Đàn ghi-ta của Lorca là bài thơ đặc sắc của Thanh Thảo, bởi hình tượng Lorca với vẻ đẹp bi tráng, thể hiện sự đồng cảm và tri ân, sự ngưỡng mộ và yêu mến, niềm kính trọng và tiếc thương sâu sắc với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa.
Dàn ý chi tiết: Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về nhà thơ Thanh Thảo
- Nhà thơ Thanh Thảo là một trong số những nghệ thuật tiêu biểu nhất của thế hệ nghệ thuật trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
- Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều trăn trở, suy tư về các vấn đề xã hội và thời đại.
- Giới thiệu bài thơ Đàn ghi ta của Lorca và dẫn dắt
- Hình ảnh Lorca, con người tự do và cô đơn, người nghệ sĩ cách tân dũng cảm, người công dân yêu tự do, dân chủ trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha đầu thế kỉ XX
- Bức tranh ấn tượng về người nghệ sĩ vĩ đại tiếp tục được vẽ bằng gam màu ấn tượng của tấm áo choàng đỏ gắt, tấm áo quen thuộc với những đấu trường Tây Ban Nha, tấm áo biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha
- Bài thơ đã thể hiện nỗi tiếc thương của nhà thơ đối với người nghệ sĩ tài hoa Lorca
Thân bài
Khái quát về cảm hứng và xuất xứ của bài thơ
- Lấy cảm hứng từ những bài thơ và nhất là từ những phút giây bi phẫn trong cuộc đời của Lorca.
- Bài thơ được in trong tập Khối vuông Rubic
Giới thiệu về nhân vật trữ tình Lorca trong bài thơ
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ là Federico Garcia Lorca (1898-1936), một tài năng lớn của văn hóa nghệ thuật hành động Tây Ban Nha với khả năng thiên bẩm ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, âm nhạc, sân khấu…;
- Lorca không chỉ là một nghệ sĩ, một nhà văn hóa vĩ đại với những đóng góp lớn lao cho nền nghệ thuật Tây Ban Nha và công cuộc cách tân nền nghệ thuật già cỗi ấy mà còn là một công dân yêu tự do, tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu chống lại chế độ độc tài phát xit Phrăng-cô, cuối cùng đã hi sinh trong cuộc chiến đấu đó.
- Lorca có một một nhân cách cao đẹp. Ông vừa cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi quyền sống chính đáng vừa khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ những cách tân nghệ thuật.
- Lorca như một biểu tượng và là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.
Ý nghĩa nhan đề Đàn ghi-ta của Lorca
- Nhan đề “Đàn ghi-ta của Lor-ca” có ý nghĩa biểu tượng cho những cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ thiên tài.
- Lời đề từ “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” đây chính là lời di chúc nổi tiếng của Lor-ca, thể hiện những dự cảm không lành về cuộc đời ngắn ngủi và những lý tưởng cao đẹp sẽ không thể hoàn thành, tình yêu nghệ thuật, tình yêu quê hương Tây Ban Nha và khát vọng cách tân của Lor-ca.
Phân tích 6 câu thơ đầu
- Vẽ nên hình tượng Lorca đẹp đẽ với khoảng trời nghệ thuật, nhưng bên cạnh đó cũng chính là bầu trời chính trị u ám dưới chế độ độc tài phát xít, cái đẹp bị vùi dập đến cô đơn.
- Tiếng đàn đã trở thành hình khối: hình bọt nước.
- Hình ảnh “áo choàng đỏ gắt”: nền văn hóa đấu bò tót của Tây Ban Nha, nhưng màu đỏ ấy lại là màu “đỏ gắt” gợi lên những tháng ngày căng thẳng, sục sôi, bất mãn và đau khổ mà người dân Tây Ban Nha đang phải gánh chịu do chế độ độc tài Phát xít gây ra.
⇒ Đoạn thơ làm nổi bật sự đối lập giữa khát vọng tự do của người nghệ sĩ với sự tàn bạo của bọn phát xít, giữa tiếng hát yêu đời với hiện thực phũ phàng đẫm máu.
- Nghệ thuật trong 6 câu thơ đầu
- Nguồn cảm hứng: tiếng đàn ghi ta
- Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ tượng trưng độc đáo gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc.
