Trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hình tượng người lính đi vào cuộc chiến đấu đã có bước phát triển vượt bậc về đời sống cơ sở vật chất và tinh thần so với đời sống của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ gặp muôn vàn những khó khăn khác nhau: bom giặc đã hủy diệt sự sống, phá hủy những chiếc xe – phương tiện vận tải của họ, biến những chiếc xe trở nên kì dị: không kính, không đèn, thùng xe xướt xát. Song bất chất hiểm nguy, xe và người vẫn ung dung, hiên ngang ngày đêm lao ra chiến trường đánh Mĩ. Ở họ luôn phơi phới một tinh thần lạc quan cách mạng, trẻ trung, yêu đời, dũng cảm, kiên định rất phù hợp với chất lính lái xe Trường Sơn.
» Hệ thống câu hỏi ôn tập Làng của Kim Lân – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Con cò của Chế Lan Viên – có đáp án gợi ý
» Hệ thống câu hỏi ôn tập bài thơ Đồng chí của Chính Hữu – có đáp án gợi ý
Câu 1. Hãy giới thiệu những nét chính về tác giả Phạm Tiến Duật và Bài thơ tiểu đội xe không kính.
– Tác giả: Phạm Tiến Duật (1941 – 2007), quê Thanh Ba – Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp khao Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1964). Phạm Tiến Duật gia nhập vào quân đội là phóng viên mặt trận, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước.
Thơ Phạm Tiến Duật tập trung vào đề tài hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc.
– Tác phẩm chính: Vầng trăng – quầng lửa (thơ, 1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Nhóm lửa (1996),…
– Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ về tiểu đội xe không kính viết năm 1969, thuộc chùm thơ được tặng giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969 – 1970, được in trong tập thơ Vầng trăng – quầng lửa. Bài thơ khắc họa nét độc đáo hình tượng những chiếc xe không kính và hìn tượng người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mĩ; hiên ngang, dũng cảm, lạc quan, yêu đời, chiến đấu giải phóng miền Nam ruột thịt.
Câu 2. Nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính gợi cho em suy nghĩ gì?
Nhan đề bài thơ gây ấn tượng độc đáo và gợi suy ngẫm cho người đọc:
– Nhan đề mang đề tài của bài thơ: Tiểu đội xe không kính. Tiểu đội là đơn vị cơ sở nhỏ nhất trpng biên chế của quân đội ta. Tiểu đội xe có ý nghĩa trong lịch sử chiến tranh chống Mĩ từ năm 1965 – 1968, đội hình xe chủ yếu là tiểu đội do tình hình đường xá, cầu cống, hệ thống pháo cao xạ bảo vệ… chưa cho phép chạy xe với đội hình đông hơn. Sau này, chiến dịch phát triển, từ tiểu đội lên đại đội, tiểu đoàn, sư đoàn xe với hàng trăm chiếc, nên tiểu đội xe không kính trong bài thơ mang ý nghĩa khốc liệt của chiến tranh. Một cái tên trần trụi, không mĩ miều, hàm súc như bao nhan đề bài thơ khác, đối lập với quan niệm cái đẹp văn chương thuần túy. Cái đẹp với Phạm Tiến Duật là từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống mà ùa vào thơ.
– Tác giả thêm vào hai chữ bài thơ, là muốn thể hiện quan niệm thơ nói, thơ kể nhưng vẫn rất thơ. Chất thơ vút lên từ hiện thực, từ tâm hồn hào hoa lãng mạn, lạc quan yêu đời của người lính – tuổi trẻ Việt Nam giữa khói bom lửa đạn với đầy niềm tự hào, chiến đấu và chiến thắng.
Câu 3. Cảm nhận của em về vẻ đẹp độc đáo của những chiếc xe không kính được miêu tả trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Ngay từ nhan đề bài thơ, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh độc đáo: những chiếc xe vận tải không kính vẫn ngày đêm băng ra chiến trường. Những chiếc xe thực đến trần trụi cứ hổng hông hốc như hai hốc mắt con quái vật trông ngộ nghĩnh và lạ lẫm. Bản thân những chiếc xe đã hiện diện nét ngang tàng, dũng mãnh, bất cần trước bom rơi đạn lạc, trước thừoi tiết khắc nghiệt ngày đêm vẫn lao ra trận tuyến. Như một phát hiện thú vị, nhà thơ đã khai thác cái chất liệu hết sức thô phác, đời thường đến bất thường ấy vào thơ:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi.
Những chiếc xe sinh ra vốn rất đầy đủ, hoàn hảo nhưng do tính chất khốc liệt của chiến tranh bom giật bom rung đã phá hủy, làm cho những chiếc xe bị biến dạng không còn nguyên vẹn nữa:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước.
