Truyền Thuyết và truyên cổ tích là hai loại truyện dân gian hình thành và phát triển trong những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau.Do đó đặc điểm thi pháp cũng không giống nhau.Tuy nhiên bên cạnh sự khác nhau, giữa hai loại truyện này cũng có những mối quan hệ và sự tương đồng nhất định
Về quan hệ giữa hai thể loại
- Xét thời điểm ra đời, truyền thuyết xuất hiện sớm và trước cổ tích rất lâu. Truyền thuyết tiếp ngay sau thần thoại, . Truyền thuyết được xem là phương cách lý giải lịch sử; cách tưởng nhớ nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử theo quan điểm của nhân dân.
- Truyền thuyết luôn gắn liền vận mệnh dân tộc. Nó là sự hòa quyện giữa“niềm tin” và “cái thiêng”; là sự kết hợp giữa “lịch sử” và “hư cấu”.
- Trong khi đó, cổ tích ra đời muộn hơn. Cổ tích tiếp sau truyền thuyết
- Cổ tích chỉ ra đời trong lòng một xã hội đã phân chia giai cấp và nảy sinh mâu thuẫn giai cấp về quyền lợi, địa vị.
- Cổ tích gắn liền số phận những người bất hạnh trong cuộc đời thường. Nó là phương cách mà nhân dân gởi gắm ước mơ, khát vọng về một cuộc đời tốt đẹp, công bằng, hạnh phúc. Nó là sự hòa quyện giữa “vẻ đẹp hồn nhiên, ngây thơ” và “chất thần kỳ, huyền ảo”; là sự kết hợp giữa “hiện thực” và “hư cấu”.
->Như vậy, quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích là quan hệ tiếp nối và song hành. Cổ tích tiếp nối truyền thuyết,. Cổ tích song hành cùng truyền thuyết, cùng vận động và phát triển. Có điều, khi cổ tích hết vai trò tạo ra một “thế giới kỳ ảo chỉ có trong mơ ước” thì truyền thuyết vẫn còn nhận lãnh sứ mệnh là bộ sử dân gian
Những điểm giống và khác nhau giữa cổ tích và truyền thuyết
Điểm giống nhau:
TIÊU CHÍ SO SÁNH | CỔ TÍCH THẦN KỲ | TRUYỀN THUYẾT LỊCH SỬ | |
ĐIỂM GIỐNG NHAU | Dạng thức | Tự sự dân gian (có nhân vật, cốt truyện, tình tiết, lời kể…) | |
Phương pháp phản ánh | Cùng có sự hiện diện của yếu tố kỳ ảo, hoang đường. | ||
Nội dung lịch sử | Mọi truyền thuyết đều gắn với nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử. Một số truyện cổ tích thần kỳ cũng có nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử. | ||
Chứng tích văn hóa
| Truyền thuyết thường gắn liền chứng tích văn hóa (địa danh, núi sông, gò bãi, lăng mộ, lễ hội…). Một số truyện cổ tích thần kỳ cũng gắn liền với chứng tích văn hóa. | ||
Thái độ tiếp nhận | – Có thể tin hoặc không tin vào điều được kể – Không có nhu cầu gắn tác phẩm với chứng tích văn hóa | – Luôn có niềm tinvào điều được kể – Luôn có nhu cầu gắn tác phẩm với chứng tích văn hóa |
Điểm khác nhau:
Tuy nhiên, truyền thuyết và cổ tích là hai thể loại khác biệt nhau cả về chức năng lẫn thi pháp.
Kết cấu văn bản
Kết cấu một văn bản
Cổ tích nhìn chung ổn định và theo công thức: giới thiệu lai lịch, cảnh ngộ nhân vật → nhân vật gặp thử thách → vượt thử thách → kết thúc hạnh phúc.
