Một trong những thành công xuất sắc của Truyện Kiều là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nguyễn Du thường sử dụng bút pháp lí tưởng hóa để xây dựng nhân ật chính diện, tiêu biểu là đoạn tả vẻ đẹp chị em Thúy Kiều. Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp và tài năng nhân vật rất tài hoa, khéo léo. Bút pháp đa dạng nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ nghệ thuật và tư tưởng thời đại: phép tiểu đối tạo ra âm điệu, tiết tấu câu thơ cân đối, nhịp nhàng, góp phần nhấn mạnh sự hoàn mĩ nhan sắc, phẩm chất, cốt cách của chị em Thúy Kiều. Bút pháp tượng trưng, ước lệ nhằm cực tả, tuyệt đối hóa, lí tưởng hóa vẻ đẹp của hai chị em, nhất là tài sắc của Thúy Kiều.
» Hệ thống câu hỏi ôn tập tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du – có đáp án gợi ý
Câu 1. Hãy giới thiệu đôi nét về đoạn trích Chị em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).
– Vị trí: Đoạn trích gồm 24 câu thơ, nằm ở phần đầu Truyện Kiều, từ câu 15 đến câu 38 trong số 3254 câu.
– Đoạn trích miêu tả bức chân dung tuyệt đẹp của chị em Thúy Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều; đồng thời dự báo tương lai của mỗi nhân vật.
Câu 2. Nói về bút pháp tả người của Nguyễn Du, giáo sư Trần Đình Sử nhận xét:
“Cả vẻ đẹp lần tài năng nhân vật, tuy đều vẽ rất khéo léo, bút pháp đa dạng (mỗi nhân vật có một cách vẽ riêng), nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ nghệ thuật và tư tưởng thời trung đại, với những đường nét ước lệ, cao quý, hoàn hảo, lí tưởng […], làn hiện rõ hai bức chân dung, dự báo số phận về sau của mỗi người”. Em hãy phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều để làm sáng tỏ nhận xét trên.
Đề có định hướng về nội dung nên khi giải quyết vấn đề, HS cần bám vào nội dung để làm sáng tỏ yêu cầu của đề. Gợi ý:
Mở bài
– Một trong những thành công xuất sắc của Truyện Kiều là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nguyễn Du thường sử dụng bút pháp lí tưởng hóa để xây dựng nhân ật chính diện, tiêu biểu là đoạn tả vẻ đẹp chị em Thúy Kiều.
– Giáo sư Trần Đình Sử đã nhận xét: “Cả vẻ đẹp lần tài năng nhân vật, tuy đều vẽ rất khéo léo, bút pháp đa dạng (mỗi nhân vật có một cách vẽ riêng), nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ nghệ thuật và tư tưởng thời trung đại, với những đường nét ước lệ, cao quý, hoàn hảo, lí tưởng […], làn hiện rõ hai bức chân dung, dự báo số phận về sau của mỗi người”.
Thân bài. Cần đạt được các nội dung sau:
– Bố cục đoạn thơ rất rõ ràng, mạch lạc. Từng phần được gắn bó trong một thể thống nhất, giới thiệu từ cái chung đến cái riêng rồi lại trở về cái chung. Thúy Vân được giới thiệu trước làm bước đệm, tạo điểm nhấn làm tôn nổi Thúy Kiều (giới thiệu sau). Nếu giới thiệu Thúy Vân sau Thúy Kiều thì kém thú vị vì Kiều sắc sảo mặn mà, tài sắc hơn Vân. Cuối cùng kết lại ở tuổi cập kê, hai chị em giữ gìn lễ tiết gia phong đợi người xứng đáng. Đoạn văn thể hiện nghệ thuật giới thiệu, miêu tả nhân vật bậc thầy của Nguyễn Du trong văn học trung đại.
– Bốn câu đầu giới thiệu vẻ đẹp chung của hai chị em:
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Tác giả dùng các phép tu từ: tiểu đối (mai cốt cách/ tuyết tinh thần), những hình ảnh tượng trưng, ước lệ (mai, tuyết) và câu thơ cổ điển trang nhã, gợi cho người đọc thấy được dáng vóc thanh cao, tao nhã như mai, tâm hồn trong trắng như tuyết, đạt đến độ hoàn mĩ “mười phânvẹn mười” của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Song mỗi người vẫn có một vẻ đẹp riêng.
– Bốn câu tiếp: chân dung Thúy Vân.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang.
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Vẻ đẹp chân dung Thúy Vân toát lên nét “trang trọng khác vời” – một nét đẹp cao sang, quý phải khác hẳn, hiếm thấy ở người khác. Nhà thơ đã lựa chọn những cái đẹp nhất trong tự nhiên để đối sánh với vẻ đẹp của nàng: trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết. Bút pháp tượng trưng, ước lệ mà cụ thể tới từng chi tiết: khuôn mặt đầy đặn, dịu hiền, sáng ngời như trăng rằm, nét mày cong, mềm mại, đậm như mày con ngài (hai cái râu dìa và cong), mái tóc óng ả xanh hơn mây, làn da mịn màng trắng hơn tuyết, miệng cười tươi thắm, rực rỡ như hoa, giọng nói trong như ngọc… Tất cả toát lên một vẻ đẹp tinh tế, thùy mị, đoan trang, phúc hậu và toàn vẹn. Từ gương mặt, nét mày đến làn da, mái tóc, nụ cười,… bức chân dung ngầm thông báo về một số phận an lành, êm đềm, may mắn, nang sinh ra để được hưởng phúc.
