Phân loại truyện cổ tích là chủ đề được khá nhiều những nhà nghiên cứu chú ý, tìm tòi và phân tích. Nhưng mỗi người lại có một cách phân loại khác nhau:
Cách phân loại của Giáo sư Đinh Gia Khánh (Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam)
Cổ tích được chia thành hai loại:
– Cổ tích thế sự (sinh hoạt)
– Cổ tích lịch sử
Theo đó, dù nội dung cuộc sống trong truyện cổ tích phưc tạp đến thế nào đi nữa thì cũng có hai loại sự kiện. Một loại sự kiện có liên quan đến vận mệnh toàn dân tộc, có ảnh hưởng đến toàn thể xã hội hoặc ít ra có ảnh hưởng đến một vùng rộng lớn trong đất nước: những sự kiện có tính chất lịch sử, đó là cổ tích lịch sử. Một loại sự kiện khác tuy không có tác dụng to lớn như loại trên nhưng phổ biến hơn, đa dạng hơn: đó là những sự kiện xảy ra trong đời sống bình thường của nhân dân. Những truyện về những sự kiện đó là cổ tích thế sự. Truyện Nang Quát Phu Nhân, truyện Quận He,… thuộc loại cổ tích lịch sử. Truyện Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Cán cân thủy tinh,.. thuộc loại cổ tích thếsự
Cách phân loại của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi (Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam)
Cổ tích được chia thành ba loại:
– Cổ tích thần kì
– Cổ tích thế sự (sinh hoạt)
– Cổ tích lịch sử
Theo đó, cổ tích thần kỳ là loại truyện có nhiều nhân tố ảo tưởng nhất. Trong đó có khá nhiều truyện chứa đựng tàn dư của thần thoại. Ví dụ như những truyện cổ tích Ấn độ, Khmer hay một số nước phương tây. Cổ tích thế sự là những truyện ít nhân tố ảo tưởng và gần với đời sống hiện thực. Đó có thể là những truyện: Sự tích dưa hấu, sự tích ông đầu rau, của trời trời lại lấy đi, trộm lại gặp trộm,… Cổ tích lịch sử là những truyện vốn dựa vào một nhân vật lịch sử hoặc một sự kiện lịch sử nào đó. Ví dụ như: Rắn báo oán, cầm hổ, Khổng lồ đúc chuông,…
Cách phân loại của Phó giáo sư Đỗ Bình Trị
Cổ tích được chia thành ba loại:
– Cổ tích thần kì
– Cổ tích sinh hoạt
– Cổ tích về loài vật
Cách phân loại của Nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam Nguyễn Văn Ngọc (Truyện cổ nước Nam)
Cổ tích được chia thành năm loại:
– Truyện cổ tích dã sử
– Những câu chuyện thành câu phương ngôn lí ngữ
– Truyện thuần về văn chương
– Truyện ngụ ý cao xa
– Truyện vui chơi, tiêu khiển
Cách phân loại của Giáo sư Nghiêm Toản (Việt Nam văn học sử trích yếu)
Cổ tích được chia thành bốn loại:
– Cổ tích mê tín hoang đường
– Cổ tích luân lí ngụ ngôn
– Sự tích các Thánh
– Cổ tích phúng thế, hài đàm
Cách phân loại của Nhà nghiên cứ Văn học Việt Nam Thanh Lãng (Văn học khởi thảo)
Cổ tích được chia thành bảy loại:
– Truyện ma quỷ
– Truyện anh hùng dân tộc
– Truyện ái tình
– Truyện luân lí
– Truyện thần tiên
– Truyện phong tục
– Truyện khôi hài
Cách phân loại của Nhà văn Trương Tửu
Cổ tích được chia thành hai loại
– Cổ tích thần kỳ
– Cổ tích thế sự
Trong đó, mỗi loại được ông chia thành nhiều hạng. Truyện cổ tích thần kì có bốn hạng: truyện thần tiên, truyện anh hùng, truyện ma quỷ, và truyện nói về cong người. Truyện cổ tích thế sự thì có các hạng: truyện tiếu lâm, truyện khôi hài, truyện nói về tình nhân thế thái,…
Cách phân loại của Nhà nghiên cứ phê bình Văn học Trần Thanh Mại
Truyện cổ tích chia làm hai loại
– Đấu tranh chống thiên nhiên
– Đấu tranh chống xã hội
Từ hệ thống trên, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều cách tiếp cận và phân loại truyện cổ tích khác nhau. Mỗi cách phân loại đều tương đối hợp lý và thú vị. Những cách phân loại trên đều có những hiệu quả nhất định. Nhưng tuyệt nhiên không có cách nào phân loạt một cách tuyệt đối.
Chẳng hạn như về thể loại cổ tích thần kì: khái niệm này còn hơi mông lung khi chúng ta gặp một câu chuyện cổ tích có yếu tố thần kì. Vậy làm sao để biết những yếu tố đó ít hay nhiều để có thể xếp vào thể loại này hay không. Vì mặt khác truyện cổ tích Việt Nam ra đời trong dân gian và yếu tố thần kì, kì ảo hoang đường là yếu tố thiết yếu.