- Đặc biệt, trong cổ tích, kết thúc tác phẩm thường bao giờ cũng có “hậu”. Nhân vật bao giờ cũng được đền bù xứng đáng cho những bất hạnh, những thử thách nghiệt ngã mà mình phải gánh chịu, phải vượt qua., khiến người nghe (đọc) đều thỏa mãn, không chờ đợi gì thêm nữa.
- Còn ở truyền thuyết, kết cấu văn bản hầu như không theo một công thức nào. Đặc biệt, kết thúc tác phẩm luôn theo hướng “mở”. Nhân vật, nếu lập chiến công sẽ bay về trời hoặc theo môtíp “đi đâu không biết”. Nhân vật, nếu phải chịu tuẫn tiết, hy sinh thì hiển linh, thành phò trợ nhân dân. Cách kết thúc này khiến nhân vật truyền thuyết không thể trở lại sống cuộc đời thường nhưng cũng không thể chết. Bởi nhân vật đã bất tử trong lòng nhân dân.
- Về lời kết, cổ tích thần kỳ và truyền thuyết lịch sử hay nhắc đến những chứng tích văn hóa còn lưu lại (một phong tục của làng xã, một tập tính của loài vật, một hình thể của núi non…). Tuy nhiên, mục đích kết thúc của hai thể loại khác nhau rõ rệt.
- Ở cổ tích, “những chi tiết đó không phải là những bằng chứng chứng tỏ câu chuyện kể là có thật như những “cổ tích” trong truyền thuyết lịch sử. Đó là những chi tiết nghệ thuật nhằm đem lại cho câu chuyện kể có tính chất tưởng tượng, tính chất hư cấu kỳ ảo (tức là truyện cổ tích) một màu sắc có vẻ như thật.
– Trong khi đó, ở truyền thuyết, những chứng tích văn hóa được nêu ở cuối tác phẩm lại là thành tố không thể thiếu của thể loại.(Núi Sóc Sơn khi Gióng bau về trời) Nó là yếu tố giữ gìn sức sống của truyền thuyết
Nhân vật:
- Nhân vật chính trong cổ tích, đặc biệt ở cổ tích thần kỳ, là con người của đời thường, trong một xã hội phân chia giai cấp với đầy bất công, ngang trái. Đó là những nhân vật bất hạnh: đứa con mồ côi, đứa con riêng, người con út, người đi ở, nhân vật xấu xí… Diễn biến số phận của nhân vật trong cổ tích là một chuỗi dài bị thử thách, vượt qua thử thách, để rồi kết thúc có hậu, nhân vật được đền bù, được hưởng hạnh phúc dài lâu trong đời thường.
- Trái lại, nhân vật chính trong truyền thuyết luôn là nhân vật lịch sử, là những anh hùng làm nên lịch sử.
- Một số đã được chính sử lưu danh, như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung, Trương Định… Nhưng phần nhiều là những anh hùng được nhân dân tôn vinh, tưởng nhớ. Họ là những nhân vật quần chúng hướng theo cờ đại nghĩa.
- Họ hiện diện trên khắp nẻo đường đánh giặc. Vì một dạ trung thành, dám xả thân phò tá, chở che chủ tướng, hoặc mưu trí lập công…, họ được nhân dân ngợi ca, tưởng nhớ bằng cách đưa vào truyền thuyết, trở thành nhân vật truyền thuyết.
- Có điều, kết cuộc của nhân vật trong truyền thuyết luôn mang tính chất “mở”. Nhân vật không như ở cổ tích, luôn gặp kết thúc có hậu, được hưởng hạnh phúc trong đời thường, mà phần nhiều, họ phải chịu tuẫn tiết, hy sinh, hóa thân vào hồn thiêng sông núi.
- Về nghệ thuật thể hiện, mỗi nhân vật trong cổ tích thần kỳ luôn thuộc về một kiểu nhân vật nào đó (người mồ côi, người em út, người xấu xí mà tài ba…). Nhân vật cổ tích được xây dựng theo nguyên tắc: mỗi nhân vật chỉ xuất hiện trong một câu chuyện và chuỗi dị bản của truyện đó mà thôi.
