Mở bài tạo ấn tượng đầu tiên có vai trò vô cùng quan trọng đối với người đọc, và bạn không bao giờ có được cơ hội thứ hai để làm lại điều đó. Giám khảo khi đọc bài văn nghị luận của bạn, một bài làm có nội dung rõ ý, được trình bày sạch sẽ, cẩn thận, chữ viết dễ đọc chắc chắn sẽ có “cảm hứng” để đọc và chấm tiếp. Và bạn nhất định phải “ghi điểm” trong mắt giám khảo ở phần này.
» 3 quy tắc viết câu chủ đề của đoạn văn diễn dịch
» “Công thức” viết đoạn văn chứng minh, giải thích
» Cách thức trình bày đoàn văn quy nạp
Nghị luận xã hội và nghị luận văn học là hai nội dung lớn và xuyên suốt trong hầu hết các đề thi ngữ văn, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi THPT Quốc gia.
Vì vậy, việc trang bị các kỹ năng cần thiết để viết được một bài văn, một đoạn văn nghị luận là vô cùng quan trọng (trong đề thi, cộng cả phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học vào có thể lên tới 50-70% tỉ trọng số điểm).
Do đó, trong series cẩm nang học tốt bộ môn Ngữ Văn này, Dehoctot chia sẻ giúp bạn 2 cách mở bài ấn tượng cho văn nghị luận.
Hướng dẫn cách mở bài cho văn nghị luận
Mở bài trực tiếp
Đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận, không câu nệ câu chữ, ý tưởng.
Ưu điểm: thường nêu ra được vấn đề một cách trực tiếp nhất và rõ ràng nhất.
Hạn chế: không có cảm xúc,ít khi có được sự mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, khơi gợi mà một mở bài cần có và nên có. Mở bài như một lời mở đầu nếu không hấp dẫn người đọc thì sẽ không có hứng khởi để đọc tiếp phần tiếp theo.
Mở bài gián tiếp
Bắt đầu từ một khía cạnh liên quan đến vấn đề cần nghị luận. Từ đó người viết dẫn dắt một cách khéo léo và có liên kết đến vấn đề chính mà đề bài yêu cầu.
Có 4 cách mở bài theo lối gián tiếp: Diễn dịch, quy nạp, tương liên, đối lập.
Diễn dịch
Nêu những ý kiến khái quát về vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới bắt đầu vào vấn đề ấy.
Quy nạp
Nêu những ý nhỏ hơn vấn đề đặt ra trong đề bài rồi mới tổng hợp lại vấn đề cần nghị luận.
Tương liên
Nêu lên một ý giống như ý trong đề rồi bắt sang vấn đề cần nghị luận. Ý được nêu ra có thể là một câu tục ngữ, ca dao, danh ngôn, một nhận định hoặc chân lí phổ biến…
Đối lập
Nêu những ý kiến trái ngược với ý trong đề bài rồi lấy đó làm cớ chuyển sang vấn đè cần nghị luận.
Nguyên tắc làm mở bài
+ Cần nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài: nếu đề bài yêu cầu giải thích, chứng minh, phân tích hay bình luận một ý kiến thì phải dẫn lại nguyên văn ý kiến đó trong phần mở bài.
+ Chỉ được phép nêu những ý khái quát, tuyệt đối không được lấn sang phần thân bài, giảng giải minh họa hay nhận xét ý kiến trong phần thân bài.
+ Để không tốn thời gian làm phần mở bài trong các kì thi, cần chuẩn bị sẵn một số hướng mở bài cho từng dạng đề.
Mẫu mở bài cho văn nghị luận
Câu hỏi: Phân tích hình tượng Đất Nước trong 9 câu thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước ( Trường ca “ Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm.
Các cách mở bài:
+ Mở bài trực tiếp: Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin, nay đã nghỉ hưu. Các tác phẩm tiêu biểu: Đất ngoại ô, trường ca Mặt đường khát vọng. Đất nước được trích từ chươngV trường ca Mặt đường khát vọng được hoàn thành ở chiến trường BìnhTrịThiên năm 1971, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ miền Nam xuống đường tranh đấu hòa hợp với cuộc kháng chiến của dân tộc. Đoạn thơ sau đã để lại dấu ấn về nội dung và nghệ thuật sâu sắc nhất.
+ Mở bài gián tiếp:
Diễn dịch: Đất Nước từ lâu đã là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nếu như các nhà thơ cùng thời thường chọn điểm nhìn về Đất Nước bằng những hình ảnh kỳ vĩ, mỹ lệ hay cảm hứng về lịch sử qua các triều đại thì Nguyễn Khoa Điềm lại chọn điểm nhìn gần gũi, quen thuộc bình dị để miêu tả về Đất Nước. Đến với đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm ta như đứng trước muôn màu văn hóa, truyền thống, phong tục tươi đẹp vô ngần. Vẻ đẹp ấy được hiện lên sâu sắc nhất qua chín câu thơ đầu.
Quy nạp: Có mối tình nào hơn Tổ quốc? Ngay trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, nhà thơ Trần Mai Ninh đã viết say sưa như thế. Chất chứa trong lòng nhiệt huyết yêu nước, Nguyễn Khoa Điềm đã truyền lửa cho thế hệ trẻ những năm chống Mỹ bằng việc khắc họa vẻ đẹp bình dị và hào hùng của mảnh đất Việt. Đất Nước sinh thành từ những ngày xửa ngày xưa, từ miếng trầu bây giờ bà ăn lúc dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tương liên: Chúng ta đã bắt gặp đất nước chìm trong đau thương, mất mát qua thơ Hoàng Cầm; gặp đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi, một quê hương với những kỉ niệm tuổi thơ qua thơ Giang Nam. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất qua bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua bao nhiêu sóng gió chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn đất nước từ nhiều khía cạnh, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đất nước là tên gọi thiêng liêng , bình dị nhưng chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn cảm xúc của chính tác giả.