Đàn ghi-ta của Lorca là bài thơ đặc sắc của Thanh Thảo, bởi hình tượng Lorca với vẻ đẹp bi tráng, thể hiện sự đồng cảm và tri ân, sự ngưỡng mộ và yêu mến, niềm kính trọng và tiếc thương sâu sắc với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa. Sáu câu thơ đầu là vẻ đẹp của đất nước Tây Ban Nha và bức tranh tự họa của Lorca.
Dàn ý Phân tích 6 câu đầu bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về nhà thơ Thanh Thảo
- Nhà thơ Thanh Thảo là một trong số những nghệ thuật tiêu biểu nhất của thế hệ nghệ thuật trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
- Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều trăn trở, suy tư về các vấn đề xã hội và thời đại.
- Giới thiệu bài thơ Đàn ghi ta của Lorca và dẫn dắt 6 câu đầu
- Hình ảnh Lorca, con người tự do và cô đơn, người nghệ sĩ cách tân dũng cảm, người công dân yêu tự do, dân chủ trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha đầu thế kỉ XX
- Bức tranh ấn tượng về người nghệ sĩ vĩ đại tiếp tục được vẽ bằng gam màu ấn tượng của tấm áo choàng đỏ gắt, tấm áo quen thuộc với những đấu trường Tây Ban Nha, tấm áo biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha
- Bài thơ đã thể hiện nỗi tiếc thương của nhà thơ đối với người nghệ sĩ tài hoa Lorca
- 6 câu đầu khắc họa phong cách nghệ thuật trong thơ Thanh Thảo
Thân bài
- Trích dẫn 6 câu đầu của bài thơ Đàn ghi ta của Lorca
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
- Khái quát về cảm hứng và xuất xứ của bài thơ
- Lấy cảm hứng từ những bài thơ và nhất là từ những phút giây bi phẫn trong cuộc đời của Lorca.
- Bài thơ được in trong tập Khối vuông Rubic
- Giới thiệu về nhân vật trữ tình Lorca trong bài thơ
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ là Federico Garcia Lorca (1898-1936), một tài năng lớn của văn hóa nghệ thuật hành động Tây Ban Nha với khả năng thiên bẩm ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu…;
- Lorca không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn hóa vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi ấy mà còn là một công dân yêu tự do, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu chống lại chế độ độc tài phát xit Phrăng-cô, cuối cùng đã hi sinh trong cuộc chiến đấu đó.
- Lorca có một một nhân cách cao đẹp. Ông vừa cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi quyền sống chính đáng vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân nghệ thuật.
- Lorca như một biểu tượng và là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
- Phân tích 6 câu thơ đầu
- Vẽ nên hình tượng Lorca đẹp đẽ với khoảng trời nghệ thuật, nhưng bên cạnh đó cũng chính là bầu trời chính trị u ám dưới chế độ độc tài phát xít, cái đẹp bị vùi dập đến cô đơn.
- Tiếng đàn đã trở thành hình khối: hình bọt nước.
- Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt”: nền văn hóa đấu bò tót của Tây Ban Nha, nhưng màu đỏ ấy lại là màu “đỏ gắt” gợi lên những tháng ngày căng thẳng, sục sôi, bất mãn và đau khổ mà người dân Tây Ban Nha đang phải gánh chịu do chế độ độc tài Phát xít gây ra.
⇒ Đoạn thơ làm nổi bật sự đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với sự tàn bạo của bọn phát xít, giữa tiếng hát yêu đời với hiện thực phũ phàng đẫm máu.
- Nghệ thuật trong 6 câu thơ đầu
- Nguồn cảm hứng: tiếng đàn ghi ta
- Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ tượng trưng độc đáo gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc.
- Thể thơ tự do kết hợp với việc không dùng dấu chấm câu giúp dễ bộc lộ cảm xúc, làm mạch thơ không dứt, tình cảm được trải dài.
Kết bài
- Chỉ sáu câu thơ ngắn gọn, những hình ảnh ẩn dụ kết hợp âm thanh, màu sắc diễn tả những nỗi đau, những dự cảm thường xuất hiện trong thơ Lorca, Thanh Thảo đã khái quát được cả một cuộc đời bất hạnh, dựng được bức chân dung tự họa của Lorca.
