc nòi Rồng, tên là Lạc Long Quân. Trong một lần lên cạn giúp dân diệt trừ yêu quái, Lạc Long Quân đã gặp và kết duyên cùng nàng Âu Cơ vốn thuộc dòng họ Thần Nông, sống ở vùng núi cao phương Bắc. Sau đó Âu Cơ có mang và đẻ ra cái bọc một trăm trứng; nở ra một trăm người con. Vì Lạc Long Quân không quen sống trên cạn nên hai người đã chia nhau mỗi người mang năm mươi người con, người lên rừng, kẻ xuống biển.
Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn lên làm vua, xưng là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Khi vua cha chết thì truyền ngôi cho con trưởng, từ đó về sau cứ cha truyền con nối đến mười tám đời, đều lấy hiệu là Hùng Vương.
Câu 2: Qua tác phẩm nhân dân ta muốn giáo dục thế hệ mai sau điều gì?
– Qua tác phẩm nhân dân ta muốn giáo dục thế hệ mai sau lòng biết ơn và tự hào về nòi giống
– Giáo dục tinh thần thương yêu, đoàn kết, đùm bọc
Câu 3: Em có cảm xúc như thế nào khi biết về nguồn gốc dân tộc Việt?
– Cảm xúc của mỗi người Việt Nam sau khi đọc truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” là niềm tự hào về dòng dõi thần tiên cao quí.