Hoàn cảnh ra đời bài thơ Nhớ bạn (Ước hữu) của Hồ Chí Minh
Ngày 28/1/1941, Bác Hồ trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Qua mốc 108 trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Người đặt bước chân đầu tiên tại Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người mở các lớp tuyên truyền cách mạng, triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tại Khuổi Nặm, Pác Bó, thành lập Mặt trận Việt Minh; ra báo Việt Nam độc lập, thành lập Đội Du kích Pác Bó; dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô…
Sau hơn 1 năm xây dựng phong trào cách mạng ở Pác Bó, tháng 3/1942 Người chuyển từ Pác Bó (Hà Quảng) xuống căn cứ địa Lam Sơn (Hoà An), tiếp tục mở nhiều lớp huấn luyện, chỉ đạo mở đường Nam tiến… Tháng 8/1942, Người trở lại Pác Bó, sang Trung Quốc để liên hệ với các lực lượng cách mạng ở nước ngoài. Hồ Chí Minh chia tay các đồng chí của mình tại một bến sông, sau này nhớ lại, Người làm bài thơ “Ức hữu”.
Bài thơ Nhớ bạn (Ước hữu)
Phiên âm
Ức hữu
Tích quân tống ngã chí giang tân
Vấn ngã quy kỳ, chỉ cốc tân
Hiện tại tân điền dĩ lê hảo
Tha hương ngã tác ngục trung nhân.
Dịch thơ
“Nhớ bạn”
Ngày đi, bạn tiễn đến bên sông
Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng
Nay gặt đã xong, cày đã khắp
Quê người, tôi vẫn chốn lao lung.
(Bài số 69)
Khi rời bến sông ở Cao Bằng để đi Quảng Tây (Trung Quốc), lúa trên đồng đang thời kỳ phát triển, Bác chỉ tay vào cánh đồng và nói với các đồng chí của mình rằng có thể trở về khi mùa thu hoạch bắt đầu. Nhưng đến khi Hồ Chí Minh viết bài thơ “Nhớ bạn” cũng là lúc nông dân đã thu hoạch vụ mùa xong, Hồ Chí Minh vẫn không thể trở về để hoạt động cùng các đồng chí của mình, bởi Người bị quân Tưởng Giới Thạch bắt giam. Mặc dù bị giam cầm trong nhà tù, nhưng Hồ Chí Minh luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương đất nước, chỉ muốn trở về ngay để cùng các đồng chí của mình đấu tranh chống Pháp, Nhật. Người viết những vần thơ thanh thoát, phảng phất hương lúa đồng quê. Nội dung bài thơ chứa đựng những giá trị sâu xa, lắng đọng, lay động lòng người.
“Nhớ bạn” không chỉ thuần tuý nhớ những người bạn, người đồng chí thân thiết, mà thể hiện một tư tưởng cách mạng lớn lao, đó là nhớ về trách nhiệm cao cả của mình đối với vận mệnh của đất nước. Người ra đi vì nghĩa lớn, mong chỉ một thời gian, xong việc là trở về tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh; Người luôn nhớ lời hẹn ngày trở về. Đó là lời hẹn nặng tình với non sông đất nước.
Bài thơ “Nhớ bạn” thể hiện tấm lòng người chiến sĩ cách mạng vượt lên mọi thử thách trong cảnh tù đày, gắn bó thiết tha với Tổ quốc tuy cách xa hàng nghìn dặm, thể hiện mãnh liệt khát vọng tự do trong hoàn cảnh mất tự do, ghi lại chân thực tình cảm hằng ngày mà biết bao tâm huyết sâu nặng với dân, với nước của Hồ Chí Minh Trong lao tù vẫn luôn nhớ những đồng chí mình ở phương trời xa, Bác chỉ muốn được về ngay Việt Nam để kề vai sát cánh cùng các đồng chí cách mạng, lao vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chất trữ tình và vẻ đẹp bài thơ chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa tình cảm chân thành tha thiết với tinh thần cách mạng cao cả.