Bài thơ Chiều tối đã thể hiện sâu đậm phong cách thơ ca nghệ thuật Hồ Chí Minh với cả màu sắc cổ điển và chất hiện đại. Nếu màu sắc cổ điển thấm đượm trong thi liệu, thi tứ, thể loại, hình tượng ngôn từ… thì chất hiện đại bao hàm từ cảm hứng đến bút pháp nghệ thuật
» Tổng ôn kiến thức về tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mạc Tử
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Tràng Giang của nhà thơ Huy Cận
» Tổng ôn kiến thức tác phẩm Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu
KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ HỒ CHÍ MINH VÀ TÁC PHẨM CHIỀU TỐI
Tác giả Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là một tác gia lớn của văn học Việt Nam hiện đại, di sản văn học của Người gồm nhiều thể loại, trong đó thơ ca nghệ thuật giữ một ví trí đặc biệt quan trọng.
Tác phẩm Chiều tối (Mộ)
Mộ (Chiều tối) là một trong những thi phẩm đặc sắc trong tập Ngục trung nhật kí ( Nhật kí trong tù). Bài thơ lấy cảm hứng từ khung cảnh miền sơn cước vào một buổi chiều trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo cuối tháng 10/1942.
TÌM HIỂU BÀI THƠ CHIỀU TỐI
Hai câu đầu bài thơ Chiều tối phác họa một bức tranh thiên nhiên mang đậm màu sắc cổ điển
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Câu thơ thứ nhất miêu tả một cánh chim mỏi bay về rừng, tìm một ngọn cây ngủ qua dêm. Đay là một hình ảnh của không gian nhưng lại có giá trị gợi tả thời gian- trong thơ, cánh chim về tổ đã trở thyanhf một hình ảnh ước lệ cho hoàng hôn, một khoảng thời gian thường gợi cảm giác buồn bã bởi sự lụi tàn cuối ngày; cũng là khoảng thời gian của ngưng nghỉ, đoàn tụ, dễ làm chạnh lòng người tha hương, lữ thứ. Đó là cánh chim gợi buổi chiều với bao nhiêu chông chênh bất ổn của Nguyễn Du:” Chim hôm thoi thóp về rừng“, hay cánh chim làm xao xác cả hoàng hôn trong câu thơ Huy Cận:” Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa”…
Hai câu thơ đầu của Chiều tối cũng gợi liên tưởng đến một tứ thơ quan thuộc của Lí Bạch:
Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn
Nhưng có thể thấy trong câu thơ xưa, những cánh chim bay cao tít tắp và mất hút vào khoảng không bao la vô tận; đám mây cô đơn nhàn nhã trôi đi – còn lại chỉ là bầu trời hoang vắng mênh mông, gợi cảm giác siêu thoát, phiêu bạt xa xăm rát thường gặp trong các tác phẩm của vị thi tiên lãng mạn. Còn cánh chim trong Chiều tối của Hồ Chí Minh lại gợi ra cái tuàn hoàn miên viễn của thời gian, nhịp điệu chảy trôi bình dị của cuộc sống, và do đó, Chiều tối tuy buồn nhưng vẫn tạo ra cảm giác ấm áp, gần gũi của cuộc sống đời thường.
Trong câu thơ đầu tác giả không chỉ miêu tả hình ảnh cánh chim chiều mà trái tim yêu thương mênh mông của Bác như còn cảm nhận được cả sắc thái mệt mỏi của nó với chứ ” quyện” ở đầu câu. Câu thơ có cả sự liên tưởng đồng cảm và sự đối sánh xót xa: cũng như cánh chim trên trời mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn, người tù 52 tuổi đang mệt mỏi sau một ngày chuyển lao khó nhọc – Trong bài thơ Mới đến nhà lao Thiên Bảo, Bác có viết về hành trình nhọc nhằn ấy:” Năm mươi ba dặm một ngày trời- áo mũ ướt đẫm, dép tả tơi…” Nhật hành ngũ thập tam công lí – Thấp thập ý quan phá tận hài”. Song nếu cánh chim trên bầu trời tự do đang mải miết về tổ, tìm sự nghỉ ngơi yên ổn cuối ngày thì con người vẫn đang bị áp giải với xiềng xích, trên đường chuyển lao, chưa biết lúc nào được dừng chân, và chưa biết những đày đọa nào đang chờ ở phía trước; sự đối sánh càng xót xa khi cuổi chặng đường bay của cánh chim chiều là tổ ấm – sự ấm áp bình yên hiện rõ trong sắc thái ý nghĩa của từ “qui”- về giữa dòng thơ, còn ở cuối chặng đường của người tù là một nhà lao, nơi tiềm ẩn những đọa đầy đau khổ! Nỗi khao khát về một chốn dừng chan ấm áp bên người thân nếu cóa thấp thoáng hiện lên trong hình tượng thơ thì cũng là điều dễ hiểu với một người đang ở giữa kẻ thù, nơi đt khách, mệt mỏi cô đơn trong cảnh chiều vắng lặng, buồn bã miền sơn cước.
Trong câu thơ sau Cô vân mạn mạn độ thiên không, cảnh chiều muộn đã rõ hơn bởi hình ảnh một đám mây lẻ loi, chầm chậm trôi ngang qua bầu trời. Hai hình ảnh tương phản ở đầu và cuối câu thơ: cô vân – thiên không khiến đam mây nhỏ nhoi, đơn độc hơn giũa bầu trời mênh mông, rợn ngợp. Từ láy mạn mạn cho thấy đám mây bồng bềnh, trôi rất chậm giữa trời thu, từ đó, người đọc có thể hình dung ra cả một khoảng trời trong trẻo, mênh mang, tĩnh lặng cùng một chút gió thu nhè nhẹ, hắt hiu u buồn.