- Bức tranh ấn tượng về người nghệ sĩ vĩ đại tiếp tục được vẽ bằng gam màu ấn tượng của tấm áo choàng đỏ gắt, tấm áo quen thuộc với những đấu trường Tây Ban Nha, tấm áo biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha
- Lorca là bức chân dung của một thanh niên có lí tưởng mà bị vùi dập dưới bàn tay tàn bạo của bọn phát xít…
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
» Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
» Phân tích vẻ đẹp bi tráng của nhân vật trữ trình trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
Văn mẫu: Phân tích 6 câu đầu bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
Nhà thơ Thanh Thảo là một trong số những nghệ thuật tiêu biểu nhất của thế hệ nghệ thuật trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều trăn trở, suy tư về các vấn đề xã hội và thời đại. Sáng tác của Thanh Thảo chú trọng khai thác cái tôi nội cảm với nhiều ngôn từ mới mẻ và hình ảnh gợi lên liên tưởng đa chiều. “Đàn ghi ta của Lorca” là một trong những bài thơ tiêu biểu của Thanh Thảo. Bài thơ thể hiện nỗi đau xót của Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của Lorca, qua đó bộc lộ thái độ ngượng mộ người nghệ sĩ thiên tài đại diện cho khát vọng tự do và tinh thần cách tân nghệ thuật của thể kỉ XX. Sáu câu thơ đầu là nét vẻ đẹp của đất nước Tây Ban Nha và bức tranh tự họa của Lorca.
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Tây Ban Nha là một đất nước nổi tiếng ở Tây Âu với những chiếc cối xay gió cổ truyền, tiểu thuyết hiệp sĩ Đôn-ki-hô-tê và lễ hội đấu bò truyền thống. Tây Ban Nha còn là quê hương của cây đàn ghi ta với những bản nhạc, bài ca bốc lửa hoặc du dương gắn liền với tên tuổi nhà thơ – nhạc sĩ Lorca mà cái chết của ông đã trở thành một trong những sự kiện trong lịch sử Tây Ban Nha hiện đại.
Lorca tên đầy đủ là Phê-đê-ri-cô Gat-xi-a Lorca là một trong những tài năng sáng chói của văn học hiện đại Tây Ban Nha. Lorca có một một nhân cách cao đẹp. Ông vừa cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi quyền sống chính đáng vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân nghệ thuật. Ảnh hưởng của Lorca cùng tài năng khác khiến chính quyền phản động thân phát xít lúc đó hoảng sợ. Chúng bắt giam và giết chết ông một cách dã man. Lorca trở thành một biểu tượng và là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Sáu câu đầu của bài thơ Đàn ghi ta của Lorca gợi lên khung cảnh chính trị, văn hóa Tây Ban Nha mà quan trọng hơn là gợi lên một cách khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lorca — nhà thơ lớn nhất Tây ban Nha thế kỉ XX và cũng là một chiến sĩ dũng cảm trong cuộc chiến chống phát xít. Ông được nhiều người biết đến qua câu thơ nổi tiếng: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” (Câu mở đầu bài thơ “Ghi nhớ”). Có lẽ vì vậy mà Thanh Thảo đã chọn ngay tiếng đàn để mở đầu cho bài thơ viết về Lorca:
“những tiếng đàn bọt nước
Câu thơ nghe thật lạ lùng nhưng đầy sức gợi. “Những tiếng đàn” hay chính là sự nghiệp sáng tác mà cũng là cuộc đời của nghệ sĩ Lorca. Nhưng sao lại là “những tiếng đàn bọt nước”? Ta thấy ở đây “bọt nước” đã không được dùng với chức năng vốn dĩ là danh từ nữa mà trở thành một tính từ để bổ nghĩa cho “những tiếng đàn”. Hình ảnh “bọt nước” gây cho ta ấn tượng mạnh về sự nhỏ bé, mong manh, dễ vỡ… cứ như cuộc đời Lorca vậy, sao mà ngắn ngủi quá! Nếu như trước đây, câu thơ “tiếng đàn xưa đứt ngang dây” của Tố Hữu viết về Nguyễn Du vốn đã tội nghiệp thì đến đây, “những tiếng đàn bọt nước” của Thanh Thảo viết về Lorca lại càng tội nghiệp hơn. Câu thơ đọc lên nghe mà xót xa! Cả sự hẫng hụt nữa!
Thế thì, ta đánh hướng nhìn qua một góc độ khác, lạc quan hơn, rằng “bọt nước” đúng là nhỏ bé, là mong manh, dễ vỡ thật, chính vì thế mà cần phải tan hòa vào đại dương mênh mông. “Những tiếng đàn bọt nước” trở thành âm vang của trái tim khát khao giao hòa với cuộc sống rộng lớn hay khát khao sự đồng điệu chăng? Mượn hình ảnh bọt nước để nói về tiếng đàn Lorca quả là sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo. Sáng tạo này còn được thể hiện ở câu thơ tiếp:
“Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt”
Câu thơ này thì rõ là mang đậm không khí Tây Ban Nha khi nhắc đến một nét văn hóa đặc sắc của đất nước này. Đó là những trận đấu bò tót mà ở đó luôn hiển hiện tấm “áo choàng đỏ gắt” của người hiệp sĩ đấu bò. “Áo choàng đỏ gắt” kích thích sự hung hăng của những con bò tót, nghĩa là tăng thêm phần kịch tính, là khi bước vào đấu trường, người hiệp sĩ đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Trong không gian văn hóa Tây Ban Nha ấy, ta thấy như hiện lên những cuộc đấu khác: Cũng tấm áo choàng ấy, cũng tinh thần ấy, người hiệp sĩ Lorca bước ra đấu trường với một quyết tâm cao dù là trong cuộc chiến không cân sức với bọn phát xít Phrang-cô; còn trên đấu trường nghệ thuật thì đó là cuộc chiến giữa nhà cách tân vĩ đại Lorca với nền nghệ thuật cũ kĩ, lạc hậu, già nua. Cả hai cuộc chiến đều rất cao cả, rất vĩ đại, khiến ta không khỏi cảm phục và thương mến.
