Đoạn thơ là bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, đây là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình đầy xúc động.
» Hệ thống câu hỏi ôn tập tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Chị em Thuý Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
Câu 1. Hãy giới thiệu đôi nét về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).
– Đoạn trích gồm 22 câu (từ câu 1033 đến câu 1054), nằm ở phần hai của Truyện Kiều (Gia biến và Lưu lạc).
– Khi biết mình bị mắc lừa, Kiều tự sát. Tú Bà hoảng hốt đành thuốc thang, dỗ dành Kiều ra ở lầu Ngưng Bích đợi thực hiện âm mưu mới.
Đoạn trích này thể hiện tâm trạng cô đơn, khổ đau và bế tắc của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
Câu 2. Thế nào là tả cảnh ngụ tình và ngôn ngữ độc thoại?
– Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm tự sự có hai hình thức tồn tại: Ngôn ngữ đối thoại và độc thoại.
+ Ngôn ngữ đối thoại là lời nhân vật được bộc lộ bên ngoài, đối thoại với nhân vật khác.
+ Ngôn ngữ độc thoại là lời nói bên trong, nhân vật tự nghĩ, tự sự với chính mình. Trong đoạn trích này, Kiều bị giảm lòng ở lầu Ngưng Bích chỉ có một mình, nàng tự nói với mình những điều mình nghĩ (độc thoại nội tâm).
– Tả cảnh ngụ tình: mượn cảnh vật để gửi gắm (ngụ) tâm trạng. Cảnh không đơn thuàn là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Cảnh chỉ là phương tiẹn còn miêu ta tâm trạng là mục đích chính. Tả cảnh ngụ tình là một thủ pháp nghệ thuật của các tác giả xưa nay. Tuy nhiên, trong một bài thơ, đoạn thơ, không phải đoạn tả cảnh nào cũng ngụ tình. Ví dụ: Trong đoạn Cảnh ngày xuân, bốn câu đầu là thuần túy tả cảnh, nhưng sáu câu cuối (tan hội, chị em Thúy Kiều ra về), cảnh đã nhuốm màu tâm trạng; hay trong đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích, sáu câu đầu và tám câu cuối đoạn, tác giả miêu tả tâm trạng qua cảnh vật (cảnh ngụ tình).
Câu 3. Phân tích hiệu quả của nghệ thuật điệp ngữ buồn trông trong tám câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Trong tám câu thơ, tác giả sử dụng bốn lần điệp ngữ buồn trông ở bốn cảnh khác nhau, nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc, tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều.
– Buồn trông cửa bể chiều hôm/ thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
– Buồn trông nội nước mới sa/ Hoa trôi man mác biét là về đâu?
– Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
– Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
+ Buồn trông là buồn nhìn xa, trông ngóng một cái gì dó mơ hồ, vô vọng.
+ Điệp ngữ này được kết hợp với những hình ảnh đứng sau nó như: cửa bể, con thuyền, cánh buồm, ngọn nước, hoa trôi, cỏ nội, chân mây mặt đất, gió, sóng,… diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng tiến, chồng chất ghê gớm, mãnh liệt hơn.
+ Các điệp ngữ còn kết hợp với các từ láy: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm tạo nên nhịp điệu ào ạt của cơn sóng lòng, khi trầm buồn, khi dữ dội, xô nỗi buồn đến tuyệt vọng.
=> Phép điệp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật và tạo nên nhịp điệu cho câu thơ, câu văn.
Câu 4. Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Hãy phân tích đoạn thơ để làm sáng tỏ nhận định trên?
Đề ra có định hướng về nội dung. Khi làm cần:
– Bám sát nội dung yêu cầu.
– Vận dụng kết hợp lập luận phân tích với chứng minh, bình luận,… để làm sáng tỏ vấn đề, làm tăng tính thuyết phục cho bài văn.
– Tư liệu: chủ yếu trong đoạn trích (văn bản), kết hợp bài giảng của thầy cô giáo, các tài liệu tham khảo khác.
Gợi ý
Mở bài
– Nêu vị trí đoạn trích trong tác phẩm.
– Nêu vấn đề cần nghị luận (dựa vào đề bài): Đoạn thơ là bức tranh tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, đây là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bút pháp tả cảnh ngụ tình đầy xúc động.
Thân bài. Cần đạt được nội dung sau:
* Hoàn cảnh và tâm trang của Kiều (6 câu thơ đầu).