- Thể thơ tự do kết hợp với việc không dùng dấu chấm câu giúp dễ bộc lộ cảm xúc, làm mạch thơ không dứt, tình cảm được trải dài
Mười hai câu thơ tiếp theo- Hình ảnh Lorca trong cái chết bi tráng Bốn câu thơ đầu tạo ra hai cảnh tương phản, miêu tả đến cái chết quá bất ngờ với Lor ca, thể hiện nỗi đau xót kinh hoàng của những người dân Tây Ban Nha và nhân loại yêu hòa bình, dân chủ
- Bốn câu thơ đầu tạo ra hai cảnh tương phản, miêu tả đến cái chết quá bất ngờ với Lor ca, thể hiện nỗi đau xót kinh hoàng của những người dân Tây Ban Nha và nhân loại yêu hòa bình, dân chủ
- Sau chi tiết đặc tả về chiếc áo choàng đỏ, cảnh hành hình của Lor ca tiếp tục được miêu tả qua hai dòng thơ trong đó có sự kết hợp giữa cụ thể và của sự tàn nhẫn với cảm giác bồng bềnh, phiêu lãng.
- Sự kiện đau đớn, thảm khốc ấy tiếp tục được diễn tả theo biện pháp tượng trưng, qua nghệ thuật chuyển đổi cảm giác trong 6 câu thơ tiếp theo
- Sau đó là câu thơ bộc lộ đồng thời cả sự ngợi ca và niềm thương xót với cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của Lorca:
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
13 dòng thơ cuối cùng là những suy tư của tác giả về cuộc đời, sự nghiệp và cách ra đi của người nghệ sĩ thiên tài
- Sự bất tử của Lor-ca
– “Tiếng đàn” của Lor-ca chính là biểu tượng nghệ thuật, là lý tưởng tranh đấu của người nghệ sĩ là bọn phát xít phản động không bao giờ có thể chôn vùi, người dân Tây Ban Nha thì không nỡ chôn vùi.
– “Tiếng đàn như cỏ mọc hoang” bộc lộ sức sống mãnh liệt tiềm tàng, thể hiện sự bất tử vĩnh hằng của người nghệ sĩ – chiến sĩ Lor-ca.
– Sự đối lập làm nổi bật chân lý ánh sáng của nghệ thuật và lý tưởng không thể bị vùi lấp bởi cái tàn bạo, tối tăm và độc ác:
+ “vầng trăng” là biểu trưng cho vẻ đẹp lý tưởng vĩnh hằng, “giọt nước mắt” là sự thương tiếc, đau đớn không chỉ của nhân loại, mà nó còn là của cả vũ trụ dành cho người nghệ sĩ quá cố.
+ “đáy giếng” lại là nơi tối tăm lạnh lẽo, nơi xác Lor-ca bị phi tang, thể hiện sự độc ác, tàn bạo của chế độ độc tài không phát xít. - Quy luật cuộc sống
– “đường chỉ tay đã đứt”: định mệnh, sự chảy trôi, hữu hạn của đời người.
– “dòng sông rộng vô cùng”: sự vô hạn của cuộc đời, của vũ trụ.
– “Lor-ca bơi sang ngang trên chiếc ghi-ta màu bạc” bộc lộ sự phá vỡ nguyên tắc, vượt qua những sự chảy trôi thông thường nhờ tài năng nghệ thuật thiên tài rực rỡ của Lor-ca. - Cách ra đi của người nghệ sĩ
– Dứt khoát “ném lá bùa cô gái Di-gan vào xoáy nước” thể hiện sự chủ động vứt bỏ sự bảo vệ sinh mạng để đối mặt với hiểm họa, trở thành người hiệp sĩ với tấm lòng đầy kiêu hãnh.
– Chủ động vứt bỏ cả sự sống “trái tim mình” trong lãng quên, trong lặng yên để dọn đường cho hậu thế, cho những con người sau vươn lên và tỏa sáng, thể hiện tấm lòng cao thượng bậc nhất của người anh hùng, người nghệ sĩ người Tây Ban Nha.