- Ví dụ, cô Tấm chỉ có trong cổ tích Tấm Cám; Thạch Sanh chỉ có trong truyện cổ tích cùng tên; rồi Sọ Dừa, anh Khoai… cũng không ngoại lệ. Ngay cả trong nhiều câu chuyện khác nhau, dù người kể chỉ dùng một từ phiếm chỉ: “chàng trai nghèo nọ, cô gái kia” nhưng cũng không ai nghĩ rằng đó là một nhân vật được xuất hiện trong nhiều câu chuyện. Bởi lẽ, trong cổ tích, mỗi tác phẩm là câu chuyện trọn vẹn về cuộc đời một nhân vật. Một khi cổ tích đã kết thúc rồi thì xem như không còn gì kể thêm về nhân vật nữa.
- Như cổ tích, trong truyền thuyết, nhân vật cũng luôn thuộc về một kiểu nhân vật nào đó (nhân vật có biệt tài, nhân vật được giúp sức, nhân vật bị hành quyết…). Nhưng khác cổ tích, nhân vật trong truyền thuyết còn xuất hiện theo nhóm truyện, hệ thống truyện. Ví dụ, nhóm truyền thuyết về anh hùng Lê Lợi, nhóm truyền thuyết về anh hùng Nguyễn Trung Trực, nhóm truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương… Sở dĩ có hiện tượng này là vì truyền thuyết không bao giờ xuất hiện riêng lẻ. Chính sự hiện diện của nhân vật lịch sử trong tác phẩm đã giúp các truyền thuyết rời rạc kết dính với nhau thành từng mảng, nhóm truyện. Nhờ đó, truyền thuyết luôn có số lượng phong phú và tồn tại theo hệ thống.
Tình tiết
Là tự sự dân gian nên truyền thuyết và cổ tích đều có cốt truyện. Cốt truyện được hình thành từ hệ thống các tình tiết.
Ở cổ tích, tình tiết chính trong những truyện có cùng kiểu nhân vật thường giống nhau.
Ví dụ, ở chuỗi tình tiết nhân vật đi cứu công chúa (tìm người yêu, tìm thuốc quý, tìm kho báu…), trên đường đi, hễ gặp giống vật nào mắc nạn thì chàng trai (cô gái, người em) sẵn lòng dừng lại cứu giúp. Sau này, khi gặp thử thách, nhân vật sẽ lập tức được chính các giống vật ấy lần lượt giúp đỡ lại. Hay ở chuỗi tình tiết thử thách, thử thách sau bao giờ cũng cam go hơn thử thách trước, nhưng lúc nào nhân vật chính cũng vượt qua, để rồi được nhận phần thưởng cao quý hơn lần trước. Sự giống nhau này có thể xem là dạng “đại đồng tiểu dị”.
-Còn truyền thuyết không như vậy. Mỗi truyền thuyết đều có những tình tiết riêng biệt của mình, kể cả trong những truyện có cùng kiểu nhân vật. Tuy truyền thuyết cũng sử dụng môtíp nhưng những môtíp này không theo công thức định sẵn như ở cổ tích.
Ví dụ: nhân vật lịch sử, trên bước đường khởi nghĩa, không phải hễ mình giúp được ai (giống vật gì) thì ắt sau này sẽ được người ấy (giống vật ấy) giúp đỡ lại. Phần nhiều, họ thành công là do bất ngờ có lực lượng phù trợ (trời, thần nhân, quần chúng mộ nghĩa). Và nhân vật lịch sử bao giờ cũng gặp thử thách. Nhưng không phải thử thách nào họ cũng vượt qua được. Thậm chí, họ còn bất ngờ gặp rủi ro, để rồi chiến bại.
- Có thể nói, nếu tình tiết trong cổ tích thường ở dạng “đại đồng tiểu dị” thì tình tiết trong truyền thuyết lại mang tính cụ thể, không trùng lặp.
