Từ ấy là một tuyên ngôn, một bài ca bất hủ về lẽ sống của chiến sĩ cách mạng. Bài thơ cũng vừa là tâm nguyện của tác giả đồng thời là tiếng lòng của những người thanh niên yêu nước, là niềm vui sướng, sự say mê mãnh liệt và những nhận thức mới về lí tưởng của Đảng, của cách mạng.
Đề bài: Phân tích bài thơ “Từ ấy” – Tố Hữu
Dehoctot.edu.vn xin giới thiệu tới các em học sinh và quý thầy cô giáo một bài văn mẫu đặc sắc giúp các em rèn luyện kĩ năng và phương pháp làm văn dạng đề phân tích sao cho mạch lạc, hấp dẫn. Đề bài: Phân tích bài thơ Từ ấy của nhà tho Tố Hữu.
Văn mẫu: Phân tích bài thơ “Từ ấy” của nhà thơ Tố Hữu
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
“Từ ấy” là một từ để chỉ thời gian, là một thời điểm lịch sử đã trực tiếp tác động đến cuộc đời nhà thơ khi được giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, một kỷ niệm sâu sắc của người thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng cách mạng. Giây phút ấy khiến nhà thơ vui mừng đến nỗi không thể định nghĩa chính xác được, chỉ biết là “từ ấy”. Đó là những ngày đầu, khi Tố Hữu còn là một nhà tri thức tiểu tư sản, dù có nhiệt huyết nhưng vấn chưa tìm được đường đi trong kiếp sống nô lệ, và ách thống trị của thực dân phong kiến “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”.
Để rồi sau thời gian “từ ấy” là bước ngoặt “bừng nắng hạ”. Đó chính của sự chuyển biến và giác ngộ của nhà thơ. Những hình ảnh nghệ thuật ẩn dụ tinh tế “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lí” đều mang ý nghĩa tượng trưng cho những gì tươi sáng, tốt đẹp, rạng ngời nhất. Mặt trời chân lí tượng trưng cho lí tưởng của Đảng,của cách mạng , mặt trời của chủ nghĩa xã hội. Từ “bừng” trong câu thơ đầu tiên như làm sáng lên cả bài thơ, bừng ở đây mang ý nghĩa thức tỉnh và giác ngộ có quá trình. Nắng hạ là thứ nắng đẹp, rạng ngời, tràn ngập niềm vui và sức sống. Từ ấy là khi tác giả bước ra, thoát khỏi chốn bế tắc gần như không lối thoát để đến với ánh sáng cách mạng và niềm tin “chân lí”. Từ đây, trái tim u ám, buồn đau nay được quét sạch mây mù và đen tối.
Người thanh niên đã tìm được một lẽ sống cao đẹp, và có nhiều giác ngộ để đến với con đường với tương lai tươi sáng của dân tộc.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Tố Hữu đã ví “hồn tôi” với “vườn hoa lá”. Bằng nghệ thuật so sánh độc đáo này, nhà thơ đã khiến một thứ vô hình trở nên hữu hình, sinh động trước mắt người đọc. Tâm hồn người chiến sĩ trẻ, được ví như một vườn hoa lá, được tắm ánh mặt trời ấm áp và đang sinh sôi nảy nở rất tươi tốt, đầy những thứ hoa thơm quả ngọt, rất “đậm hương”, thu hút bao nhiêu chim chóc về đây, rộn ràng ca hót. Ở đây hiện thưc và lãng mạn đã hòa quyện vào nhau tạo nên cái gợi cảm, cái sức sống cho câu thơ.
Đối với khu vườn hoa lá ấy, còn gì đáng quý hơn ánh sáng mặt trời? Đôi với tâm hồn người thanh niên đang băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời, còn gì quý giá hơn khi có một lí tưởng như có cây hoa lá đón ánh sáng mặt trời. Lí tưởng cộng sản đã làm tâm hồn những người con yêu nước trở nên tràn đầy sức sống và niềm yêu đời và làm cho cuộc sông của con người có ý nghĩa hơn. Tố Hữu là một nhà thơ nên vẻ đẹp và sức sống mới ấy tâm hồn cũng là vẻ đẹp và sức sống mới của hồn thơ. Cách mạng không đối lập với nghệ thuật mà đã khơi dậy sức sông, đem lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.
Bốn câu thơ đầu của bài thơ Từ ấy có thể coi là khổ thơ hay nhất, sinh động nhất trong bài thơ, khiến cho người đọc cũng có thể cảm nhận được sự háo hức, say sưa, rạo rực và tràn đầy nhiệt huyết của nhà thơ khi tìm được lí tưởng của mình. Một tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng trung trinh với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân và tình cảm gắn bó thân thiết keo sơn với đồng bào, đồng chí.
“Dù ai thay ngựa giữa dòng
Đời ta vẫn ngọn cờ hồng cứ đi
Vẫn là ta đó những khi
Đầu voi ra trận cứu nguy giống nòi”
Sau tiếng reo vui phấn khởi ở khổ thơ đầu, đến khổ thơ thứ hai người đọc dễ dàng nhận ra tâm thư của người thanh niên cộng sản nguyện hòa cái tôi nhỏ bé của mình vào cái ta chung rộng lớn của quần chúng nhân dân cần lao. Có lẽ ai cũng phải cảm động bởi thái độ chân thành thiết tha đến vồ vập của một nhà thơ vốn xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản tự giác và quyết tâm gắn bó với mọi người:
Tôi buộc hồn tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi bên nhau thêm mạnh khối đời.