Một loạt các điệp ngữ không có đã phủ định một hiện thực vô cùng khó khăn, nguy hiểm của người chiến sĩ lái xe, khi điều khiển một phương tiện nặng nề với tốc độ cao trên tuyến đường dốc đèo hiểm trở, bom rơi đạn lạc hàng ngày mà phương tiện lại không đảm bảo an toàn. Những thứ vô cùng quan trọng như kính bảo hiểm, đèn chiếu sáng, mui xe bảo vệ… thì đều không có. Đó là điều bất bình thường nhưng với chiến tranh thì lại là điều bình thường, nên nó vẫn hoạt động như những chiếc xe hoàn hảo, vẫn băng băng ra phía trước vì nhiệm vụ trọng đại của đất nước. Cái bất thường đã trở thành cái phi thường một biểu tượng độc đáo của thơ chống Mĩ, vừa nói lên cái ác liệt, dữ dội của chiến tranh, vừa thể hiện được phẩm chất anh hùng, vĩ đại của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Hình tượng được đẩy lên mức cao hơn góp phần khắc họa chân dung, tư thế một dân tộc anh hùng.
Câu 4. Vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mĩ trong Bài thơ tiểu đội xe không kính.
– Vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe Trường Sơn gắn liền với hình tượng những chiếc xe vận tải độc đáo. Những chiếc xe thực chất chỉ là vật vô tri vô giác nếu không có sự tác động của con người. Chính con người đã truyền cho nó một hồn sống khiến nó trở nên sinh động, hấp dẫn. Người lính lái xe trẻ trung, năng động, dũng cảm, lạc quan yêu đời đã truyền qua chiếc vô lăng khí thế hiên ngang, bất khuất, tính ngang tàng, dũng mãnh, quả cảm bất chấp mọi gian nguy, thiếu thốn để người và xe hoàn thành nhiệm vụ.
– Ấn tượng đầu tiên với người đọc là tư thế hiên ngang, tự tin, tự hào và đầy chất lãng mạn cuat người lính lái xe:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhì trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái.
Hàng loạt các điệp từ nhìn thấy diễn tả cảm giác cụ thể khi ngồi trên xe không còn kính chắn gió chẳng khác nào người chiến sĩ lái xe phải tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Nhưng tư thế rất ung dung nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng, nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim, mặc cho mọi thứ có thể va đập, quăng quật vào buồng lái gây nguy hiểm như gió, mưa, bụi, lá cây, cánh chim,… tất cả đều được bình thường hóa và được cảm nhận bằng một tâm hồn trẻ trung, lãng mạn: thấy như cả đất trời, con đường, gió và ánh sao, cánh chim đột ngột như sa như ùa vào buồng lái. Nếu không phải là những chàng trai luôn lạc quan, yêu đời, coi thường hiểm nguy thì sao có được cái chất lãng mạn để biến cái hiện thực đầy khó khăn, gian khổ thành cái thi vị hóa đẹp đến như thế!
– Vẻ đẹp tinh thần của người lính lái xe Trường Sơn càng được bộc lộ qua điều kiện thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trên tuyến đường vận tải của họ:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.
Những câu thơ giản dị như lời nói hàng ngày của người lính: “Không có kính, ừ thì có bụi… Chưa cần sửa, phì phèo châm điếu thuốc… Không có kính, ừ thì ướt áo… Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa/ Mưa ngừng gió lùa mau khô thôi”, điệp khúc ấy tạo nên giọng điệu ngang tàng, bất chấp. Bụi phun tóc trắng, mặt lấm, mưa xối ướt áo như ngoài trời, kệ! Bình thản, chưa cần rửa, chưa cần thay, phì phèo châm điếu thuốc, gặp nhau nhìn mặt lấmha ha, tiếp tục lái… Sự bình thản của người lính lái xe đạt tới mức vô tư, phớt tỉnh, khó khăn ấy chẳng là gì so với những làn mưa bom bão đạn mà họ đã vượt qua. Hình ảnh người lính vừa mang nét đẹp giản dị, phong trần, vừa có nét kiêu hùng, lãng mạn.
– Niềm vui gia đình của người lính chính là tình đồng đội, xung quanh họ đều là những con người lạc quan, yêu đời gắn bó:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên những tiểu đội xe không kính, đã gắn bó những con người có tinh thần sắt lửa lại với nhau như anh em, bè bạn cùng chung nhiệm vụ. Những cái bắt tay qua cửa kính vỡ rồi thật hồn nhiênvui tươi như một sự hưởng thụ tự nhiên, không cần phải nhiêu khê mở của, cứ việc thò tay qua ô cửa bắt tay chào nhau trong tiếng cười ha ha rồi lại hối hả ra mặt trận. Chính nhà thơ cũng rất khoái khi viết câu: “Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”, “không phải mở cửa mà có thể thò tay thì sướng quá” thể hiện nét hồn nhiên, tinh nghịch, phớt đời của người lính.
