» Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
» Tổng ôn kiến thức về bài thơ Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy
» Phân tích khổ thơ thứ ba và thứ tư bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
» Phân tích hai khổ thơ cuối bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
Trăng từ lâu đã trở thành đề tài muôn thuở nhưng không bao giờ cũ trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Đến với trăng, khó ai có thể kìm lòng trước vẻ đẹp của nó. Nếu đến với trăng của các nhà thơ lớn của dân tộc như Thế Lữ có ” Nhớ rừng”; ”Đầu súng trăng treo” của Chính Hữu hay ”Rằm tháng giêng, Cảnh khuya, Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh…ta đều thấy xuất hiện trước mắt một bức tranh đêm trăng đầy thơ mộng, bí ẩn và huyền ảo. Thế nhưng, đến với ”Ánh Trăng” của Nguyễn Duy, ta lại bắt gặp một tư tưởng hoàn toàn mới lạ. Trăng ở đây là quá khứ thuỷ chung, bất diệt; là người bạn nghĩa tình, tri kỉ; là bài học thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc.
Hai khổ thơ đầu là những kỉ niệm đẹp, những tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ. Tác giả đã mở đầu bài thơ với hình ảnh trăng trong kí ức tuổi thơ của nhà thơ và trong chiến tranh:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Bốn câu thơ gắn với giọng đọc thủ thỉ, tâm tình “hồi nhỏ”, “chiến tranh” đã gợi lại một quãng thời gian dài từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành và nhất là trong những năm tháng gian lao thời chiến tranh. Cả một thời gian dài có biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp với trăng. Khổ thơ mở ra một không gian, thời gian bao la. Trong dòng hồi tưởng, tác giả đã khái quát vẻ đẹp của cuộc sống bình dị, vô tư, hồn nhiên, khẳng định tình cảm bền chặt gắn bó của con người với vầng trăng là “tri kỉ”, “tình nghĩa”.
Trăng là người ban chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những đau thương, nham nhở của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu… Trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao nên trăng hiện diện như là hình ảnh của quá khứ, là hiện thân của ký ức chan hoà tình nghĩa… Điệp từ “với”, điệp cấu trúc “hồi nhỏ, hồi chiến tranh” được lặp lại ba lần càng tô đậm thêm sự gắn bó chan hòa của con người với thiên nhiên, với những tươi đẹp của tuổi thơ.
“Hồi chiến tranh ở rừng” là những năm tháng gian khổ, ác liệt thời chiến tranh,“vầng trăng thành tri kỉ”. Câu thơ được sử dụng nghệ thuật nhân hóa, trăng giống như người bạn thân thiết, tri âm tri kỉ, là đồng chí cùng chia sẻ những vui buồn trong chiến trận với người lính – nhà thơ. Họ hành quân giữa đêm, trên những nẻo đường chông gai ra mặt trận, những phiên gác giữa rừng khuya lạnh lẽo, những tối nằm yên giấc dưới màn trời đen đặc, người lính đều có vầng trăng bên cạnh. Trăng ở bên, bầu bạn, cùng cảm nhận cái giá buốt nơi “Rừng hoang sương muối” (Đồng chí), cùng trải qua bao gian khổ của cuộc sống chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi,đồng cam cộng khổ; cùng hân hoan trong niềm vui thắng trận, cung xao xuyến, bồn chồn, khắc khoải mỗi khi người lính nhớ nhà, nhớ quê…
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn, Nguyễn Duy đã dựng lại được cả thời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành của mình. Khổ thơ nhẹ nhàng đưa người đọc lần về quá khứ, hai chữ “hồi ở câu một và ba làm cho khổ thơ như có một chỗ dừng chân. Cái dừng chân giữa ranh giới của ấu thơ và lúc trưởng thành! Cả một hệ thống những đồng, sông, bể gọi một vùng không gian quen thuộc của tuổi ấu thơ, nó cứ mở rộng dần ra cùng với thời gian lớn dần lên của đứa trẻ. Nhưng cái chính là nó diễn tả một nỗi niềm sung sướng đến hả hê được chan hoà, ngụp lặn trong cái mát lành của quê hương như dòng sữa ngọt. Hai câu thơ 10 tiếng, gieo vần lưng (đồng – sông) kết hợp cùng từ “với” điệp lại ba lần gợi lên cái thế bè đôi thật quấn quýt chia sẻ, cảm thông, dìu đỡ con người, và đồng hay sông, rồi bể như những người bạn vô tư. ở hai câu đầu không thấy nói đến vầng trăng. Chỉ đến khi lớn lên, cái ánh sáng bàng bạc mơ hồ của ánh trăng mới neo đậu vào trí nhớ con người khi phải xa cách quê hương.Và người dẫn đường chỉ lối cho dòng suy nghĩ ấy chính là ánh trăng.
