So sánh
Cấu trúc thủ pháp so sánh trong ca dao được phân thành so sánh trực tiếp và so sánh song hành.
So sánh trực tiếp là kiểu so sánh với sự hiện diện của các liên từ “như”, “như thể”, “cũng thế”. Trong cấu trúc so sánh trực tiếp có hai dạng:
– Cấu trúc so sánh triển khai, nghĩa là câu 6 nêu lên định đề có tính chất khái quát: A như B. Còn câu 8 là B’ nêu rõ đặc tính nào đấy của B theo dấu hiệu tương đồng.
Đôi ta như thể con tằm (A như B)
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong (B’)
Nếu chỉ ví đôi ta như thể con tằm mà không có sự triển khai tiếp theo, chắc chắn người nghe sẽ thấy khó hiểu, không rõ con tằm ở đây được nhấn mạnh với đặc điểm gì. Vì vậy B’ đã triển khai rõ ràng cùng ăn một lá cùng nằm một nong để diễn tả một cách đặc sắc phù hợp với việc bộc lộ tình cảm của đôi lứa yêu nhau.
– Cấu trúc so sánh tương hỗ bổ sung, ở kết cấu này không có mệnh đề triển khai mà nêu lên một hoặc hai đối tượng cùng lúc so sánh với nhiều sự vật khác nhau. Các sự vật này có nét tương đồng hoặc đối lập nhau.
- Có thể là một đối tượng (cái so sánh) được nhấn mạnh trong quan hệ liệt kê bổ sung:
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu
Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như chim chèo bẻo xa cây măng vòi
Đối tượng so sánh được so sánh với nhiều sự vật khác nhau nhằm nhấn mạnh đối tượng.
- Có thể hai đối tượng trong quan hệ so sánh tương đồng:
Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương
Anh và em được so sánh như nhau nhằm nhấn mạnh sự sâu sắc trong tình cảm của cả 2 đối tượng.
- Có thể hai đối tượng trong mối quan hệ so sánh đối lập:
Anh như chỉ gấm thêu cờ
Em như rau má mọc bờ giếng khơi
Hai hình ảnh so sánh này hoàn toàn đối lập nhau. Hình ảnh so sánh với anh thì cao quý, với em thì dân dã, nhỏ nhoi.
So sánh song hành là kiểu so sánh chìm giữa hai vế không có liên từ “như”, “như thể”, “là”…
Cây rầu thì lá cũng rầu
Anh về anh bỏ mối sầu cho ai
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con
Giữa hai vế A (bức tranh thiên nhiên), nêu lên những đặc điểm có tính ổn định mang tính quy luật của thiên nhiên và vế B (bức tranh tâm trạng) có nét tương đồng tạo nên sự so sánh ngầm (nhưng chưa hẳn là ẩn dụ vì chủ thể chưa ẩn đi hoàn toàn). Sự so sánh này làm tăng sức mạnh của lý lẽ được nêu ra, tạo nên sức mạnh của đòn bẩy nghệ thuật.
Ẩn dụ
Ẩn dụ trong ca dao có ba ý nghĩa:
- Ý nghĩa nhận thức, đưa đến cho ta một nhận thức mới, một lối tư duy mới về sự vật.
Tiếc thay hạt gạo tám xoan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà
Ở đây trong nghĩa hiển ngôn ta tiếp nhận được đặc điểm và suy ra mối quan hệ giữa gạo tám xoan, nồi đồng (những thứ đáng giá) với nước cà (vô giá trị) là mối quan hệ khập khiễng không tương xứng, từ nhận thức về mối quan hệ giữa các sự vật ấy giúp chúng ta liên tưởng về những sự khập khiễng trong cuộc đời, về những sự vô tâm, vô tình, hờ hững của những mối quan hệ giữa con người.
- Ý nghĩa thẩm mỹ, giúp cho tác giả dân gian diễn tả được những điều thầm kín, thậm chí những điều khó nói nhất, khó diễn đạt nhất bằng những hình tượng nghệ thuật vừa khái quát, vừa giàu chất thơ.
Quả đào tiên ruột mất vỏ còn
Buông lời hỏi bạn, lối mòn ai đi
Quả đào tiên là loại quả quý nhưng cái quý nhất là ruột thì lại mất rồi, chỉ còn lại cái vỏ mà thôi. Ngụ ý bài ca dào này nói về một cô gái không còn giữ được phẩm chất, nhân cách.
- Ý nghĩa biểu cảm. Trong đặc điểm của loại hình nghệ thuật sáng tác theo phương thức trữ tình, cái đọng lại trong lòng người tiếp nhận không chỉ ở chỗ sự vật ấy được phản ánh ra sao mà quan trọng là tình cảm, trạng thái tâm hồn của con người thể hiện như thế nào qua cách phản ánh ấy.
Trong thơ trữ tình dân gian, tính chất trữ tình đặc biệt thể hiện qua các thán từ “trách ai”, “tiếc thay”…
Tiếc thay hạt gạo trằng ngần
Đã vo nước đục lại vần than rơm.
Trách người quân tử vô tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao
Như vậy thông qua các thán từ, tác giả dân gian đã bộc lộ rất rõ cảm xúc, thái độ, tình cảm đối với đối tượng được đề cập,.