Chúng ta vẫn thường xuyên bàn luận với nhau rằng trẻ em “ Học mà chơi – chơi mà học”nhưng với vai trò là người nghiên cứu về tâm lý trẻ nhỏ, tôi cho rằng “Chơi là học. Học để chơi”.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng bàn luận về hoạt động chơi của con trẻ dưới ánh sáng của Khoa học tâm lý, Giáo dục và Thần kinh, cũng như kinh nghiệm dưỡng dục trẻ nhỏ.
Chơi là gì?
“Trong tâm lý học và đạo đức học, chơi đùa là một loạt các hoạt động có tính tình nguyện, động cơ bản chất thường kết hợp giữa niềm vui giải trí và sự hưởng thụ. Chơi thường có liên quan đến trẻ em và các hoạt động ở vị thành niên, nhưng chơi có thể diễn ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời và trong số các động vật có chức năng cao, đặc biệt là động vật có vú – Garvey, C. (1990)”
Thêm một gợi ý từ triết lý giáo dục Reggio Emilia “Chơi là một hoạt động tự nguyện với một số đặc tính như:
- Sự tận hưởng
- Tự chỉ huy
- Mang tính phát triển
- Cơ hội để học hỏi kiến thức và kỹ năng
- Vừa mang tính nội tại – vừa có tính kết hợp
Hoạt động chơi dù được định nghĩa từ lĩnh vực hay triết lý khác nhau tuy nhiên đều nhấn mạnh tới sự tự nguyện tham gia và cảm giác vui vẻ, hạnh phúc của đứa trẻ, cùng với đó chơi chính là cơ hội cho trẻ phát triển bản thân mình về mọi mặt.
Tại sao hoạt động chơi lại quan trọng đối với trẻ em?
Năm 2016,tôi cùng đồng nghiệp thực hiện 2 hội thảo mang tên “Hiểu trẻ thông qua trò chơi” và “Play based-learning at home”–với mong muốn gửi đi thông điệp về sự quan trọng của hoạt động chơi đối với trẻ mầm non tới các thầy cô giáo và cha mẹ.
Trong quá trình hỏi đáp, chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi và thắc mắc như:
- Tại sao hoạt động chơi lại quan trọng tới vậy?
- Việc chơi của trẻ em có phải là 1 hoạt động tự nhiên của quá trình phát triển hay không?
- Có cần tới sự can thiệp của người lớn hay không?
Trước tiên chúng ta sẽ tiếpcậncác kiến thức được trích dẫn từ lý thuyết phát triển trong đó Jean Piaget cho rằng quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ được đặc trưng bởi 2 cơ chính đó là “Đồng hoá” và “ Điều ứng”.
“Cơ thể đồng hoá những yếu tố của môi trường vào những cơ cấu sẵn có của mình, đồng thời luôn luôn phải điều chỉnh những cơ cấu ấy để thích ứng với những biến đổi của môi trường. Khi hai quá trình đồng hoá và điều ứng ở thế cân bằng là đã thích nghi và ở mỗi thời kỳ tạo ra những cơ cấu và những cơ chế đặc biệt – Nguyễn Khắc Viện”.
Một điều quan trọng ở đây đó là, quá trình Đồng hoá và Điều ứng của trẻ phần nhiều được diễn ra dưới dạng thức “trò chơi”. Trẻ đồng hoá hành động bú ti mẹ vào trò chơi mút tay hay mút bất kỳ vật nào trong tầm với của chúng. Lớn hơn một chút, khi trẻ bước tới thời kỳ của tư duy biểu trưng, chúng đồng hoá thông qua việc chơi những trò chơi giả vờ. Thế giới thực được một lần nữa tái hiện lại dưới cái dạng thức trò chơi của trẻ khi mà bà phù thuỷ có thể được hiểu bằng 1 chiếc chổi, bà tiên có thể xuất hiện dưới dạng thức 1 chiếc “ đũa thần” và chỉ một mảnh vải nhỏ cũng có thể biến con trở thành Siêu nhân… Trẻ em sáng tạo nên thế giới lần thứ 2 dưới sự hoạt động của tâm trí trong quá trình chơi, chúng đồng thời tái tạo và sáng tạo thực tại, biến đổi thế giới quan sao cho phù hợp với năng lực của bản thân và biến đổi bản thân sao cho phù hợp với yêu cầu của hiện tại.