Dường như cái ánh sáng cao khiết ấy soi rọi đến từng ngõ ngách khiến con đường trở về quá khứ trở nên sáng rõ. Vầng trăng đối với người cầm súng ở trong rừng đã thay thế cho tất cả, cả đồng, sông, bể để trở nên một người bạn đồng hành, thành ôvầng trăng tri kỉ:
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
“Tri kỉ” là biết người như biết mình, bạn tri kỉ là người bạn rất thân, hiểu biết mình. Trăng với người lính, với nhà thơ trong những năm ở rừng thời chiến tranh đã trở thành đôi bạn tri kỉ. Trăng đã chia ngọt sẻ bùi hân hoan trong niềm vui thắng trận của người lính tiền phương. Nếu các tao nhân xưa thường “đăng lâu vọng nguyệt” thì anh bộ đội Cụ Hồ một thời trận mạc đã nhiều lần đứng trên đồi cao, hành quân vượt núi hay đứng canh chờ giặc giữa rừng khuya sương muối cũng say sưa ngắm vầng trăng cao nguyên.
Càng thú vị biết bao, cái vầng trăng từng làm mê đắm bao tâm hồn thi nhân của mọi thời đại hiện lên trong lời thơ của Nguyễn Duy vẫn rất mới mẻ, không hề trùng lặp:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Vầng trăng hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ mà gần gũi. Trăng hồn nhiên như trẻ thơ, trăng chân thành như bạn hữu. Vầng trăng là biểu tượng đẹp cho những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Cái vầng trăng tình nghĩa ấy đã từng khiến tác giả ngỡ không bao giờ quên. Mạch thơ vẫn được tiếp nối tựa như người bộ hành tiếp tục chuyến đi sau lúc nghỉ chân. ánh trăng vẫn len lỏi, quấn quýt và có phần nồng nàn, đậm sắc hơn. Lời thơ vẫn thủ thỉ, tâm tình nhưng dường như đã xuất hiện những biến chuyển trong lời tâm sự của tác giả ngỡ không bao giờ quên.
Phép liên tưởng đầy tính nghệ thuật “trần trụi với thiên nhiên”, so sánh độc đáo “hồn thiên như cây cỏ” cho ta thấy rõ hơn vẻ đẹp bình dị,mộc mạc,trong sáng, rất đỗi vô tư, hồn nhiên của vầng trăng. Đó cũng chính là hình ảnh con người lúc bấy giờ: vô tư, hồn nhiên, trong sáng. “không…quên…vầng trăng tình nghĩa” thể hiện tình cảm thắm thiết với vầng trăng. Vầng trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành,cả trong hạnh phúc và gian lao. Trăng là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hiền hậu; của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng. Vầng trăng không những trở thành người bạn tri kỉ, mà đã trở thành “vầng trăng tình nghĩa” biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình.
Vầng trăng được nhân hóa để trở thành người bạn tri kỉ với nhân vật trữ tình của bài thơ. Sự gắn bó tình nghĩa ấy nhà thơ đã từng tâm niệm “không bao giờ quên”. Giọng thơ hồi tưởng đều đặn nhưng từ “ngỡ” như báo hiệu sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện của nhà thơ.
Vần lưng một lần nữa lại xuất hiện: “trần trụi”, “hồn nhiên”, “thiên nhiên” làm cho âm điệu câu thơ thêm liền mạch, dường như nguồn cảm xúc cũa tác giả vẫng đang tràn đầy. Chính cái hình ảnh so sánh ẩn dụ đã tô đâm lên cái chất trần trụi, cái chất hồn nhiên của người lính trong nhữnh năm tháng ở rừng. Cái vầng trăng mộc mạc và giản dị đó là tâm hồn của những người nhà quê, của đồng, của sông. của bể và của những người lính hồn nhiên, chân chất ấy.
Trăng hồn nhiên như trẻ thơ, trăng chân thành như bè bạn,trăng gắn bó sâu nặng với con người mà không trở lực nào có thể ngăn cách. Những năm tháng con người sống thật nhất với mình, trần trụi,hồn nhiên là khi con người ta trân trọng, đinh ninh một lời thề son sắt “ngỡ không bao gìơ quên,cái vầng trăng tình nghĩa” Từ ngỡ là chiếc cầu nối ngôn từ vừa khép lại thời qua khứ vừa mở ra thời hiện tại tạo nên sự chuyển tiếp cho khổ thơ tiếp theo.
Nhắc đến thơ Nguyễn Duy, có nguời nhận xét: ”Thơ Nguyễn Duy sâu lắng, tha thiết cái hồn, cái vía của dân ca, ca dao Việt Nam. Những bài thơ của ông không cố gắng tìm những hình thức mới mẻ mà đi sâu vào cái nghĩa, cái tình muôn đời của con nguời Việt Nam. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Duy cũng không bóng bẩy mà gần gũi, dân dã, đôi khi còn hơi” bụi” phù hợp với ngôn ngữ thường nhật”. Quả đúng như vậy! Chỉ qua bài ” Ánh trăng” ta cũng đủ để thấy được tài hoa trong nghệ thuật viết thơ của Nguyễn Duy.
hay
Cảm ơn bạn đã ủng hộ dehoctot.edu.vn
Bài văn hay và dài nhất mà ko kém phần đầy đủ ! Đúng thứ t cần r ! Thanks !