– Hai mươi hai dòng lục bát, âm điệu nhẹ nhàng, man mác, mênh mang nỗi buồn khởi phát từ lòng người rồi lan truyền thấm vào cảnh vật, rồi từ cảnh vật lại xoáy vào lòng người. Hầu như không dòng nào, câu nào, thậm chí từ nào, hình ảnh, âm thanh nào trong đoạn thơ không ít nhiều thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tâm trạng ngổn ngang trăm mối, ngơ ngác, bẽ bàng, ngẩn ngơ, buồn nhớ, lo lắng, tiếc nuối đan dệt, giăng mắc trong Kiều khi nàng ngồi im lặng, một mình trước lầu Ngưng Bích nhìn ra. Bốn câu đầu là bức tranh thiên nhiên quanh lầu và cũng là bức tranh tâm trạng:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
+ Hoàn cảnh của Kiều lúc này rất mông lung, bi đát. Kiều được Tú Bà cho ra ở lầu Ngưng Bích nhưng thực chất là giam lỏng (khóa xuân).
+ Nàng trơ trọi giữa không gian mênh mông, hoang vắng, từ trên lầu cao, nàng ngóng vọng ra bốn phía bát ngát, dãy núi mờ xa, những cồn cát vàng trải dài vô tân, bụi hồng gió cuốn mịt mờ. Nhìn lên chỉ có mảnh trăng gần ở chung. Những hình ảnh non xa, trăng gần, cát vàng, bụi hồng có thể là cảnh thực mà cũng có thể là hình ảnh mang tính ước lệ để gợi sự mênh mông, hoang vắng, rơn ngợp của không gian, qua đó làm nổi bật hoàn cảnh và tâm trạng bẽ bàng, tội nghiệp của Kiều. Bởi giờ đây, nàng đã mất tất cả: người yêu, gia đình và cả sự trinh trắng, bị ô nhục, lưu lạc đất khách quê người, trơ trọi, cô độc:
Bẽ bàng mây sơm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Sớm sớm nhìn mây, đêm đêm đối diện với ngọn đèn, cảnh – người cùng thao thức, sẻ chia. Biết nói cùng ai, một mình với tấm trăng – người bạn gần gũi, thân thiết nhất, đối diện đàm tâm. Vầng trăng sáng giữa trời đã gợi Kiều nhớ về quá khứ.
* Nỗi nhớ thương của Kiều
– Bơ vơ nơi góc bể chân trời, vầng trăng vằng vặc không chỉ là bạn mà còn là nguyên cớ gợi Kiều nhớ về đêm thề nguyền:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Quá khứ đẹp đẽ, thiêng liêng như vẫn còn đây mà đã thành hoài vọng:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phải?
Kiều không chỉ “Nhớ lời nguyện ước ba sinh” cùng người yêu dấu dưới đêm trăng, nàng còn xót xa hình dung người ấy vẫn chưa biết tin nàng bị án mình, bị đẩy đưa góc bể chân trời bơ vơ, mà vẫn ngày đêm mong ngóng tin tức, chờ đợi mỏi mòn. Nàng thấy mình có lỗi, tự dằn vặt “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”. Nàng cho rằng mình đã bạc tình với chàng Kim, bội ước lời thề non hẹn biển, không giữ được lòng thủy chung, nhất là sự trinh trắng của người con gái. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất nàng muốn dành cho chàng nay đã bị hoen ố, chà đạp, biết bao giờ mới gột rửa được vết nhơ? Bao nỗi dằn vặt, vò xéo biết khi nào, bao giờ mới nguôi ngoai, phai mờ?
– Thương xót, nàng hướng về song thân:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt lồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Nàng hình dung cha mẹ vẫn sớm hôm tựa cửa ngóng trông tin tức của mình. Nguyễn Du rất tinh tế trong cách dùng từ, với Kim Trọng, Kiều tưởng (nhớ), nhưng với cha mẹ, Kiều không chỉ nhớ thương mà còn xót (xót xa , da diết) người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Tuy đã làm tròn bổn phận “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”, “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”, bán mình chuộc cha và em nhưng Kiều vẫn thấy mình chưa trọn đạo. Bản thân là người chị lớn trong nhà, hai em còn nhỏ, cha mẹ đã già, lúc trái nắng trở trời… ai người nâng giấc, chăm sóc bát cơm chén nước, quạt lồng ấp lạnh? Nỗi day dứt không phụng dưỡng được cha mẹ lúc tuổi già sức yếu đã thể hiện tấm lòng hiếu thảo nàng.
