Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được sáng tác vào năm 1971, giữa lúc cuộc chiến trang chống Mĩ của dân tộc đang ở vào giai đoạn ác liệt. Truyện viết về ba cô gái thanh niên xung phong: Phương Định, Thao, Nho trong một tổ trinh sát trên tuyến đường Trường Sơn. Đây là chân dung đẹp, sinh động, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong văn học một thời.
» Hệ thống câu hỏi ôn tập Làng của Kim Lân – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu – có đáp án gợi ý
Câu hỏi 1. Nêu những nét chính về tác giả Lê Minh Khuê và truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi
– Lê Minh Khuê sinh năm 1949, quê huyện Tĩnh Gia, tình Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Mĩ, bà tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn từ năm 1970 (thế kỉ 20). Là cây bút chuyên viết truyện ngắn với đề tài chiến tranh, Lê Minh Khuê cũng như những tác giả khác viết về cuộc sống chiến đấu của thế hệ trẻ ở Trường Sơn. Sau năm 1975, cây bút có sự chuyển hướng, bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
– Các tác phẩm chính: Cao điểm mùa hạ (1978), Đoàn kết (1980), Thiếu nữ mặc áo dài xanh (1984),Một chiều xa thành phố (1987), Em đã không quên (1990), Bi kịch nhỏ (1993), Trong làn gió heo may (1998),…
– Truyện Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc diễn ra ác liệt nhất.
Truyện làm nổi bật hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên truyến đường Trường Sơn, với tinh thần dũng cảm, lạc quan yêu đời, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đặc biệt là không sợ hi sinh. Họ là những con người tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước trong thời kì kháng chiến chống Mĩ vô cùng oanh liệt.
Câu hỏi 2. Tóm tắt tác phẩm Những ngôi sao xa xôi khoảng 15 dòng
Truyện ngắn Những ngôi sao xã xôi của Lê Minh Khuê viết năm 1971. Truyện kể về một tổ nữ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, đó là ba cô gái rất trẻ Phương Định, Nho và Thao. Nhiệm vụ của họ là quan sát máy bay địch ném bom, đo đất đá, san lấp hố bom, đo tọa độ những trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc vô cùng nguy hiểm, suốt ngày họ phải chạy trên cao điểm và đối mặt với cái chết. Họ ở tách xa đơn vị, dưới một cái hang ở chân cao điểm. Một lần phá bom, Nho bị thương, Phương Định và Thao vô cùng lo lắng và tận tình chăm sóc. Công việc của họ vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng họ vẫn sống hồn nhiên, yêu đời. Những lúc rồi họ thường hát, tâm hồn rất thơ mộng, nhất là Phương Định. Họ gắn bó, yêu thương nhau mặc dù mỗi người một cá tính. Sau những phút phá bom căng thẳng, một cơn mưa đá vụt đến rồi vụt đi để lại trong lòng Phương Định bao hoài niệm, khát khao.
Câu hỏi 3. Em có suy nghĩ gì về nhan đề Những ngôi sao xa xôi và những tác phẩm của các tác giả khác trong cùng thời chiến tranh chống Mĩ?
– Những ngôi sao xa xôi – một nhan đề lãng mạn, rất đặc trưng của văn học thời kháng chiến chỗng Mĩ. Nhan đề mang hình ảnh đẹp vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có ý ẩn dụ, biểu tượng. Những ngôi sao xa xôi trên bầu trời, đủ để người ta nhìn thấy vẻ đẹp lấp lanh, không rực rỡ tỏa sáng nhưng đủ sức sáng trong, ẩn hiện trong xa xôi của vũ trụ, làm mê hoặc lòng người. Những ngôi sao xa xôi ấy là biểu tượng ngời sáng của phẩm chất anh hùng cách mạng trong những cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn như Thao, Phương Định, Nho,… tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ.