Piaget cũng nhấn mạnh “Trò chơi như là con đường chính để học tập”.Có thể tổng kết quan điểm của Piaget về vao trò của hoạt động chơi với sự phát triển của trẻ như sau:
- Là biểu hiện ra bên ngoài của trí thông minh
- Là hình thức giúp trẻ bộc lộ cảm xúc
- Giúp trẻ tiếp nhận kiến thức về cuộc sống 1 cách phù hợp nhất
- Rèn luyện các kỹ năng, thao tác phù hợp với lứa tuổi
- Là cầu nối giữa nội tâm của trẻ và thế giới bên ngoài
Cùng thời với Piaget, nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky cho rằng hoạt động chơi của trẻ xuất phát từ nguồn gốc xã hội. Thông qua các trò chơi của mình trẻ tái dựng lại thế giới xung quanh mình và học cách hoà nhập với thế giới đó. Các dạng thức trò chơi như: Chơi giả vờ, chơi theo luật lệ, chơi đóng vai theo chủ đề hay chơi xây dựng… đều nhằm mục đích phát triển các năng lực và kỹ năng để chuẩn bị cho quá trình hoà nhập với xã hội của trẻ em.
Vygotsky cũng cho rằng trò chơi là nơi mà những đứa trẻ học hỏi kiến thức lẫn nhau rồi sau đó mới biến kiến thức này thành của mình. Quan điểm của ông ngược lại với Piaget đó là: Kiến thức đến lần 1 từ người khác sau đó mới nhập vào thành kiến thức của cá nhân. Trong lý thuyết của Vygotsky cũng có đề cập tới các khái niệm:
- Vùng phát triển gần: Những việc trẻ có thể làm được dưới sự hướng dẫn của người khác
- Bắc giàn giáo: Cách mà những người hướng dẫn giúp trẻ “leo” lên một nấc thang mới trong quá trình phát triển
- Người hiểu biết hơn:Đề cập đến một người có hiểu biết hoặc trình độ năng lực cao hơn so với người học đối với một nhiệm vụ, quá trình hay khái niệm mới(hiện nay các nhà lý thuyết cho rằng ngay cả máy tính, sách báo… cũng được coi là người hiểu biết hơn).
Trong chính quá trình chơi, khi mà trẻ nhỏ tương tác với người lớn hoặc bạn đồng lứa chúng hoàn toàn có khả năng đạt được vùng phát triển gần nhất, hoặc tiến lên một vùng phát triển hơn thông qua sự “Bắc giàn” vô tình hay hữu ý từ phía những “người hiểu biết hơn”. Chính Vygotsky đã từng phát biểu rằng “Trong khi chơi, trẻ dường như vĩ đại hơn chính bản thân mình (Vygotsky, 1930–1935/1978, p. 102)”
Phần lớn nghiên cứu về trò chơi cho thấy mối quan hệ của nó với sự phát triển tư duy của trẻ và kỹ năng phân loại tinh vi hơn (Frost, Wortham, & Reifel, 2001; Perkins, 1984; Santrock, 2003) và khả năng sử dụng những gì họ đã biết để xây dựng mới hiểu biết. Chơi giúp trẻ em tiếp thu được nhiều hệ thống quy tắc liên quan đến ngôn ngữ mà các em đang nói. Nó cũng giúp họ tạo ra nhiều cách diễn đạt suy nghĩ của họ (Santrock, 2003).
Một nghiên cứu theo chiều dọc đo độ phức tạp của lối chơi trẻ em ở tuổi 4 và sau đó theo dõi kết quả học tập của họ thông qua các trường trung học (Wolfgang, Stannard & Jones, 2001). Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự phức tạp của việc chơi đùa dự đoán thành tích toán học của trẻ ở trường trung học… Các thí nghiệm về trẻ mẫu giáo Mỹ cho rằng trẻ nhỏ 3 tuổi hiểu sự khác biệt giữa giả vờ thực tế và giả tưởng, và sử dụng thông tin học được từ các kịch bản giả vờ để hiểu thế giới thực (Sutherland và Friedman 2012; 2013).
