Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm đặc sắc, giữ vai trò quan trọng trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, thường có trong các đề thi học kì, đề thi tuyển sinh vào ớp 10 môn Ngữ văn. Dehoctot.edu.vn tổng hợp các kiến thức trọng tâm cần ôn tập bao gồm tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật, các hình tượng trữ tình trong bài thơ để các em học sinh dễ dàng ôn luyện, các thầy cô có thêm tài liệu phong phú để chuẩn bị kế hoạch bài giảng.
Ôn tập kiến thức tổng hợp – Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải
Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa muôn vật hồi sinh sự sống. Mùa xuân làm cho con người cuồn cuộn sức sống, thêm yêu đời, yêu vạn vật. Đề tài mùa xuân được xuất hiện trong rất nhiều sáng tác. Trong đó phải kể đến Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
Khái quát chung về nhà thơ Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Nhà thơ Thanh Hải
Nhà thơ Thanh Hải sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930 tại xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông xuất thân trong một gia đình trí thức, nhưng nghèo. Cha ông làm nghề dạy học, mẹ ông là nông dân. Ông là anh cả trong gia đình gồm ba anh em. Hai em của ông là Phạm Bá Chất và Phạm Bá Liên đều đóng góp cho cách mạng nhưng không được nhắc đến nhiều như người anh của mình.
Vào năm 1954 – 1964, ông ở lại quê hương hoạt động, làm cán bộ tuyên huấn tỉnh. Trong các năm 1964 – 1967, ông phụ trách báo Cờ giải phóng của thành phố Huế. Sau đó, ông làm Ủy viên chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chi hội phó chi Hội văn nghệ giải phóng Bình Trị Thiên.
Từ sau năm 1975, ông làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, đồng thời là Ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Sống được 5 năm trong hòa bình thì ông bị bệnh hiểm nghèo xơ gan cổ trướng, phải nằm Bệnh viện Trung ương Huế. Khi đó, ông viết bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Chẳng bao lâu sau khi viết bài thơ này, nhà thơ Thanh Hải qua đời vào ngày 15 tháng 12 năm 1980.
Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Bài thơ được viết tháng 11/1980 trong hoàn cảnh đất nước đã thống nhất, đang xây dựng cuộc sống mới nhưng còn vô vàn khó khăn thử thách và không đầy một tháng trước khi nhà thơ qua đời. Bài thơ như một tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết của nhà thơ để lại đối với đời.
Mạch cảm xúc và bố cục bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ những cảm xúc trực tiếp, hồn nhiên trong trẻo trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên đến mùa xuân của đất nước, con người, từ đó bộc lộ suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ muốn được hòa nhập và cống hiến cho đời, cuối bài là những cảm xúc thiết tha, tự hào về quê hương đất nước qua điệu đàn ca xứ Huế.
- Bố cục của bài thơ gồm hai phần:
Phần một (Ba khổ đầu): Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên, đất nước:
- Khổ thơ đầu (6 dòng): Cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
- Khổ 2,3 (mùa xuân người cầm súng …Cứ đi lên phía trước): Cảm xúc trước mùa xuân đất nước.
Phần hai (ba khổ còn lại): Tâm nguyện của nhà thơ:
- Khổ 4,5 “Ta làm con chim hót … Dù là khi tóc bạc”: Suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước mùa xuấn đất nước.
- Khổ cuối: Lời ngợi ca quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
Đặc điểm nội dung, nghệ thuật bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Bài thơ mùa xuân nho nhỏ bộc lộ cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước trước khát vọng đẹp đẽ muốn làm “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời.
- Bài thơ theo thể năm tiếng, có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gần gũi với dân ca, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm, nhiều so sánh ẩn dụ và sáng tạo.
Định hướng tiếp cận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Cảm xúc của nhà thơ Thanh Hải trước mùa xuân thiên nhiên và đất nước
Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên
- Cảm hứng xuân được khơi dòng từ mùa xuân của đất trời.