– Cùng viết về đề tài chiến tranh với Lê Minh Khuê, cụ thể là viết về binh chủng đặc biệt: Thanh niên xung phong trên con đường huyền thoại Trường Sơn, có sự góp mặt của nhiều cây bút như thơ Phạm Tiến Duật (Trường Sơn đông, Trường Sơn tây, Gửi em – cô thanh niên xung phong); Lâm Thị Mĩ Dạ (Khoảng trời – hố bom); Nguyễn Thi (Lá đỏ), Đỗ Chu (Ráng đỏ), Đào Vũ (Con đường mòn ấy), và không thể kể đến Nguyễn Minh Châu với truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng,…
– Điểm chung của các tác phẩm này đều sáng tác theo cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi tập trung thể hiện chủ nghĩa anh hùng, vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng và những phẩm chất cao cả của con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh yêu nước, mà Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê là một trong trường hợp tiêu biểu. Song các tác phẩm này cũng có chung một hạn chế trong cách nhìn. Cuộc chiến tranh của dân tộc nào cũng vậy, dù chính nghĩa cũng đều có mặt trái của nó, đó là những mất mát, hi sinh, đau thương, éo le, bi kịch. Các nhân vật trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê vè Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu dù được đặt trong tình thế ác liệt của chiến tranh nhưng nhân vật của họ vẫn được sống trong một “bầu khí vô trùng”. Nho – vết thương chỉ bị chảy máu sau một quả bom tung khỏi mặt đất, đánh sập hầm của cô, còn Nguyệt (trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu) thì bị “sớt ngoài da” sau một trận không kích dữ dội của máy bay địch ở ngầm đá xanh… Về điều nàu, văn học sau 1975 đã có cái nhìn hiện thực, toàn diện, thấu đáo hơn
+ Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê có nhiều điểm gặp gỡ, đồng điệu với các tác phẩm cùng đề tài này nhưng vẫn có những nét đặc sắc riêng. Ngoài những chi tiết về cuộc sống gian khổ, nguy hiểm, sự đối mặt và cả những chiến công, những hii sinh thầm lặng của những cô gái trẻ trong chiến tranh, sức hấp dẫn của truyện ngắn này là sự am hiểu cặn kẽ cuộc sống cùng với tâm lí, tình cảm, suy nghĩ của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn, nhất là tâm lí của nhân vật Phương Định – cô gái Hà Nội trẻ tham gia đánh Mĩ, có tâm hồn mộng mơ, nhạy cảm và trong sáng.
Câu hỏi 4. Phân tích hình ảnh 3 cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
a. Mở bài
Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được sáng tác vào năm 1971, giữa lúc cuộc chiến trang chống Mĩ của dân tộc đang ở vào giai đoạn ác liệt. Truyện viết về ba cô gái thanh niên xung phong: Phương Định, Thao, Nho trong một tổ trinh sát trên tuyến đường Trường Sơn. Đây là chân dung đẹp, sinh động, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong văn học một thời.
b. Thân bài
– Một trong những lực lượng nòng cốt của đất nước tham gia xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước là nữ thanh niên xung phong trong thời đánh Mĩ. Trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn nối liền hai miền Bắc – Nam, lực lượng thanh niên xung phong có vai trò vô cùng quan trọng: tham gia mở đường, phá bom, san lấp hố bom, đảm bảo tuyến đường huyết mạch luôn được thông suốt cho các binh đoàn tiến ra mặt trận. Viết về hình tượng những cô gái xung phong, văn học thời kì này đã dành không ít bút lực để ghi lại những hình ảnh đẹp mà chân thực, bình dị mà ca cả của những cô gái trẻ đã hiên dân tuổi thanh xuân của mình cho đất nước như những cô gái thanh niên xung phong trong thơ của Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mĩ Dạ, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Chu,… trong văn của Nguyễn Minh Châu,… và Lê Minh Khuê đã góp thêm những chân dung đẹp vào loại hình tượng nhân vật quen thuộc trong văn học thời kì này.
– Những ngôi sao xa xôi phải chăng đó là vẻ đẹp lấp lánh của ba cô gái thanh niên xung phong trên một trọng điểm giữa tuyến đường Trường Sơn? Trong muôn vàn ngôi sao ẩn hiện lên bạt ngàn của núi rừng, Lê Minh Khuê đã lựa chọn, làm nổi bật lên vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn, tinh thần của mỗi nhân vật nữ anh hùng.
+ Hoàn cảnh sống và chiến đấu:
Hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba cô gái vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Nhiệm vụ hàng ngày của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá, xác định vị trí những quả bom chưa nổ và làm cho chúng phải tiêu tan. Hàng ngày họ phải chạy lên cao điểm, đối mặt với cái chết trong từng giây và sẵn sàng chịu trận khi máy bay địch đột ngột ập tới. Công việc phải đòi hỏi nhanh, chính xác, bình tĩnh và dũng cảm. Có lúc thần kinh căng thẳng đến lạnh gáy, toát mồ hôi nhưng mãi rồi cũng quen và trở thành công việc thường ngày: “Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay ầm ĩ xa dần. Thần kinh căng như dây chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn viết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ, có thể bây giờ, chốc nữa, thở phào, chạy về hang”. Đọc những đoạn văn như thế này, người ngoài cuộc vẫn còn thấy căng thẳng, hãi hùng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng như vẫn thấy đâu đây tiếng bom nổ chói tai, nhức óc. Hình ảnh những quả bom nỏ đùm lên không trung những cột khói đen, nở như những cây nấm khổng lồ, gieo cái chết thảm thương cho con người, làm sao không thấy ớn lạnh mà ứa tràn nước mắt. Ta càng căm ghét chiến tranh, càng cảm thấy phục những cô gái trẻ dũng cảm, kiên cường, đạp bằng hiểm nguy vì ngày mai hòa bình của dân tộc.
