Hoàng Lê nhất thống chí là cuốn lịch sử chương hồi của một số tác giả trong Ngô gia văn phái. Tác phẩm đã khái quát một giai đoạn lịch sử với bao biến cố dữ dội đẫm máu từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà (1868 – 1802) như: loạn kiêu binh, triều Lê Trịnh sụp đổ, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Gia Long lật đổ triều đại Tây Sơn…
Chuyện vua Quang Trung đại phá quân Thanh, ngày nay, hẳn chẳng mấy ai còn không biết. Người dân Việt từ lâu đã từng thân thiết và tự hào với những cái tên Hà Nội, Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa … Nhưng hình như không phải ai cũng biết rằng, phần lớn những gì vẫn được truyền tụng về chiến công oai hung đó lại không được lấy trực tiếp từ chính sử. Phải đâu ai cũng tỏ tường rằng những hiểu biết lâu nay về sự kiện đại phá quân Thanh chính ra lại chứa đựng nhiều nhất trong một tác phẩm vẫn được coi là tiểu thuyết, cuốn sách mang tên Hoàng Lê Nhất Thống Chí của dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai (nay thuộc về Hà Nội, chứ không phải Hà Tây như nhiều sách đã ghi lầm). Quả thế, nếu muốn được thở hít lại bầu không khí như của những tháng ngày có chiến thắng tưng bừng đó thì không gì hơn là cùng đọc lại Hồi thứ mười bốn trong thiên tiểu thuyết lịch sử của văn phái họ Ngô.
Phân tích vẻ đẹp của người anh hùng Nguyễn Huệ trong Hồi thứ mười bốn của Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng này?
Gợi ý làm bài
Đoạn trích đã khắc họa thành công vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung. Đó là người anh hùng chí cao tâm sáng, yêu nước thương dân. Ông là người mạnh mẽ quyết đoán, luôn hành động xông xáo, mau lẹ, có chủ đích và quả quyết. Đó cũng là người có trí tuệ nhạy bén, sáng suốt, sắc sảo trong nhận định thời cuộc, phân tích tình hình địch ta, giỏi dùng người. Nguyễn Huệ có tầm nhìn xa trông rộng, có niềm tin mãnh liệt vào bản thân, vào dân tộc, có ý chí quyết thắng. Trong lĩnh vực quân sự, ông là bậc kỳ tài. Nhà vua thân chinh cầm quân, tự mình đốc suất việc quân, tổ chức chiến dịch với cuộc hành quân thần tốc nổi tiếng trong lịch sử. Chiến công lẫy lừng của dân tộc trong việc đánh đuổi quân Thanh xâm lược dưới sự lãnh đạo tài tình của vua Quang Trung đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi.
Các tác giả Ngô gia văn phái vốn là bề tôi nhà Lê, mang nặng tư tưởng trung quân, song với cảm hứng yêu nước và lòng tự hào dân tộc cùng thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, họ vẫn tạo nên những trang viết thực và hay về Nguyễn Huệ – Quang Trung. Mặt khác, tong thực tế, Nguyễn Huệ thực sự là hình ảnh đẹp tiê biểu cho khí phách dân tộc, tinh thần dân chủ của nhân dân, điều đó đã chấp cánh cảm hứng cho các tác giả để họ khắc tạc được một hình tượng anh hùng vào bậc đẹp nhất của văn học Trung đại.
Em có suy nghĩ gì về lời phủ dụ của vua Quang Trung trước quân lính trong buổi duyệt binh ở Nghệ An?
Lời phủ dụ của vua Quang Trung trước quân lính trong cuộc duyệ binh ở Nghệ An ngày 29 tháng chạp năm 1789 được ghi lại trong tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm trong người đọc. Lời phủ dụ ( khuyên răn, nhắc nhở, dạy bảo ) của vua Quang Trung hoàng đế khác nào lời hịch truyền của núi song. Trong lời phủ dụ của mình, vua Quang Trung đã truyền cho quân lính niềm tự hào dân tộc, nêu cao ý thức độc lập tư tưởng, nêu cao cảnh giác, nhận ra dã tâm xâm lược của giặc. Đặc biệt, qua lời nói ấy, ta cũng thấy được ý chí cứu nước, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của vị hoàng đế trẻ tuổi này. Những lời nói đó cũng tiêu biểu cho ý chí, khí phách của dân tộc và nó đã có tác dụng khích lệ to lớn với tướng sĩ.
Tìm hiểu sự khác nhau trong đoạn văn miêu tả cuộc tháo chạy của quân tướng nhà Thanh và đoạn miêu tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Các đoạn văn đó đều là tả thực, với những chi tiết cụ thể nhưng âm hưởng lại khác nhau. Đoạn tả cuộc tháo chạy của quân tướng nhà Thanh nhịp điệu nhanh mạnh, hối hả, chứa vẻ hả hê, sung sướng. Đoạn tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống nhịp chậm hơn, âm hưởng có phần ngậm ngùi, chua xót, gửi gắm chút cảm xúc riêng của người bề tôi cũ.