Kết bài
- Bức tranh ấn tượng về người nghệ sĩ vĩ đại tiếp tục được vẽ bằng gam màu ấn tượng của tấm áo choàng đỏ gắt, tấm áo quen thuộc với những đấu trường Tây Ban Nha, tấm áo biểu trưng cho nét văn hóa đặc sắc của đất nước Tây Ban Nha
- Lorca là bức chân dung của một thanh niên có lí tưởng mà bị vùi dập dưới bàn tay tàn bạo của bọn phát xít…
- Bài thơ thể hiện những thành công của Thanh Thảo trong việc thể một phong cách thơ hiện đại gần gũi với thơ tượng trưng và siêu thực. Cả bài thơ là nối tiếp những câu thơ không viết hoa chữ đầu câu, có thể coi đó là biểu hiện của những dòng ghi chép ngẫu hứng, những cảm nhận mơ hồ, những liên tưởng đột ngột, những phút lóe lên của trực giác, những ấn tượng bất chợt theo phong cách thơ siêu thực. tương trưng. Đàn ghi-ta của Lorca có sự kết hợp độc đáo giữa tính liên tục của cốt tự sự với tính gián đoạn của suy cảm trữ tình, giữa thơ, nhạc và họa, giữa những thi ảnh của Lorca với những thi ảnh của chính nghệ thuật Thanh Thảo, giữa chất giao hưởng phương Tây với màu sắc thơ viếng phương Đông…Viết về một nghệ sĩ, một nhạc sĩ, một họa sĩ…
- Đàn gitar của Lorca đem đến chất họa đầy ấn tượng và chất nhạc thật dồi dào cho tác phẩm. Nếu chất họa được tạo bởi nghệ thuật phối màu, tạo mảng khối, nghệ thuật sắp đăth trong lớp ngữ nghĩa ngôn từ thì cách mô phoorngâm thanh tiếng đàn ghi ta, các thủ pháp láy từ, điệp từ, sự kết hợp ngẫu hứng từ ngữ lại khiến bài thơ mang đậm tính chất âm nhạc…
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
» Phân tích 6 câu đầu bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
» Phân tích vẻ đẹp bi tráng của nhân vật trữ trình trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca – Thanh Thảo
Văn mẫu: Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lorca
Thanh Thảo là cây bút có phong cách nghệ thuật độc đáo trong nền văn học Việt Nam. Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với giọng điệu mang đậm cái tôi cá nhân, sáng tác của ông đã thổi vào thơ ca hiện đại những hơi thở vô cùng mới lạ. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là bài thơ “Đàn ghi – ta của Lorca” trích trong tập “Khối vuông rubik”. Bài thơ đã ghi lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.
Lorca là cái tên rất đỗi thân quen với đất nước Tây Ban Nha. Ông gắn liền với biểu tượng của tự do, biểu tượng của sự đấu tranh vì hòa bình, vì cuộc sống bình yên cho mọi nhà. Lorca đồng thời cũng là người nghệ sĩ vô cùng tài hoa. Chính vì thế, ngay cả khi đã ra đi, Lorca vẫn mãi mãi là cái tên người dân Tây Ban Nha tôn thờ.
Phân tích bài thơ đàn ghi-ta của lorca
Thanh Thảo đã mượn di nguyện của Lorca để làm lời đề từ cho bài thơ của mình: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Di nguyện thiêng liêng của một người nghệ sĩ sẵn sàng hi sinh vì nghệ thuật và cuộc đời đã gợi mở ra chiều dài và chiều sâu của không gian lẫn thời gian. Từ đó ngợi ca sự cống hiến, chiến đấu của Lorca. Đồng thời tạo ra cuộc hội ngộ kỳ ba với giữa Lorca và hồn thơ Thanh Thảo, khơi nguồn cảm xúc cho bài thơ này.
Bài thơ mở đầu với những âm tiết ngân vang như một khúc nhạc.
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chuếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Thể thơ tự do với nhịp thơ nhẹ nhàng, dàn trải, giàu sức gợi tả. Kết hợp cùng cách diễn đạt không viết hoa chữ cái đầu dòng tạo nên dòng cảm xúc liền mạch dường như không có điểm dừng. Để rồi từ đó, tác giả vẽ lên trước mắt người đọc khung cảnh về đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp. Nơi ngân nga những tiếng đàn ghi ta say đắm. Nơi diễn ra những trận đấu bò tót rực lửa. Nơi có những những thảo nguyên mênh mông, lãng mạn.
Tuy nhiên, nghệ thuật chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang thị giác qua “tiếng đàn bọt nước” đã gợi nên sự biến ảo khó lường. Phập phồng thổn thức, có thể vỡ tan bất cứ lúc nào. Nó như một dự báo về điều chẳng lành, ngập tràn bất an. Màu áo choàng “đỏ gắt” ngay sau tiếng đàn ấy chính là câu trả lời.
Đấu trường bò tót phải chăng chính là hình ảnh biểu trưng cho đấu trường chính trị ngột ngạt, căng thẳng và đẫm máu ở Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Màu choàng “đỏ gắt” phải chăng chính là chế độ độc quyền của chính quyền thân phát xít đang thiêu đốt tự do dân chủ? Lorca bỗng trở nên đơn độc, lẻ loi, vô cùng mệt mỏi trong cuộc chiến sinh tử này.