+ Vẻ đẹp chung của ba cô gái:
Những cô gái trẻ này đều có chung một phẩm chất: tinh thần trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ, dũng cảm không sợ hi sinh, tình đồng đội gắn bó, yêu thương. Sống giữa khói bom lửa dạn nhưng họ vẫn nhiều ước mơ, sống bình thản và luôn thích làm đẹp cho mình, thích hát và nghe đài mỗi khi rảnh rỗi. Tiếng hát của họ trên cao điểm này thực sự là át tiếng bom. Hồn nhiên mà anh hùng.
+ Vẻ đẹp riêng của mỗi người:
Ba cô gái đều mang những phẩm chất chung nhưng ở mỗi người vẫn có những nét riêng:
- Nho bé nhỏ và ít tuổi nhất, thích thêu thùa, thích ăn kẹo, trong mát mẻ như que kem mỗi khi ở dưới suối lên, tưởng yếu duổi nhưng cũng là người phá bom rất quả cảm. Khi bị thương, Phương Định và chị Thao lo lắng, cuống lên định báo về đơn vị. Nho bình thản nói với chị: “Không chết đâu. Đơn vị đang làm đường cơ mà, việc gì phải khiến nhiều người lo lắng…”.
- Chị Thao lớn tuổi hơn nên những ước mơ và dự định về tương lai cũng thiết thực hơn. Chị hát không hay nhưng rất chăm chép bài hát, chép cả những lời bịa của Phương Định. Đôi lông mày tỉa nhỏ như cái tăm, áo lót cái nào cũng thêu bằng chỉ màu. Chị có đặc điểm rất sợ máu và vát, hễ nhìn thấy là mặt chị tái mét. Song người tổ trưởng ấy lại rất bình thản, thong thả nhai bích quy trước tiếng máy bay trinh sát rè rè trộng lẫn tiếng gầm gào vào tiếng bom dội của phản lực.Chị phá bom cương quyết, tóa bạo đến đang gớm.
- Phương Định cũng như Nho, hồn nhiên, mơ mộng và dũng cảm. Đấy là cô gái Hà Nội, lúc rảnh rỗi để dành cho hát và ôm gối mộng mơ, hoặc nghĩ lung tung nhất là hay nhớ… nhà. Nhưng tinh thần chiến đấu thì gan dạ, kiên cường chẳng thua kém gì các chị em. Mỗi ngày Phương Định phải phá tới năm quả bom, ít là ba. Mỗi lần phá là một cảm giác khác nhau: căng thẳng, hồi hộp, tim đập bất thình lình nhưng Phương Định đều vượt lên để chiến thắng những quả bom lì lợm, chứa trong mình thần chết khủng khiếp.
c. Kết bài
Những ngôi sao xa xôi – vẻ đẹp lấp lánh tưởng như rất xa nhưng lại rất gần. Những ngôi sao hay mảnh trăng cuối rừng khuất lấp, ẩn hiện trong những cánh từng đại ngàn Trường Sơn, nếu không có cái nhìn thấu đáo, tường tận sữ không thấy hết vẻ đẹp của nó. Đó chính là vai trò to lớn, quan trọng của lực lượng nữ thanh niên xung phong trong cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Họ như những ngôi sao, như mảnh trăng xa mà gần, gần mà xa, lấp lánh, tỏa sáng một thời. Nói đến thanh niên xung phong, có lẽ không ai quên mười cô gái ngã ba ĐỒng Lộc, tám cô gái ở hang Tám Cô tỉnh Quảng Bình – những gương mặt trẻ trung, hồn nhiên, tươi sáng giàu nhiệt huyết, họ đã hi sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi. Họ mãi mãi như bông hoa bất tử – tuổi hai mươi – một thời khốc liệt mà hào hùng.
Câu hỏi 5. Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
a. Mở bài
– Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì và vĩ đại của dân tộc, con đường Trường Sơn đã trở thành huyền thoại, trở thành biểu tượng anh hùng kiên cường, bền bỉ chiến đấu cho độc lập, tự do. Để đảm bảo cho con đường huyết mạch ấy ngày đêm thông suốt ra tuyến lửa, đã có hàng ngàn, hàng vạn nữ thanh niên bám đường, phá bom, san lấp hố bom, trong đó có cả chính nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã từng tham gia, trải nghiệm. Hi sinh, mất mát không ít nhưng họ quả là những người chiến sĩ anh hùng.
– Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm đầu tay của bà, viết về một tổ nữ trinh sát mặt đường, trong đó nổi bật là chân dung Phương Định, nhân vật đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.
b. Thân bài
– Phương Định – nhân vận xưng tôi – người kể chuyện. Lựa chọn cách trần thuật ấy là có chủ định của nhà văn. Mọi hình ảnh, sự kiện, nhân vật,… nơi trọng điểm ác liệt này đều được tái hiện tự cái nhìn và thái độ của chính người trong cuộc. Nhà văn có điều kiện đi vào thế giới nội tâm, bộc lộ những tâm tư, nghĩ suy thầm kín trong nhân vật.
Lựa chọn ngôi kể như thế cũng tạo thuận lợi cho mạch truyện được triển khai theo dòng tâm trạng của nhân vật kể, không theo mạch tuyến tính thời gian sự kiện mà đan xen giữa hiện tại và hồi tưởng quá khứ. Có thể coi đó là kiểu cốt truyện tâm lí. Vì thế, ngôn ngữ, giọng điệu cũng phù hợp với nhân vật.
– Phương Định là nữ sinh của thủ đô đi vào chiến trường. Chị mang theo chiếc ba lô của một thời áo trắng hồn nhiên, vô tư và vui sướng biết bao nhiêu. Cơn mưa đá ngắn ngủi, đột ngột cuối truyện, ngay sau trận phá bo đầy nguy hiểm, làm bung nở trong chị bao nhiêu niềm vui thời thơ trẻ: chị nhớ về mẹ, về ngôi nhà, những ngôi sao lớn trên bầu trời thành phố… Những kỉ niệm ấy luôn sống lại trong chị giữa chiến trường dữ dội: Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn giữa khoảnh khắc nóng bỏng, căng thẳng, khốc liệt của chiến trường.
– Là một cô gái nhiều mộng mơ, hôn nhiên, trong sáng, yêu đời, Phương Định rất thích ca hát. Hồi ở nhà, chị hát say mê, có lúc hát ầm ĩ đến nỗi làm ông bác sĩ hàng xóm mất ngủ, có lần hát say sưa đến nỗi suýt ngã lăn nhào từ cửa số gác hai xuống đất.
Chị đem cả lòng say mê ca hát đó vào trận địa Trường Sơn ác liệt. Chị thích hát những hành khúc bộ đội, những bài dân ca quan họ, dân ca Ý, và cả Ca-chi-sa của Hông quân Liên xô. Say mê đến nỗi chỉ cần thuộc nhạc thôi là lời có thể bịa được ra mà hát. Tiếng hát của Phương Định và cả đồng đội trên trọng điểm này thực sự là tiếng háy át tiếng bom, át đau thương, gian khổ và cả những mất mát hi sinh. Hát cho tâm hồn thăng hoa, cất cánh vượt lên tất cả để sống với những phút giây bình yên, thanh thản. Đó chính là tinh thần lạc quan, yêu đời, cao cả của nữ thanh niên xung phong thời đánh Mĩ.
– Phương Định còn là cô gái có hình thức đẹp. Chị không nói nhiều về mình qua mấy lời kể, người đọc có thể hiểu vì sao cánh pháo thủ, lái xe hay trêu đùa, nhắn nhe, thăm hỏi, gửi thư cho chị mặc dù ngày nào cũng nhìn thấy nhau: “Tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh bảo: cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Là người được các anh chiến sĩ quan tâm nhiều nhất so với chị em, nhưng Phương Định ít được săn sóc, vồn vã với họ, mà thường đứng xa, khoang tay trước ngực nhìn đi nới khác, môi mím chặt. Phương Định giả vờ điệu đã vậy thôi nhưng trong lòng chị luôn yêu quý họ và thấy: “Những người đẹp nhất, thông minh nhất, can đảm, cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có sao trên mũ”. Điều này cho thấy Phương Định là cô gái hồn nhiên, trong sáng, kín đáo, sống có lí tưởng, biết đặt nhiệm vụ chung trên tình cảm riêng tư, sống hòa mình cùng đồng đội.