Chỉ với sáu câu thơ, với vài nét phác vẽ đơn sơ mà đặc sắc, bằng những hình ảnh nho nhỏ, thân quen, bình dị, nhà thơ đã gợi lên một bức tranh xuân tươi tắn, thơ mộng, đậm phong vị xứ Huế – quê hương tác giả: dòng song xanh, bông hoa tím biếc, chim chiền chiện hót vang trời. Không gian được mở ra cao vời, thoáng đãng (với dòng song mặt đất, bầu trời bao la). Sắc màu thì tươi tắn, hài hòa, đầy xuân sắc, hoa tím biếc nổi bật giữa dòng song xanh lung linh ngời sáng. Âm thanh thì rộn rã, tươi vui (chim chiền chiện hót vang trời). Cách nói đảo ngữ (vị ngữ đứng trước):
Mọc giữ dòng song xanh
Một bông hoa tím biếc
Hình ảnh thơ gợi ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp và sức sống của bông hoa xuân. Bông hoa ở giữa trái tim của dòng song, trung tâm của bức tranh, như đang dần vươn lên, xòe nở, phô màu. Còn tiếng chim chiền chiện – sơn ca xứ Huế, sứ giả của mùa xuân thì vang ngân, xáo động cả bầu trời, xao xuyến hồn thi nhân. Nỗi xúc động không nén nổi, thốt lên lời trò chuyện, trách yêu thiên nhiên (Ơi con chim chiền chiện – Hót chi mà vang trời). Chim và hoa vốn tiêu biểu cho vẻ đẹp và sức sống sinh giới, vẻ đẹp của mùa xuân, dưới cái nhìn của thi sĩ vẫn mang nét riêng không thể lẫn. Đặc biệt, bức tranh xuân còn được hoàn thiện bởi chi tiết rất tạo hình, có hồn này:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Có thể hiểu “giọt long lanh” là những giọt mưa xuân đang long lanh dưới ánh sáng của trời xuân. Cũng có thể hiểu hai câu này gắn với hai câu trước – nhà thơ đưa tay hứng từng giọt âm thanh tiếng chim. Tiếng chim ngân lên từng tiếng một, thật trong, thật tròn, thật vang và trong ánh sáng tươi rạng rỡ của ngày xuân, nó không tan đi mất đi mà dọng lại thành từng giọt hữu hình, long lanh như ngọc, rơi xuống thành chuỗi và nhà thơ đưa tay hứng với tất cả sự đắm say, trân trọng. Hiểu như vậy thì ở đây có sự chuyển đổi cảm giác: từ âm thanh tiếng chim (cảm nhận bằng thính giác) đến giọt nước long lanh (cảm nhận bằng thị giác) và đưa tay hứng (cảm nhận bằng xúc giác). Thi sĩ đã chủ quan hóa mọi cảm nhận của mình. Hình ảnh thơ trở nên lunh linh, đa nghĩa, vừa là thơ, vừa là nhạc, vừa là họa. “Giọt long lanh” là giọt mưa hay giọt âm thanh, hay giọt mùa xuân, giọt hạnh phúc của đời, của trời cao rơi xuống mà thi nhân nâng miu đón nhận. Nhưng có lẽ, sự cảm nhận vẫn nghiêng về phía âm thanh, đó là những nốt nhạc trong trẻo, vang ngân của bản hòa ca đất trời, cuộc sống vào xuân. Nhà thơ vui say trước vẻ đẹp của đất trời, thấy sâu hơn cái kì diệu của đất nước quê hương trong thời đại mới, Từ đó làm cơ sở cho việc xác địng lẽ sống của mình. Điều đáng chú ý là khi Thanh Hải viết những dòng này, mùa xuân chưa đến với cõi đất này (tháng 11), nhưng lời thơ vẫn tràn đầy xuân sắc. Phải yêu đời thiết tha và lạc quan lắm mới mở long với mùa xuân như vậy để viết nên những câu thơ dạt dào cảm hứng xuân áy.