“Chơi tự do phát triển các kết nối thần kinh trong vỏ não trước trán (PFC), trung tâm kiểm soát điều hành của não, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc, lập kế hoạch và giải quyết các vấn đề, theo Giáo sư Sergio Pellis – Đại học Lethbridge, Alberta , Canada. Khi trẻ chơi não của chúng xây dựng các mạch mới trong vỏ não trước trán để giúp nó điều hướng các tương tác xã hội phức tạp”
Ở phần 1 (Chơi là học), chúng ta đã cùng tìm hiểu định nghĩa về “chơi” theo góc độ lý thuyết khoa học. Phần 2 này, tác giả Minh Thành – chuyên gia tâm lý học mầm non sẽ tiếp tục đưa ra các khái niệm về phân loại trò chơi cũng như gợi ý cho các phụ huynh về những trò chơi dành cho con trẻ.
Phân loại trò chơi của trẻ em như thế nào?
Phân loại theo hình thức chơi
Trước tiên xin được chia sẻ 10 loại hình trò chơi dành cho trẻ từ 0-6 tuổi theo Play based-learning trong Reggio Emilia bao gồm:
- Đọc/ Reading
- Số học/ Numeracy
- Văn học/ Literacy
- Hoá trang/ Dress-up
- Gia đình/ Family
- Hình khối/ Blocks
- Thủ công nghệ thuật/ Art & craft
- Giác quan/ Sensory: to the widest range of senses – messy play
- Âm nhạc/ Music
- Tưởng tượng/ Imagine
Quay trở lại lý thuyết phát triển của Piaget, ông cho rằng trẻ em trải qua các loại hình chơi như sau
- Trò chơi cảm giác vận động ( chức năng )
- Trò chơi hư cấu – tưởng tượng
- Trò chơi thu nhận ( Nghe – nhìn..)
- Trò chơi xây dựng – mô phỏng
- Trò chơi tập thể/ trò chơi có luật lệ
Phân loại trò chơi theo hoạt động chủ đạo trong các giai đoạn phát triển của trẻ
Từ 2-15 tháng:
- Gắn bó an toàn: Các trò chơi liên quan đến sự tương tác giữa trẻ và người chăm sóc trực tiếp để thiết lập và duy trì, phát triển sợi dây gắn bó giữa trẻ nhỏ và người thân. Một số trò chơi được gọi ý như Ú oà; Nhà mẹ nhà con;
- Cảm giác vận động: Các trò chơi nhấn mạnh vào việc đánh thức và phát triển các giác quan ở trẻ, hay còn gọi là “Sensory play”. Một số trò chơi như: Nghịch nước, trộn bột màu, ngửi mùi quả chín… thêm vào đó là các trò chơi phát triển nhóm kỹ năng vận động thô như: Bước cùng mẹ; Bò – trườn… và các kỹ năng vận động tinh: Nhặt, vo tròn, xé…
Từ 15-36 tháng:
- Trò chơi khám phá bản thân: Hướng tới mục đích trẻ có thể tự nhận thức được về bản thân mình. Một số trò chơi như: Chỉ các bộ phận trên cơ thể; Soi mình trong gương; Tên ải tên ai…
- Trò chơi tương tác với đồ vật/ sử dụng công cụ: Đảm bảo các yêu cầu thông qua trò chơi trẻ có thể: Chơi đúng chức năng của đồ vật; Gọi tên đồ chơi và bước đầu chơi giả vờ (khoảng 2 tuổi trở lên)
- Trò chơi trí tuệ: Xác lập các mối quan hệ giữa các đồ chơi bằng cơ chế thử- sai. Các trò chơi như: Chồng tháp, quan sát to nhỏ – ngắn dài… phát triển cho trẻ tư duy trực quan hành động
- Trò chơi ngôn ngữ: Các hoạt động chơi hướng tới việc phân biệt các loại âm thanh; bắt chước giọng nói và phát triển cơ quan phát âm. Một số trò chơi đơn giản như: Phân biệt tiếng con vật; Âm thanh đến từ đâu (Phân biệt âm thanh các loại vật liệu khác nhau); hát, các trò chơi thổi hơi (Thổi bóng, thổi nến, thổi nước…) ; chơi trả lời câu hỏi; đọc sách truyện…
- Phát triển tình cảm: Các trò chơi hướng tới việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho trẻ. Hoạt động chơi tạo điều kiện cho trẻ bộc lộ và học hỏi cách bộc lộ cảm. Các hoạt động như kể truyện, giả vờ, chơi đóng kịch (đơn giản), gọi tên cảm xúc… điều cần chú ý đặc biệt đó là giai đoạn này không nên cho trẻ chơi những trò chơi mang lại cho trẻ cảm giác quá sợ hãi như kể truyện ma, hù doạ… vì sẽ có thể ảnh hưởng tới nhận thức của con trẻ. Nghiên cứu của Bretherton & Beeghly (1982); Brown & Dunn (1991) chỉ ra rằng “ Trẻ em sinh ra những lời nới như hạnh phúc, buồn, muốn và thích vào cuối năm 2 tuổi…”
Từ 3 – 5 tuổi
- Các trò chơi xây dựng, mô phỏng: Hoạt động chơi này hướng tới mục đích rèn luyện cho trẻ kỹ năng kết hợp công cụ, hoàn thành chỉnh thể. Thêm nữa đây cũng là bước “tái tạo” trong nấc thang tiến tới sự sáng tạo và cung cấp nguyên liệu cho trí tưởng tượng của con trẻ. Các trò chơi xếp hình, lắp ráp mô hình, nặn đất, vẽ tranh… được khuyến khích trong giai đoạn này.
