Thuộc lòng 3 quy tắc viết câu chủ đề đoạn văn diễn dịch “chuẩn không cần chỉnh” – Tự tin đạt điểm tối đa trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Nghị luận văn học là một nội dung chính, chiếm nhiều điểm nhất trong phổ điểm của bài thi vào lớp 10 (3.5 điểm). Để đạt điểm cao trong phần này, hay thôi chưa đủ, chúng ta còn cần chú ý đến yếu tố “chính xác” của từng tiểu tiết nhé.
Vậy làm thế nào để viết chính xác câu chủ đề để nắm trọn vẹn điểm về hình thức đoạn văn, chúng ta cần nhớ những bí kíp sau đây:
1. Câu chủ đề phải nêu được tác giả – tác phẩm
Đây là đòi hỏi cơ bản của câu chủ đề, chúng ra bắt buộc phải nêu được tên tác giả – tác phẩm. Lưu ý đặc biệt là để câu văn không dài dòng phức tạp, chúng ta nên để phần này vào vị trí trạng ngữ.
2. Câu chủ đề cần khái quát, hé mở được vấn đề nghị luận
Thao tác này có thể dựa vào đề bài đến 90%. Trong trường hợp đề bài yêu cầu phân tích một khổ thơ, chúng ta sẽ phải vận dụng kiến thức cơ bản của mỗi tác phẩm (nội dung chính, bố cục từng phần)
3. Xây dựng câu văn không quá dài dòng, tránh thiếu chủ ngữ.
Đây là một lỗi sai thường gặp đối với các bạn học sinh do chủ quan, hoặc do xây dựng câu văn quá dài dòng dẫn đến việc nhầm lần. Một lưu ý nhỏ, khi làm bài chúng ta hoàn toàn không nên xưng đại từ “em” mà nên dùng đại từ chung hơn như “người đọc”, “độc giả”, “chúng ta”,…
Ví dụ:
- Sau khi đọc xong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” của Đại thi hào Nguyễn Du, độc giả không khỏi xúc động, thương xót cho người phụ nữ thuỷ chung, hiếu thảo nhưng lại phải chịu cuộc sống tủi nhục, khổ đau trong xã hội cũ.
- Qua truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của nữ nhà văn Lê Minh Khuê, người đọc cảm thấy ngưỡng mộ biết bao hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn bom đạn với những phẩm chất anh hùng đáng quý.
- Trong khổ cuối bài thơ “Ánh trăng”, tác giả Nguyễn Duy đã khiến người đọc suy ngẫm về triết lý nhân sinh trong cuộc sống – tưởng như đơn giản nhưng lại hết sức sâu sắc – đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Chúc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới!