Sử thi là di sản văn hóa truyền thống quý báu đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Mang trong mình sự khái quát hóa lịch sử về truyền thống sức mạnh tinh thần và ý chí đấu tranh bất khuất, nó là niềm tự hào lớn về lịch sử không ngừng phấn đấu mở mang đất nước,phát triển dân tộc,ẩn chứa trong đó những nguyện vọng ,ước mơ của nhân dân lao động không ngừng phấn đấu để xây dựng một xã hội giàu đẹp,nhân đạo và công bằng.
Sử thi về tên gọi thì nó có nhiều cách dùng khác nhau như: bài ca, trường ca, anh hùng ca, truyện, truyền thuyết anh hùng…nhưng chung quy lại thì cùng là một đối tượng.
Căn cứ theo phương thức diễn xướng, kết hợp với đặc trưng nghệ thuật hào hùng kì vĩ, mang âm điệu ngợi ca các nhân vật anh hùng, với nội dung đầy các sự kiện to lớn xoay quanh các nhân vật anh hùng có ý nghĩa toàn dân đó, có thể xác định được rằng các sử thi dân gian các dân tộc ít người thuộc phạm trù sử thi anh hùng trong thể loại tự sự dân gian (trang 753-Đinh Gia Khánh chủ biên,Chu Xuân Diên, Võ quang Nhơn.Văn học dân gian Việt Nam,Nxb Giáo Dục Việt Nam).
Đặc điểm về thời gian và không gian trong sử thi anh hùng.
Thời gian trong sử thi chủ yếu là thời gian trong quá khứ.Trong văn học dân gian,sự ra đời của thể loại là do thời đại quy định,vì vậy,thời gian nghệ thuật cũng ảnh hưởng không nhỏ trong một tác phẩm sử thi.Thần thoại ra đời trong lòng xã hội nguyên thủy, khi mà con người còn rất lạc hậu,đời sống còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên,chưa tách khỏi tự nhiên.Họ có khát vọng giải thích tự nhiên,khám phá quan hệ con người- tự nhiên nhưng sự giải thích đó còn mang tính thô sơ,xuất phát từ sự quan sát hiện tượng tự nhiên thực tế.Sử thi ra đời ở thời cổ đại,khi các thành viên xã hội sống thành thị tộc.Chỉ có sống trong thị tộc, mỗi cá nhân mới thấy mình có đủ sức mạnh để làm lụng,chiến đấu và hưởng hạnh phúc.Thời kì ra đời đó được gọi là “thời đại anh hùng” kể về cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng.Ta sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh cuộc sống của nhân dân dưới hình thức kể chuyện anh hùng ở thời quá khứ, như lời nói của Hbia Knhi khi nói với mẹ: “Ơ mẹ, người con đã lở loét,nát như thuốc bột, người đau như rạch bằng dao,mẹ ạ! Mẹ hãy lấy nước thuốc của ông xưa, lấy thuốc của bà từ trước, bôi lên da cho con khỏi ngứa, khi bôi đừng để con rát mẹ nhé!” (T782- Viện Khoa Học xã hội Việt Nam,Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam,Tập 9,Sử thi Ê Đê.Nxb Khoa Học xã hội (2009).
Nếu như thời gian trong sử thi chủ yếu là thời gian quá khứ thì không gian trong sử thi là không gian chiến trận.Như Ăngghen nói: “chiến tranh và tổ chức để tiến hành chiến tranh bây giờ đã trở thành những chức năng thường xuyên trong sinh hoạt của nhân dân”, “chiến tranh đã trở thành một nghề thường xuyên”.Lẽ như vậy vì sử thi ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh giữa các thị tộc,bộ tộc để giành đất sống xảy ra triền miên. Và tư thế người anh hùng đã được xây dựng nên từ trong những cuộc chiến tranh đó.
Ta dễ dàng nhìn thấycả không gian trong chiến tranh đòi nợ và trả thù,như trận chiến của Mdrong Dăm khi chiến đấu với Mtao Ak: “Mdrong Dăm tiếp tục chạy, Mtao Ak đuổi theo,Mdrong Dăm chui vào dưới gầm nhà,Mtao Ak liền đưa dao chém, nhưng lưỡi dao lại đâm trúng con trâu đực cột dưới gầm nhà,làm nó chết tại chỗ.”(tr 983 – Viện Khoa Học xã hội Việt Nam,Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam,Tập 9,Sử thi Ê Đê.Nxb Khoa Học xã hội (2009).
Hay như khung cảnh đánh nhau của quân Duông với các thũ lĩnh, quân lính của Tur Gôk hiện lên cũng rất rõ nét: “ Từ trên mặt đất,quân Duông bắn xuống hồ nước hàng ngàn tên trút như mưa rào, phát ra những tiếng đinh đinh..đinh đinh…Cá lớn,cá bé chết không còn một con.Những con tôm, những con cua chết la liệt nổi đầy mặt nước.Bắn xong,mặt nước yên lặng đìu hiu,những tảng đá lớn,cục đá nhỏ vỡ nát tan tành. Nhiều mũi tên bắn trúng ngay mái nhà ông Tur Gôk, ngôi nhà rộng lớn đồ sộ,ngôi nhà của người giàu có, đầy đủ mọi thứ” .(Tr1305- Viện Khoa Học xã hội Việt Nam,Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam,Tập 8,Sử thi Xơ Đăng.Nxb Khoa Học xã hội (2009).
Ngoài không gian chiến trận thì còn có không gian sinh hoạt vui chơi của dân làng: “Sau buổi lễ, mọi người ăn cơm, ăn thịt trâu cúng tổ tiên,cúng ông trời. Còn nàng Hbia Sun luôn tay lo khêu ngọn lửa chai cho sáng mãi.”(tr 931-Viện Khoa Học xã hội Việt Nam,Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam,Tập 9,Sử thi Ê Đê.Nxb Khoa Học xã hội (2009).