- Các trò chơi có tính luật lệ: Khi trẻ bước vào độ tuổi lên 3 chính là giai đoạn chín muồi để rèn luyện cho con về quy tắc và luật lệ. Đây là lúc trẻ có sự định hình về cái tôi cá nhân rõ ràng và bắt đầu chuẩn bị bước qua giai đoạn hoà nhập với xã hội nhỏ ( Trường mầm non…) trẻ phải học cách làm sao cân bằng giữa cái mình muốn – cái mình có thể làm. Các trò chơi có tính luật lệ, chờ đợi… sẽ giúp trẻ dần dần học cách chấp nhận quy tắc. Các hoạt động chơi được gợi ý như Chơi cùng với mẹ, chơi trong nhóm nhỏ, chơi luân phiên…
- Các trò chơi đóng vai theo chủ đề: Bước vào tuổi 3 trở lên trẻ có sự phát triển và khá hoàn thiện về mặt ngôn ngữ. Nhất là độ tuổi 4 – 6 trẻ em bước vào giai đoạn phát triển của trí tưởng tượng, vượt qua sự “ thống trị” của cái tôi cá nhân để bước vào đời sống xã hội, nhất là việc trẻ đi học tại trường mầm non. Nghiên cứu về thuyết tâm trí có trích dẫn “… Trong khi trẻ tham gia vào vở kịch đóng vai, chúng có thể phản ánh thực tế rằng chúng đang giải trí với những ý tưởng tinh thần, và sự hiểu biết này có thể được áp dụng ở bên ngoài thực tế ” (Taylor & Carlson, 1997; Taylor et al., 2004 )
- Các trò chơi rèn luyện con mắt thẩm mỹ: Bước sang độ tuổi 3 vận động thô của trẻ đã khá hoàn thiện, bắt đầu rèn luyện nhiều hơn vận động tin (Vận động của các cơ nhỏ kết hợp với mắt), tay chân và mắt của con đã khá linh hoạt, trẻ có thể chơi những trò chơi với bút vẽ, màu sắc… đây cũng là giai đoạn để chúng ta bồi đắp thẩm mỹ cho bé thông qua các trò chơi như: Nghịch với bảng màu; Trộn bộn màu; Vẽ tranh; Kể truyện cổ tích… với trẻ lớn hơn 5, 6 tuổi có thể học cách làm 1 bài thơ, vẽ 1 bức tranh tập thể lớn, bình luận về tác phẩm nghệ thuật… hoặc bắt đầu làm quen với một nhạc cụ, âm nhạc…
Phân loại theo cách thức tổ chức trò chơi
Khi tổ chức hoạt động chơi cho trẻ hoặc quan sát tiến trình chơi của trẻ chúng ta nên giúp đỡ hoặc tạo lập môi trường chơi giúp trẻ lần lượt trải qua các hình thức chơi đa dạng, thông qua đó mới có thể giúp con phát triển kiến thức- kỹ năng toàn diện với hoạt động chơi. Có thể phân loại các cách thức chơi của trẻ như sau
- Chơi một mình:Trẻ tự chơi với đồ chơi của mình một cách độc lập, không có sự can thiệp từ ai bên ngoài đứa trẻ. Hình thức chơi này phổ biến nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi và vẫn kéo dài cho tới suốt quá trình trưởng thành.
