Tín ngưỡng phồng thực là gì?
Thời xa xưa, để duy trì và phát triển sự sống, ở những vùng sinh sống bằng nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con người được sinh sôi nảy nở. Những trí tuệ sắc sảo thì tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ xây dựng nên triết lý âm dương, còn những trí tuệ bình dân thì nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà họ sùng bái nó như thần thánh và xây dựng nên tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, được thể hiện ở hai dạng: thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ và thờ hành vi giao phối.
Phân loại tín ngưỡng phồn thực
- Thờ sinh thực khí
- Thờ hành vi giao phối
- Giã gạo
- Cảnh sinh hoạt trên trống đồng
Đặc điểm
Thờ sinh thực khí
Thờ sinh thực nam và nữ của dân tộc Chăm. Các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. Người xưa, qua trực giác, tin rằng năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con người có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Do vậy tín ngưỡng phồn thực, với nhiều nghi thức thờ cúng, phát sinh và phát triển đa dạng.
Hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng đại được tìm thấy trên tượng đá với niên đại hàng nghìn năm tr. CN ở Văn Điển (Hà Nội), ở những hình khắc trên đá trong thùng lũng Sa-pa, ở nhà mồ Tây Nguyên…
Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Hội làng Đồng Kị (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (làm bằng gỗ) vào ngày 6 tháng giêng; tan hội hai sinh thực khí được đốt đi và tro đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng – hành động này có tác dụng như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng. Theo các cụ thì năm nào bỏ qua tục này, trong làng sẽ có nhiều chuyện không lành xảy ra.
Việc thờ sinh thực khí còn thể hiện ở việc thờ các loại cột (cột đá tự nhiên hoặc cột đá được tạc ra, có thể có khắc chữ dựng trước cổng đền miếu, đình chùa) và các loại hốc (hốc cây, hốc đá trong các hang động, các kẽ nứt trên đá).
Di sản nghệ thuật Chăm
Thờ hành vi giao phối
Bên cạnh việc thờ sinh thực khí giống như nhiều dân tộc nông nghiệp khác, cư dân nông nghiệp lúa nước với lối tư duy chú trọng tới quan hệ còn có tục thờ hành vi giao phối, tạo nên một dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam á.
Trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp. Thân thạp khắc chìm hình những con thuyền, chiếc sau nối đuôi chiếc trước khiến cho hai con cá sấu – rồng được gắn ở mũi và lái của hai chiếc thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan. Hình chim, thú, cóc,… giao phối tìm thấy ở khắp nơi.
Ở Hòn Đỏ (Khánh Hòa) khi nhiều ngày liên tục không đánh được cá, người ta phải tới cầu xin, lạy 3 lạy và cầm vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đâm vào Lỗ Lường 3 lần (lại con số 3, số lẻ là số ưa thích của người phương Nam!).
Giã gạo
Từ thời xa xưa, chày và cối – bộ công cụ thiết thân của người nông nghiệp Đông Nam á – đã là những vật tượngtrưng cho sinh thực khí nam và nữ, còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Không phải ngẫu nhiên mà trong vô vàn cách khác nhau được tách vỏ trấu khỏi hạt gạo, người Đông Nam á đã chọn cách này; trên các trống đồng khắc rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi.
Không gắn việc giã gạo với tín ngưỡng phồn thực, sẽ không thể nào hiểu được trò cướp cầu – một trò chơi Việt Nam rất độc đáo đặc biệt phổ biến ở vùng đất tổ Phong Châu (Vĩnh Phú) và các khu vực xung quanh: Hai phe tranh nhau một quả cầu màu đỏ (dương), ai cướp được thì mang về thả vào hố (âm) của bên mình. Với cùng ước mong phồn thực, cầu may, cầu hạnh phúc là hàng loạt trò chơi như tun còn, ném cầu, đánh phết. đánh đáo….
Cảnh sinh hoạt trên trống đồng
Vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức chiếc trống đồng – biểu tượng sức mạnh, quyền lực cũng đồng thời biểu tượng toàn diện cho tín ngưỡng phồn thực. Cách đánh trống đồng theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống được khắc trên chính các trống đồng và còn được bảo lưu ở người Mường hiện nay là mô phỏng động tác giã gạo – động tác giao phối. Trên tâm mặt trống là hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc – con cóc trong ý thức của người Việt là “cậu ông trời”, mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi, cũng là một dạng biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực.
Ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất xa xôi như chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm), tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu vv…, cũng đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở các nơi thờ cúng thường gặp thờ ở bên trái là cái mõ và bên phải là cái chuông: Sự việc đơn giản này là biểu hiện của cả lí luận “Ngũ hành” lẫn tín ngưỡng phồn thực – cái mõ làm bằng gỗ (hành Mộc) đặt ở bên trái (phương Đông) là dương, cái chuông làm bằng đồng (hành Kim) đặt ở bên phải (phương Tây) là âm. Tiếng mõ trầm phải hòa với tiếng chuông thanh nếu không có nam nữ, âm dương hòa hợp sẽ không có cuộc sống vĩnh hằng.
Tín ngưỡng phồn thực tồn tại trong đời sống văn hóa
Trong kho tàng Văn hóa dân gian, tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa thiêng liêng. Phồn nghĩa là nhiều, thực là biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Quan niệm về tín ngưỡng phồn thực vốn có mối gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng nông nghiệp, với ước vọng cầu được mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm từ ngàn đời của cư dân.