Khổ thơ vừa là toát lên cái “tôi” cá nhân vừa bộc lộ cái ta rộng lớn bao la. “Buộc” là đoàn kết gắn bó, ở đây Tố Hữu tự nguyện gắn bó đời mình với nhân dân cần lao, với hết thảy nhân dân lao động Việt Nam để trở thành triệu triệu trái tim yêu nước. Buộc cũng là hình ảnh nghệ thuật tượng trưng cho sợi dây, con đường, là lẽ sống mà người chiến sĩ cách mạng đã lựa chọn và theo đuổi đến cùng.
“Buộc” rồi thì “trang trải” khắp muôn nơi. Đó là là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nó đều nằm trong nhận thức mới về lẽ sống của Tố Hữu.
Nếu chỉ là được đứng trong hàng ngũ Cách mạng thì chưa đủ, Tố Hữu còn biểu hiện một tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm, chan hòa với nhân dân lao động.Tình yêu người, yêu đời trong Tố Hữu đã nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Nhà thơ muốn được như Mác: “Vì lẽ sống, hy sinh cho cuộc sống – Đời với Mác là tình cao nghĩa rộng”, mong ước xây dựng một khối đời vững chắc làm nên sức mạnh quần chúng cách mạng. Ông cũng là một người đứng trong hàng ngũ những người dân lao động, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ cay đắng ngọt bùi với nhau, để trở thành một gia đình lớn. Tình cảm trang trải khắp nơi, họ yêu thương nhau, đùm bọc lẫn nhau. Những người cùng khổ, họ dễ cảm thông, chia sẻ với nhau hơn. Từ “khối đời” là một từ rất trừu tượng, nhưng đã khái quát được lòng mong ước xây dựng một tập thể quần chúng vững chắc, gần gũi, thân thiết như ruột thịt để tạo nên một sức mạnh không gì sánh nổi.
Tiếp đó, ở khổ thơ thứ ba Tố Hữu đã thể hiện niềm hãnh diện về vai trò, vị trí của mình khi được là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình những người nghèo khổ bất hạnh:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bấc cù bơ.
Tố Hữu nguyện sẽ đứng vào hàng ngũ những người “than bụi, lầy bùn” là lực lượng tiếp nối của “vạn kiếp phôi pha”, là lực lượng ngày mai lớn mạnh của “vạn đầu em nhỏ”, để đấu tranh cho ngày mai tươi sáng. Điệp từ “là” được nhắc đi nhắc lại, nó vang lên một âm hưởng mạnh mẽ lắng đọng trong tâm hồn ta một niềm cảm phục, quý mến người trai trẻ yêu đời, yêu người này. Một lần nữa khẳng định một cách chắc chắn mối quan hệ giữa mình và nhân dân lao động, cũng như một lời khẳng định vai trò của mình đối với người dân, với cộng đồng và xã hội. “Cù bất cù bơ” – một tính từ vô cùng mới mẻ, như những lời nói thường ngày của những người lao động nói chuyện với nhau. Cuộc sống bơ vơ, tác giả nói mình, nhưng cũng là nói chung những người dân quanh mình, những người anh em của mình, đồng thời bày tỏ lòng xót thương của nhà thơ trước tình cảnh bất công, trái ngang của cuộc đời.
Với một trái tim yêu nước đằm thắm, “Từ ấy” đã nói một cách thật tự nhiên nhuần nhụy về lí tưởng, về chính trị và thật sự là tiếng hát của một thanh niên, một người cộng sản chân chính luôn của lí tưởng cách mạng.
Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu là một bài thơ vừa có tính triết lý sâu sắc, vừa rất gần gũi, bình dị, thân thuộc. Bằng sự kết hợp tinh tế giữa các bút pháp nghệ thuật giàu hình ảnh, những vần thơ đó đã trở thành một tuyên ngôn, một bài ca bất hủ về lẽ sống của chiến sĩ cách mạng sống mãi với thời gian.
Cuộc sống ấm no hôm nay, mỗi chúng ta không thể không suy ngẫm về lẽ sống cách mạng, giữa cái chung và cái riêng, giữa cộng đồng – tập thể và cá nhân, giữa vật chất tầm thường và tinh thần – tư tưởng của người cộng sản.
Cả cuộc đời Tố Hữu đã hiến dâng cho tổ quốc, cho Đảng và nhân dân. Khi biết sắp phải đi xa, ông cũng chỉ nghĩ là về một nơi mà ta vẫn gọi là “cõi tạm”. Ông mong muốn tiếp tục được hiến dâng:
Tạm biệt đời ta yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất
Sống là cho. Chết cũng là cho.
Có thể nói, thơ của Tố Hữu là thơ của nhân dân, những lí tưởng cao đẹp được diễn tả bằng những từ ngữ lãng mạn nhưng cũng vô cùng giản dị, gần gũi, là đại diện cho một lớp nhà thơ mới. Bởi thế, con người, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và thi ca của Tố Hữu luôn sống mãi trong niềm tin yêu, kính trọng của Đảng và nhân dân.