Tiếng đàn “li-la li-la li-la” bỗng vang lên đầy trong trẻo, mang theo hương thơm dìu dịu của hoa li la tràn ngập sức sống giữa khung cảnh chết chóc. Đấu trường khốc liệt cũng không thể vùi lấp sự thăng hoa của nghệ thuật. Người nghệ sĩ đang bước đi trong hành trình “lang thang về miền đơn độc” cùng với “vầng trăng – yên ngựa”. Lorca hiện lên với dáng điệu “chuếnh choáng”, trong cơn say của sự sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời cũng “mỏi mòn” chống lại tộc ác của bè lũ Phờ-răng-cô. Nhưng trong hành trình ấy, người nghệ sĩ phải đối mặt với sự cô đơn, cô độc, không ai bên cạnh.
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Những hình ảnh thơ gây ấn tượng mạnh như cứa sâu vào lòng người sự đau đớn, xót xa cho người nghệ sĩ tài hoa mà bất hạnh. Thanh Thảo thốt lên trong sững sờ. Cả dân tộc Tây Ban Nha “bỗng kinh hoàng” sửng sốt khi Lorca bị điệu về bãi bắn. Phát súng của bọn phát xít man rợ đã giết hại Lorca. Hành trình của Lorca còn dang dở. Sự đối lập giữa niềm tin lạc quan “hát nghêu ngao” với sự thật phũ phàng “áo choàng bê bết đỏ” càng nhấn mạnh hình ảnh đầy bi thương của Lorca.
Tuy nhiên, đối mặt với cái chết, Lorca vẫn bình thản và chấp nhận. “chàng đi như người mộng du”, bước đi trong phong thái tự nhiên, đáng ngưỡng mộ. Tâm hồn và tinh thần của Lorca đã hòa vào cả cuộc tranh đấu. Bước chân mộng du đã hóa thành bước chân của người anh hùng, không sợ hãi, không bàng hoàng.
Bè lũ phát xít có thể hủy diệt thân xác người nghệ sĩ nhưng mãi mãi không thể dập tắt sức mạnh tâm hồn Lorca hòa trong những tiếng Ghita nồng nàn:
“tiếng ghi -ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi -ta lá xanh biết mấy”
Điệp khúc “tiếng ghi ta” lặp đi lặp lại dồn dập như đè nén cảm xúc. Hay là nỗi bàng hoàng căm phẫn. Tiếng ghi ta biến ảo không ngừng, giọt này vỡ đi giọt kia lại trào ra. Nó mang trong mình sức sống không bao giờ dứt. Nó chuyển từ màu nâu trầm tĩnh suy tư của cây đàn, của đất đai. Sang màu xanh “bầu trời cô gái ấy” rồi “tiếng ghita lá xanh biết mấy”. Từ sự thủy chung hóa thân sang thiên nhiên cỏ cây ngập tràn sự sống. Những thứ bình dị, giản đơn, thiên nhiên tươi đẹp, bầu trời tự do. Có lẽ chính là những thứ con người Tây Ban Nha muốn vươn tới, muốn giành lại. Nhưng:
“tiếng ghi -ta tròn
bọt nước vỡ tan
tiếng ghi -ta ròng ròng máu chảy”
Hiện thực đau lòng, tiếng ghi ta “vỡ tan” thành “bọt nước”. Âm thanh “vỡ tan” cất lên đầy đau đớn. Tiếng ghi ta ấy đã vang lên để tố cáo tội ác của chế độ độc tài phát xít, chứa đựng nỗi căm phẫn và bóp nghẹt của những con người đang chịu áp bức. Nhưng, tội ác một lần nữa nghiền nát nó. Nghệ thuật tan vỡ nghìn mảnh nhỏ tạo thành dòng máu chảy ròng ròng, đau đớn đến tê dại.