- Nhìn người khác chơi:Trẻ không trực tiếp tham gia vào trò chơi, nhưng gián tiếp học hỏi thông qua việc quan sát hoạt động chơi của người khác. Đây là 1 hình thức chơi cực kỳ quan trọng khi trẻ chưa sẵn sàng về mặt kiến thức cũng như kỹ năng để tham gia vào 1 trò chơi mà trẻ chưa quen thuộc, bước này sẽ giúp trẻ có được những chỉ dẫn để bắt chước, tái tạo lại trò chơi trong tương lai.
- Chơi song song:Hoạt động chơi này nhấn mạnh tới đặc điểm: Trẻ cùng chơi với 1 hoặc nhiều người khác trong 1 không gian nhưng không có sự kết hợp giữa những cá nhân với nhau. Ví dụ bạn A đang chơi trò ghép hình bên cạnh bạn B đang chơi trò xúc cát… Trẻ bắt đầu biết chấp nhận sự có mặt của người khác trong không gian chơi, thậm chí có thể chia sẻ đồ chơi lẫn nhau hoặc học cách chờ đợi tới lượt chơi của mình.
- Chơi kết hợp:Trong hoạt động chơi này trẻ em có thể tham gia vào các hoạt động có liên quan, ở gần nhau trong 1 không gian, tuy nhiên mỗi trẻ đều có những ý tưởng của riêng mình. Ví dụ, trẻ có thể cùng chơi một hoạt động là ghép hình, chúng chia sẻ đồ chơi với nhau, hỏi han nhau về cách xếp mô hình… tuy nhiên mỗi đứa trẻ lại có riêng cho mình 1 ý tưởng về mô hình mà chúng muốn lắp ghép.
- Chơi hợp tác:Những đứa trẻ hợp tác với nhau trong quá trình chơi về cách lên ý tưởng, sắp xếp nguồn lực ( dụng cụ chơi ) và phân công nhiệm vụ cụ thể. Các hoạt động đóng vai theo chủ đề có thể được coi là đại diện tiêu biểu của hình thức chơi kết hợp, khi trẻ cùng có chung một mục đích và nội dung chơi, trò chơi có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng và trẻ em hợp tác với nhau để cho ra 1 sản phẩm chung sau quá trình chơi kết thúc.
Phân loại theo không gian tổ chức hoạt động chơi
- Các trò chơi trong nhà/ lớp:Hoạt động chơi này gói gọn trong 1 không gian cụ thể, có tính bài trí – xắp xếp và quy luật. Trẻ em sẽ được chơi với các quy tắc cụ thể. Loại hoạt động chơi này phù hợp với các trò chơi tĩnh, nhóm nhỏ và yêu cầu tính lần lượt, nhường nhịn cao.
- Các trò chơi ngoài trời:Với hình thức này, tính mở rộng về mặt không gian của trò chơi được nâng cao hơn, trẻ có thể chạy nhảy; tổ chức các nhóm chơi lớn; chơi các trò chơi cộng đồng ; các trò chơi khám phá hoặc trò chơi mạo hiểm. Với hình thức chơi này tính hợp tác, kỷ luật càng được nhấn mạnh.
Một số gợi ý trong việc chọn đồ chơi cho trẻ tại gia đình và nhà trường
Chọn đồ chơi như thế nào là hiệu quả?
- Gợi ý đầu tiên: Đồ chơi nên được chọn từ những vật dụng thân quen nhất đối với trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Nghiên cứu của Nathalia L. Gjersoe *, Emily L. Hall, Bruce Hood chỉ ra rằng “khi trẻ em không có tình cảm gắn liền với vật thể, chúng ít có xu hướng gắn các trạng thái tâm thần vào nó”. Các lý thuyết hiện tại về gắn bó cũng cho thấy trẻ sơ sinh tạo thành một liên kết tình cảm với một vật trong nôi như một người thay thế mẹ khi tách khỏi cha mẹ vào ban đêm hoặc như một sự mở rộng về thể chất của bản thân (Winnicott, 1953). Trong gia đình của chúng ta luôn có sẵn những vật liệu chơi cho trẻ, chúng ta hoàn toàn có thể biến chiếc chăn thành áo choàng Elsa, cái chậu nhỏ thành nơi nghịch cát và nước; chiếc chổi quét nhà biến thành chổi bay của phù thuỷ ánh sáng hay chiếc gối ôm nho nhỏ thay thế cho mẹ những lúc bận rộn để trong nôi cho trẻ sơ sinh; hoặc những chiếc khăn các màu treo trên đỉnh màn của trẻ sơ sinh để rèn luyện thị giác cho con… Trước khi nghĩ tới các đồ chơi đắt tiền ngoài cửa hàng, hãy nghĩ tới những đồ chơi sẵn có xung quanh đứa trẻ.