Cũng như cánh chim chiều mỏi mệt trong câu trên, hình ảnh đám mây cô đơn không đơn thuần chỉ là một thi liệu cổ điển, thông qua bút pháp tả cảnh ngụ tình quen thuộc trong cổ thi, có thể đám mây bé nhỏ ấy là sự phản chiếu cảnh ngộ và tâm trạng của người tù đang dơn độc nơi đất khách quê người. Nỗi buồn bã cô đơn của người và cảnh đã thấm vào nhau trong một sự liên tưởng và hòa hợp đến kì lạ. Cũng vì sự hòa hợp ấy nên bức tranh thiên nhiên trong hai câu thơ đầu thấm thía nỗi u buồn. Người tù nhận ra cảnh ngộ và nỗi niềm của mình trong cảnh vật: sự mệt mỏi của cánh chim cuối ngày; cảm giác bình yên ngưng nghỉ khi chim về tổ; sự trôi dạt phiêu du của những áng mây… tất cả đều có mối giao cảm hoặc tương đồng hoặc tương phản với con người.
Như vậy, với những thi liệu cổ điển quen thuóc, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và bút pháp chỉ gợi mà ít tả, bằng hai nét vã đơn sơ, tác giả Hồ Chí Minh đã ghi lấy hồn tạo vật, dựng lên cả một không gian mênh mông, yên ả, u hoài, một bức tranh chiều muộn miền sơn cước. Qua bức tranh thiên nhiên ấy, người đọc không chỉ chia sẻ nỗi mệt mỏi, buồn bã cô đơn của người tù trên đường chuyển lao mà còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh, có thể hình dung ra ánh mắt của người tù đang trìu mến dõi theo một cánh chim, một áng mây. Từ ánh mắt ấy mà thấy được tình yêu tha thiết với thiên nhiên cùng một tư chất nghệ sĩ tinh tế để có thể cảm với cái đẹp ngay trong cảnh tù đày. Đó là chất tình đồng thời cũng là bản lĩnh con người biết vượt lên trên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, là chất thép Hồ Chí Minh.
Hai câu sau bài thơ Chiều tối là bức tranh cuộc sống con người miền sơn cước
Nổi bật trong bức tranh là hình ảnh một thiếu nữ xóm núi đang xay ngô, chuẩn bị bữa ăn chiều, đây là một thi liệu tô đạm tính dân chủ, đem lại sự vận dộng mới mẻ cho hình tượng thơ:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc mao hoàn, lô dĩ hồng.
Con người trong khổ thơ thường xuất hiện như một sự điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên, họ thường bé nhỏ, cô đơn ( Lom khom dưới núi tiều vài chú – Bà Huyện Thanh Quan), thường tĩnh lặng, thụ động và luôn chịu sự chi phối của ngoại cảnh (Nhật mộ hương quan hà xứ thị – Yên ba giang thượng sử nhân sầu– Thôi Hiệu)…Thiếu nữ xóm núi trong câu thơ của Hồ Chí Minh được miêu tả ở vị trí trung, cận cảnh của bức tranh chiều tới nơi núi rừng; lại trong hoàn cảnh lao động. Đây chính là nét khác biệt với cổ thi – hình ảnh và công việc của cô gái khiến bức tranh chiều tối bớt đi nhiều cảm giác lạnh lẽo, u ám, vắng buồn, cô quạnh. Trân trọng nâng niu một vẻ đẹp ấm áp đơn sơ trong cuộc sống đời thường của người dân xóm núi, tác giả Hồ Chí Minh đã thể hiện tấm lòng của một nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại, người có thể quên đi cảnh ngộ của chính bản thân mình để vui với cuộc đời, để yêu thương cuộc đời. Tình yêu thương bao la Bác còn hiện ra trong một nét nghĩa khác của hai câu cuối. Cấu trúc lặp vòng tròn từ cuối câu 3 tới đầu câu 4:” ma bao túc- bao túc ma” đã gợi tả tinh tế vòng quay triền miên, nặng nề, chậm chạp của chiếc cối xay ngô, câu thơ có hơi ấm của cuộc sống con người nhưng vẫn thấm thía nỗi xót xa thương cảm với công việc cực nhọc, vất vả của con người.
Vế cuối của câu 4 cũng là hình ảnh cuối cùng của bài thơ đã thể hiện rõ nét sắc thái mới mẻ, hiện đại trong tinh thần và bút pháp nghệ thuật Hồ Chí Minh: lô dĩ hồng – nghĩa là lò đã hồng. Sắc hồng trong lò than cúa cô gái xóm núi đã thắp sáng cả bài thơ, xua đi tất cả những lạnh lẽo, tối tăm, đem alij ánh sáng và sự ấm áp cho đêm miền sơn cước. Vai trò chủ thể của con người đã được xác lập khi họ không chịu tác động của ngoại cảnh mà thậm chí còn chi phối trở lại ngoại cảnh. Hình tượng thơ vừa nối tiếp hai câu đầu, vừa vận động mạnh mẽ, tích cực hướng về sự sống, ánh sáng tương lai.
KẾT LUẬN
Bài thơ Chiều tối đã thể hiện sâu đậm phong cách thơ ca nghệ thuật Hồ Chí Minh với cả màu sắc cổ điển và chất hiện đại. Nếu màu sắc cổ điển thấm đượm trong thi liệu, thi tứ, thể loại, hình tượng ngôn từ… thì chất hiện đại bao hàm từ cảm hứng đến bút pháp nghệ thuật. Qua đó, nhà thơ đã tái hiện tinh tế, gợi cảm bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người trong một chiều muộn miền sơn cước, làm hiện ra vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh với chất tình, chất thép cùng tư chất nghệ sĩ bay bổng.