Niềm vui bè bạn như niềm vui gia đình, cái định nghĩa về gia đình của người lính – thi sĩ cũng rất lính, tếu táo mà tình cảm chân tình, sâu sắc: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Họ gắn bó với nhau trong chiến đấu, trong đời thường, trong bữa ăn giấc ngủ tạm bợ vội vã trên đường, để rồi lại đi, lại đi trời xanh thêm. Câu thơ diễn tả cái điệp khúc lên đường của đoàn xe, phơi phới niềm tin lạc quan, yêu đời của lính trẻ Trường Sơn.
– Điều làm nên sức mạnh để người lính vượt qua khó khăn gian khổ chính là tình yêu đất nước, là lòng nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ, quyết tâm chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Kết thúc bài thơ, vẫn giọng thơ nói mộc mạc như văn xuôi, vậy mà nhạc điệu, hình ảnh, ngôn ngữ rất đẹp, rất thơ. Cảm hứng và suy tưởng vừa thực vừa bay bổng đề hoàn thiện vẻ đẹp chân dung người lính lái xe Trường Sơn những năm đánh Mĩ. Bốn dòng thơ dựng lại hình ảnh đối lập đầy kịch tính, bất ngờ, thú vị giữa người và xe; giữa vật chất và tình thần; giữa cái không và có… làm nổi bật cái gia góc, khốc liệt của cuộc chiến và chất anh hùng, bất khuất, đẹp đẽ của con người. Điệp ngữ “không có” nhấn lại ba lần như nhân lên ba lần thử thách; ngôn ngữ trong hai dòng thơ được ngắt làm bốn nhịp như bốn chặng gập ghềnh, khúc khuỷu. Nhưng hai câu sau, âm điệu lại nhẹ nhàng, phóng khoáng bởi hình hài những chiếc xe có thể bị bom giặc làm cho biến dạng, nhưng với xe còn cỗ máy thì còn chạy, với con người còn trái tim thì còn tình yêu Tổ quốc. Trái tim tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, giàu tình yêu thương và lòng căm thù giặc sẽ bất chấp tất để chiến đấu và chiến thắng. Tác giả đã nói về tác phẩm của mình: “Thực ra, tôic hỉ lấy cái ô tô làm cớ. Con người cũng như cái xe ấy, có thiếu mọi thứ […] nhưng cái không thể thiếu được là trái tim anh chiến sĩ lái xe dũng cảm. Bài thơ được tôi chăm sóc khá kĩ lưỡng về chũ nghĩa. Nhưng với tôi, cái mà tôi ưng ý chưa phải là chữ nghĩa mà là cái khoảng vang của tâm hồn, của thanh khí toàn bài phủ lên tác phẩm”.
Đúng vậy! Cái âm vang tâm hồn, cái thanh khí của toàn bài thơ mà tác giả muốn nói đến đó là những giá trị hiện thực lớn lao, vừa mang tính chiến đấu nóng bỏng, tính thời sự tức thời, vừa mang tầm vóc lịch sử. Đôi khi bài thơ vượt qua khỏi phạm trù cái đẹp văn chương thuần túy để nói tiếng nói của cuộc sống thực hào hùng. Đó là tiếng nói chân thành, độc đáo của con người trong cuộc. Nó như một tuyên ngôn về lẽ sống của thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng thời đánh Mĩ: khó khăn, gian khổ, hi sinh nhưng bất khuất, kiên cường, kiêu hùng và lãng mạn.
Câu 5. Nhận xét nét đặc sắc nghệ thuật của Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
– Khai thác chất liệu hiện thực của đời sống chiến tranh: những chiếc xe không kính và phẩm chất cao đẹp của người lính lái xe Trường Sơn.
– Giọng điệu ngang tàng pha chất tinh nghịch, hóm hỉnh, phù hợp với đối tượng (lính lái xe) qua các dạng câu: giải thích, tự sự, câu ngắn, dài đa dạng, gần với lời nói bình thường nhưng rất giàu nhạc điệu, hình ảnh và cảm xúc.
– Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, ngồn ngộn chất đời sống chiến trường khiến lời thơ giàu chất văn xuôi nhưng thú vị.
– Chất thơ toát lên từ hình tượng độc đáo – những chiếc xe trần trụi và tâm hồn trẻ trung, năng động, lãng mạn, yêu đời của người lính lái xe.