Thời gian và không gian nghệ thuật:
Thời gian
- Trong cổ tích thần kỳ, thời gian luôn mang tính ước lệ, tượng trưng. Chuyện thường bắt đầu bằng lời dẫn quen thuộc: “ngày xưa, thuở xưa, ngày xưa xưa lắm, không biết thời nào, một ngày nọ, bỗng hôm kia, vào một đêm trăng…”.
– Kiểu thời gian mơ hồ này khiến câu chuyện luôn được bao bọc trong màn sương huyền ảo. – Nó gợi ra một quá khứ thật xa xăm, đồng thời toát lên vẻ đẹp một đi không trở lại. Chính sự mơ hồ của thời gian khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn.
- Trái lại, thời gian trong truyền thuyết lịch sử bao giờ cũng mang tính xác định. Có điều, tính xác định của thời gian trong truyền thuyết không hoàn toàn đồng nhất với thời gian thực tế. :“Chẳng hạn như giặc Ân trong truyền thuyết Thánh Gióng. Niên đại trong truyền thuyết này và truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh không ăn khớp gì với sự thật lịch sử. Vậy mà, qua hàng bao thế kỷ, nhân dân vẫn hiểu được: giặc Ân phi lịch sử đó là tượng trưng cho một thứ giặc ngoại xâm, niên đại phi lý đó là ước lệ cho một khoảng thời gian rất xa xưa
- Thời gian xác định khiến truyền thuyết luôn gắn với một triều đại cụ thể, thậm chí gắn với từng phút giây lịch sử. Trong truyền thuyết, chiến công và số phận của nhân vật lịch sử, nội dung sự kiện lịch sử chỉ có ý nghĩa, chỉ đáng tin khi được gắn kết với những thời điểm lịch sử cụ thể, xác định.
- Ví dụ, Thánh Gióng gắn liền thời Hùng Vương giữ nước, Hai Bà Trưng phất cờ – thời chống xâm lược Hán, Bà Triệu cưỡi voi ra trận – thời chống giặc Ngô, Lê Lợi tập hợp hào kiệt – thời chống quân Minh, Trương Định lãnh chức Bình Tây nguyên soái – buổi đầu chống Pháp…
- Và hiển nhiên, niềm tin của người nghe (người đọc) truyền thuyết sẽ bị phá vỡ khi nhân vật và sự kiện lịch sử bị ghép sai với thời điểm lịch sử. Có thể nói,cụ thể, chính xác là yêu cầu đặt ra đối với thời gian truyền thuyết. Khác cổ tích, trong truyền thuyết, thời gian càng cụ thể, xác định, tính đáng tin của câu chuyện càng tăng dần.
Về cách thể hiện thời gian, truyện cổ tích không quan tâm đến thời gian thực, thời gian vật lý. Nó không có thời gian tâm lý. Trong cổ tích, thời gian giữ vai trò tạo không khí, dẫn dắt, liên kết các tình tiết chứ không nhằm khắc họa tính cách, số phận nhân vật. Nó được xem là một yếu tố nghệ thuật quan trọng trong tác phẩm.
Trái lại, truyền thuyết gắn chặt với thời gian thực, thời gian vật lý, đôi khi có cả sự hiện diện của thời gian tâm lý (trong một số truyền thuyết đời sau). Theo từng mốc thời gian, nhân vật lịch sử sẽ lớn lên, gặp biến cố, lập chiến công và đến hồi kết cuộc (hy sinh hoặc hóa thân).
-Thời gian trong truyền thuyết không có chức năng tạo nên tính hấp dẫn, lôi cuốn cho câu chuyện như ở cổ tích. Điều quan trọng mà thời gian trong truyền thuyết có thể mang đến cho người nghe (người đọc) chính là tính đáng tin của câu chuyện kể.
- Nói chung, nếu thời gian trong cổ tích chỉ tạo nên tính hấp dẫn cho câu chuyện chứ không nhằm khẳng định tính xác thực cho nội dung thì ngược lại, thời gian trong truyền thuyết chỉ giúp khẳng định tính xác thực cho nội dung chứ không nhằm tạo nên tính hấp dẫn cho câu chuyện.