Với ngòi bút tài hoa nghệ thuật, Thanh Thảo đã làm sống dậy một không gian bất tử, tràn đầy sức sống mãnh liệt:
“không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Không phải “không ai chôn cất tiếng đàn” mà không ai có thể chôn cất được tiếng đàn. Bởi lẽ tiếng đàn ấy là sản phẩm tinh thần, là nghệ thuật kết tinh từ tâm hồn người nghệ sĩ. Nó tràn lan, khiến người ta đắm say và mê mỏi. Nó mãnh liệt và hoang dại như cỏ mọc hoang, không gì có thể ngăn nổi. Đó là sự bất tử của nghệ thuật. Dù Lorca hi sinh nhưng âm nhạc mà ông tạo ra, sản phẩm mà ông để lại vẫn không bao giờ biến mất. Không ai có thể hủy diệt. Những bài ca tranh đấu của Lorca sẽ mãi mãi ngân vang trong trái tim của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
“Giọt nước mắt vầng trăng” cũng gợi lên nhiều liên tưởng thú vị. Đó phải chăng là vẻ đẹp nghệ thuật được phản chiếu bởi sự cống hiến và hi sinh, của sự lao động và sáng tạo nghệ thuật chân chính. Người nghệ sĩ phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, mất bao nhiêu thời gian công sức mới mài giũa thành hình viên ngọc thơ ca sáng lấp lánh. Nó là vẻ đẹp của nghệ thuật cũng là lời ngợi ca vẻ đẹp cuộc đời Lorca lung linh tỏa sáng như viên ngọc quý. Sự tối tăm u ám nơi đáy giếng cũng không thể vùi lấp được ánh sáng bất diệt tỏa ra từ linh hồn Lorca.
Hiểu được điều đó, khổ thơ khép lại bài thơ, Thanh Thảo gửi gắm những suy tư và chiêm nghiệm về cuộc đời và sự giải thoát của Lorca:
“đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghita màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái Digan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la”
Thời điểm “đường chỉ tay đã đứt”, sinh mệnh cũng chấm dứt. Lorca dường như đã lường trước được cái chết. Chàng quyết định rũ bỏ mọi vướng bận để trở về cõi vĩnh hằng, rũ bỏ mọi đau thương để trở về với “lặng yên bất chợt”. Dòng sông vô hình kia có lẽ là dòng chảy của cuộc đời, của số phận, là ranh giới mong manh giữa sự sống và cõi chết. Lorca mang theo cây đàn ghi ta màu bạc, màu của sự hư ảo trong cõi vĩnh hằng. Đó là sự giải thoát mà Lorca lựa chọn. Chàng ra đi, để lại âm thanh li-la li-la li-la vang vọng, như ngân lên khúc nhạc tiễn đưa với nỗi tiếc thương vô hạn.
Đàn ghi-ta của Lorca có sự kết hợp độc đáo giữa tính liên tục của cốt tự sự với tính gián đoạn của suy cảm trữ tình, giữa thơ, nhạc và họa, giữa những thi ảnh của Lorca với những thi ảnh của chính nghệ thuật Thanh Thảo, giữa chất giao hưởng phương Tây với màu sắc thơ viếng phương Đông…Viết về một nghệ sĩ, một nhạc sĩ, một họa sĩ… Đàn gitar của Lorca đem đến chất họa đầy ấn tượng và chất nhạc thật dồi dào cho tác phẩm. Nếu chất họa được tạo bởi nghệ thuật phối màu, tạo mảng khối, nghệ thuật sắp đăth trong lớp ngữ nghĩa ngôn từ thì cách mô phoorngâm thanh tiếng đàn ghi ta, các thủ pháp láy từ, điệp từ, sự kết hợp ngẫu hứng từ ngữ lại khiến bài thơ mang đậm tính chất âm nhạc…Có thể nói, với lối thơ không viết hoa đầu dòng đặc biệt cùng nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo, linh hoạt. Thanh Thảo đã mang đến cho bài thơ mĩ cảm hiện đại vô cùng sáng tạo. Sự hòa quyện của yếu tố siêu thực và phong cách Thanh Thảo đã làm nên thành công của một bài thơ giàu chất nhạc. Để rồi từ đó xây dựng thành công hình tượng Lorca tuyệt đẹp. Đó là tượng đài một nghệ sĩ tài hoa nhưng bất hạnh. Cả cuộc đời cống hiến hi sinh vì nghệ thuật và tự do, trở thành người anh hùng với chiến thắng vĩ đại nhất.
Nguồn Dehoctot.Edu.vn: https://dehoctot.edu.vn/tong-on-kien-thuc-dan-ghi-ta-lorca.html
“Đàn ghi ta của Lorca” thực sự là một bài thơ độc đáo đầy ám ảnh. Qua việc tái hiện cuộc đời bi tráng của Lorca và những giá trị nghệ thuật được gửi gắm, dù cho thời gian trôi đi, bài thơ vẫn mãi là viên ngọc sáng của nền văn học Việt Nam.