Hay vể thể loại cổ tích lịch sử. Đó là những câu chuyện gắn với một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử. Vậy thể loại này có quá gần sang thể loại truyền thuyết không?
Nói đến cách chia của Nguyễn Văn Ngọc và Thanh Lãng, những câu chuyện như Sự tích con muỗi, sự tích dưa hấu,… chúng ta nên đặt vào đâu?
Cũng tương tự với cổ tích lịch sử, cổ tích về các vị Thánh hoàn toàn rất khó để phân biệt với Truyền thuyết về các vị Thánh?
Từ những phân tích trên, đồng thời kế thừa và phát huy những ý kiến đi trước, chúng tôi đề xuất ý kiến về việc phân loại truyện cổ tích Việt Nam như sau: Phân loại theo mục đích của truyện:
- Cổ tích nhằm khuyên răn, triết lý
- Cổ tích ca ngợi
- Cổ tích giải thích phong tục, câu hò câu ví
- Cổ tích giải thích tự nhiên, thiên nhiên, sự vật, loài vật
Truyện cổ tích nhằm khuyên răn, triết lý: Là loại truyện cổ tích kể về những nhân vật trong đời sống bình thường, giản dị. Trong đó, thường sẽ có hai hệ thống nhân vật phản diện và chính diện. Nhân vật phản diện thường đại diện cho giai cấp thống trị hoặc những người có quyền lực, có tiếng nói như: phú ông, người anh cả, người mẹ kế, người vợ cả,… Nhân vật chính diện thường đại diện cho những con người thấp cổ bé họng như: người đầy tớ, người em út, người con riêng, người vợ lẽ hay người mồ côi. Và mô típ truyện sẽ thường được kết thúc bằng cách: kẻ xấu sẽ phải trả giá còn người tốt sẽ được giúp đỡ qua những yếu tố thần kì và sẽ sống cuộc đời hạnh phúc. Tiêu biểu cho thể loại này là truyện cổ tích: Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Thạch Sanh,Chum vàng bắt được, Ỷ Lan thái hậu…
Truyện cổ tích ca ngợi: Là loại truyện cổ tích kể về những con người có trí thông mình, tài đức, và sức khỏe. Trong đó, những câu chuyện thường pha thêm nhiều yếu tố hài hước và khiến người đọc phải nghiêng mình thán phục. Hệ thống nhân vật trong thể loại này thường là những đứa trẻ có thể bình thường, hoặc có thể sinh ra đã phi thường. Tiêu biểu là: Cậu bé thông minh, Bốn anh tài, Anh em sinh năm,.. hay cả những con vật như: Con thỏ và con hổ, Con sáo và phú trưởng giả, Mưu con thỏ,…
Truyện cổ tích giải thích phong tục tập quán, câu hò câu ví: Đó là những truyện cổ tích đi vào lý giải những sự tích về những phong tục tập quán hay những câu hò câu ví của nhân dân ta hiện nay. Ví dụ như: Của thiên trả địa,Quýt làm Cam chịu, Nợ như Chúa Chổm, Hồn Trương Ba da Hàng thịt, Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng, Nói dối như Cuội, Sự tích cái chổi, Sự tích ông bình vôi,…
Truyện cổ tích giải thích tự nhiên, thiên nhiên, sự vật, loài vật: Đó là những truyện cổ tích đi vào lý giải gốc tích của các loài cây cối, hoa quả hay những con vật, như: Sự tích Dưa hấu, Sự tích trầu cau và vôi, Sự tích sầu riêng, Sự tích chim Quốc, Sự tích chim Tu hú, Sự tích chim Đa đa, Sự tích con Muỗi, Sự tích con Khi, Sự tích con Sam, Sự tích con Dã Tràng,…
Vậy dựa vào đâu mà chúng tôi nêu ra ý tưởng phân loại truyện cổ tích như trên? Bởi lẽ, ắt hẳn mỗi câu chuyện dù ở là thể loại nào được sinh ra cũng đều có mục đích. Và trong truyện cổ tích dân gian cũng vậy, mỗi câu chuyện ra đời đều được gửi gắm những bài học, hay những quan niệm dân gian hay những tri thức về một vấn đề nào đó. Hơn nữa, trong văn học dân gian, thật khó để khu biệt các loại tự sự dân gian với nhau như cổ tích với truyền thuyết, cổ tích với ngụ ngôn hay cổ tích với truyện cười. Do vậy, càng khó để phân loại cổ tích một cách tuyệt đối nhất mà phân loại ở đây chỉ mang tính tương đối. Nhưng với cách chia này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo được thuận lợi cho người đọc khi muốn hệ thống, thông kê và tìm hiểu về thể loại truyện cổ tích dân gian.