Không gian:
Không gian tức là địa điểm, là nơi chốn mà câu chuyện diễn ra, nơi gắn liền với cuộc đời nhân vật và sự kiện trong tác phẩm.
Trong cổ tích thần kỳ, không gian là tất cả cảnh vật, cuộc sống nơi trần thế: một làng quê thân thuộc, với ruộng lúa, đồng cỏ, giếng nước, bờ ao… (Tấm Cám, Sọ Dừa…); hay một gốc đa to, một khu rừng vắng (Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt…); hoặc một bãi sông xa, một vùng biển rộng (Chử Đồng Tử, Sự tích núi Ngũ Hành, Sự tích con dã tràng…). Ngoài ra, còn một dạng không gian khác, đó là thế giới siêu nhiên, kỳ ảo: cõi thiên đình (Cóc kiện trời), cõi tiên (Từ Thức), âm phủ (Sự tích chùa Thủ Huồng), chốn thủy cung (Sự tích con dã tràng, Thạch Sanh…). Một số truyện cổ tích hội đủ cả không gian đời thường lẫn thế giới siêu nhiên, kỳ ảo. Không gian trong cổ tích thường được kết hợp với những từ ngữ mang tính phiếm chỉ: ngôi làng nọ, khu rừng kia, bến sông ấy...
-Nó cũng không có sự kết nối với một mốc thời gian cụ thể nào trong quá khứ. Nói chung, không gian trong cổ tích không mang tính cụ thể, xác định. Đặc điểm này khiến không gian cổ tích càng mơ hồ, sự chuyển cảnh càng đa dạng thì câu chuyện càng thêm phần hấp dẫn. Nó kéo theo một nét tâm lý tiếp nhận cổ tích là: người nghe (người đọc) không có nhu cầu tìm hiểu ngôi làng ấy, khu rừng ấy… hiện ở địa phương nào, hay người ta phải làm cách gì để lên được thiên đình, xuống tận thủy cung… Tất cả điều ấy làm cho cổ tích mãi mãi là những câu chuyện về một thế giới kỳ ảo, chỉ có trong mơ ước.
- Khác cổ tích, truyền thuyết không có không gian đời thường, cũng không có thế giới siêu nhiên, kỳ ảo. Không gian trong truyền thuyết luôn mang tính cụ thể, xác định.
- Nó phải là những địa danh có thực, là không gian lịch sử, gắn liền với nhân vật và sự kiện lịch sử; gắn liền với thời gian lịch sử xác định. Nó đồng thời là những không gian thiêng, trường tồn cùng với sự bất tử của nhân vật lịch sử. Đơn cử, núi Tản Viên hóa chốn non thiêng vì gắn liền tên tuổi Sơn Tinh – vị anh hùng trị thuỷ, cũng là một trong Tứ bất tử trên thần điện Việt Nam. Sông Bạch Đằng trở thành địa danh lịch sử khi gắn với tên tuổi Ngô Quyền buổi đánh quân Nam Hán; gắn với thời đại Đông A, khi Trần Hưng Đạo cùng vua tôi nhà Trần đuổi giặc Nguyên – Mông.
- Cần nói thêm, không gian trong cổ tích, do không mang tính cụ thể, xác định nên không chịu sự gán ghép, đặt để, kết dính với bất cứ một địa phương nào. Nói cách khác, truyện cổ tích là thể loại không mang tính địa phương, không thuộc sở hữu riêng của bất cứ bộ phận văn học dân gian địa phương nào. Tuy nhiên, nó lại là thể loại mang tầm quốc tế. Nói theo
- Trái lại, không gian trong truyền thuyết do mang tính cụ thể, xác định nên luôn gắn liền với những địa phương, vùng miền cụ thể. Truyền thuyết chủ yếu được gìn giữ, lưu truyền do chính những người dân địa phương – nơi đã sinh ra hoặc từng in dấu tích người anh hùng. Cho nên, có thể nói, truyền thuyết là thể loại văn học dân gian mang tính địa phương rất đậm nét.