Nếu như câu thơ đầu nói lên sinh mệnh ngắn ngủi của Lorca thì câu thơ này là sự lí giải cho sinh mệnh ấy bằng sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ _ chiến sĩ Ph. G. Lorca. Cũng có lẽ vì sứ mệnh cao cả ấy mà nhân cách Lorca càng ngời sáng và tiếng đàn Lorca càng ám ảnh hơn:
“li-la li-la li-la”
Câu thơ trên có thể là sự mô phỏng âm thanh tiếng đàn gắn bó với Lorca, có thể là những tiếng gọi trìu mến về một loài hoa tím của đất nước Tây ban Nha _ hoa li-la (tử đinh hương). Dẫu là gì thì cũng là sự tượng trưng cho cái đẹp, cho nghệ thuật. Và không biết có phải ngẫu nhiên mà trong từ “li-la” có sự đấu nối của hai nguyên âm một ngắn “i”, và một dài “a”, cùng với phép lặp của từ “li-la” khiến câu thơ càng thêm miên man và đầy ám ảnh về cuộc đời ngắn ngủi và sự bất tử của tiếng đàn Lorca?
Sự trải ra của âm thanh tiếng đàn trong câu thơ này còn tạo nền để trải tiếp khoảng không gian mênh mông tiếp sau, mà trên đó, một con người cô đơn vẫn không ngừng bước “đi lang thang trong miền đơn độc”.
Câu thơ miên man với những thanh bằng khiến không gian như càng được trải rộng hơn, bao la hơn. Trên không gian ấy, người nghệ sĩ Lorca vẫn không ngần ngại dấn bước, nhưng hình như không chủ định nên mới… “đi lang thang”. Có phải vì nơi Lorca đến, “miền đơn độc”, không phải là một nơi chốn cụ thể nào mà chỉ là sự đơn độc của con người trong không gian? Và sự đơn độc là vì nơi đây vẫn còn hoang sơ, chưa dấu chân người?
Lorca, trên hành trình của mình, đang khai phá những miền đất mới, những chân trời nghệ thuật mới. Mà hành trang người nghệ sĩ ấy mang theo là “vầng trăng chếnh choáng”. Câu thơ gây ấn tượng về một vầng trăng dập dềnh, xô lệch, nhập nhòa. Và “chếnh choáng” hình như là một từ chỉ trạng thái hơn là một từ láy tượng hình. Một vầng trăng có tâm trạng, bởi vì người nhìn nó có tâm trạng. Người nghệ sĩ Lorca như đang chìm trong thế giới vô thức, nơi ngự trị của “cái tôi đa ngã”, “cái tôi chưa biết”, “cái tôi rất yêu tự do”. “Chếnh choáng”, hay chính là trạng thái say mê, xuất thần trong sáng tạo thi ca.
Nhưng sao trạng thái ấy lại diễn ra trên một yên ngựa “mỏi mòn”? Người nghệ sĩ Lorca vẫn đeo đuổi những khát vọng của mình, nếu có mỏi mòn thì đó là vì năm tháng dài dằng dặc trong người nghệ sĩ cô đơn mà thôi! Ta thấy liền ba câu:
“đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Ở đây, có sự song hành của sự đơn độc và sự vận động. Bức tranh hiện lên là bức tranh của những hoang mạc dãi đầy ánh trăng mà trên đó có bóng người nghệ sĩ với cây đàn ghi-ta đi lang thang một người một ngựa…
Vậy là, chỉ với 6 câu đầu trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca, Thanh Thảo đã mang đến cho chúng ta những liên tưởng gián đoạn nhưng rõ nét về Lorca, một chiến sĩ, một nghệ sĩ dũng cảm, yêu tự do, có sự nghiệp vĩ đại nhưng cuộc đời bất hạnh, sinh mệnh ngắn ngủi và cô đơn. Đoạn thơ với những sáng tạo độc đáo, giàu chất nhạc và chất họa còn cho thấy cả những nỗ lực đổi mới thơ ca của Thanh Thảo, một con người cũng rất tâm huyết với thơ ca!