– Nét đặc sắc, độc đáo của đoạn thơ là Nguyễn Du đã thể hiện một cách khách quan tâm cảnh Thúy Kiều, rất lôgíc về tâm lí, biện chứng về tâm hồn, nhất là tuổi trẻ đang yêu. Kiều nhìn vầng trăng nhớ người yêu, nhớ đêm thề nguyền ngọt ngào, thiêng liêng và hạnh phúc cùng chàng Kim, rồi mới nhớ thương, xót xa đến cha mẹ là điều hoàn toàn hợp lí. Quả là một ngòi bút mô tả tâm lí bậc thầy:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
(Thế Lữ)
* Sau những phút giây trở về với những người thân yêu, Kiều trở lại với cảnh ngộ của chính mình (tám câu thơ cuối):
Buồn trông của bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
– Đây là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Thiên nhiên biểu đạt nội tâm nhân vật “Tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”. Một điệp ngữ buồn trông lại diễn tả một khung cảnh, một nỗi buồn, một cảnh ngộ khác nhau. Nỗi buồn cứ chồng chất, ào ạt như sóng xô dâng ngập lòng Kiều.
+ Buồn trông cửa bể lúc chiều buông, thuyền ai thấp thoáng cánh buồn xa xa, phải chăng đó là hình bóng con người đơn độc lênh đênh vô định giữa dòng đời? Nàng thấy sợ hãi và càng nhớ về quê hương, mái ấm gia đình da diết.
+ Buồn trông ngọn nước mới sa (hay chính cuộc đời vừa sa vào bước trầm luân, thân phận khác nào cánh hoa dạt trôi mưa dập gió vùi, biết đi đâu, về đâu, trôi dạt nơi nao?
+ Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu (úa tàn) mà nghĩ thân phận cỏ nội hoa hèn, chân mây mặt đất, góc bể chân trời đâuc hón nương thân? Tâm trạng này khiến nàng càng trở nên bi thương, vô vọng.
+ Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, sóng, gió xô ầm ầm, ào ạt quành nơi ghế ngồi cảm giác như tai họa đang rình dập đổ ập xuống cuộc đời. Mỗi câu mỗi vẻ. Cảnh vật – tâm tình – nỗi buồn nagỳ một lớn, ngày một sâu, mỗi lúc càng thêm chồng chất. Tất cả đều dồn tụ thành cao trào hòa vào tiếng sóng thủy triều đang xô đẩy dồn ập lên cuộc đời, số phận người con gái mới tuổi trăng rằm mà đã góc bể chân trời bơ vơ.
– Hình ảnh trong tám câu thơ vừa thực vừa ảo, vừa là thực cảnh vừa là tâm cảnh. Khi người ta rơi vào cảnh ngộ khổ đau, bế tắc nhất, đôi mắt thường hướng ra xa, ngóng vọng một cái gì mơ hồ, xa xăm, vô vọng lắm. Nỗi khổ đau vỡ ra trong ảo giác thành nhiều hình ảnh dạt trôi, bế tắc, chao đảo, nghiêng đổ cón khi tuyệt vọng. Đây chính là tâm cảnh của Kiều mong manh, yếu đuối, sợ hãi, cô độc và vô vọng trước cảnh ngộ. Vì thế, nàng đã bị rơi vào cạm bẫy của Sở Khanh ngay sau đó. Thật đáng thương cho người con gái tài hoa. Đa sầu đa cảm, luôn như thấy được những gì sẽ xảy ra phía trước nhưng lại không có cách nào để thoát khỏi.
Kết bài
Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình bậc thầy, Nguyễn Du đã kahức họa bức tranh phong phú, sinh động giữa tả ngoại cảnh và tâm cảnh. Cái mà ông muốn khắc họa không phải là cảnh vật mà là cái linh hồn, tâm trạng của nhân vật phủ lên cảnh vật kia để làm nổi bật hình tượng một Thúy Kiều – cái bẽ bàng, xót xa, thẫn thờ của người con gái tình nghĩa, hiếu hạnh đang lâm vào cảnh ngộ bơ vơ, bế tắc, tương lai mờ mịt, thân phận mong manh; thông qua đó, người đọc thấy hiện lên tấm lòng thương cảm, sẻ chia, xót xa của đại thi hào đối với người phụ nữ tài sắc bất hạnh. Đoạn trích mang giá trị nhân đạo sâu sắc.
–dehoctot.edu.vn-