Vị trí, vai trò của sự kiện lịch sử
– Truyện cổ tích nhằm phản ánh cuộc sống thường ngày, với những mối quan hệ gia đình, xã hội. Cho nên, sự kiện lịch sử, nếu có, cũng không phải nội dung phản ánh của cổ tích, càng không phải mục đích mà tác phẩm cần lý giải, soi sáng. Phần lớn những sự kiện lịch sử ấy xuất hiện là do có liên quan đến nhân vật lịch sử trong truyện – hệ quả của phần truyền thuyết bồi lắng lại.
- Trong khi đó, truyền thuyết chủ yếu phản ánh con người và sự kiện lịch sử, cho nên sự kiện lịch sử chính là phần nội dung quan trọng của truyền thuyết, cũng là mục đích mà tác phẩm cần lý giải, soi sáng. Có điều, truyền thuyết không làm nhiệm vụ ghi chép như sử biên niên. – -Truyền thuyết chỉ thông qua sự kiện lịch sử để làm sáng tỏ phần nào những khuất lấp mà chính sử không nói đến; để rút ra bài học lịch sử theo cách nhìn, cách phán xét của nhân dân.
Chức năng tác phẩm
Do tính nguyên hợp, mỗi thể loại văn học dân gian đều hàm chứa trong nó nhiều chức năng. Tuy nhiên, mỗi thể loại vẫn giữ một (hoặc vài) chức năng chủ yếu.
Về nội dung, truyện cổ tích luôn ca ngợi phẩm chất người lao động nghèo, hướng con người về với hạnh phúc trong đời thường. Truyện cũng phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp cùng những xung đột gay gắt về quyền lợi trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Nhưng hình như cổ tích không nhằm giục người ta vùng lên đấu tranh đòi lại công bằng. Bởi cổ tích luôn có hậu. Cổ tích luôn luôn trao tặng con người một niềm tin bền vững: ở hiền sẽ gặp lành, gieo gió thì gặt bão.
- Có thể nói, tuy hàm chứa chức năng nhận thức, giáo dục nhưng cổ tích vẫn là thể loại nghiêng về chức năng thẩm mỹ. Bởi lẽ, một câu chuyện cổ tích hấp dẫn, ly kỳ bao giờ cũng gợi lên những xúc cảm đẹp, niềm lạc quan cho cả người kể lẫn người nghe. Ai nấy, một khi đắm chìm vào thế giới cổ tích, đều như được an ủi, động viên, được cơ hội ước mơ và hy vọng.
- Còn với truyền thuyết, chức năng chính không phải là thẩm mỹ; mục đích cao nhất của nó không phải là giải trí, cho dù nhiều tác phẩm có nội dung ly kỳ, hấp dẫn. Bởi không ai đi tìm cảm giác thư giãn, niềm vui thích từ những câu chuyện chiến đấu, hy sinh đầy đau thương, bi tráng của cha ông. Mọi người đến với truyền thuyết phần nhiều từ nhu cầu tâm linh. Từ chỗ nội dung luôn đề cập đến vận mệnh cộng đồng, luôn gắn số phận mỗi con người với số phận toàn dân tộc, truyền thuyết giúp đời sau hiểu đúng lịch sử dân tộc mình theo quan điểm của nhân dân. Truyền thuyết nhắc nhở mọi người đừng lãng quên tất cả những gì gợi nhớ các bậc anh hùng, nghĩa sĩ đã xả thân vì dân tộc. Truyền thuyết dạy mỗi người biết tự hào về quá khứ và sống có trách nhiệm hơn với hiện tại.
- Nói chung, trong khi cổ tích nghiêng về chức năng thẩm mỹ thì truyền thuyết thiên về chức năng nhận thức và giáo dục.