Cảm hứng trước mùa xuân đất nước
- Từ mùa xuân thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân đất nước, con người. Tác giả hướng tình cảm tới những con người cụ thể, những con người làm nên lịch sử, làm nên mùa xuân:
Mùa xuân người cầm sung
Lộc giắt đầy quanh lung
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài mương mạ
Cái điệp từ “mùa xuân”, “lộc”, “người” như trải rộng khung cảnh hiện thực khi gắn với cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân. Thanh Hải đã sáng tạo ra cặp hình ảnh song đôi, đẹp như hai vế của một câu đối mừng xuân để nói về hai lớp người chủ yếu của cách mạng, hai nhiệm vụ cơ bản của đất nước: người chiến sĩ và người lao động – bảo vệ và xây dựng đất nước. Điệp từ “lộc” được dung với hai lớp nghĩa: nhành non, lá nõn và nghĩa ẩn dụ là sức sống, thế vươn lên, sức phát triển mới, là vẻ đẹp, là những giá trị của thành quả tốt đẹp. Các từ “giắt đầy”, “trải dài” gợi một màu xanh bất tận, một sức xuân dâng tràn trên khắp mọi nẻo đường đất nước và rạo rực long người. Lộc trên cành lá ngụy trang theo bước chân người cầm sung ra trận, lộc trải dài trên những nương mạ theo bàn tay người ra đồng, hay chính họ đã đem mùa xuân đến, gieo mùa xuân trên khắp mọi miền đất nước. Họ trở thành người làm ra mùa xuân và bảo vệ mùa xuân. Và họ đã làm nên giai điệu của chính bản hợp xướng mùa xuân – mùa xuân lớn của đất nước, cách mạng, tạo nên nhịp điệu mùa xuân hối hả, hào hùng:
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao
Lặp lại cấu trúc “tất cả như” (điệp ngữ) và lối so xánh trực tiếp diễn tả được không khí lên đường, sự khẩn trương, rộn ràng, náo nức trong những năm tháng gian lao mà hào hung đó của đất nước.
- Từ những con người cụ thể, nhà thơ nghĩ về đất nước trong cảm nhận khái quát cùng cái nhìn suốt chiều dài lịch sử, với tình cảm vừa thương xót vừa tự hào:
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Đất nước được nhân hóa, mang sự sống như con người. Đất nước vất vả và gian lao nhưng với sức sống bền bỉ, kiên định, vững vàng, vẫn cứ đi lên không gì cưỡng nổi và mỗi mừa xuân như lại được tiếp thêm sức sống mới. Lúc đó đất nước ta vừa trải qua chiến tranh kéo dài, hết chống Pháp rồi chống Mĩ, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, nền kinh tế còn trong thời kì bao cấp rất khó khan nhưng vẫn khẩn trương, hăm hở xây dựng lại cơ đồ và nhà thơ vững tin vào dân tộc. Đất nước được ví với ngôi sao tỏa sáng, cứ đi lên phía trước, hợp với quy luật của tạo hóa, của lịch sử. Hình ảnh đó cũng nho nhỏ, khiêm nhường, bình dị thôi nhưng ánh sáng và vẻ đẹp của nó cũng vĩnh hằng, bất diệt. Ngôi sao đất nước ấy như định hướng cho mỗi cuộc đời, vẫy gọi, giục giã cho mọi người cống hiến.
Tâm nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Trước mùa xuân của đất trời, đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hòa nhập và dâng hiến cho mùa xuân chung:
Ta làm con chim hót
a làm một cành hoa
a nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Lời bộc bạch chân thành, tha thiết. Nhà thơ nguyện ước làm con chim hót trong giọng nói của muôn chim dâng cho đời tiếng ca vui, làm bông hoa trong hương sắc của muôn hoa, làm nốt trầm xao xuyến cho bản hòa tấu muôn điệu, muôn lời ca, làm một “mùa xuân nho nhỏ” góp vào mùa xuân lớn của đất nước, dân tộc. Đó là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung – một quan niệm sống đẹp, đầy trách nhiệm và rất nhân văn. Điều tâm niệm ấy lại được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh đẹp của tự nhiên và đến một cách tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Trước mùa xuân đẹp, nhà thơ muốn biến cuộc đời mình thành hương sắc, tiếng ca để hòa góp cùng mùa xuân. Những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của mùa xuân (hoa, chim) được lập lại nhưng đã chuyển nghĩa để nói về mùa xuân lí tưởng, khát vọng vừa tạo ra sự đối ứng chặt chẽ, gây ấn tượng mạnh mẽ vừa mang ý nghĩa: Niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim cho tiếng hót, bông hoa dâng sắc hương, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?