Tín ngưỡng phồn thực bao hàm tính phổ quát rộng lớn trong kho tàng tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, các biểu tượng âm – dương, đất – trời, non – nước là những nhân tố chính tạo nên sự sinh sôi nảy nở của vạn vật, tất cả quyện hòa giữa sinh khí tự nhiên để tồn tại và phát triển. Trong mọi thời đại, con người vẫn có ước nguyện được tìm hiểu, nắm bắt mọi điều về thế giới xung quanh. Thực tiễn đó đã hình thành nên hệ thống tín ngưỡng đa dạng và phong phú, trong đó có tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thể hiện niềm tin của con người trong nguyện cầu được sinh sôi nảy nở, phát triển giống nòi, ước mong được sản xuất phồn thịnh, mùa màng được bội thu. Nhân gian xưa còn quan niệm qua trực giác, năng lượng thiêng liêng được tích tụ trong thiên nhiên hay trong bản thân mỗi người có khả năng chuyển sang vật nuôi và cây trồng. Bởi vậy, tín ngưỡng phồn thực với nhiều nghi thức thờ cúng trong dân gian ngày càng phát triển. Ông Đặng Đình Thuận, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho rằng: Người dân nông nghiệp luôn luôn mong muốn cho sự phát triển của giống nòi để có nhiều người, nhiều sức lao động để phục vụ cho công việc đồng áng nông nghiệp, công việc phải đòi hỏi rất nhiều về nhân lực, con người. Ý nghĩa sâu xa hơn đó là sự gửi gắm về mặt tâm linh cho sự sinh sôi, phát triển của vạn vật, của giống nòi.”
Với quan niệm cho rằng bất cứ vật gì cũng có linh hồn, nên người xưa đã thờ rất nhiều thần linh, đặc biệt là những sự vật có liên quan đến nông nghiệp như trời, đất, rừng, sông, núi… Nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam Dương Đình Minh Sơn cho rằng quan niệm tín ngưỡng phồn thực từ thuở nguyên sơ đã có mối liên hệ chặt chẽ với quan niệm tín ngưỡng nông nghiệp. Điều đó tạo nên mối tương quan đồng nhất trong quan niệm nhân sinh quan từ xa xưa, khi con người có ước vọng được các vị thần linh nâng đỡ, che chở. Ông nói: Tín ngưỡng nguyên thủy là bình minh của trí tuệ. Theo tín ngưỡng nguyên thủy, ngày xưa người ta ốm đau, bệnh tật là do ma. Mà do ma thì phải dùng pháp thuật, phép thuật, ma thuật, vật linh này để trừ yểm ma thuật kia đi. Vật linh này của tổ phụ, tổ mẫu để trừ tà ma, diệt trừ tất cả bệnh tật, hiểm họa để con người được mọi sự bình yên.”
Tại Việt Nam, tín ngưỡng phồn thực phát triển rất phong phú. Đây là tín ngưỡng mang tính biểu tượng linh thiêng được thể hiện rõ nhất trong các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, mùa của sự sinh sôi, nảy nở. Một số nghi lễ phồn thực còn được cách điệu hóa thành những trò chơi dân gian ngày xuân, tiêu biểu nhất là trò đấu vật. Sới vật ở bất cứ đâu cũng đều có hình tròn và thường được đặt trước sân đình hình vuông. Đó không phải là sự sắp đặt ngẫu nhiên mà đều có ý nghĩa sâu xa của nó, bởi vuông và tròn theo quan niệm của dân tộc Việt là 2 hình toàn vẹn. Hình tròn tượng trưng cho trời, cho tính dương, hình vuông tượng trưng cho đất, cho tính âm, vuông và tròn – âm và đương dặt cạnh nhau nghĩa là một sự kết hợp hài hòa, trọn vẹn và mang lại những điều tốt đẹp. Bởi vậy người Việt xưa không coi đấu vật là trò chơi đơn thuần mà thông qua trò chơi này người ta mong cho dương vượng để có mưa thuận gió hòa, cây cối, mùa màng tốt tươi. Các trò chơi, màn biểu diễn mang giá trị nghệ thuật trong hội làng đã phản ánh được nội dung một hình thức tín ngưỡng dân gian. Những trò diễn đó nhằm biểu đạt lòng tin của người xưa vào thế giới hư ảo, bên ngoài nhưng thể hiện giá trị thực tiễn của lòng tin đó là con người rất mực chân thành đối với điều mình ngưỡng mộ và phải có lòng tin đó thì con người và cộng đồng đó mới tiến hành một cuộc sống bình thường được. Con người thời xưa tự hình thành các tín ngưỡng dân gian và lấy những niềm tin đó làm giàu có thêm đời sống tinh thần của cộng đồng. Tín ngưỡng phồn thực còn được thể hiện cả trong hội họa mà đặc trưng là dòng tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh. Rất nhiều bức tranh mang sắc thái phồn thực, thể hiện ước mong một cuộc sống viên mãn như tranh đàn gà, đàn lợn, đàn cá.
Có thể nói, dù ở bất kỳ dạng thức nào, dù mang tính thiêng hay tính trần tục thì tín ngưỡng phồn thực cũng in dấu đậm nét trong đời sống của người dân Việt. Qua đây chúng ta hiểu thêm phần nào về văn hóa dân gian Việt Nam giàu triết lý nhân văn..