Thái độ tiếp nhận
- Ở Việt Nam, lối mở đầu chuyện bằng cách giới thiệu thời gian, không gian mơ hồ, kiểu “hồi xưa xưa lắm, không biết ở thời nào…” cũng là cách tiếp sức cho tính chất bịa đặt của chuyện cổ tích. Còn người nghe (đọc) cổ tích (thuộc mọi dân tộc, mọi thời đại) tuy luôn bị lôi cuốn bởi tính ly kỳ của câu chuyện nhưng không mấy ai tin rằng câu chuyện ấy có thật. Trẻ con hồn nhiên có thể tin là thật. Nhưng chúng sẽ sớm hiểu rằng, cổ tích chỉ là những câu chuyện tưởng tượng, chỉ là giấc mơ đẹp của người xưa. Về điều này, Prop từng nhận định,“không tin vào những điều được kể lại trong truyện cổ tích” là một dấu hiệu đặc trưng rất quan trọng của truyện cổ tích
- Nhưng đối với truyền thuyết, niềm tin, đức tin trở thành cốt lõi của tác phẩm. Vì vậy, cả người kể lẫn người nghe (đọc) truyền thuyết đều tin câu chuyện là thật. Niềm tin ấy gắn liền với “cái thiêng”. Người ta tin truyền thuyết đến độ đôi khi không xem nó là một tác phẩm nghệ thuật mang chức năng giải trí mà chính là câu chuyện thuộc về tôn giáo và tín ngưỡng.
So sánh cổ tích thần kỳ và truyền thuyết lịch sử
TIÊU CHÍ SO SÁNH | CỔ TÍCH THẦN KỲ | TRUYỀN THUYẾT LỊCH SỬ | |
ĐIỂM KHÁC NHAU | Thời gian | Mơ hồ, ước lệ | Cụ thể, xác định |
Không gian | – Không gian đời thường + thế giới siêu nhiên, kỳ ảo – Không gắn với thời gian lịch sử xác định – Không gắn liền với nhân vật, sự kiện lịch sử xác định. – Không mang dấu ấn địa phương | – Không gian lịch sử, không gian thiêng – Gắn với thời gian lịch sử xác định – Luôn gắn liền với nhân vật, sự kiện lịch sử xác định – Mang tính địa phương rõ nét | |
Nhân vật | – Con người của đời thường, trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp, nhiều bất công, – Số phận nhân vật gắn liền hạnh phúc trong đời thường. | – Nhân vật lịch sử, trong lúc vận mệnh dân tộc đang gặp khó khăn, thử thách, – Số phận nhân vật luôn gắn liền số phận toàn dân tộc. | |
Tình tiết | Thường giống nhau theo kiểu “đại đồng tiểu dị” | Cụ thể, không trùng lặp | |
Kết cấu văn bản | – Nhìn chung ổn định và theo công thức. – Kết thúc tác phẩm theo hướng có “hậu”. | – Hầu như không theo công thức nào. – Kết thúc tác phẩm luôn theo hướng “mở”. | |
Vị trí, vai trò của sự kiện lịch sử | – Không là nội dung chính của tác phẩm – Không nhằm phản ánh, đánh giá, rút ra bài học lịch sử | – Là nội dung chính của tác phẩm – Nhằm phản ánh, đánh giá, rút ra bài học lịch sử | |
Chức năng tác phẩm | Thiên về chức năng thẩm mỹ, với mục đích giải trí (gợi lên xúc cảm đẹp, niềm lạc quan cho mọi người) | Thiên về chức năng nhận thức và giáo dục(đánh giá lịch sử; biết ơn, tôn thờ, ngưỡng mộ người có công đức) | |
Thái độ tiếp nhận | – Có thể tin hoặc không tin vào điều được kể – Không có nhu cầu gắn tác phẩm với chứng tích văn hóa | – Luôn có niềm tinvào điều được kể – Luôn có nhu cầu gắn tác phẩm với chứng tích văn hóa |