(Một khúc ca xuân)
Đó là sự gặp gỡ trong tình cảm, lẽ sống của hai nhà thơ xứ Huế. Thanh Hải ý thức được vai trò, ý thức được cá nhân trong xã hội. Sự đóng góp của mỗi người chỉ là một nét nhỏ, một chi tiết nhỏ giữa cuộc đời lớn lao. Nhưng đó là những gì cao đẹp, tinh túy nhất của mình cho cuộc đời. Nhà thơ ví đất nước như một bản hòa ca, đó là ẩn dụ đẹp và còn đẹp hơn nữa là làm “một nốt trầm xao xuyến” trong hòa ca. Một nốt trầm thôi không nổi trội, lảnh lót mà “xao xuyến” long người và không thể thiếu trong hòa ca. Tư tưởng của nhà thơ kết đọng nhất trong hình ảnh “Một mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời”. Nhiều người đã gắn mùa xuân với những định ngữ khác nhau như: Mùa xuân chin (Hàn Mặc Tử), Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), Xuân hồng (Xuân Diệu), Xuân ý, Xuân long, Xuân nhân loại … Nhưng “mùa xuân nho nhỏ” là một phát hiện mới mẻ và sáng tạo, bất ngờ, độc đáo mà rất hợp lý, tự nhiên của Thanh Hải.
“Mùa xuân” vốn là khái niệm thời gian lại “nho nhỏ”. Nó gợi một mùa xuân cụ thể, chỉ nho nhỏ thôi trong hình ảnh bông hoa, tiếng chim nhưng chủ yếu là một ẩn dụ, nói về một khát vọng, một lẽ sống cao đẹp, một ý thức khiêm nhường. Làm “mùa xuân” nghĩa là sống cao đẹp, giữ mãi sức xuân, bầu nhiệt huyết để cống hiến, cống hiến khi ở tuổi thanh xuân – tuổi hai mươi và khi không còn tuổi thanh xuân nữa – khi tóc bạc, bất chấp thời gian, tuổi tác: “Dù là tuổi hai mươi – Dù là khi tóc bạc”. Nhưng mỗi người chỉ là “mùa xuân nho nhỏ” thôi, mùa xuân lớn thuộc về đất trời, đất nước. Đây cũng không chỉ là khát vọng của mỗi con người mà là khát vọng của mọi lớp người, mọi lứa tuổi, tất cả đều phấn đấu không mệt mỏi, bền bỉ cống hiến cho đất nước. Điệp ngữ “dù là” khẳng định mạnh mẽ khát vọng ấy. Và cống hiến tất cả sự khiêm tốn, thiết tha, trân trọng “Lặng lẽ dâng”.
Chủ thể trữ tình từ chỗ “hứng” từng rọt long lanh (đón nhận) đến “nhập” vào hòa ca (hòa nhập) rồi đến “dâng” cho đời (cống hiến). Đó là sự phát triển tự nhiên, hợp lí của cảm xúc chủ thế trữ tình. Từ chỗ xưng “tôi” khi bộc lộ cảm hứng trữ tình của mình trước mùa xuân giờ tác giả chuyển sang xưng “ta” và ẩn đi trong hình ảnh thơ, chỉ còn “Một mùa xuân nho nhỏ” cũng là phù hợp để nói lên ước nguyện cao đẹp chung của nhiều người – mọi người – những con người chân chính. Hơn nữa, chữ “ta” còn mang được sắc thái trang trọng, thiêng liêng của một lời nguyện ước. Các điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, tạo nhịp thơ liền mạch, sôi nổi, trẻ trung diễn tả những tình cảm, khát vọng dâng trào mãnh liệt.