=> Bài thơ góp phần tạo nên chất thơ mới, giọng điệu, thanh khí mới cho thơ ca chống Mĩ.
Câu 6. Cảm nghĩ của em về hình tượng người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ qua hai bài thơ Đồng chí (Chính Hữu), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).
Đây là bài tập khó, HS cần nắm chắc hai tác phẩm và có cái nhìn tổng quát về hai cuộc kháng chiến qua thơ ca để có những nhận xét, đánh giá chính xác, thấy được những nét chung và riêng ở người lính qua hai thời kì kháng chiến. Gợi ý:
Mở bài. Dẫn dắt và giới thiệu đối tượng nghị luận:
– Văn học 1945 – 1975 tập trung viết về ba đối tượng chính: công, nông, binh. Vì vậy, đề tài viết về người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ là đề tài thu hút nhiều bút lực. Bởi đó là những con người anh hùng sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
– Biết bao nhà thơ đã viết về họ, trong đó có nhà thơ Chính Hữu với tác phẩm: Đồng Chí, Phạm Tiến Duật với Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Đây là những thi phẩm xuất sắc viết về người lính trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Thân bài. Cần đạt được các ý chính sau:
* Nét chung của người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ qua hai bài thơ Đồng chí và Bài thơ tiểu đội xe không kính, đó là lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để chiến đấu, chiến thắng; sống lạc quan, yêu đời, đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, đồng cam cộng khổ, sẻ chia buồn vui trong đời sống chiến đấu.
* Nét riêng
– Tuy nhiên, mỗi bài thơ hình tượng người lính lại được khai thác ở những nét riêng:
+ Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, hình tượng người lính xuất thân từ nông dân. Những con người nghèo khổ từ những vùng quê nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, đầu trần, chân đất bước vào đời lính. Cuộc sống kháng chiến đầy khó khăn gian khổ: đói rét, bệnh tật, đầu không mũ, chân không giày, áo vá, quần rách, đứng chờ giặc trong rừng hoang sương muối… nhưng tinh thần vẫn kiên định, vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu và chiến thắng bởi có tình đồng chí đồng đội “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhất là những năm đầu kháng chiến, cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ nên đời sống vật chất, tinh thần của người lính cũng quy định bản chất anh bộ đội cụ Hồ: hiền lành, chất phác, giản dị, chân thật, dũng cảm, kiên cường, luôn mang trong trái tim mình tình yêu đất nước và tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
+ Trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hình tượng người lính đi vào cuộc chiến đấu đã có bước phát triển vượt bậc về đời sống cơ sở vật chất và tinh thần so với đời sống của người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu ở bài thơ Đồng chí nói về người lính bộ binh ở Điện Biên Phủ thì Bài thơ về tiểu đội xe không kính lại nói về người lính thuộc binh chủng lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mĩ. Họ không còn áo rách vai, quần vài mảnh vá, chân không giày, nhưng họ lại gặp những khó khăn khác: bom giặc đã hủy diệt sự sống, phá hủy những chiếc xe – phương tiện vận tải của họ, biến những chiếc xe trở nên kì dị: không kính, không đèn, thùng xe xướt xát. song bất chất hiểm nguy, xe và người vẫn ung dung, hiên ngang ngày đêm lao ra chiến trường đánh Mĩ. Ở họ luôn phơi phới một tinh thần lạc quan cách mạng, trẻ trung, yêu đời, dũng cảm, kiên định rất phù hợp với chất lính lái xe Trường Sơn. Thế hệ của họ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, “Đi chiến trường như chyả hội mùa xuân”, “Mưa bom bão đạn lòng thanh thản”. Họ rất tự hào là thế hệ trẻ Việt Nam trong thời điểm lịch sử quyết liệt nhất, đối mặt với kẻ thù mạnh nhất thế giới, vũ khí tối tân nhất thế giới, khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên cường, bất khuất của một dân tộc anh hùng.
Kết bài. Nâng cao, mở rộng vấn đề
Đã đi qua hơn nửa thế kỉ, nhưng những bài thơ viết về đề tài chiến tranh – người lính vẫn mãi mãi khắc sâu trong tâm hồn người Việt Nam về hình tượng người lính bất tử. Hình tượng ấy ở cuộc chiến tranh nào cũng đều bi tráng, hào hùng lãng mạn. Vẻ đẹp ấy không chỉ có riêng trong Đồng chí của Chính Hữu, ở người lính lái xe của Phạm Tiến Duật, mà còn là tinh thần, vẻ đẹp chung của hình tượng người lính trong suốt hai cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
-dehoctot.edu.vn-