– Đặc điểm quan trọng nhất ở Phương Định đó là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu. Nói đến người Hà Nội những năm tháng ấy, người ta thường nghĩ đến nét hào hoa, thanh nhã và nhất là con gái thì yểu điệu thục nữ, nhưng Phương Định cũng như bào thanh niên Hà Nội ngày ấy, sẵn sàng gác bút để cầm súng cùng dân tộc vào cuộc trường chinh. Chị háo hức vào tuyến lửa, sông cùng với đồng đội trên mảnh đất lúc nào cũng nóng bỏng, rung chuyển như lên cơn sốt bở bom Mĩ dội xuống hàng ngày. Chị cũng như đồng đội của mình làm nhiệm vụ phá bom, san lấp đảm bảo thông tuyến cho bộ đội. Một công việc mà thần chết có thể cướp đi sự sống bất cứ lúc nào. Song Phương Định không chịu thua kém chị em, luôn hành động chuẩn xác, thành thục, bình tĩnh và dũng cảm. Mỗi ngày phải phá tới năm quả, ít là ba. Mỗi lần phá bom là một cảm giác khác nhau. Lúc đầu chị cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, thần kinh căng như dây chão, tim đập bất thình lình, chân chạy mà biết khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể bây giờ hoặc chốc nữa, nhất đinh sẽ nổ và thần chết có thể viếng thăm bất cứ lúc nào… Mỗi lúc căng thẳng như thế, Phương Định lại có cảm giác như có ánh mắt của các anh chàng cao xạ ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ để rồi lòng dũng cảm của chị như được khích lệ, như được truyền thêm một tinh thần, một sức mạnh mãnh liệt trước những trái bom lì lợm có sức công phá thật khủng khiếp, chị kể: “Tôi đến gần quả bom. Cảm giác thấy có ảnh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước đi”. Cảm giác ấy khiến tinh thần của Phương Định trở nên sắc nhọn: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người cứa vào da thịt tôi: Tôi rùng mình và bỗng nhận thấy tại sao mình làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành”. Thế rồi đặt thuốc, châm ngòi và chạy tìm chỗ nấp, nín thở lắng nghe và chờ đợi một tiếng nổ rung trời, chuyển đất, váng óc và có thể rất nguy hiểm khi mảnh bom văng tới. Chỉ đọc và tái hiện lại cảnh ấy- ngày ấy trong tưởng tượng thôi, có lẽ người đọc vẫn không khỏi ớn lạnh về sự khốc liệt của chiến tranh. Và chính sự khốc liệt ấy đã tôi luyện nên lớp anh hùng như Phương Định, tiêu biểu cho hàng vạn nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ.
c. Kết bài. Mở rộng, nâng cao vấn đề
Có lẽ Lê Minh Khuê từng là chiến sĩ thanh niên xung phong Trường Sơn nên bà không mấy khó khăn để nhập thân vào nhân vật, sống đời sống của nhân vật hay cũng chính từ đời sống thực của mình để miêu tả thật sinh động, chân thực đời sống, tâm lí nhân vật, làm hiện lên trước mắt người đọc một thế giới nội tâm phong phú, trong sáng. Lê Minh Khuê cũng như các tác giả cùng thời, có cách nhìn và cách thể hiện con người trong chiến tranh thiên về cái tốt đẹp, trong sáng, anh hùng, cao cả. Cái bi chỉ là điểm xuyết, thoáng qua. Nhưng truyện của Lê Minh Khuê không rơi vào tình trạng đơn giản, công thức, dễ dãi mà vẫn miêu tả được đời sống nội tâm nhân vật với những nét tâm lí cụ thể, rất đời. Có thể nói đây là một truyện ngắn hay, mang hơi thở, tinh thần củ một thời đáng nhớ – một thời oanh liệt của dân tộc, trong đó có vai trò to lớn của nữ thanh niên xung phong Trường Sơn.
Câu hỏi 6. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi?
Quá trình phân tích nội dung và nhân vật đã chỉ ra một số đặc điểm nổi bật của nghệ thuật truyện. Sau đây hệ thống lại một số nét chính:
– Phương thức trần thuật: trần thuật theo ngôi kể thứ nhất – nhân vật tôi – cũng là nhân vật chính. Cách này tạo điều kiện thuận lợi để tác giả tập trung miêu tả nội tâm nhân vật và tạo điểm nhìn phù hợp.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật chủ yếu là miêu tả tâm lí nên có thể nói đây là cốt truyện tâm lí.
– Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện. Giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, gần gũi với khẩu ngữ, trẻ trung, nữ tính. Lời kể ngắn, nhịp nhanh, tạo không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường. Ở những đoạn có tính chất hồi tưởng, nhịp kể chậm, gợi nhớ những kỉ niệm thời niên thiếu hồn nhiên, vô tư và không khí thanh bình nơi quê hương.