– Mười hai câu tiếp theo: chân dung Thúy Kiều.
Kiều càng tài sắc mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm.
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên “bạc mệnh” lại càng não nhân.
Miêu tả chân dung Thúy Kiều, Nguyễn Du khẳng định Kiều sắc sảo mặn mà, tài sắc hơn hẳn Thúy Vân.
+ Nhan sắc: Vẫn bút pháp ước lệ, ẩn dụ, nhân hóa, tác giả lấy vẻ đẹp của tự nhiên để miêu tả, đối sánh với vẻ đẹp của Thúy Kiều. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, tuyệt thế giai nhân có một không hai, đẹo tới mức “Hoa ghen thua thắm, liễu hơn kém xanh”. Đặc biệt nhà thơ tập trung tả đôi mắt: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Đôi mắt đẹp, sâu thăm thẳm, long lanh như làn nước mùa thu, nét mày cong thanh thoát như nét nùi mùa xuân. Gương mặt toát lên vẻ đẹp kiêu sa, thanh tú, tài hoa.
+ Tài năng: Nguyễn Du chỉ dùng ba câu để tả nhan sắc nhưng lại dành sáu câu để nói về tài năng của Thúy Kiều (Sắc đành đòi một tài đành họa hai). Kiều tài hoa, thông minh vốn sẵn tính trời: cầm, kì, thi, họa (đánh đàn, chơi cờ, làm thơ, vẽ tranh). Nét tài hoa của Kiều đạt tới mức lí tưởng đối với giới nữ trong xã hội phong kiến. Song thật trớ trêu, xã hội phong kiến lại trọng nam khinh nữ “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một người con trai vẫn coi là có, mười người con gái vẫn coi như không), “Khôn ngoan cũng thể đàn bà/ Dẫu rằng vụng dại cũng là đàn ông”, nhất là người con gái tài sắc thì lại càng bị ganh ghét, vùi dâọ. Chính vì vậy, ngay trong câu thơ “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” đã hàm chứa điều tài – mệnh tương đố, như báo trước một số phận chẳng an lành “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”, “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Chính bản thân Kiều cũng đã linh cảm được điều đó, nàng trở nên đa sầu đa cảm và tự soạn cho mình “một thiên bạc mệnh”. Mỗi khi “tay lựa nên chương”, ai nghe cũng thấy sầu đau, não nề.
=> Vẻ đẹp của Kiều là kết tinh của ba phẩm chất: sắc – tài – tình (tâm hồn, tình cảm), có thể nói đó là sự kết tinh vẻ đẹp hoàn mĩ của con người, nhất là phái đẹp. Nếu ở xã hội tự do, công lí, người con gái đó sẽ được hưởng cuộc sống xứng đáng, nhưng trong xã hội phong kiến, nàng lại mang một số phận “hoa ghen, liễu hơn”, “”tạo hóa đố hòng nhan”, Kiều sẽ gặp nhiều oan trái, khổ đau. Còn Vân “mây thua, tuyết nhường”, cuộc đời luôn nhường bước cho nàng hưởng cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.
Kết bài
Lời nhận xét của giáo sư Trần Đình Sử rất xác đáng, Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp và tài năng nhân vật rất tài hoa, khéo léo. Bút pháp đa dang nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ nghệ thuật và tư tưởng thời đại: phép tiểu đối tạo ra âm điệu, tiết tấu câu thơ cân đối, nhịp nhàng, góp phần nhấn mạnh sự hoàn mĩ nhan sắc, phẩm chất, cốt cách của chị em Thúy Kiều. Bút pháp tượng trưng, ước lệ nhằm cực tả, tuyệt đối hóa, lí tưởng hóa vẻ đẹp của hai chị em, nhất là tài sắc của Thúy Kiều. Đồng thời câu chữ còn mang tính nội hàm, đa nghĩa, ẩn chứa dự cảm tương lai, số phận của mỗi người. Qủa là một cây bút bậc thầy có một không hai trong văn học trung đại.
Câu 3. Theo em cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du được thể hiện qua đoạn trích Chị em Thuý Kiều là gì?
– Cảm hứng nhân vật trong đoạn trích trước hết thể hiện ở bút pháp miêu tả vẻ đẹp hình thức và phẩm chất của con người.
– Nhà thơ miêu tả vẻ đẹp, ngoại hình, cốt cách, phẩm chất của chị em Thúy Kiều, đặc biệt là Thúy Kiều tài sắc nhằm ngợi ca, trân trọng, đề cao những giá trị cao quý của người phụ nữ . Chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ, chà đạp nhân quyền, xấu xa, độc ác của xã hội phong kiến.
– “Trong một thời đại có cả một khuynh hướng đề cao khả năng người phụ nữ trong văn học và ngoài cuộc đời, […], hình tượng Thúy Kiều với tài hoa rực rỡ, trí tuệ thông minh như vậy mang một ý nghĩa lãng mạn đẹp đẽ, đồng thời cũng là sự biểu hiện một nhận thức đi ngược lại với quan điểm chính thống…” (Giáo sư Đặng Thanh Lê).
-dehoctot.edu.vn-