- Đồ chơi phù hợp với lứa tuổi:Việc chọn đồ chơi cho trẻ nên quay lại nội dung về Phân loại trò chơi theo hoạt động chủ đạo ở bên trên để soi sáng. Với trẻ càng nhỏ, đồ chơi phải có tính bền để con có thể quăng quật, đồ chơi cũng phải có tính an toàn để trẻ nhỏ có thể sờ, ngửi, thậm chí là cho vào miệng. Đồ chơi với trẻ dưới 2 phải ưu tiên về chức năng rõ ràng như: Cái xe ô tô là để đi; cái gương là để soi; quả bóng là để ném… Tuy nhiên đồ chơi với trẻ lớn hơn thì lại ưu tiên tính mở rộng sự sáng tạo: Búp bê vừa có thể làm em bé, vừa có thể làm cô giáo lại có thể đóng vai người mẹ; chiếc ghế có thể để ngồi, lại có thể kết hợp với chăn để tạo thành túp lều, hay em có thể biến thành ô tô…
- Tính an toàn của đồ chơi:Đây là 1 ưu tiên đặc biệt và bắt buộc. Đồ chơi nên được làm từ những nguyên liệu an toàn như Gỗ, vải, nhựa an toàn, giấy, bột… thêm 1 lưu ý nữa ít được đề cập tới đó là tính an toàn về mặt tâm thần: Tức là đồ chơi phải mang tới cảm giác an toàn, vui vẻ và tò mò cho trẻ, tránh các loại đồ chơi gây cảm giác sợ hãi, méo mó về nhận thức cho trẻ như: Mặt nạ ma quỷ, súng, kiếm…..
- Tính có thể biến đổi/ tính trung dung:Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ càng lớn ( nhất là giai đoạn 3 – 6 ) thì đồ chơi nên được chọn là những đồ chơi có tính mở. Các đồ chơi này vừa có 1 công năng nhất định được ưu tiên, lại vừa có thể biến đổi để thêm vào 1 công dụng khác. Ví dụ như Đất nặn, màu vẽ, đá, gỗ… tức là đồ chơi vốn không mang trước 1 hình hài cụ thể nhằm bó buộc tư duy của trẻ về công dụng của đồ chơi đó. Cũng nên lưu ý rằng “Đáng ngạc nhiên là một vài trạng thái tinh thần được cho là do đồ chơi ưa thích mà trẻ thường xuyên chơi bằng các ngữ cảnh tưởng tượng mặc dù món đồ có đã có sẵn các tính năng cá nhân hóa như khuôn mặt và tên” (Nathalia L. Gjersoe et al., 2015 )
- Đồ chơi phù hợp với hoàn cảnh gia đình và văn hoá cộng đồng:Tổng hợp lại các gợi ý ở trên tôi muốn nhấn mạnh rằng việc chọn đồ chơi cho trẻ ở gia đình nên phù hợp với điều kiện kinh tế của chúng ta. Không nên quá chạy theo sự đắt đỏ về mặt giá cả của món đồ nếu điều đó mang lại sự mệt mỏi cho cha mẹ. Đồ chơi cũng nên đặt vào trong bối cảnh văn hoá riêng biệt của mỗi vùng miền. Trẻ em việt nam có đặc điểm phát triển riêng biệt vì vậy khi chọn đồ chơi, truyện kể nước ngoài cũng nên lưu ý chọn lọc cái gì là phù hợp để cho trẻ chơi rồi mới mua. Chọn đồ chơi có thể ưu tiến theo thứ tự: Tính an toàn – Tính phù hợp – Tính thẩm mỹ – Tính kinh tế.