- Những câu thơ này không chỉ là lời tự dặn mình, lời tâm niệm chân thành mà còn như một sự tổng kết, đánh giá của tác giả về cuộc đời mình – một cuộc đời đã hiến dâng trọn vẹn cho đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, Thanh Hải bám trụ ở quê hương, cầm sung, cầm bút, trọn đời cống hiến cho cách mạng và thơ ca. Đến khi kề bên cái chết, ông vẫn khát khao cống hiến và chỉ nói đến cống hiến. Vượt lên sự đau đớn của bệnh tật, Thanh Hải vẫn sáng lên một bản lĩnh, một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, một khát vọng đẹp đẽ được cống hiến cả cuộc đời mình, được hóa thân vào mùa xuân đất nước. Đây là những câu thơ giản dị và dạt dào xúc động, những câu thơ hay nhất của bài, vừa chứa chan cảm xúc, vừa đậm đà ý vị triết lí, gợi bao lien tướng sâu xa, đem đến những bài học nhân sinh sâu sắc. Lời nhắn nhủ của bài thơ không cao đạo bởi rất nhỏ nhẹ, khiêm nhường và thi sĩ đã tự nguyện đứng vào nhân loại vô danh.
Lời ngợi ca quê hương, đất nước trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
- Dòng cảm xúc dạt dào, mãnh liệt đã cất lên lời ca. Nhà thơ bộc lộ niềm yêu mến, tự hào với cuộc đời trong tiếng hát tự nguyện – muốn hát lên điệu hát của quê hương xứ Huế – Câu Nam ai Nam bình để đón mừng mùa xuân. Lời ca thiết tha “ngàn dặm tình” nhưng không phải lời ca buồn thuở trước, nhịp phách tiền nghe giòn giã, vang xa. Phải yêu đời, lạc quan lắm mới có thể hát lên trong hoàn cảnh nhà thơ lúc đó – đang ốm nặng sắp qua đời. Ta càng yêu quý, trân trọng tiếng hát – tấm long nhà thơ.
- Từ tiếng hót của con chim chiền chiện tượng trưng cho khúc ca của đất trời đến nốt trầm xao xuyến trong hòa ca và đến tiếng hát tự nguyện của nhà thơ tạo ấn tượng một bài ca không dứt. Thanh Hải hát mãi bài ca yêu cuộc sống – Bài ca mùa xuân. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát và trở thành một khúc ca xuân xúc động còn mãi với đời.
Cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ từ nhiều góc nhìn
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ dưới góc nhìn của Mã Giang Nhân
“Say sưa, ngây ngất trước cảnh đất trời vào xuân, nhà thơ chủ quan hóa mọi cảm nhận của mình: Tiếng chim đọng lại thành giọt long lanh như có ánh sáng, tiếng chim như có hình có khối:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Thiên nhiên, đất trời, cây cỏ, … tất cả bừng sáng lên trong những sắc màu, âm thanh: hoa tím biếc, vang trời, từng giọt long lanh, lộc giắt đầy, lộc trải dài, như vì sao, chim hót, hòa ca, xao xuyến … Bằng thị giác (quan sát), bằng thính giác (lắng nghe), bằng xúc giác (đưa tay hứng tiếng chim), bằng hóa thân (làm chim, làm hoa, làm nốt nhạc trầm), nhà thơ đã thể hiện hết mình về long tin yêu cuộc sống và khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, nhân dân (“Một mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời …”)
(Mã Giang Lân, Thơ hiện đại Việt Nam – Những lời bình – NXB Giáo dục 2003)
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ dưới góc nhìn của Trần Đình Sử
“Bài thơ không chỉ hay về ý và tứ mà còn hay về nhạc điệu. Câu thơ năm tiếng ngắt nhịp 3/2 xen với 2/3 linh hoạt. Nó không đều đều 3/2 như hát giặm, cũng không đều đặn 2/3 như thơ năm tiếng cổ điển, mà tạo một nhịp tung tẩy, nhí nhảnh, chẳng hạn:
Mọc giữa dòng / song xanh
Một bông hoa / tím biếc
Ơi / con chim chiền chiện
Hót chi / mà vang trời
Từng giọt / long lanh rơi
Tôi đưa tay / tôi hứng
Không chỉ ngắt nhịp đa dạng, nhà thơ còn chú ý dung vần trắc cuối năm khổ thơ, tạo một âm vang giòn giã, như thể nhịp phách tiền. Đó là các câu cuối các khổ thứ nhất, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu:
Tôi đưa tay tôi hứng
Cứ đi lên phía trước
Một nốt trầm xao xuyến
Dù là khi tóc bạc
Nhịp phách tiền đất Huế
(Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục 2002)